Quy Nhơn những ngày tháng cũ

TVN

0 501

Quy Nhơn trước 1945

Quy Nhơn ngày đó phố xá còn rải rác sơ sài. Con đường chính là đường Gia Long chạy dọc suốt chiều dài của thành phố. Chạy song song với đường Gia Long là đường Jules Ferry và Bolevard O’ denhal. Đại lộ O’ denhal có đặc điểm đặc biệt là chạy rất thẳng. chạy xuống biển. Đường rộng, giữa mặt đường dựng một hàng trụ điện cao, kiến trúc theo kiểu các thành phố lớn bên Pháp, nghĩa là trụ điện tỏa ra hai nhánh mang hai ngọn đèn chiếu xuống hai nửa mặt đường .

Đại lộ chạy trước trường Collège nên ngày nào chúng tôi cũng có dịp nhìn xuốt chiều dài của nó, một cái nhìn đem lại sự man mác nơi tâm hồn. Là bởi con đường như dẫn chạy mút tới chân trời, nơi đó một biến tiếp giáp cùng mây, cùng bầu trời mêng mông trong vắt. Hai bên đại lộ ngoài trường Collège và biệt thự của ông hiệu trưởng còn chỉ có vài biệt thự của người Pháp, hảng buôn Poinsard et Veyret rồi tiếp tới là sân ten- nít và bên tay mặt là động cát mêng mông.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm thăm Quy Nhơn

Con đường chạy ngang quan trọng hơn hết của thành phố là con đường Khải Định. Một con đường khác chạy vòng theo bãi bể .

Mọi tiệm buôn đều tập trung trên đường Gia Long, trên một quãng dài độ ba trăm thước bắt đầu từ bến xe hơi và kết thúc ở ngã tư Gia Long – Khải Định. Đa số các tiệm là của người Trung Hoa. Họ buôn sỉ bán lẻ, từ hàng đồ sắt sầm uất đến hàng chạp-phô ngổn ngang những nhang, những đèn, những trà, những bún ….Các tiệm ăn lớn cũng do họ đứng chủ trương. Rải rác mới có một cửa hàng tạp hoá của đồng bào Bắc Việt chen vào .

Đường Khải Định có một đoạn san sát những tiệm chụp hình và may âu phục. Rõ ràng là những phố cũ được kiến trúc theo nhịp tiến triển của nhu cầu đời sống. Nhu cầu trước mắt của những thị dân tụ tập đầu tiên ăn, mặc, xây, cất nhà ở . Các cửa tiệm lo các dịch vụ đó được dựng truớc, xúm xít ở trung tâm thị trấn. Phong trào mặc âu phục và chụp hình mới đẻ ra sau nên các cửa tiệm chịu khó dựng lên ở các con đường tân tạo. Tiêm nhiễm những quan niệm mỹ thuật mới và kỷ thuật quảng cáo, những cửa tiệm này dầu nhỏ dẫu thấp nhưng tô điểm loè loẹt nhiều màu, bắt đèn sáng rực trong đêm .

Trên đường Khải Định có một tiệm Trung hoa buôn bán khá đặt biệt : tiệm KE TONG, đó là một tiệm thực phẩm hạng sang, bán toàn thực phẩm ngoại quốc nhập cảng như bơ, phô-mát, thịt Jambon, đồ hộp, trái táo, trái nho, khoai tây… Các bà Đầm, các người bồi bếp Pháp choàng tạp dề và đôi bonnet trắng, đáng lẽ bộ “đồng phục” này dùng mặc ở trong bếp, nhưng vì nó sạch quá trắng quá nên họ nghĩ có thể mặc đi phố mua hàng cũng được, ra vào chọn hàng tấp nập. Bên cạnh những thực phẩm, hiệu này bán luôn cả tạp chí ở Pháp gửi sang như Confidences, Vu và Lu, Filmcomplet… Có một tiệm chuyên môn bán sách Pháp là tiệm của ông Bùi văn Tròn. Với túi tiền nhẹ, chúng tôi thường chỉ lựa mua được loại Meilleursv livres in chữ nhỏ, giấy xấu, giá đâu 7,8 xu gì đó, loại Hachette, loại Selection giá 2 cắc .

Đường Gia Long ở đoạn dưới là trường tư thục Gagelin, nhà thờ, toà giám mục, rạp chiếu bóng Morin-Frères, sân túc cầu . Từ sân túc cầu đến bãi biển là công sở và dinh thự của công chức người Pháp như Toà sứ, Toà kho bạc, Sở lục bộ … Khu này đường sá thẳng và sạch, có nhiều cây cao đan dày bóng mát trên từng cao. Ít khi có dịp chúng tôi được bước chân đến. Một lần, không biết do duyên cớ nào mà tôi đã một mình đếm bước trên một con đường vắng vẻ đó. Sự im lặng to tát choàng ngộp lấy tôi. Đi một đoạn đường thấy thích, đi thêm một hồi thấy buồn, đi đến con đường thì thấy rờn rợn. Màu xanh lặp lại trở nên man rợ, những hàng rào xi-măng dựng san sát đều đặn và thẳng tắp như theo dõi bước chân. Có lúc tưởng như từ một khoảng xanh nào đó có một cánh tay dài vươn ra chụp lấy mình níu mình lại .

Một con đường khác chạy từ làng Xuân Quang, cắt đôi xã Cẩm Thượng bị bẹt rộng ra trước mặt nhà ga Qui Nhơn rồi cụng vào đại lộ O’denhal. Trên con đường này, mổi buổi sáng đàn bà đi chợ gồng gánh rau trái, nối đuôi thành hàng.

Hai bên nhà ga có hai bồn hoa được chăm sóc chu đáo. Cỏ xanh xén thẳng, lối đi sạch sẻ, bốn băng ngồi bằng xi măng sắp đối diện nhau. Kề hai bên bồn hoa là hai biệt thự có lầu, kiến trúc theo lối biệt thự bên Pháp, dành cho nhân viên hoả xa .
… … … … …
Trích Hồi ký của nhà văn Võ Hồng

Leave A Reply

Your email address will not be published.