Du xuân Tà Cú ghé Linh Sơn Trường Thọ

Phan Chính

0 178

Đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống xã hội khi nhiều người chọn thú chơi xuân là đi lễ chùa, thể hiện cầu mong điều may mắn, an lành. Trong những điểm đến ở địa phương có sức hấp dẫn nhất là chùa núi Tà Cú ở huyện Hàm Thuận Nam. Bởi đây là ngôi chùa có lịch sử tồn tại trên 140 năm với nhiều công trình kiến trúc cổ kính giữa khung cảnh thiên nhiên rừng núi hoang sơ và huyền bí. Ngày trước, khi chưa có hệ thống cáp treo, khách hành hương đi lễ chùa bằng đường bộ dài gần 2000m, nhiều đoạn dốc đá chênh vênh, ngoằn nghèo. Nhưng có điều thú vị là bên lối đi chằng chịt cây xanh, nghe tiếng nước chảy từ khe đá và tiếng chim hót véo von. Từ năm 2007, công ty cổ phần du lịch cáp treo Tà Cú đầu tư tuyến cáp treo 25 cabin với công nghệ hiện đại, chỉ trong 10 phút khách sẽ có cảm giác vừa bồng bềnh cùng mây núi, vừa ngắm nhìn rừng cây nguyên sinh của lưng núi và bạt ngàn vườn thanh long lượn mình theo đường quốc lộ 1A.

Núi Tà Cú là một địa danh gắn liền với di tích lịch sử văn hóa chùa Linh Sơn Trường Thọ, được nhà sư Hữu Đức khai sơn, lập tịnh thất tọa thiền vào năm 1872. Buổi đầu nhà sư chọn một hang đá sâu thẳm nằm cạnh gốc cây đại thụ. Dần dần có nhiều đệ tử phát nguyện tu tịnh cùng xây dựng ngôi chùa giữa cảnh thâm sơn cùng cốc này.. Nhiều câu chuyện truyền tụng ly kỳ về nhà sư Hữu Đức với sự nhiệm mầu của trí huệ đại hùng đã thu phục được bạch hổ luôn theo phủ phục bên tổ. Năm Tự Đức thứ 33 (1880), Hoàng thái hậu Từ Dũ lâm trọng bệnh, mắt mù lòa nhưng các ngự y tài giỏi đều bó tay. Nhà vua nghe tiếng đồn xa về danh đức, pháp thuật của tổ nên hạ chiếu sai sứ rước tổ về triều chữa bệnh cho Hoàng thái hậu. Vì đã nguyện không bao giờ xuống núi để tập trung tu tịnh mà chỉ trao cho sứ thần các chú chuẩn đề và thảo dược. Quả là linh nghiệm, Hoàng thái hậu vượt qua căn bệnh hiểm nghèo, điều mà không ai tưởng đến. Vua Tự Đức tỏ lòng thán phục tổ và ân đức ban sắc phong bốn chữ “Linh Sơn Trường Thọ” cho nơi tổ sáng lập và tu tập.

Chùa Linh Sơn Trường Thọ nằm lưng chừng sườn núi Tà Cú ở độ cao khoảng 460m quay về hướng biển Đông. Tại đây có thể nhìn thấy rõ đảo nhỏ Hòn Bà (thị xã La Gi) trên làn sóng xanh mênh mông. Cảnh quan chùa gồm hai cụm kiến trúc, chùa trên gọi là Chùa Tổ và chùa dưới là chùa Long Đoàn, xây sau khi tổ Hữu Đức viên tịch (1887). Các công trình kiến trúc có giá trị di tích như Song lâm thị tịch, Tam thế Phật, Tháp mộ, Miếu thờ, Ao thất bảo, Tổ đình…dù được xây dựng, trùng tu qua nhiều thời kỳ nhưng vẫn giữ nét đặc trưng lối kiến trúc truyền thống Phật giáo. Chùa núi Tà Cú càng nổi tiếng hơn với pho tượng Thích Ca nhập Niết bàn trong tư thế nằm nghiêng, đầu gối lên tay, lưng tựa vào núi cao 7m và dài 49m. Có thể coi đây là pho tượng có kích thước lớn nhất Đông Nam Á và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Được biết, quá trình hình thành pho tượng này phải nhắc đến kiến trúc sư Trương Đình Ý đã phát nguyện cống hiến công sức và trí tuệ của mình suốt 4 năm trời để hoàn thành vào năm 1966. Dưới chân tượng Phật nằm, ven bãi đá hoa cương ngổn ngang có một hang đá sâu thăm thẳm, cửa hang hẹp chỉ vừa đủ một người len vào. Nhưng càng vào trong có tảng đá bằng phẳng làm bàn thờ Phật chập chờn ánh sáng lung linh. Buổi khai sơn, tổ sư Hữu Đức đã chọn nơi này để tịnh thất tọa thiền nên có tên là Hang Tổ.

Tượng Phật nằm tại Tà Cú

Khi mới lần đầu đặt chân đến đây trong cái không khí lành lạnh tưởng chừng đang đứng dưới trời Đà Lạt, nhìn thấy từng đám mây bay lững lờ rồi vương víu lên vách núi, cây rừng và vang vọng tiếng chuông chùa ngân nga mới thấy được điều kỳ diệu của thiên nhiên. Vào xuân, mai vàng rực nở, e ấp bên những tảng đá, khe suối và đây đó các loài hoa thạch lan, ngọc điểm, thủy tiên, dã hạc…thơm ngát một góc rừng. Khách thập phương đến đây chiêm bái Phật vừa bất ngờ trước những công trình kiến trúc mang đậm giá trị văn hóa tâm linh vừa đắm mình trong cõi trầm lắng của thiên nhiên như gác bỏ hết những phiền muộn đời thường.

Nguồn VCV

Leave A Reply

Your email address will not be published.