Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

AnTiêm- Mai Lý Cang

0 143

Duy trì bản sắc văn hóa dân tộc nơi bản địa hiện nay là một mối ưu tư hết sức lớn lao đối với hầu hết mọi thành viên kiều bào trong tập thể cộng đồng người Việt Nam (VN) ở nước ngoài. Đây là một tiền đề ý thức bổn phận dành cho các bậc làm cha mẹ, phụ huynh trong từng mỗi gia đình từ lâu có tinh thần trách nhiệm, là phải luôn luôn quyết tâm cố gắng làm sao nuôi dưỡng được tấm thẻ căn cước ông bà. Và tìm cách duy trì ngọn lửa văn hóa mang tính biểu tượng hồn thiêng của dân tộc trong một môi trường xã hội đa văn hóa, đa ngôn ngữ, mà giờ đây khi mình đang sinh sống giao lưu, hoà hợp vào cùng với những thành phần sắc dân khác ở tại các xứ người.

Đó chính là phương sách giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ.

Tuy nhiên, đi thực tế thì do từ hoàn cảnh khó khăn tạo ra bao điều trở ngại làm cho phần đông gia đình người ta không còn có được những thì giờ, để gần gũi nhiều hơn với con em trong vấn đề giáo dục trẻ thơ dưới mái gia đình. Hơn thế nữa, các thiếu nhi một khi đã bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa học đường, thì chúng lại càng ít có dịp để cần sử dụng đến tiếng nói của ông bà. Chính vì vậy, mà những tụ điểm trình diễn văn nghệ, chùa chiền, nhà thờ hay như những trung tâm sinh hoạt văn hóa đạy tiếng Việt của cộng đồng mới được thành lập về sau nầy chính là cơ sở học đường để thay thế bậc cha mẹ, phụ huynh cộng đồng giúp cho con em kiều bào có phương tiện mở mang, học hỏi. Và cho đến hôm nay, thì đã có con số không nhỏ các con em trong cộng đồng đã biết nói và viết rành rẽ về ngôn ngữ Việt. Ngoài ra, trong số các con em khi lớn lên thì cũng đã có kẻ tiếp tục dấn thân vào công tác thiện nguyện phụ trách dạy chữ VN cho các thế hệ mới sau nầy.

Mặc dù đó là một điểm son thành công cần đáng được khuyến khích, nhưng ngược lại cũng có những thành phần kiều bào không mấy đặc biệt lưu tâm với quan niệm cho rằng các con em trong cộng đồng chỉ cần làu thông tiếng nói bản địa, thì sẽ dễ dàng khai thông giải quyết được hầu hết cả mọi vấn đề. Do vậy, họ mặc nhiên chưa kịp nhìn vào chiều sâu trong toàn cảnh sắc màu của một bức tranh xã hội ở tại các xứ người, mà tiếng nói của người Việt chúng ta từ thời gian qua cũng đã có công góp phần làm phong phú thêm cho nền văn hóa đa dạng của người dân bản địa. Vả lại, theo quan điểm của các chuyên gia nghiên cứu về ngôn ngữ hiện nay, thì một trẻ em mới nhập cư vào nước ngoài mà trước đó đã có trình độ cao về tiếng mẹ, thì sẽ dễ dàng lĩnh hội và phát triển sự học hỏi tiếng bản địa được mau hơn.

Hơn thế nữa, kể từ năm 2019 thì ảnh hưởng ngôn ngữ của dân tộc Việt cũng được nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu quan tâm và đưa vào các chương trình nghiên cứu văn hóa ở vùng Đông-Nam-Á. Và đặc biệt, là lần đầu tiên kể từ khi hai quốc gia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao song phương, thì qua thông báo của Đại-sứ quán Hoa-Kỳ ở tại VN có đăng tuyển dụng ứng viên xuất sắc cho chương trình Fulbright Trợ giảng Tiếng VN tại Hoa-Kỳ ((FLTA). Cùng với phần hành trách nhiệm kèm theo, là tham gia trợ giảng và củng cố cách thức dạy ngôn ngữ tiếng Việt cho sinh viên HK tại các trường đại học và cao đẳng Hoa-Kỳ.

Và bây giờ, trở lại ý thức của kiều bào trong công cuộc giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ, là ngoài phương thức hiện hành thì người ta cần phải tỉnh táo mạnh dạn hơn để có một quan niệm khai phóng về tình thương con trẻ. Thử đặt vấn đề của những đứa trẻ sinh trưởng nơi hải ngoại, sau nầy khi chúng nó lớn lên chững chạc thành nhân và hoàn toàn bị đồng hóa tâm hồn vào cá tính của người dân bản địa. Nhưng, rồi làm sao trong suốt giai đoạn của cả một đời người, mà tâm hồn của chúng có thể tránh được những phút giây dao động, ngẹn ngào trước đầu óc hủ lậu, cực đoan quá khích của những thành phần địa phương bản địa, vốn có tinh thần bài ngoại chủ trương kỳ thị chủng tộc.

Lúc đó, thì chắc chắn tâm hồn của chúng sẽ được an ủi nhiều hơn nếu một khi chúng đã có sẵn một số vốn liếng đầu tư vào tinh thần của văn hóa ngôn ngữ Việt, để hiểu rõ ra được rằng mình là người gốc Việt, để bằng lòng với số phận của chính mình. Bởi vậy, cho nên mỗi khi nói đến bản sắc của tập thể cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài, mà thiếu sót không đề cập đến những mối ưu tư cho nền văn hóa dân tộc nếu không may bị lâm vào tình trạng võ vàng, heo hắt ở trên xứ người, thì quả đó là một thái độ trốn chạy, mất đức tính can đảm để đối đầu với mọi tình huống.

Do đó, để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và gieo mầm đạo lý giống nòi – bằng cách giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ dạy cho con em am hiểu nhiều về ngôn ngữ Việt – vào tận trong tâm hồn của những thành phần thế hệ trẻ sinh trưởng ở nước ngoài, thì tưởng không có gì ý nghĩa hơn là chúng ta xin mạn phép thắp hương tưởng niệm hương hồn của một ông Đồ dân tộc, để trân trọng mượn lại ý tình của mấy vần thơ rành rành tâm huyết:

Thà đui mà giữ đạo nhà
Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ
(Lục Vân Tiên)

để gián tiếp ân cần, nhắn nhủ những đứa con em đang có được nhiều may mắn thụ hưởng một cuộc đời đầy sung mãn phú quý vinh hoa: – Là hãy đừng quên đi cái tinh thần khí tiết hào hùng “Thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vương đất Bắc’’ của Trần-Bình-Trọng, tác giả lừng danh của một tác phẩm không thành, đã từng có thái độ can cường không chấp nhận cúi đầu mài miệt cuộc đời nô lệ tha thương, khiếp nhược của phường túi cơm giá áo. Lần lần sẽ bị ít khi có dịp, để sử dụng đến tiếng nói mẹ đẻ ở nước ngoài mà rồi phải vô tình đánh rơi bản sắc văn hóa dân tộc của mình.

Phải thấu hiểu được trọn vẹn mọi sự khó khăn trong nhu cầu đề kháng để giữ gìn bản sắc dân tộc bằng cách giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ ở xứ người, thì tới chừng đó người ta mới có thể ngồi lại cùng nhau hầu tìm phương hóa giải. Và người ta nói đi, nói lại mãi vấn đề chính yếu cũng chỉ là chuyện làm sao, để mà có thể gây được ý thức tâm hồn biết yêu tiếng mẹ Việt-Nam cho hàng thế hệ con em kể từ khi chúng mới ra đời.

Và sau đó lần lớn lên mở mắt nhìn, nghe quen tiếng nói, giọng ru của cha mẹ có sức hút truyền cảm như là một bản nhạc êm tai, không thể thiếu vắng trong mỗi khi có dịp sống lại kỷ niệm tình thân thương liên hệ giữa gia đình. Nào những lúc ốm đau la khóc, nhiều cơn ác mộng thình lình đều được mẹ cha ân cần săn sóc, âu yếm vỗ về bằng những âm thanh ngọt ngào tiếng mẹ xuất phát ra từ ở con tim của đấng sinh thành. Nào khoảnh khắc thời gian có tiếng nói đặc trưng ngàn năm của dân tộc được dịp cất lên, nhất là khi cùng nhau sinh hoạt vui đùa hoà quyện vào trong tiếng cười ròn rã hồn nhiên của trẻ thơ…Hãy gợi lại cho chúng biết thêm về nhiều kỷ niệm ràng buộc trữ tình khó quên, và quý báu nhất của cuộc đời người ta khi còn thơ ấu nếu được sinh sống ở từ trong lòng đất quê hương của quê cha đất tổ.

Thêm vào đó, lấy thí dụ như hiện nay phương tiện vật chất đi về thăm quê hương đối với hầu hết mọi thành phần trong cộng đồng người VN ở nước ngoài tương đối không còn được coi như là một trở ngại chính yếu. Vậy thì, thay vì theo thói quen để cho con em đi nghỉ hè hằng năm tốn kém cũng nhiều. Còn bây giờ, thì chúng có thể thu xếp chương trình lại, để tìm dịp về thăm quê cha mẹ, nói năng tiếng Việt khi kính viếng thân tình bà con trong làng mạc, phố phường, tham quan các thắng cảnh quê hương. Và nhất là, về hình ảnh của các di tích cơ sở văn hóa cung đình tư tưởng của tiền nhân ít nhất cũng một vài lần. Mục đích đó là nhằm để cho chúng tìm cơ hội mục kích với cái nhìn cụ thể mà sẽ có được những nhận thức với lối suy tư khoa học thời đại, và thận trọng đánh giá đứng đắn rõ ràng về màu sắc của đất nước tổ tiên.

Hơn thế nữa, nếu cần chúng cũng phải còn dành thêm rất nhiều thì giờ để nghiên cứu, đào sâu các công trình sử liệu về nguồn cội giống nòi trải qua những chứng tích cổ xưa của bao triều tiên đế từng đã làm vẻ vang niềm tự hào tinh thần dân tộc.

Đó là nguồn gốc tổ tiên qua chứng tích của những thời kỳ thời vàng son rạng rỡ như nền văn minh cổ đại trống đồng Đông-Sơn, Ngọc-Lũ, nền văn hóa Luy-Lâu, cung điện dưới lòng đất Hoa-Lư. Cùng với di tích hình hài hàng ngàn cổ vật thành Thăng-Long, ngôi chùa Một Cột, xác ướp của các vị Thiền-sư v.v. Đây vốn là những báu vật thiêng liêng của dân tộc, là di sản chung của giống nòi đã trải qua bao lớp sóng phế hưng của đất nước nhưng may mắn vẫn còn được bảo toànphần nào di tích. Chúng ta cảm thấy có bổn phận, phải khuyến khích con em mình tiếp tục cuộc hành hương đến tận con đường khai phá đi sâu vào miền đất cổ Phù-Nam (Funan), nơi giang sơn của những cánh đồng lúa chín vàng và cây xanh trái ngọt.

Nhưng cảm động hơn, thì có lẽ lại là giây phút mà các con em mình sẽ được dịp làm nhân chứng khi chúng nhìn thấy tận mắt cuồn cuộn lớp đất phù sa bị cuốn phăng lẫn trong dòng sóng nước, và cùng nhấp nhô theo với cánh buồm trôi ra ở cửa biển Đông, để bồi đắp thêm cho mũi Cà-Mau tiếp tục kéo dài. Để cho người ta còn có dịp từng ví hình thù địa dư nước Việt trông giống như là hình ảnh của một con tằm lợi ích, xinh đẹp đang uyển chuyển hình hài nằm bám mình vào lục địa Á-Châu.

Trong khi hoàn cảnh của một số con em kiều bào từ trước đến nay chưa bao giờ về thăm viếng quê hương để có dịp thân thương thốt lên bằng những âm thanh mẹ đẻ, để có dịp nhìn thấy được tận mắt những vẻ gấm vóc bồng lai của thiên nhiên như nào là vịnh Hạ-Long, vườn quốc gia Phong-Nha&Kẻ-Bàng, hang động Sơn-Đoòng hay những kỳ quan tương tợ.

Còn trong khi đó, thì bạn bè bản địa của chúng đã có người từng đặt gót chân du hành đến tận Việt-Nam để tìm hiểu về cá tính lịch sử của dân tộc nước nhà. Họ đã tỏ ra có cảm tình và mến mộ ý chí quật cường trước hình ảnh của một dân tộc bé nhỏ, mà đã nhiều lần tỏ ra có tinh thần dũng cảm, quyết đấu hi sinh, và hiên ngang thắng giặc mạnh hơn gấp cả bội phần. Một dân tộc hiếu hòa có đức tính chịu đựng gian nan, bền bỉ, có tinh thần cao cả, bao dung luôn luôn bao giờ cũng không quên lời huấn dạy của bậc thánh hiền mà đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo.

Họ theo vết chân xưa của người da trắng từ vịnh Hạ-Long đi vào phố cổ Hội-An (Faifo), tìm đến cố đô Đồ-Bàn (Fochê) của dân tộc Chiêm-Thành và lần xuống dải đất phương Nam. Họ đi từ thành quách Cổ-Loa điêu tàn đến tận miền đất có dấu vết đô thị Óc-Eo, xuyên qua hai châu Ô-Rí vào thăm thánh địa Mỹ-Sơn, rồi tiếp tục hành trình xuống tận Phan-Rang để sờ lên những ngọn tháp Chàm rêu phong còn tồn tại hình hài.

Như vậy, là thế hệ tương lai đã có mang dòng máu Việt-Nam ở trong mình, thì các con em kiều bào của chúng ta cần phải được học hỏi hiểu biết thêm nhiều hơn nữa. Do vậy, nếu lịch sử của các dân tộc xưa nay là sự tiếp nối của một chuỗi thời khắc không gian vô tận kéo dài, thì những di sản điêu tàn đều là các vết tích tượng trưng cho những thời kỳ văn minh của nền văn hóa đa dạng trong màu sắc trộn pha bản sắc của những sắc dân đã từng có dịp sống chung nhau trên dải đất có hình cong chữ “S’’. Tính chất liên hệ đó, là do bởi nguyên nhân của yếu tố căn bản địa dư ràng buộc. Và chính những khái niệm nầy sẽ là cơ hội để cho thế hệ trẻ sau nầy lớn lên nhìn vào, mà có những suy tư nghiêm túc về trường hợp hội nhập văn hóa của cha anh mình vào trong lòng đất khách tha phương.

Trong quan niệm nầy chúng ta cần phải sáng suốt và tỉnh táo với một tinh thần nhận thức cao, để gạt bỏ ra tất cả mọi định kiến sai lầm với cái nhìn phi dân tộc. Chúng ta phải thực tế khách quan thừa nhận rằng là tài năng bộ óc của thế hệ trẻ hôm nay chắc chắn bao giờ cũng tự do, phóng khoáng và có nhiều cơ hội để nghiên cứu học hỏi mở mang, với tinh thần thông minh mẫn tiệp hơn hẳn thế hệ của chúng ta. Chúng sẽ hiểu được hoàn cảnh quá trình lịch sử cận đại hỗn mang, cũng như khi nhìn thấy được thực trạng xã hội đương thời, và chúng sẽ có những suy tư đúng đắn, và ý nghĩ chắt lọc vô cùng quý báu.

Chính nhờ có sự nhận thức gắn liền ảnh hưởng sâu đậm vào dòng sinh mệnh của dân tộc thời đại ngày nay, mà tâm hồn của chúng sẽ được dịp khai phóng, tự tin dễ dàng tìm ra lối thoát ở bên ngoài. Để chờ khi tiện dịp, thì chúng sẽ cố gắng thiết tha dấn thân nhập cuộc tìm bằng mọi cách để quảng bá tinh hoa nòi giống. Cũng như, để duy trì những bộ phận hô hấp vốn là nguồn cội văn minh, văn hóa của ông bà, và chúng cũng sẽ thay nhau gánh lấy phần hành trách nhiệm nuôi dưỡng các công trình phúc lợi mang tính giữ gìn tinh thần bản sắc của dân tộc ở tại xứ người.

Bằng ngược lại, nếu vì nghịch cảnh thời gian trói buộc kéo dài, thì sẽ bị hoàn cảnh vô tình làm kềm hãm cả phương cách tư duy phiến diện. Lúc đó, lại e rằng nếu ngày nào mà chúng không thể am tường được về sự thật của tình trạng xã hội đương thời, thì sau nầy, cho dù chúng có tấm lòng son sắt tốt đẹp, thiết tha đối với quê hương bao nhiêu chăng nữa, thì chúng cũng sẽ không sao có thể, có những ý kiến đóng góp thích hợp cụ thể được.

Và như vậy, chúng sẽ không thể được gọi là những thành phần trí thức có tâm, có tầm nhìn dân tộc. Lại càng không phải là những chuyên gia vững tay nghề, sành tâm lý, nếu một mai kia chúng có ý nghĩ ước muốn trở về phục vụ trên quê cha đất tổ của mình, để có dịp được sử dụng tiếng nói mẹ đẻ trong bất cứ những hoàn cảnh thích hợp nào. Lý do, là vì chúng không thể có được những khả năng tích lũy được tôi luyện về nhu cầu tâm lý, về phương diện cần và đủ để chẩn mạch con bệnh, và đáp ứng hữu hiệu mọi sự đòi hỏi của nhu cầu. Như thế, mọi hi sinh đóng góp thiếu sự chuẩn bị tinh thần đó, nếu có chăng, thì cũng sẽ trở thành thứ yếu và có giá trị khiêm nhường.

Còn khi chúng có được mọi sự hiểu biết nhiều hơn về màu sắc quê hương nhờ làu thông nhận thức bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, thì trong ý thức mới của chúng lại càng phải được coi như là cần thiết, giống y như là tình trạng hóa thân của động vật phải có, để kịp thời thích ứng với môi sinh tự nhiên. Và cũng để chuẩn bị cho thời gian thích hợp sẵn sàng trong tư thế chủ động tinh thần, phất cờ tiên phuông khi dấn thân nhập cuộc vào trong các công trình phúc lợi xã hội cộng đồng người VN ở nước ngoài.

Mặc dù có những ngày mai sẽ không bao giờ đến, nhưng người ta cũng đừng quên rằng có những ước mơ đã trở thành sự thật. Tấm gương người Do-Thái thuở ngàn năm (trước năm 1948) tha phương cầu thực ở khắp nơi trên thế giới, mà trong lòng lúc nào cũng muốn quay về lại cố hương để quỳ đôi chân dưới bức tường thành Than-Thở (Le Mur Des Lamentations), và ngày nay họ đã được hoàn toàn toại nguyện. Hãy nhìn xem hình ảnh của phi thuyền “Apollo 11” đã phá tan huyền thoại của vua nhà Đường du nguyệt điện ở phương Đông, thì phải hiểu rằng giấc mơ bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc bằng phương sách giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ của cộng đồng người Việt-Nam ở nước ngoài hôm nay có lẽ phần nào thực tế hơn nhiều. Và chắc chắn cũng sẽ được thực hiện dễ dàng hơn là cả công trình của Ngu-Công dọn núi, nếu nói theo chuyện cổ Bách-Việt hóa.

Chính những thế hệ kiều bào trẻ trung sử dụng thành thạo tiếng nói mẹ đẻ đầy nhiệt huyết bồng bột ở nước ngoài bây giờ là mầm non tươi sáng của tương lai, là ngọn hải đăng soi đường cho các phong trào du học, thương mại, canh tân đất nước về sau nữa. Và để tiếp tay cho những môi trường thuận lợi đó, thì ngay bây giờ người ta cần phải được dấy lên một cuộc cách mạng mang màu sắc yêu thương về tình tự dân tộc để tạo thành sức hút tinh thần của các con em hướng về quê cha đất tổ ở phương xa.

Tuy nhiên, nếu muốn cho cuộc cách mạng thương nhớ quê hương, yêu thương nghĩa tình dân tộc được người người hưởng ứng, thì người ta cũng không nên toan tính mọi chuyện cao xa như đội đá vá trời, chỉ làm tốn hao phương tiện quý báu khó hiếm của cộng đồng. Chỉ cần đơn giản với tấm lòng thành khẩn thiết tha, và tùy theo hoàn cảnh năng lực của mình, mà sát cánh xây dựng bản sắc cộng đồng kiều bào ngày thêm lớn mạnh. Trong quan niệm đó, ngay cả các cháu thiếu niên dù không hiểu biết nhiều về tiếng nói mẹ đẻ thì cũng phải có bổn phận cố gắng làm sao cho xứng đáng với vai trò vị trí của mình trong lịch sử cộng đồng. Bằng cách là khi ở nhà, thì phải nghe lời phụ huynh tập tành nói năng tiếng Việt, và khi đến trường thì phải chăm chỉ học hành giỏi giang làm cho bậc cha mẹ được vui lòng. Các em có sự nghiệp mai sau rạng rỡ, thì quê hương mới có thể hãnh diện mong chờ sự đóng góp tài năng ưu việt của các em.

Còn các bàn tay lao động nầy, hôm nay, nếu người ta cố gắng vượt qua được mọi sự trở ngại khó khăn thường tình xảy ra trong hoàn cảnh cuộc sống phức tạp hằng ngày. Và, cũng nếu như người ta vẫn còn tìm bằng mọi cách để sử dụng, trau dồi tiếng nói mẹ đẻ, thì tức là người ta cũng đã có công lao để giúp giữ cho thế đứng của cộng đồng được ổn định, vững chắc.

Những bậc già cả về hưu. Bây giờ, nếu hằng ngày họ đã hài hòa vào nếp sinh hoạt của cuộc sống địa phương trong khi vẫn còn tìm dịp nói tiếng VN mà không gây vào ấn tượng cho người bản địa một thành kiến cách ly nào, thì đó cũng đều là những nhịp cầu nối kết thành công của cộng đồng kiều bào của chúng ta vậy.

Một lần nữa, thử nhìn lại từ mấy chục năm qua thì người ta cũng chưa hề tìm thấy lúc nào mà sinh hoạt thân hữu cộng đồng đã có được những giai đoạn làm việc thích hợp chín muồi, để réo gọi tình tương thân giữa cả đồng hương hãy cố gắng tiếp tục duy trì bản sắc văn hóa dân tộc. Dĩ nhiên, trong nội dung hàm súc bằng những khái niệm tao nhã đó, thì mỗi thành viên đều phải tự mình tìm đến tâm sự bằng tiếng mẹ với nhau trong tinh thần cao quý thủy chung vô vị lợi, để hòa ái khiêm cung và liên hệ tốt đẹp cùng nhau.

Nhưng có phải chăng vết thương chiến tranh từ mấy chục năm qua hãy còn rỉ máu chưa lành, cho nên thế sự còn hỗn mang kéo theo nhiều nỗi phức tâm giữa dòng trật tự xã hội? Và hoàn cảnh sinh kế câu thúc của gia đình đã làm cho đầu óc của con người hôm nay đều bị loay hoay mỏi mệt, và xoay vần với nhu cầu kinh tế mà chểng mảng trong tinh thần dạy dỗ con em nói năng học hành ngôn ngữ Việt. Thêm vào đó, còn có những định kiến bất đồng về quan niệm ý thức văn hóa nhân sinh, thời sự chính trị, hạnh phúc gia đình, nếp sống xã hội v.v, khó lòng tránh khỏi xảy ra ở nơi chung chạ cộng đồng, và ngay ở chính trong gia đình của mỗi thành viên kiều bào. Vì thế cho nên, từ lâu đã có con số không ít người mệt mỏi đã từng vô tình lơ là trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa ngôn ngữ dân tộc trong bầu không khí sinh hoạt dưới mái gia đình.

Vậy thì, bây giờ làm sao có thể đi tìm một quan điểm trên cơ sở đồng thuận, để tạo thành một nhịp điệu con tim hầu trao tay nhau lần chuyền ngọn đuốc dân tộc trên lộ trình dài?

Chỉ có cách là người ta phải biết can đảm, để vứt quăng tất cả những cái gì đi ngược lại cùng cực với truyền thống văn hóa đạo đức của giống nòi. Phải biết đi tìm lại và tự mặc vào cái áo giáp tinh thần vô giá nguyên thủy của dân tộc đã bao thuở chở che, hầu để ngăn ngừa những mũi tên nguy hại hằng ngày lăm le tấn công vào phía chúng ta từ vật chất đến tâm hồn, bằng hình thức nầy sang qua trường hợp nọ như bóng ma quái vô hình. Sự hữu hiệu huyền diệu nầy chắc chắn sẽ được nhìn thấy rõ, là khi người ta biết sớm giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ trong sinh hoạt gia đình cũng như ngoài phạm vi xã hội, để hễ mỗi khi có dịp giao lưu truyền đạt tâm tư với nhau, thì nói chuyện bằng tiếng mẹ đẻ Việt-Nam.

Đồng thời, người ta cũng phải mau lẹ phục hồi, phục sinh và phục hưng những giá trị tinh hoa siêu việt của tổ tiên, đó là lễ nghĩa. Phải bắt đầu ôn lại con đường trật tự khuôn phép của đời người mà thuở nhỏ ai nấy cũng đều được học vỡ lòng qua ngõ cửa khai tâm, để tìm thấy lại những giá trị ý nghĩa tinh thần thâm thúy cổ truyền bằng tiếng nói của dân tộc. Và xem nó như là một xâu chìa khóa của cái nôi hạnh phúc gia đình mỗi khi cất lên bằng tiếng nói mẹ đẻ, là phương tiện tất yếu để khai thông mọi sự trở ngại liên hệ với nhau trong tập thể cộng đồng mình.

Trong tinh thần đó, thì những người có ý thức trách nhiệm cộng đồng cần phải chứng tỏ ra rằng mình là kẻ đi đầu trong sứ mệnh lịch sử dấn thân hoạt động hơn bao giờ hết. Chính họ phải là người ra tay nhóm lên ngọn lửa giữ hồn dân tộc bằng mọi cách diễn đạt văn chương chữ nghĩa Việt qua những quan niệm triết lý nhân sinh thủy chung của giống nòi như sự tích Trầu Cau, tương thân Bầu Bí, triết lý sống đạo nghĩa Vuông Tròn qua những biểu tượng đặc sản văn hóa ẩm thực của dân tộc nhưlà bánh Trời, bánh Đất (bánh Giầy, bánh Chưng) v .v. Và chính họ cũng phải là người cần đổ ra thêm nhiều can đảm phục thiện để học hỏi cầu tiến, để khổ công chịu đựng mọi gian nan trở ngại, để làm tấm gương tư cách của con người.

Theo ý nghĩa nầy, thì tác phong trong cuộc sống của người ta bây giờ là một đề tài thường nhật cần phải được đem ra kiểm thảo vào những khi có dịp sinh hoạt dưới bầu không khí thân mật gia đình. Bậc cha mẹ vì thương con cái mà vợ chồng càng nên nhún nhường, nhỏ nhẹ, lễ độ giữ hòa khí cho nhau khi nói bằng tiếng mẹ để làm gương cho chúng, thì đó quả là một hành động cư xử đáng được hoan nghinh, khuyến khích. Trong cộng đồng, người cao tuổi hãy cố gắng tích cực đóng góp vào vai trò khả kính thích ứng của mình, hãy khắc phục hoàn cảnh và xem nhẹ tư thế cá nhân bằng cách độ lượng, khoan dung. Hãy dùng những lời hay, ý đẹp trong tiếng nói mẹ để tỏ ra thông cảm cho từng lớp tuổi thơ, giờ đây, đã phải chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của nền giáo dục học đường ở địa phương có khác với thuở xa xưa của mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết vẫn là mối dây liên hệ thân ái trong xã hội cộng đồng giữa tình đồng bào lưu lạc. Hãy tránh không dùng tiếng nói mẹ để tỏ ra khi có thái độ sân si, ngạo mạn làm chi tấm thân bé nhỏ hèn mọn của mình giữa những đồng hương cùng chung cảnh ngộ. Ích lợi gì, khi trở mặt làm phiền bà con ruột thịt, bè bạn xa gần, mà không có mỗi một nguyên nhân chính đáng nào. Mà dù có chăng đi nữa, thì mọi động thái kèm theo bằng với những tiếng mẹ tỏ ra kém tế nhị, khiêm ái cũng sẽ làm cho người ta mất lần tư cách lúc nào không hay biết, và mãi cho đến khi kịp thời tỉnh ngộ thì đã quá muộn màng.

Hơn thế nữa, trước những bài học đích đáng mà có kẻ đã được người dân bản địa dành cho trước đó, thì người ta sẽ thấy rằng nếu thiếu tính khiêm nhường tế nhị nầy trong môi trường cọ xát hằng ngày, thì người ta chỉ có thể chuốc lấy những sự thất bại, đau khổ đắng cay. Ngược lại, mọi đức tính từ tốn, phục thiện, nhẫn nhịn thốt ra bằng những tiếng mẹ êm tai, do vậy, mà có thể giữ được một vai trò quan trọng trong yếu tố thành công trong vấn đề giao tế nhân sự giữa cộng đồng.

Chính yếu tố sử dụng tiếng nói mẹ VN cần thiết đó, từ lâu đã tạo thành một thứ chất keo buộc ràng tình dân tộc ở xứ người làm cho xuôi chèo mát mái trong những việc làm công ích, tránh đi được nhiều sự trì trệ làm lãng phí thời gian, và ảnh hưởng đến tinh thần hòa hợp, thống nhất chung hầu để dễ dàng duy trì bản sắc dân tộc. Do vậy, cho nên người ta có thể nói rằng là không gian duy trì sự sinh tồn văn hóa Việt ở nước ngoài chính là những bầu không khí sum họp dưới mái gia đình, nơi hội tụ ở các cơ sở cung đình tư tưởng tâm linh của dân tộc, nơi hội họp trình diễn phát huy các nghệ thuật truyền thống đặc trưng của nước nhà. Vì, trong tinh thần sinh hoạt cố hữu đó, thì người ta sẽ không sao có thể tránh khỏi việc phải sử dụng đến tiếng nói mẹ đẻ, dù nhiều, dù ít.

Chính vì vậy mà dù muốn, dù không thì người VN ở nước ngoài hôm nay, hơn bao giờ hết, phải cần sớm được cảnh báo nhiều hơn về sức mạnh của tiếng nói dân tộc trong mảng cộng đồng tha hương để cùng nhau cố gắng duy trì tinh thần đoàn kết tương thân lẫn nhau ở xứ lạ quê người. Để tương trợ đồng hương, mỗi khi hữu sự gặp phải khó khăn trong cuộc sống.

Điều chính yếu, là để thường xuyên tạo ra nhiều cơ hội cùng nhau gặp gỡ hàn huyên bằng tiếng nói Việt-Nam trên vòm trời xứ lạ. Bằng ngược lại, nếu không thể thể hiện ra được tinh thần đó thì e rằng tâm hồn thương nhớ quê hương của con người cũng sẽ không còn có được ý nghĩa trọn vẹn thiết tha.

Tóm lại, việc giữ gìn tiếng nói mẹ đẻ của dân tộc ở tại nước ngoài tuy không phải như là một phương trình toán học nan giải. Nhưng, nếu trong tình yêu đất nước quê hương của kiều bào mà muốn duy trì được nguyện vọng chính đáng thiết tha đó bằng một phương sách khả thi hữu hiệu, thì trước hết, phải làm sao phát huy rộng rãi phong trào bảo tồn di sản văn hóa ngôn ngữ giống nòi trong tâm hồn của từng mỗi cá nhân, gia đình, đoàn thể. Và cần phải được nhiều tinh thần thiện chí bổ sung thêm vào những ý kiến khách quan thích hợp, đóng góp nhiệt tình thiết thực để nhằm mục đích hình thành cơ sở trên căn bản đồng thuận, hầu khai thông trở ngại không thể không có, để cùng nắm tay xây dựng mái ấm nhà chung ở xứ người.

Đặc biệt hơn, là cũng để thiết tha kêu gọi tinh thần ý thức trách nhiệm liên đới của hầu hết mọi thành viên kiều bào. Hãy luôn luôn cùng nhau tích cực, để bảo vệ sự trong sáng của tiếng nói dân tộc, và sốt sắng tham dự vào các công trình phúc lợi xã hội cộng đồng tha hương của người VN ở nước ngoài * trong tương lai.

An-Tiêm MAI-LÝ-CANG- (Trích trong tác phẩm “Người Việt Nam Ở Nước Ngoài” của tác giả)

Leave A Reply

Your email address will not be published.