Lớp học không tường: Trường học thiên nhiên ở New Zealand, bùn đất quan trọng hơn môn Toán

TVN

0 266

Ashton Wilcox, 8 tuổi, chỉ vào một con nhím chết mắc kẹt trong hốc đá của một con suối ở Battle Hill, một trang trại cách thủ đô Wellington của New Zealand 45 phút về phía bắc. “Nhìn kìa, bên trong nó có gì đang chuyển động,” cháu nói với vẻ cảnh giác, và dùng chiếc bút lông kiểm tra những con giòi trong thân nhím.

Một giáo viên gần đó nhẹ nhàng khuyên Ashton không nên chạm vào con vật, sau đó giải thích rằng nhím là loài gây hại ở New Zealand và lũ giòi đang phân hủy phần còn lại của nó. Ashton quan sát thêm một lúc nữa trong nỗi kinh hoàng tò mò, trước khi quay trở lại dòng suối để tham gia cùng một nhóm trẻ em đang phấn khởi cho một đàn lươn ăn.

Trong vòng hai phút tại ngôi trường đặc biệt giữa thiên nhiên này ở Battle Hill, trang trại cách Wellington, thủ đô New Zealand không xa về phía bắc, Wilcox đã có thêm kiến thức về bảo tồn, an toàn trong thiên nhiên và vòng đời sinh vật.

Wilcox là học sinh trường thiên nhiên Bush Sprouts, một trong số ngày càng nhiều trường theo mô hình tương tự đang trở nên phổ biến ở New Zealand. Tại đây, học sinh từ 4-12 tuổi đến trang trại Battle Hill hàng tuần, dành cả ngày chơi đùa trong bùn đất, đốt lửa trại, cho lươn ăn, trồng cây và bẫy sâu bệnh.

Buổi sáng, học sinh tập trung tại một căn nhà gỗ, đưa ra những mục tiêu cho ngày mới. “Con muốn đến đầm lầy tìm tôm càng”, một học sinh 6 tuổi nói. “Con muốn ăn bánh kếp”, học sinh 9 tuổi khác thêm lời. “Còn con không muốn làm gì cả”, cậu học sinh 5 tuổi phía bên kia đáp. Mọi ý muốn đều được đáp ứng.

Các yếu tố của một lớp học truyền thống được đặt sang một bên, những tiết học này thiên về yếu tố tự học, vui chơi.

“Các lớp tập trung vào mong muốn của trẻ em”, Leo Smith, nhà sáng lập trường Bush Sprouts, nói. Bà khuyến khích trẻ thử thách bản thân trong môi trường ngoài trời, bởi tin rằng không có cơ hội trải nghiệm rủi ro thì trẻ cũng không học được cách chấp nhận các rủi ro khác trong cuộc sống.

“Nhiều gia đình gửi con đến trường này vì chúng chưa có thời gian trải nghiệm và e dè với tự nhiên, họ biết khi học ở đây, lũ trẻ sẽ có cơ hội bộc lộ bản thân”, bà Smith nói thêm.

Các trường học thiên nhiên, hay còn gọi là trường học trong rừng, đang dần phổ biến ở nhiều quốc gia, trong đó có New Zealand, Anh và Australia, lấy cảm hứng từ văn hóa ngoài thiên nhiên ở Bắc Âu. Hiện New Zealand có hơn 80 trường học tương tự trên toàn quốc, tạo một cộng đồng khoảng 2.000 nhà giáo dục.

Những người ủng hộ giáo dục gần gũi thiên nhiên tin khoảng thời gian học tập, vui chơi ngoài trời, dưới mọi điều kiện thời tiết, là một trong những cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe, tính kiên trì và khả năng sáng tạo ở trẻ nhỏ.

Các nghiên cứu cũng ủng hộ luận điểm này, khi đưa ra những bằng chứng cho thấy học sinh của các trường học thiên nhiên được nâng cao động lực, kỹ năng xã hội và cải thiện thành tích học tập.

Các nhà giáo dục như bà Smith đang đưa những kiến thức truyền thống của người Maori bản địa New Zealand vào hướng dẫn trồng trọt, bảo tồn, bảo vệ môi trường.

“Trẻ em ở nước này có quyền hiểu về hệ sinh thái nơi chúng sinh sống. Phương pháp học này có thể giúp trẻ phát triển ý thức, trách nhiệm về môi trường”, Jenny Ritchie, giáo sư giáo dục tại Đại học Victoria, Wellington, nói.

Điều này phần nào thể hiện qua phản ứng của các học sinh Bush Sprouts khi 20 cây tī kōuka (loài cây họ măng tây đặc hữu New Zealand cao đến 20 m) bị kẻ phá hoại đốn hạ gần đây. “Bọn trẻ đã khóc và quyết định trồng lại một số cây”, bà Smith kể. “Khi trồng xong thì các cây con lại bị phá hoại, nhưng bọn trẻ không nản lòng mà trồng tiếp các cây mới. Tất cả là do chúng tự giác, chúng tôi không gợi ý”.

Emma Dewson đưa hai con “đến trường” hàng tuần, với nỗ lực tái hiện tuổi thơ gần gũi với thiên nhiên của mình. Cô nhận ra trách nhiệm lớn của các con đối với môi trường trong tương lai.

“Chúng sẵn sàng đi khắp phố để nhặt rác. Chúng là những người tiếp theo chăm sóc hành tinh này”, Dewson nói.

Cậu bé Reid Payne, 6 tuổi, vùng vẫy trong đống bùn với khuôn mặt lấm lem nhưng rạng rỡ. Mẹ của Reid, Amy Toomath, nói: “Bé luôn hào hứng, phấn chấn và không thích ngồi yên, giống như quả bóng bật lại khi va vào tường, vì vậy chúng tôi dỡ bỏ những bức tường”.

Giữa lúc các bạn vui đùa trong bùn lầy, Evie-Willow và Zelia đang chơi đồ hàng, trộn những chậu thức ăn giả làm từ bùn và thực vật trước đống lửa trại. Khi được hỏi có mong chờ tiết học mỗi tuần không, cả hai đồng thanh trả lời: “Có”.

“Đây là một nơi tốt để chúng con có thể thư giãn, thoát khỏi những suy nghĩ. Thật tuyệt vời khi được vui chơi”, Evie-Willow, 10 tuổi, nói.

Theo The Guardian

Leave A Reply

Your email address will not be published.