UNICEF: tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục toàn cầu

TVN

0 186

Một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố ngày 17/1 cho thấy tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục toàn cầu khi chỉ 16% kinh phí giáo dục công dành cho 20% học sinh nghèo nhất, trong khi 28% kinh phí dành cho 20% học sinh giàu nhất.

Trong báo cáo có tiêu đề “Chuyển đổi giáo dục với tài chính công bằng,” UNICEF cho biết trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo nhất được hưởng lợi ít nhất từ quỹ giáo dục công quốc gia.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nêu rõ: “Có quá nhiều hệ thống giáo dục trên thế giới đang đầu tư ít nhất vào những trẻ em cần được giáo dục nhất.”

UNICEF cho biết khoảng cách này trở nên rõ rệt nhất ở các quốc gia có thu nhập thấp khi trẻ em thuộc các hộ gia đình giàu có nhất được hưởng lợi gấp 6 lần từ kinh phí tài trợ cho giáo dục công so với những học sinh nghèo nhất.

Ở các quốc gia có thu nhập trung bình như Côte d’Ivoire và Senegal, những học sinh giàu nhất nhận được chi tiêu giáo dục công nhiều hơn khoảng 4 lần so với những học sinh nghèo nhất.

Ở các quốc gia có thu nhập cao, những học sinh giàu nhất thường được hưởng lợi từ chi tiêu giáo dục công nhiều gấp từ 1,1 đến 1,6 lần so với những học sinh nghèo nhất, với các quốc gia như Pháp và Uruguay ở mức chênh lệch cao hơn.

UNICEF kêu gọi tài trợ công bằng để chống lại tình trạng “nghèo đói trong học tập.” Báo cáo cho thấy chỉ cần tăng một điểm phần trăm trong việc phân bổ các nguồn lực giáo dục công cho nhóm người học nghèo nhất có thể giúp 35 triệu em trong độ tuổi tiểu học thoát khỏi tình trạng nghèo học tập.

Bà Russel nêu rõ: “Đầu tư vào giáo dục cho trẻ em nghèo nhất là cách tiết kiệm chi phí nhất để đảm bảo tương lai cho trẻ em, cộng đồng và quốc gia. Tiến bộ thực sự chỉ có thể đạt được khi chúng ta đầu tư vào mọi trẻ em, ở mọi nơi.”

Báo cáo cũng cho thấy trẻ em sống trong cảnh nghèo đói ít có khả năng đến trường hơn, bỏ học sớm hơn và ít học giáo dục cao hơn – nơi nhận được chi tiêu giáo dục công cao hơn nhiều tính theo bình quân đầu người.

Báo cáo nhấn mạnh: “Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, các hệ thống giáo dục trên toàn thế giới đã khiến trẻ em thất bại phần lớn, với hàng trăm triệu học sinh đến trường nhưng không nắm được các kỹ năng đọc và làm tính cơ bản.”

Theo báo cáo, các ước tính gần đây cho thấy 2/3 trong toàn bộ trẻ 10 tuổi trên toàn thế giới không thể đọc hoặc hiểu một câu chuyện đơn giản.

Báo cáo trên của UNICEF đã xem xét chi tiêu của chính phủ từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học ở 102 quốc gia trên thế giới.

Theo Vietnam+

Leave A Reply

Your email address will not be published.