Việt Nam phối hợp khởi động “Trái tim Xanh 2022” nhằm ngăn tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ

TVN

0 513

Các tổ chức của Liên Hợp Quốc, trong đó có Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), mới đây đã phối hợp với chính phủ Úc và Việt Nam, tái khởi động chiến dịch kêu gọi người dân hành động nhằm ứng phó với tình trạng bạo lực gia tăng đối với trẻ em và phụ nữ ở Việt Nam.

Tin cho hay, chiến dịch có tên gọi “Trái tim Xanh 2022” kêu gọi sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng để tạo ra môi trường không có bạo lực trong gia đình, trường học, trong cộng đồng và trên mạng.

Theo UNICEF, cần có “thật nhiều tiếng nói cùng lên tiếng và phản đối bạo lực dưới mọi hình thức cũng như các tác động của nó” và “những tiếng nói thống nhất này phải đến từ các cá nhân, bậc cha mẹ, các thành viên trong gia đình, trẻ em và thanh thiếu niên, giáo viên, hàng xóm, lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạch định chính sách và những người có tầm ảnh hưởng đủ mạnh để tạo động lực làm thay đổi cách các tồn đọng là rào cản trong việc Việt Nam đối mặt với vấn nạn bạo lực xảy ra ở mọi tầng lớp xã hội”.

Bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, hôm 5/7 được trích lời nói rằng “chỉ khi mọi người xích lại gần nhau và lên tiếng rằng bạo lực là không thể chấp nhận được, chúng ta mới có thể khiến thứ vô hình trở nên hữu hình”.

Bà nói thêm: “Sáng kiến này kêu gọi người dân, các nhà làm luật và chính phủ lên tiếng mạnh mẽ hơn trong việc chống lại bạo lực. Chúng tôi mong muốn có thể biến sự phẫn nộ của công chúng đối với các hành vi bạo lực thành những nỗ lực mang tính xây dựng nhằm làm thay đổi cuộc sống của trẻ em và phụ nữ”.

UNICEF dẫn khảo sát Chỉ số Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam về Trẻ em và Phụ nữ năm 2020-2021 cho thấy rằng hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực. Trong số đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần, 47% bị xâm hại thể chất, 20% bị xâm hại tình dục và 29% bị bỏ bê.

Tổ chức của Liên Hợp Quốc còn dẫn một nghiên cứu khác nói rằng 21,4% trẻ em gái vị thành niên và 7,9% trẻ em trai vị thành niên cho biết bản thân đã từng có ý định tự tử, trong khi một nghiên cứu khác nữa cho hay 5,8% trẻ vị thành niên cho biết đã có ý định tự tử.

Theo Khảo sát Quốc Gia về Bạo Lực đối với Phụ Nữ ở Việt Nam của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), năm 2019, 62,9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng ít nhất một lần trở lên phải chịu các hình thức bạo lực thân thể, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát của người chồng.

Tổ chức này cho biết rằng trong xã hội Việt Nam, “bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực. Thêm vào đó, bạo lực nhằm vào phụ nữ góp phần làm thâm hụt 1,81% GDP của quốc gia”.

Các tổ chức của Liên Hợp Quốc nhận định rằng “các yếu tố nguy cơ dẫn tới bạo lực, xâm hại và bóc lột càng trở nên trầm trọng hơn do các tác động kinh tế – xã hội của đại dịch COVID-19”.

UNICEF dẫn lời bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) nói rằng “trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt quan tâm đến những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với con người”.

Tuy nhiên, theo bà Hà, tình trạng này “vẫn đang diễn ra và chúng ta chỉ có thể giải quyết được khi có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các thành viên trong xã hội, các tổ chức và các cơ quan có trách nhiệm”.

Bà được trích lời nói thêm rằng “Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các cơ quan Liên Hợp Quốc và Chính phủ Úc trong lĩnh vực này”.

“Chỉ khi cùng hợp lực, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy các giải pháp và hành động cụ thể hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, bà nói, theo UNICEF.

Các tổ chức Liên Hợp Quốc cho biết, “Trái tim Xanh” được xây dựng dựa trên Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 6 hàng năm, và trong giai đoạn đầu của chiến dịch này vào năm 2020, chiến dịch đã thu hút gần 100 triệu lượt tương tác của người dân trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số với thông điệp có sức lan tỏa từ những người có tầm ảnh hưởng.

Theo VOA

Leave A Reply

Your email address will not be published.