Theo âm lịch, ngày Tết Đoan Ngọ, tức mùng 5 tháng 5 đã sắp đến, dù hiện nay cuộc sống tất bật đã làm những hương vị cổ truyền nhạt nhòa nhưng vẫn còn nhiều người náo nức mua các loại bánh trái về cúng ông bà. Đặc biệt tại miền Nam có một thứ không thể thiếu: bánh ú tro.
Xưa, Tết mùng 5 được coi như một ngày cũng rất quan trọng trong năm, bởi lẽ không chỉ đơn giản là một ngày nắng nóng có thể giết được sâu bọ mà ngày Tết Đoan Ngọ được xem như Tết giữa năm. Dù bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa, nhưng đây cũng là phong tục truyền thống của người Việt.
So với các miền, người miền Nam đón Tết Đoan Ngọ một cách dân dã, giản dị với 2 món ăn vô cùng quen thuộc là bánh ú tro và cơm rượu.
Những chiếc bánh ú tro nhỏ nhắn với hình chóp nhọn ở trên đầu, bao bọc lớp vỏ dẻo dai bên ngoài là phần nhân đậu xanh béo bùi bên trong. Món bánh được gói gọn tỉ mỉ bằng lá tre hoặc lá chuối rồi dùng dây buộc lại.
Bánh ú tro được bày bán ở khắp các khu chợ, có nơi thì để trên mâm rồi mang đi rao bán. Cũng có nơi họ sẽ cột các bánh ú tro lại với nhau treo lên một cây cột, hay thanh sắt. Ngoài ra, bạn cũng có thể cùng với gia đình chuẩn bị nguyên liệu và tự tay làm ra những chiếc bánh ú tro ngay tại nhà mà vẫn đảm bảo được hương vị thơm ngon đặc trưng của món bánh truyền thống này.
Điểm thú vị là bên cạnh những mâm đựng bánh ú tro, bạn sẽ khó lòng mà rời mắt khỏi những hộp cơm rượu được xếp chồng lên nhau. Bên trong là những viên cơm rượu được vo tròn với màu trắng ngà cùng hương thơm nồng nàn của rượu đặc trưng.
Món cơm rượu này cũng dễ dàng tìm kiếm được tại các khu chợ hoặc siêu thị. Không những thế, bạn cũng có thể tự tay làm cơm rượu tại nhà. Tại mỗi miền món này sẽ khác nhau chút ít.Ở miền Bắc: Món cơm rượu của miền Bắc thường các hạt cơm sẽ rời rạc chứ không dính vào nhau. Ngoài ra, cơm rượu ở miền Bắc sẽ có vị rượu nồng hơn.
Ở miền Trung: Sẽ dùng gạo nếp trắng để làm, ngoài ra họ sẽ ép chặt các viên cơm rượu thành các hình khối nhỏ.
Ở miền Nam: Giống với miền Trung, người dân miền Nam họ sẽ dùng gạo nếp để nấu cơm rượu. Tuy nhiên thay vì làm thành các khối vuông thì họ sẽ vo tròn các viên cơm rượu. Biến tấu thêm một chút cho món cơm rượu, thì ở miền Nam thường sẽ cho thêm đường vào khi ăn.
Ngày nay nếu ở thành phố tất bật như Sài Gòn, gần mùng 5 bạn có thể thấy bánh ú tro và cơm rượu bày bán khắp nơi. Dừng xe mua vài xâu bánh, hộp cơm rượu rồi cùng cả nhà thưởng thức cũng giúp ta tạm quên những âu lo nhọc nhằn trong phút chốc.