Địa danh “Mỹ Tho” và tên gọi “hủ tíu”

Nguyễn Chương

0 295

“Mỹ Tho” mang nghĩa “nàng thiếu nữ da trắng”, có phải vậy không?

Thời bấy giờ chúng ta vẫn dùng văn tự là chữ Hán, chữ Nôm (chưa có chữ Quốc ngữ), địa danh này được ghi là: 美萩, đọc theo đúng âm Hán-Việt là “Mỹ Thu” (“thu” là một loại cỏ ngải), nhưng lại đọc thành “Mỹ Tho”. Thành thử hai chữ Mỹ Tho được suy đoán là biến âm, là cách ghi việc đọc trại âm từ một ngôn ngữ khác.

Theo Di cảo Trương Vĩnh Ký, người Khmer gọi xứ này là “Mi Sor”, nghĩa là xứ sở của “nàng con gái” (“mi”) mang làn da trắng (“sor”). Lưu dân người Việt đã đọc biến âm “Mi Sor” thành “Mỹ Tho”.

Tuy nhiên, “Mi” dựa theo cách đọc trong nguyên ngữ មេ của người Khmer, không chỉ mang nghĩa là “cô gái trẻ” mà còn mang những nghĩa khác nữa, là “mẹ”, là “người đứng đầu, chỉ huy”. Còn “Sor” ស nghĩa là “trắng”.

Bên Campuchia, “Mi Sor” មេ ស được thờ cúng ở nhiều nơi, đây là một biến thể của nữ thần Parvati trong Ấn Độ giáo (Hinduism). Parvati là mẹ của các nam thần lẫn nữ thần như thần voi Ganesha và thần chiến tranh Skanda. Người ta còn tin rằng Parvati được xuất sinh từ thần tuyết trắng phau Himavat. Parvati (“Mi Sor” មេ ស) là biểu tượng chiến thắng của cái thiện trước cái ác. “Mi Sor” là nữ thần Mẹ (“Bạch mẫu”).

Ngày trước, khi Mỹ Tho vẫn còn là lãnh thổ của Chân Lạp (trước khi được vua Chân Lạp dâng đất cho chúa Nguyễn), rất có thể nơi đây từng tồn tại một số đền thờ “Mi Sor”, người Việt đã đọc trại “Mi Sor” là “Mỹ Tho”. Vậy, “Mi Sor” / “Mỹ Tho” nên hiểu theo nghĩa là Nữ thần Mẹ, là Bạch mẫu.

Hủ tíu hay hủ tiếu?

Gốc là món ăn của người Hoa, viết như sau: 粿条 , đọc âm Hán Việt là “quả điều” (“quả” 粿 nghĩa là thức ăn làm bằng bột gạo, “điều” 条 nghĩa là sợi nhỏ và dài). Vậy, sao không gọi đây là món “quả điều” (theo âm Việt dựa trên chữ Hán)? Người Việt khi nói “Hủ” là phiên âm mài mại theo cách nói của người Hoa ở Chợ Lớn, ở miền Tây Nam Bộ: /wỏu/ cho chữ 粿. Còn chữ thứ nhì 条 người Hoa nói là /tìu/, phiên âm gần đúng nhất – là “tíu”.

Giải thích ở một số trang mạng cho rằng “hủ tiếu” nhưng do ngữ âm người Nam Bộ đọc /ieu/ thành /iu/ nên mới thành “hủ tíu”, kỳ thực, lại là cách suy đoán hết sức cảm tính. Từ đâu có luồng ý kiến cho rằng âm /ieu/? Là do thói quen suy nghĩ bị tác động bởi âm /ieu/ trong “điều” (âm Hán-Việt của chữ 条) nên nghĩ rằng phải viết là “tiếu” (âm /ieu/). NHƯNG chúng ta đâu dùng âm Hán-Việt (nhắc lại: nếu dùng Hán-Việt thì chúng ta đã phải gọi là “quả điều”)! Mà hoàn toàn phiên âm na ná theo cách nói của người Hoa /wỏu tỉu/ => “hủ tíu”.

Đã viết phiên âm là “Hủ” rồi, chữ thứ nhì cũng phải theo lối phiên âm này thì mới nhất quán: “tíu”, ở đây, là cách viết thích hợp nhất.

Nguyễn Chương (Theo Nam Kỳ Lục Tỉnh)

Leave A Reply

Your email address will not be published.