Hoành thánh (vằn thắn) là gì?

TVN

0 301

Hoành thánh là một món ăn rất phổ biến ở vùng Quảng Đông (Trung Quốc). Đây là món ăn có thành phần chính là nhân tôm giã được túm bằng một mảnh vỏ bánh làm bằng bột mì. Nó còn được gọi là mì vằn thắn hay mằn thắn. Có người kể rằng đây là món ăn mới có từ thời nhà Thanh, do chính vua Càn Long(1) nhà Thanh đặt tên.

Vằn thắn là đọc theo tiếng Quảng Đông của chữ 雲吞 (âm đọc: wɐn˨˩ tʰɐn˥, âm Hán Việt: vân thốn), tức là nuốt mây dựa vào ý câu thơ bạch vân thốn nguyệt (tức mây trắng uống trăng).

Vằn thắn được làm từ thịt, hải sản và rau băm nhỏ, gói lại bằng vỏ bột mì, đem hấp chín lên. Sau khi hấp, miếng vằn thắn chín, vỏ bột chín trong nhìn thấy cả nhân bên trong. Viên vằn thắn còn được gọi là sủi cảo (水餃, thủy giảo), vằn thắn nhân tôm được gọi là há cảo (hà giảo).

Trong dân gian Trung Quốc đời Thanh có lưu truyền câu chuyện sau: “Trong một lần vi hành, vua Càn Long bị lạc đường và tìm vào một quán nhỏ. Rủi thay, thức ăn lại hết, chủ quán vét vội chỉ còn ít bột mì, tôm và vài quả trứng. Ông ta liền nhanh tay nhào bột và chế biến ra một món ăn chưa có bao giờ. Vua Càn Long ăn hết sạch và cảm động mà đặt tên cho món ăn như vậy”.

Hiện hoành thánh được bán rất phổ biến ở Việt Nam, không phải chỉ có người Hoa làm ra mà cả người Việt làm cũng rất ngon, thường được bán chung trong các tiệm mì, hủ tiếu, …

—-

(1) Càn Long (乾隆) hay Càn Long Đế (乾隆帝) là niên hiệu của Thanh Cao Tông (清高宗, 25 tháng 9, 1711 – 7 tháng 2, 1799) và là Hoàng đế thứ 6 của nhà Thanh. Ông cũng là vị hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc với thời kỳ trị vì kéo dài hơn 60 năm và là thời cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự của nhà Thanh. Vào thời này, lãnh thổ nhà Thanh kéo dài đến Châu thổ sông Y Lê và Tân Cương, và lãnh thổ Trung Quốc mở rộng đến tối đa: khoảng 11.000.000 km², so với 9.000.000 km² hiện tại.

Nguồn: Sài gòn xưa

Leave A Reply

Your email address will not be published.