Quy Nhơn – Cát Vàng Biển Xanh

0 605

Tôi đến Quy Nhơn trong chuyến đi du lịch cuối năm cùng với gia đình của con trai trưởng. Đây là lần đầu tiên tôi tới thăm thành phố này, lòng tôi xôn xao bởi cảnh quan quyến rũ, lại thêm nỗi bồi hồi xúc động vì những ký ức gợi lên từ một câu chuyện xa xưa mà tôi đã ghi sâu trong tim mình từ thời thơ ấu.

Đó là câu chuyện sáu mươi năm trước, thời kỳ đất nước chia cách hai miền, ở một xóm nghèo bên chân núi trên đất Thừa Thiên, có người thiếu phụ trẻ đẹp với ba đứa con nhỏ, chồng tập kết ra Bắc không biết ngày nào trở về. Vì hoàn cảnh khó khăn, người thiếu phụ đành lòng gởi lại đứa con gái út 2 tuổi cho ông bà ngoại nuôi giúp. Riêng mình mang theo con trai đầu 6 tuổi và con gái 4 tuổi rời bỏ quê hương, thân gái dặm trường liều lĩnh đón xe đò đi vào Quy Nhơn tìm cách sinh sống nuôi con. Trải qua bao nhiêu vất vả khó nhọc, người thiếu phụ với gánh hàng bún bò ngồi bán ở bến xe đã kiên cường vượt lên số phận, từng ngày tần tảo sớm khuya, qua bốn năm tích góp được chút ít tiền của mới đưa con trở lại quê nhà ở Huế.

Về sau người thiếu phụ ấy kể lại cho tôi – là người con gái út nghe về chuyện lưu lạc năm xưa, trong lời kể hàm ơn đất Quy Nhơn rộng lòng cưu mang, nhớ tình người Quy nhơn bao dung đùm bọc. Câu chuyện để lại trong lòng tôi nhiều ấn tượng đẹp về xứ biển Quy Nhơn ấm áp hiền hoà. Sáu mươi năm sau, tôi bồi hồi tìm lại bến xe cũ ở đường Trần Hưng Đạo là nơi thuở xưa mẹ mình ngồi bán bún hàng ngày, nhưng hiện giờ chỗ đó biến thành đồn công an và một cây xăng, còn bến xe cũ đã dời ra vùng ngoại ô rồi.

Quy Nhơn ngày nay là một thành phố biển với nhiều thắng cảnh đẹp với rất nhiều khu resort cao cấp. Cầu vượt biển Thị Nại dài nhất Việt Nam nối liền Quy Nhơn với bán đảo Thanh Mai, mở ra khu kinh tế Nhơn Hội giàu mạnh trong tương lai với các dự án lọc hoá dầu. Bãi biển chính uốn cong theo vầng trăng khuyết với cát vàng thoai thoải trải dài khoảng 5 km từ mũi Tấn đến Ghềnh Ráng. Khí hậu trong lành và phong cảnh hữu tình nơi đây đã được vua Bảo Đại chọn làm nơi nghỉ mát từ năm 1927. Dưới chân Ghềnh Ráng, là bãi tắm độc đáo với vô số viên đá cuội được sóng biển mài nhẵn, dành riêng cho hoàng hậu Nam Phương nên còn gọi là bãi tắm Hoàng Hậu. Từ trên sườn đồi có thể ngắm bao quát toàn bộ phía Đông thành phố Quy Nhơn như một bức tranh thủy mặc.

Nằm trên địa bàn xã Nhơn Lý, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km, Eo Gió là một địa danh du lịch bạn nên ghé tham quan. Tên gọi Eo Gió bắt nguồn từ hình dáng địa lý của khu vực này, đứng từ trên các mỏm đá xung quanh nhìn xuống bạn sẽ thấy một eo biển nhỏ được che chắn bởi dãy núi như một vòng tay ôm gọn bãi biển tuyệt đẹp ở đây. Ngoài ra, ở đây còn có bãi Kỳ Co mang một vẻ đẹp hoang sơ mà ít người biết đến. Đây được xem là “đệ nhất thiên đường” của Nhơn Lý bởi bãi tắm Kỳ Co là bãi ngang, có diện tích hơn 1km² với bờ biển nông, lặng sóng. Bãi tắm là sự phối hợp tuyệt vời giữa nước biển trong xanh, gành đá núi kỳ vĩ và bãi cát vàng nguyên sơ. Chúng tôi còn bị hút hồn bởi vẻ đẹp còn rất hoang sơ, quyến rũ của đồi cát Phương Mai. Đi bộ trên những đồi cát có độ cao 100 m so với mực nước biển, bạn tha hồ ngắm nhìn những triền cát với vân cát uốn lượn kéo dài cả cây số, những rừng dương mới lên xanh ngát, gió từ biển thổi vào mát rượi tạo một cảm giác thật thoải mái.

Cù Lao Xanh cũng là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người đất võ. Du khách sẽ được đắm mình trong một khoảng không gian bất tận của biển trời và đảo xanh. Vào lúc hoàng hôn, bạn sẽ được ngắm khung cảnh đẹp như tranh vẽ với những chiếc thuyền con dập dềnh trên sóng biển, tìm hiểu cuộc sống dung dị của người dân làng chài trong khung cảnh yên bình. Một di tích đặc biệt là mộ Hàn Mặc Tử – nằm trên một ngọn đồi hướng ra biển mênh mông. Bắt đầu từ dốc đá hay còn gọi là dốc Mộng Cầm trong khu du lịch Ghềnh Ráng, bạn đi bộ men theo con đường đá quanh co uốn lượn, ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên thơ mộng nơi đây. Lên lưng chừng dốc, bạn sẽ nhìn thấy các bài thơ của ông được viết trên những tảng đá lớn với không gian xanh mướt cùng khuôn viên rừng dương thoáng đãng. Nhà thơ tài hoa bạc mệnh đã yên nghỉ nơi đây, ngày đêm nằm nghe gió hát rì rào như ngâm vọng những vần thơ lãng mạn của ông, nghe sóng biển cồn cào khơi động ngàn đời nỗi đau thương mà ông chất chứa trong lòng .

Tôi là người xứ Huế, nơi có thôn Vỹ Dạ đã in dấu chân Hàn Mặc Tử. Giờ đây khi đến thăm mộ thi sĩ, tôi lại nhớ tới những câu thơ rung cảm trong bài ” Đây Thôn Vỹ Dạ ” của ông :

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?

Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra…

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh

Ai biết tình ai có đậm đà?

Quy Nhơn còn nổi tiếng với truyền thống võ cổ truyền. Võ Bình Định luôn luôn gắn liền với tên đất, tên người ở đây:

Roi Kinh, Quyền Bình Định.

Roi Thuận Truyền, Quyền An Vinh.

Trai An Thái, Gái An Vinh.

hoặc

Tiếng đồn An thái, Bình Khê

Nhiều tay võ sĩ có nghề tranh heo

Nổi tiếng nhất là câu ca dao sau:

Ai về Bình định mà coi

Đàn bà cũng biết múa roi, đi quyền

Nơi đây cũng là địa danh lịch sử hấp dẫn, là cái nôi của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn gắn liền với hình tượng vĩ đại Nguyễn Huệ – Vua Quang Trung, người anh hùng áo vải có những chiến công lừng lẫy, đứng lên từ đất Tây Sơn Bình Định dẹp Chúa Nguyễn diệt Chúa Trịnh, đánh tan quân Xiêm, đại phá Quân Thanh, thống nhất non sông bờ cõi.

Tôi đã đến Quy Nhơn – lần đầu trong đời và trở về với bao niềm lưu luyến bâng khuâng.

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.