Ấn Độ: 50 năm nỗ lực bảo tồn chuyên sâu phục hồi hổ trong tự nhiên

TVN

0 151

Hôm 9/4, khi Ấn Độ kỷ niệm 50 năm nỗ lực bảo tồn chuyên sâu được gọi là “dự án hổ”, một báo cáo cho biết quần thể hổ đã tăng gần gấp đôi trong những thập kỷ kể từ đó, lên 3.167 con.

Kết quả của cuộc điều tra quần thể hổ năm 2022 cho thấy số lượng cá thể đã tăng khoảng 200 con kể từ cuộc điều tra gần đây nhất vào năm 2018.

Vào đầu những năm 1970, mọi thứ có vẻ tồi tệ đối với hổ Ấn Độ. Quần thể hổ hoang dã, ước tính hàng chục nghìn con vào thời điểm nước này giành độc lập năm 1947, đã giảm xuống còn khoảng 1.800, theo New York Times.

Số lượng hổ suy giảm cũng gây ra những hệ lụy đáng lo ngại đối với môi trường của Ấn Độ vì loài săn mồi đỉnh cao này là một phần của hệ sinh thái phức tạp nhưng mong manh. Điều này đòi hỏi một số công việc cần phải được thực hiện.

“Ấn Độ là quốc gia có nhiều hổ sinh sống nhất trên thế giới. Đây là kết quả của văn hóa bảo tồn của chúng ta và sự chung tay của mọi người”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết khi công bố kết quả điều tra số lượng hổ.

“Đây là một thành công không chỉ đối với Ấn Độ mà còn với toàn thế giới”, ông Modi phát biểu tại một cuộc họp ở bang Karnataka.

Bên cạnh đó, ông Rajesh Gopal, từ Diễn đàn Hổ Toàn cầu, nhận định những nỗ lực của dự án hổ là “thực sự thành công” và “chưa từng có trong lịch sử bảo tồn”.

Các nhà phân tích bảo tồn và giới chức lâm nghiệp cho biết sự suy giảm số lượng hổ vào giữa thế kỷ XX chủ yếu là do sự phát triển nhanh chóng của hoạt động săn bắn lấy chiến lợi phẩm. Hoạt động này trước đây chỉ giới hạn trong giới thượng lưu ở thời thuộc địa.

Cùng với việc số lượng hổ suy giảm nghiêm trọng thì loài báo săn (cheetah) biến mất hoàn toàn khỏi Ấn Độ.

“Khoảng thời gian từ khi độc lập đến năm 1972 là một trong những giai đoạn tồi tệ nhất đối với động vật hoang dã ở Ấn Độ. Nếu dự án hổ không được thực hiện, có thể nói rằng Ấn Độ đã mất đi loài hổ”, ông Yadvendradev Jhala, cựu trưởng khoa tại Viện Động vật hoang dã Ấn Độ, nhận định.

Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều bước đi để đảo ngược sự suy giảm, bao gồm đưa ra các biện pháp chống săn trộm, di dời các làng để mở rộng khu bảo tồn hổ và vùng đệm, đồng thời cải thiện những khu bảo tồn đó.

Trong khi đó, nhiều tổ chức đồng bản địa và một số nhà bảo tồn cho rằng dự án đã khiến nhiều cộng đồng đã sống trong rừng từ hàng thiên niên kỷ phải di dời.

Khi những nỗ lực bắt đầu, nước này có chín khu bảo tồn hổ với diện tích gần 14.000 km2. Hơn năm thập kỷ, con số đó được mở rộng đến 53 khu bảo tồn ở 18 tiểu bang, với tổng diện tích hơn 70.000 km2, tương đương khoảng 2,3% tổng diện tích của Ấn Độ.

Theo New York Times, hổ cần không gian để đi lang thang tìm kiếm thức ăn. Một con hổ đực trưởng thành cần diện tích tối thiểu là 70-101 km2.

Vào thời điểm độc lập, dân số Ấn Độ rơi vào khoảng 340 triệu người, từ đó mang lại nhiều không gian cho động vật hoang dã, với số lượng hổ vào khoảng 40.000 con khi đó.

Ngày nay, với dân số gần 1,4 tỷ người của Ấn Độ, các chuyên gia về động vật hoang dã ước tính rằng nước này chỉ có đủ chỗ cho 4.000-10.000 con hổ.

Sự gia tăng của cả hai quần thể đã gây áp lực đối với việc quản lý xung đột giữa người và hổ. Những cuộc xung đột như vậy đôi khi gieo rắc sự hoang mang và sợ hãi, khiến dân làng không dám ra đồng.

Năm 2018, tại bang Maharashtra, miền Tây nước này, một con hổ cái tên T1 đã bị thợ săn chuyên nghiệp bắn chết sau vài tháng truy đuổi. Chính quyền địa phương cho biết T1 đã làm bị thương khoảng chục người ở quận Yavatmal của bang này.

Bên cạnh đó, bất chấp sự giám sát chặt chẽ của chính phủ, hổ vẫn chết vì những nguyên nhân như săn trộm, đầu độc và điện giật.

Trong giai đoạn 2017-2021, Ấn Độ đã mất 547 con hổ, trong đó có 154 con chết với những nguyên nhân được cho là “không tự nhiên”. 88 con hổ chết trong giai đoạn này là do săn trộm.

Dẫu vậy, Ấn Độ vẫn cảm thấy có đủ nhiều hổ để đưa một số cá thể ra nước ngoài. Chính quyền Ấn Độ đang thảo luận với Campuchia để giúp hồi sinh quần thể ở nước này, vốn đã bị xóa sổ bởi nạn săn trộm và săn bắn.

Trong một nỗ lực liên quan, Ấn Độ đã nhận được 20 con báo cheetah từ các nước châu Phi trong năm qua với hy vọng phục hồi trong tự nhiên.

Leave A Reply

Your email address will not be published.