Nắng nóng kỷ lục tại Châu Á trong tháng Tư

TVN

0 196

Các nhà khoa học khí hậu cho biết thế giới sẽ chứng kiến nhiệt độ kỷ lục mới vào năm 2023 hoặc 2024. Đồng thời biến đổi khí hậu và sự trở lại hiện tượng thời tiết El Nino là yếu tố chính dẫn đến sự tăng nhiệt độ này.

Nhà khí hậu học và sử học thời tiết Maximiliano Herrera đã gọi đợt nắng nóng này là “sóng nhiệt khủng khiếp chưa từng có ở châu Á trước đây”, và nói rằng “các kỷ lục đang bị phá vỡ”.

Nhiệt độ kỷ lục trong tháng 4 được ghi nhận ở nhiều trạm theo dõi trên khắp Thái Lan, Myanmar, Lào, Trung Quốc và Nam Á. Hôm 25/4, 4 trạm khí tượng ở Myanmar đạt nhiệt độ kỷ lục của tháng, trong đó thành phố Theinzayet ở bang Mon cán mức cao nhất là 43 độ C. Hôm 26/4, thành phố Bago phía đông bắc Yangon trải qua mức nhiệt 42,2 độ C, sánh ngang kỷ lục mọi thời đại được ghi nhận trước đó vào tháng 5/2020 và tháng 4/2019, theo Maximiliano Herrera, chuyên gia nghiên cứu khí hậu và nhà sử học thời tiết.

Tại Thái Lan, cuối tuần trước, chính quyền khuyến cáo người dân ở Bangkok và nhiều khu vực khác trên cả nước nên ở nhà để tránh đổ bệnh. Nhiệt độ ở thủ đô lên tới 42 độ C hôm 22/4 và chỉ số nhiệt, nghĩa là nhiệt độ cảm nhận thực khi kết hợp với độ ẩm, đạt mức 54 độ C.

Nhiều người vẫn bất chấp thời tiết nóng bức để ra ngoài, mang theo ô che nắng và quạt làm mát, hoặc tìm nơi tránh nóng trong các trung tâm thương mại có điều hòa. Ở một số khu vực, nước được phun từ các tòa chung cư hoặc trường đại học để giảm nhiệt độ và ô nhiễm không khí do hoạt động đốt rơm rạ theo mùa.

Cơn mưa hôm 26/4 ở Bangkok, tạm thời giúp xoa dịu cái nóng. Nhà chức trách cho rằng mùa nóng đã lên đến đỉnh điểm. Thời tiết nắng nóng góp phần đẩy mức tiêu thụ điện kỷ lục ở Thái Lan khi mức tiêu thụ lên tới hơn 39.000 megawatt vào ngày 6/4, cao hơn kỷ lục trước đó là 32.000 megawatt vào tháng 4/2022.

Ở Philippines, đối phó với nắng nóng là một thách thức đặc biệt vì lịch học thay đổi trong thời kỳ đại dịch, có nghĩa học sinh đang trải qua những tháng nóng nhất của năm trong lớp học. Hàng trăm ngôi trường đang chuyển sang học từ xa để học sinh không đổ bệnh, trong khi một số giáo viên kêu gọi rút ngắn thời gian giảng dạy và quy mô lớp học nhỏ hơn để giải quyết tình hình.

Trên toàn cầu, năm 2022 được xếp vào một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận, đồng thời là năm nóng nhất trong 8 năm qua theo khoa học hiện đại. Sự quay trở lại của hiện tượng thời tiết El Niño trong năm nay sẽ khiến nhiệt độ tăng cao hơn nữa.

“Những người nghèo nhất trong số những người nghèo sẽ phải chịu đựng nhiều nhất. Điều này gây tác động đặc biệt tới nông dân, những người phụ thuộc vào nông nghiệp hoặc đánh bắt cá”, tiến sĩ Fahad Saeed, người đứng đầu khu vực Nam Á và Trung Đông tại viện chính sách khoa học khí hậu Climate Analytics, cho biết. “Nắng nóng không phải điều gì xa lạ với vùng đất này, nhưng nhiệt độ đang tăng vượt quá giới hạn thích ứng của con người”.

Ở Bangladesh, nhiệt độ tăng trên 40 độ C tại thủ đô Dhaka vào đầu tháng tư, đánh dấu ngày nóng nhất trong 58 năm và khiến mặt đường tan chảy. Trung tâm Quốc tế về Phát triển Miền núi Tích hợp (Icimod), một tổ chức liên chính phủ, đặc biệt lo ngại về tác động của tình trạng nắng nóng lên toàn cầu đối với khu vực Hindu Kush Himalaya. Theo Icimod, khu vực này chứa lượng nước đóng băng lớn lớn thứ ba trên thế giới và đang nóng lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

“Trong tình huống lạc quan nhất, với mức hạn chế nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ C, khu vực này có nguy cơ mất đi 1/3 số sông băng vào năm 2100, tạo ra rủi ro lớn cho các cộng đồng miền núi, hệ sinh thái, thiên nhiên cũng như 1/4 người dân ở vùng thấp”, Deepshikha Sharma, chuyên gia Khí hậu và Môi trường tại Icimod, dự đoán. “Biến đổi khí hậu do con người gây ra là nguyên nhân chính dẫn đến số lượng ngày và mức độ gay gắt của các đợt nắng nóng mà chúng ta đang chứng kiến trên khắp châu Á ngày càng tăng. Những dấu hiệu này chỉ ra thực tế tình trạng khẩn cấp về khí hậu đang ở ngay đây”.

Leave A Reply

Your email address will not be published.