Phát hiện hố sụt khổng lồ tại Quảng Tây Trung Quốc

TVN

0 659

Trong chuyến thám hiểm tại một hố sụt trong rừng tại Quảng Tây mới đây, đoàn chuyên gia địa chất đã bất ngờ tìm thấy một hệ thống hang động ngầm cực kỳ phức tạp và to lớn.

Hố sụt khổng lồ này được tìm thấy ở gần làng Ping’e, quận Leye, Quảng Tây – Trung Quốc. Đó là cả một thế giới ngầm mênh mông, ước tính sâu 192 m, dài 306 mét, rộng 150 mét.

Theo Ancient Origins, kiểu địa hình này được tạo ra do hiện nước ngầm lưu thông qua các lớp muốn hòa tan và đá carbonat như thạch cao và đá vôi. Ở Trung Quốc, các cấu trúc này còn được gọi là “hố thiên đường”. Hố sụt mới tìm thấy là một trong những cái lớn nhất trên thế giới.

Hang động có thể tích lên tới 6,7 triệu mét khối – một con số rất hiếm gặp, khiến các chuyên gia đánh giá nó là “kỳ quan địa chất ở đẳng cấp thế giới.”

Cụ thể, chuyến thám hiểm do các chuyên gia từ Anh và Trung Quốc hợp tác, dẫn đầu là tiến sĩ Zhang Yuanhai từ Học viện khoa học địa chất Trung Hoa, cùng chủ tịch hiệp hội thám hiểm hang động người Anh Andy Eavis.

Từ ngày 4/10 – 8/10, 19 thành viên của đội nghiên cứu đã leo xuống tiankeng (hay hố thiên đường – cái tên người Trung Quốc đặt cho những hố sụt lớn bất thường) chỉ bằng một sợi dây thừng. Từ đó, họ bắt đầu thám hiểm và lập bản đồ cho toàn hang động.

Theo những gì được ghi nhận, miệng cái hố rộng khoảng 100m, dài 200m, và sâu ít nhất 118m. Khi hướng về phía Đông Nam, cái hố dần dốc xuống và tiến vào một hệ thống hang động cực kỳ phức tạp. Hệ thống hang này có tất cả mọi thành phần cấu thành: từ sảnh hang, miệng núi lửa (crater), đá sụt, đá vôi… Chúng kết nối với một hệ thống sông ngầm, chảy ra sông Panyang.

Hệ thống quét 3D tiên tiến cũng cho phép các chuyên gia biết được nguyên nhân hình thành cái hố khổng lồ này. “Khu vực này có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự sụp đổ của một miệng núi lửa, cộng thêm nhiều dấu vết về sự hình thành của hố thiên đường,” – Yanhai cho biết.

Về cơ bản, các tiankeng thường được hình thành do hệ thống hang ngầm bị sập – thường là vì các nguyên nhân tự nhiên như nước gây xói mòn dần dần. Ví dụ như hố tiankeng sâu nhất thế giới – Xiaozhai (626m) được hình thành do một hang đá vôi gần đó bị sụt vì tác động của sông ngầm chảy quá mạnh.

Trong khi hầu hết các hố sụt khác trên thế giới, đặc biệt là “thiên đường của hố sụt” – Mexico – thường chứa đầy nước, hố sụt khổng lồ của Trung Quốc là một ốc đảo xanh tươi gây ấn tượng mạnh ngay lập tức bởi những cây cổ thụ vĩ đại, vươn cao tới 40 m.

Sự vĩ đại của cấu trúc chưa dừng lại ở đó. Nhà nghiên cứu Chen Lixin, trưởng đoàn thám hiểm, vừa chia sẻ với Tân Hoa Xã rằng “có những loài trong hang động này chưa từng được báo cáo hay mô tả với khoa học”.

Một thành viên khác của đoàn, ông Zhang Yuanhai, kỹ sư cao cấp từ Viện Địa chất Karst, nói thêm rằng đáy của hố sụt “giống như một thế giới khác”.

Theo Ancient Oringins, rất nhiều nhà khoa học trên thế giới nóng lòng đợi chờ những dữ liệu tiếp theo về các loài mới, đặc biệt là các nhà thực vật Trung Quốc, trong bối cảnh đất nước này đang nỗ lực trồng cây xanh để chống lại sa mạc hóa, nhưng gặp rắc rối vì những loài cây được chọn ngốn quá nhiều nước. Những thực vật mới sinh trưởng ở nơi không thể tin nổi có thể giúp tạo nên đột phá.

Leave A Reply

Your email address will not be published.