Li Tana sinh ngày 18 tháng 7 năm 1953, tốt nghiệp cao học về lịch sử Việt Nam ở Đại học Bắc Kinh năm 1983, trình luận án tiến sĩ về lịch sử Đàng Trong thế kỷ 17 và thế kỷ 18 tại Đại học Quốc gia Úc năm 1992. Hiện nay Li Tana công tác ở Trường Nghiên cứu Châu Á và Thái Bình Dương (College of Asia & the Pacific) của Đại học Quốc gia Úc.
Li Tana cho biết Gs David Marr là người hướng dẫn cô soạn luận án tiến sĩ, khuyến khích cô sang Việt Nam tìm tài liệu, và khi đến Hà Nội, cô đã gặp Gs Keith Taylor; ông đã giúp cô nhiều ý kiến trong việc nghiên cứu; các nhà nghiên cứu của Viện Hán Nôm ở Hà Nội đã giúp cô đọc những văn bản viết bằng chữ Nôm và các nhà sử học ở Viện Sử học tại Hà Nội đã giúp cô tìm tài liệu; rồi Gs Nguyễn Thế Anh và nhà nghiên cứu Pierre Manguin ở Pháp cũng đã giúp cô tìm tài liệu ở Paris, cuối cùng cô bày tỏ lòng tri ân chồng cô đã ở lại Trung Quốc chăm lo cho đứa con nhỏ của vợ chồng cô suốt 4 năm cô soạn và trình luận án tiến sĩ ở Úc, không được gặp mặt cô vì trục trặc trong việc xin hộ chiếu.
Tác phẩm khảo cứu “Nguyễn Cochinchina – Southern Vietnam in the seventeenth and eighteenth centuries” (Đại học Cornell ấn hành năm 1998), vốn là luận án tiến sĩ của cô, đã được dịch sang tiếng Việt với nhan đề “Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế – xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18” và do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 1999.
Trong tác phẩm “Nguyễn Cochinchina – Southern Vietnam in the seventeenth and eighteenth centuries”, Li Tana đã viết về sự hình thành của một trung tâm quyền lực mới ở Huế: “Trong trường hợp Việt Nam, chúng ta có thể chỉ ra năm tháng và biến cố đã đem lại cho Việt Nam gần 3/5 số diện tích hiện nay của nước này do quyết định dời khỏi kinh đô của một dòng họ. Hai họ Trịnh, Nguyễn đang là thông gia với nhau bỗng trở thành thù địch của nhau khi Trịnh Kiểm tiếm quyền vua Lê năm 1546. Người ta kể là Nguyễn Hoàng, thấy trước mình có thể gặp phiền hà, đã tới hỏi Nguyễn Bỉnh Khiêm, một nhà nho được tôn là “trạng”, xem phải làm gì. Nguyễn Bỉnh Khiêm suy nghĩ một lúc lâu rồi trả lời: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải núi Ngang có thể dung thân muôn đời được). Và Nguyễn Hoàng đã nhờ bà chị của ông cũng là vợ Trịnh Kiểm thuyết phục chồng cử ông đi trấn Thuận Hóa, vùng biên giới xa xôi. Nguyễn Hoàng đã thành công với nước cờ thí này. Lúc ấy là năm 1558. Trịnh Kiểm chỉ muốn tống khứ một địch thủ. Nhưng ông đã thất bại và đã cho không Nguyễn Hoàng một vương quốc. Và một chuỗi các sự kiện diễn ra đã làm thay đổi toàn bộ lịch sử Việt Nam nói riêng và lịch sử Đông Nam Á nói chung.
Họ Nguyễn yếu hơn họ Trịnh rất nhiều về hầu như mọi mặt. Phía Bắc đã thiết lập được một hệ thống nhà nước vững chắc giúp họ Trịnh kiểm soát một diện tích lớn hơn diện tích của họ Nguyễn từ 3 đến 4 lần và duy trì được một lực lượng quân sự cũng lớn hơn từ 3 đến 4 lần. Hơn nữa, họ Trịnh quản lý một vùng đất người Việt Nam cư ngụ từ nhiều thế kỷ nay và dân dưới quyền cai trị của họ Trịnh cũng chính là cư dân của vùng đất này, trong khi vương quốc của họ Nguyễn lại được thiết lập trên một vương quốc đã được Ấn Độ hóa, có một nền văn hóa rực rỡ và một truyền thống rõ ràng là khác với người Việt. Vậy mà họ Nguyễn đã không chỉ tồn tại được và đẩy lui 7 lần tấn công của họ Trịnh mà còn có thể mở rộng biên giới của mình sâu xuống phía Nam, tới tận đồng bằng sông Cửu Long. Phải chăng do ngẫu nhiên mà một lực lượng ra đời trong một môi trường mới đã không chỉ tồn tại mà còn chiến thắng trong khi các lực lượng khác trụ lại trong môi trường quen thuộc lại thất bại?
Sự phát triển dần dần xuống phía Nam này đã tạo nên một vùng đất, nơi đó Khổng giáo, một ý thức hệ đã chiếm địa vị thống trị ở phía Bắc từ triều Lê Thánh Tông, đã không được đề cao, thậm chí, về căn bản, hầu như không được biết đến. Điều này xem ra cho phép nghĩ tới một vùng biên nhiều hứa hẹn đối với sự phát triển của các lực lượng chính trị mới. Họ Nguyễn mà chúng ta sẽ tìm hiểu trong luận án này quả đã tạo nên được một bối cảnh như thế cho lịch sử Việt Nam.
Từ thế kỷ 17, đồng bằng sông Hồng đã không còn là trung tâm duy nhất của văn minh Việt Nam. Một bức tranh hoàn toàn mới đã được phác họa. Ngoài Thăng Long, một trung tâm mới là Huế đã xuất hiện. Ngoài đồng bằng sông Hồng, một vùng kinh tế khác đã hình thành. Đó là vùng Thuận Quảng. Đây không đơn thuần là vùng kinh tế cũ được mở rộng ra. Đúng hơn, chúng ta đang đứng trước một vùng đất mới đang phát triển với một bối cảnh văn hóa khác và một dân cư hoạt động trong những hoàn cảnh hoàn toàn khác. Khi người Việt ở phía Nam chấp nhận những cái tên mới họ đặt cho hai miền – vùng ở “trong” (Đàng Trong) chỉ vùng đất của họ và vùng ở “ngoài” (Đàng Ngoài) chỉ phía Bắc – thì rõ ràng là đã có sự khác biệt giữa hai miền Nam, Bắc. Sự khác biệt này mang một ý nghĩa quan trọng: từ nay, sẽ có hai cách thức làm người Việt Nam khác nhau. Sự khác biệt giữa hai tên gọi này còn cho thấy một cách rõ ràng là hai miền đất tuy có khác nhau, nhưng đối với người ở phía Nam, hai miền này cũng phải được coi là bình đẳng. Đây là một thay đổi căn bản và đầy ấn tượng trong lịch sử Việt Nam. Về tầm quan trọng, sự kiện này có thể so sánh với việc Việt Nam giành được độc lập từ tay Trung Hoa vào thế kỷ 10. Thoạt nhìn, sự kiện có dáng dấp một câu chuyện về một dòng họ đã có thể tồn tại và triển nở về mặt chính trị sau khi đã đánh mất quyền hạn đang có ở triều đình tại Thăng Long. Nhưng về bản chất, đây lại là một sự kiện đã dẫn đến việc thành lập một hệ thống nhà nước mới và một nền văn hóa mới phồn thịnh…” (Lời nói đầu)
Li Tana còn có bài khảo cứu về Vương quốc Chămpa thuộc địa giới tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế có tên “The changing landscape of the former Linyi in the provinces of Quảng Trị and Thừa Thiên – Huế”