Hai Bà Trưng, anh hùng dân tộc được tất cả người Việt tôn thờ

TVN

0 333

Anh hùng dân tộc:

Hai Bà Trưng (mất ngày mùng 6 tháng 2 năm Quý Mão, năm 43 dương lịch) là tên gọi chung của hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị, là anh hùng dân tộc của người Việt.

Hai Bà được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn nhất là Đền Hát Môn thờ Hai Bà Trưng tại Xã Hát Môn, ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội và Đền Hai Bà Trưngở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc nay là Mê Linh, Hà Nội – quê hương của hai bà. Theo ghi nhận của sử gia Ngô Thì Sĩ, từ nhiều thế kỷ trước khi đền thờ Hai Bà được lập ra, vì Hai Bà chết do binh đao nên đền thờ kiêng màu đỏ là màu máu: hương án đều sơn màu đen, không có màu đỏ; người dân địa phương cũng không dám mặc áo đỏ, kể cả người đến viếng thăm nếu mặc áo đỏ phải cởi bỏ để bên ngoài theo lệ cấm32 .

Ngoài ra, tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) hiện nay vẫn còn miếu thờ Trưng Vương (miếu này đã được kiểm chứng bởi hai nhà nho đi sứ đó là Nguyễn Thực và Ngô Thì Nhậm) do những cừ súy bị bắt về đất Hán sau khi khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại lập ra để tưởng nhớ về quê hương và cũng là thể hiện tinh thần bất khuất của người Việt thời Hai Bà Trưng33 .

Các danh xưng của hai bà (Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trưng Vương, Hai Bà Trưng) còn được đặt cho nhiều trường học, đường phố, phường, xã, quận… ở Việt Nam.

Các câu chuyện về Hai Bà Trưng, Bà Triệu, và các nữ tướng khác được một số sử gia trích dẫn để làm bằng chứng cho luận điểm rằng xã hội Việt Nam trước khi bị Hán hóa là một xã hội mẫu hệ (hay còn gọi là chế độ mẫu hệ), trong đó phụ nữ có thể giữ vai trò lãnh đạo mà không gặp trở ngại.

Nhiều tác phẩm, sách, kịch, nhạc,… viết hoặc dựa vào hai bà làm nhân vật chính. Vở cải lương Tiếng trống Mê Linh về cuộc khởi nghĩa của hai bà là một vở cải lương kinh điển tại Việt Nam.

Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã trở thành quen thuộc đối với người Việt:

Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân

Ngàn Tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là báo phục hai là Bá Vương

Uy danh động tới Bắc Phương

Hán sai Mã Viện lên đường tấn công

Hồ Tây đua sức vẫy vùng

Nữ nhi địch với anh hùng được sao!

Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo

Hai Bà thất thế cùng liều với sông!

Trước là nghĩa, sau là trung

Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.

Sử liệu Trung Hoa:

Nguồn sử liệu đầu tiên đề cập đến chị em Hai Bà Trưng là cuốn Hậu Hán Thư viết vào thế kỷ thứ 5 (sau Công nguyên) bởi học giả Phạm Diệp, cuốn sách nói về lịch sử nhà Hán từ năm 6 đến 189 AD. Các tài liệu cổ của Trung Quốc đề cập đến 2 chị em Bà Trưng khá ngắn gọn, được tìm thấy trong 2 chương của Hậu Hán Thư mô tả về cuộc khởi nghĩa của 2 bà thời kỳ nhà Tây Hán. Ở chương 86 của Hậu Hán Thư, với tiêu đề: “Lịch sử về tộc Man Di phía Nam và Tây Nam” (Biographies of the Southern and the Southwestern Barbarians) có viết:

Vào năm thứ 16 Hán Vũ Đế (40 AD), ở quận Giao Chỉ có hai người đàn bà là Trưng Trắc và Trưng Nhị đã nổi loạn và tấn công thủ phủ của quận. Trưng Trắc là con gái của Lạc Tướng huyện Mê Linh, bà là vợ của Thi Sách. Bà ta là 1 chiến binh tàn bạo. Tô Định Thái Thú của quân Giao Chỉ đã dùng luật pháp để kiềm chế bà ta. Nhưng bà ta lại càng hung dữ và chống đối hơn. Những tộc trưởng Man Di ở quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố gia nhập với bà ta, và bà ta đã đoạt được 65 thành trì và trở thành Nữ vương. Chính quyền của quận Giao Chỉ và các quận khác chỉ có thể phòng thủ để tự bảo vệ mình. Hán Vũ Đế vì vậy đã ra lệnh cho quận Trường Sa, Hợp Phố và Giao Châu chuẩn bị xe kéo, thuyền bè phục vụ cho xây dựng cầu đường, để mở lối đi qua núi nhằm cải thiện công tác vận lương. Năm thứ 18 (42 AD), Vũ Đế sai Phục Ba tướng quân Mã Viện và Phù Lạc hầu Lưu Long dẫn hơn 1 vạn quân từ quận Trường Sa, Quý Dương, Nam Ninh, Thương Ngô. Vào mùa hè năm 43, Mã Viện tái chiếm Giao Chỉ và diệt Trưng Trắc, Trưng Nhị, và những kẻ khác ở những vùng rải rác. Khu vực biên giới đó vì vậy đã được bình định.

Trước năm 1975, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam cũng là ngày tưởng niệm Hai Bà Trưng. Lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng được diễn ra vào ngày 6 tháng 2 âm lịch hàng năm tại Saigon.

Đây là một ngày Lễ chính thức trước 1975. Công tư sở và các trường học đều đóng cửa nghỉ lễ. Tại Sài Gòn và các tỉnh lớn đều có tổ chức lễ Kỷ Niệm Hai Bà rất trọng thể. Ngoài ra, Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa còn công nhận Ngày Lễ Kỷ Niệm Hai Bà Trưng là Ngày Phụ Nữ Việt Nam, vì thế các bà các cô đều cảm thấy hãnh diện vô cùng trong ngày lễ kỷ niệm Hai Bà.

Tại hải ngoại hiện nay, ngày Lễ Kỷ niệm Hai Bà cũng được tổ chức trang nghiêm tại những địa phương có nhiều người Việt cư ngụ. Riêng tại miền Nam Cali, Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương và Thân Hữu, phối hợp với các Hội Đoàn bạn, thường tổ chức trọng thể ngày lễ Kỷ Niệm Hai Bà tại một Hội Trường lớn, để nhắc nhở và nhớ ơn công đức Hai Bà.

Tại Việt Nam, đền Hai Bà Trưng ngày nay thuộc huyện Mê Linh, Hà Nội được xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Năm 2018, Lễ hội Đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và lễ hội này được tổ chức hàng năm.

Leave A Reply

Your email address will not be published.