Chân dung Trần Khắc Chung

Vĩnh Liêm

0 254

Theo sử sách Trần Khắc Chung vốn họ Đỗ, quê ở Giáp Sơn, Hải Dương, làm quan thời Trần qua 4 đời vua (Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Hiến Tông). Ông là người thông minh, có tài ăn nói ứng đối mau lẹ, gan dạ, thích xông pha vào chốn hiểm nguy. Chức vụ đầu tiên cuả ông là Chi cục hậu thủ1 và vị vua mà ông có nhiệm vụ hầu cận là Trần Nhân Tông. Chúng ta không hề thấy một sử liệu nào cho biết ông đã qua các kỳ thi tuyển để vào làm quan, chỉ thấy ghi ở Toàn Thư trang 182 bản điện tử: “…Muà đông Nhâm Thân (1272): Chọn người nho học có đức hạnh trong thiên hạ vào hầu Đông cung…” (có thể Đỗ Khắc Chung đã trở thành quan hầu cận thái tử Khâm rồi sau này là vua Trần Nhân Tông theo con đường này).

Đỗ Khắc Chung được sử sách nhắc đến bắt đầu từ sự kiện tháng 10 Canh Thìn (1280): em Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung là Thiên Thư (Cương Mục ghi là Thiên Thữ hoặc Thiên Nhữ) kiện nhau với người ta. Nói về tình và lý đều đuối cả. Nhưng viên quan xử kiện cố ý bênh vực, cố làm thiên lệch; gặp lúc vua (Nhân Tông) ra chơi ngoài thành, người kia đón xe vua,tâu bày. Vua nói “đó là họ nể Khắc Chung đấy thôi”, liền sai Nội thư hoả chính chưởng Trần Hùng Thao kiêm giữ chức quan kiểm pháp, để xét hỏi lại việc này, quả nhiên Thiên Thư trái lý… (TT trang 186, CM trang 222 bản điện tử). Đoạn sử trên cho thấy tuy Khắc Chung chỉ giữ một chức quan nhỏ nhưng anh em họ đã cậy thế gần gủi vua để ức hiếp dân lành, cũng may cho Đại Việt, Trần Nhân Tông là một minh quân.

Khắc Chung đã lập công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên. Sử chép:

…Ngày 12 (tháng giêng năm Ất Dậu – 1285) giặc đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh, Đông Ngàn, bắt được quân ta, thấy người nào cũng có thích hai chữ “sát Thát” bằng mực vào cánh tay, chúng tức lắm, đem giết hết cả; rồi tiến đến Đông bộ Đầu, dựng một lá cờ lớn.

Vua muốn sai người dò xét tình hình giặc mà chưa tìm được ai. Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung tiến lên tâu rằng: “Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi”. Vua mừng, nói rằng: “Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế!” (chỉ những loại ngựa quý, ngựa tốt) Rồi sai đem thư xin hoà.

Ô Mã Nhi hỏi: “Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ”sát Thát”, khinh nhờn thiên binh, lỗi ấy to lắm”.

Khắc Chung đáp: “Chó nhà cắn người lạ không phải tại chủ nó. Vì lòng trung phẫn mà họ tự thích chữ thôi, Quốc Vương tôi không biết việc đó. Tôi là cận thần, tại sao không có?”. Nói rồi giơ cánh tay cho xem.

Ô Mã Nhi nói: “Đại quân từ xa tới, nước ngươi sao không quay giáo đến hội kiến, lại còn chống lệnh. Càng bọ ngựa chống xe liệu sẽ ra sao?”.

Khắc Chung nói: “Hiền tướng không theo cái phương sách Hàn Tín bình nước Yên2, đóng quân ở đầu biên giới, đưa thư tín trước, nếu không thông hiếu thì mới là có lỗi. Nay lại bức nhau, người ta nói thú cùng thì chống lại, chim cùng thì mổ lại, huống chi là người”.

Ô Mã Nhi nói: “Đại quân mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc Vương ngươi nếu đến hội kiến thì trong cõi yên ổn, không bị xâm phạm mảy may. Nếu cứ chấp nê thì trong khoảnh khắc núi sông sẽ thành đất bằng, vua tôi sẽ thành cỏ nát”.

Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi bảo các tướng rằng: “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ tự nhiên, không hạ chủ nó xuống là Chích3, không nịnh ta lên là Nghiêu4, mà chỉ nói “Chó nhà cắn người”, giỏi ứng đối. Có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước nó còn có người giỏi, chưa dễ mưu tính được”. Sai người đuổi theo Chung nhưng không kịp….( CM trang 227-228, TT trang 191-192)).

Sau khi quân Nguyên thua rút lui, tháng 10 Mậu Tý (1288), nhà vua (Nhân Tông) cho người đi sứ sang nhà Nguyên trần tạ, Khắc Chung tiến cử em là Đỗ Thiên Thư và được vua chấp thuận

Tháng 4 Kỷ Sửu (1289), triều đình xét định công trạng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên, Khắc Chung được ban quốc tính đổi sang họ Trần và giữ chức Đại hành khiển (tương đương chức thủ tướng bây giờ). Anh em Khắc Chung đã tham dự vào triều chính nhà Trần từ đấy, riêng Khắc Chung quyền uy tột đỉnh.

Thời Anh Tông (1293-1314) hoạn lộ cuả Trần Khắc Chung có những bước thăng trầm: từ Đại hành khiển chuyển sang Ngự sử đại phu (không rõ năm), Mậu Tuất (1298) được cử làm Đại An phủ kinh, mãi đến năm Quý Mão (1303) mới được thăng Nhập nội đại hành khiển , mười năm sau, tháng 12 Quý Sửu (1313) sử ghi “lấy Trần Khắc Chung làm Tả phụ, tước Quan Phục hầu…”.(TT trang 225)

Thời Minh Tông (1314-1329) Trần Khắc Chung được trọng dụng đặc biệt (ông là thầy dạy học cuả Minh Tông khi còn là thái tử Mạnh): Ất Mão (1315) được ban tước Á quan nội hầu, giữ chức Hành khiển, năm Tân Dậu (1321) được ban tước Quan nội hầu, đến Bính Dần (1326) vua cho Khắc Chung thăng chức Thiếu bảo (tể tướng – ghi chú cuả CM) nhưng vẫn làm việc hành khiển, để ưu đãi đặc cách thêm các chữ Trung thư hạ bình chương sự, vì là thầy dạy thái tử Vượng nên còn gọi là Sư bảo.

Thế nhưng các sử thần đánh giá Khắc Chung là người giả dối, giỏi nguỵ biện, bề ngoài tỏ ra hết lòng chăm lo việc nước, trung thành với vua nhưng bên trong thì xu nịnh, vô trách nhiệm, cậy thế vua tin dùng mà coi thường kỷ cương phép nước, nhiều thói hư tật xấu đáng trách…Chúng ta thử xem họ viết về ông như thế nào:

-Tháng 6 năm Ất mão (1315) hạn hán. Bấy giờ Trần Khắc Chung làm Hành khiển. Quan ngự sử dâng sớ nói: “Chức vụ tể tướng, trước hết phải điều hoà âm dương. Nay Khắc Chung ở ngôi tể tướng, không biết phối hợp trời đất cho khí tiết điều hoà, để đến nỗi mưa nắng trái thời, thế là làm quan không được công trạng gì”.

Khắc Chung nói: “Tôi lạm giữ chức tể tướng, chỉ biết cố sức làm những việc mà chức vụ phải làm, còn như hạn hán thì hỏi ở Long Vương. Khắc Chung đâu phải là Long Vương mà đổ tội được?”

Sau nước dâng lên to, vua (Minh Tông) đích thân đi xem đắp đê. Quan ngự sử tâu: “Bệ hạ nên chăm sửa đức chính, xem làm gì việc đắp đê nhỏ nhặt”.

Khắc Chung nói: “Khi dân bị nạn lụt, người làm vua phải cứu giúp tai hoạ khẩn cấp đó, sửa đức chính không gì lớn hơn việc đó, cần gì phải ngồi làm thinh, tư lự rồi bảo là “sửa đức chính?”.

Có người bàn rằng: “Khắc Chung đổ lỗi cho Long Vương, đài quan chê (đắp đê) là việc nhỏ nhặt, (hai bên) đều sai cả”. (TT trang 227).

– …Khắc Chung là người cố làm ra vẻ khác đời để cầu tiếng khen, không chăm lo đến nghiệp nhà. Mỗi buổi sáng vào chầu thì tạm nghỉ ở cục Thượng Liễn cửa Vĩnh Xương, xem kỹ các bản tấu để chuẩn bị tâu bày. Khi tan chầu thì tới Đông cung (khi ấy Minh Tông đang còn ở Đông cung) dạy học, đều giả vờ cố sức mà làm. Thường hay đánh bạc với học sĩ Nguyễn Sĩ Cố, có khi đến 2, 3 ngày, đánh thâu đêm suốt sáng, ngồi ngay trên giường đánh bạc mà húp cháo, không nghỉ lấy một chút. Được thua chỉ một hai quan tiền mà dụng tâm khổ sở như vậy. Lại như gặp những ngày trẻ đầy năm, mừng nhà mới cuả bạn bè, được mời là đến cả. Thậm chí nhà quan thầy thuốc có món ăn ngon cũng tới. Quân nhân biếu món ăn thì khen ngợi vợ họ. Một hôm (Khắc Chung) bảo con là Công Xước: “Mày lấy con gái nhà ấy sao không bảo cho ta biết?”.

Trước đây Khắc Chung lấy nàng Bảo Hoàn, khoảng đời Trung Hưng, người Nguyên vào cướp, cha mẹ Bảo Hoàn hàng giặc, ruộng đất đều bị tịch thu sung công. Đến khi vua (Anh Tông) lên ngôi, xuống chiếu cho trả lại, nhưng ông cũng không đem điền sản đó dùng vào việc thờ cúng. Ông xu thời giả tạo như thế đó. Chỉ được đi cầu hoà (với quân Nguyên) là khả quan thôi. Cho nên người đời đều khen là giỏi… (TT trg 242-243 bản điện tử)

– Tháng 5 Đinh Mão (1327)sét đánh vào lăng tẩm (không rõ lăng nào.

Sau ngày sét đánh, nhà vua hạ chiếu cho bầy tôi họp bàn về việc này. Khắc Chung nói pha trò đùa, mọi người đều cười, trừ có Đoàn Nhữ Hài đứng phắt dậy đi ra chỗ khác. Ngự sử đài hặc tâu, nhà vua hạ lệnh xét hỏi về việc đó. Nhữ Hài nói: “Khi mọi người cười cợt, thần đã đi chỗ khác rồi”. Nhà vua (Minh Tông) nói:”Nhữ Hài nghe người ta cười cợt, không biết can ngăn, lại bỏ đi chỗ khác, thế là cố ý làm người ta mắc vào sự lỗi, chỉ tìm kế giữ lấy thân mình”. Bèn phạt Khắc Chung và Nhữ Hài theo với tội nặng nhẹ cuả hai người”.(CM trang 269)

(Lúc bấy giờ Khắc Chung chức Thiếu bảo, Nhữ Hài là Hành khiển.Đoàn Nhữ Hài đã bị vua phạt oan – để lấy lòng Khắc Chung, thực tế Nhữ Hài không thể có phản ứng nào khác vì uy thế cuả Khắc Chung quá lớn. Sự nể nang cuả vua càng khiến Khắc Chung lộng hành).

Các sử thần tỏ ra không mấy thiện cảm với Khắc Chung. Họ lên án gắt gao hành động vô đạo đức cuả Khắc Chung với công chúa Huyền Trân và thái độ độc ác bất nhân, vào hùa với Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) để hãm hại đưa đến cái chết thương tâm cho Quốc phụ thượng tể Quốc Chấn.

1/ Với Huyền Trân Công chúa:

Sau khi nhường ngôi cho Thái tử Thuyên (Anh Tông) tháng 3 năm Quý Tỵ – 1293, Thượng hoàng Nhân Tông xuất gia ở núi Yên Tử, thường vân du khắp nơi trong nước, tiện đường sang chơi Chiêm Thành. Lúc này quan hệ ngoại giao giữa hai nước rất tốt đẹp, Thượng hoàng ở lại chơi lâu (từ tháng 3 đến tháng 11 năm Tân Sửu – 1301) và hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm là Chế Mân (1288-1307). Việc hứa hẹn cuả Thượng hoàng không phải do cao hứng trong phút chốc mà xuất phát từ mong muốn có một liên minh bền chặt giữa Đại Việt và Chiêm Thành để yên tâm về phía nam khi phải đối phó với cuộc xâm lược mới cuả nhà Nguyên mà ngài tiên liệu có thể sẽ xảy ra (trong cuộc kháng chiến chống Nguyên 1282-1288 hai nước Chiêm-Việt đã phối hợp với nhau rất chặt chẽ làm thất bại âm mưu xâm lược cuả quân Nguyên). Nhân Tông muốn học cách cầu thân cuả các hoàng đế Trung Hoa, thường gả con gái trong hoàng cung cho các chúa vùng biên cương hay như các vua Lý cũng từng gả công chúa cho các tù trường vùng núi phía bắc mà trường hợp phò mã Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc …là những minh chứng. Do vậy Nhân Tông không đòi hỏi ở vua Chiêm một điều kiện nào quá mức ngoài tình giao hiếu bền chặt. Chúng ta không hề thấy sử sách nói rằng Nhân Tông buộc vua Chiêm phải nhường hai châu Ô và Lý để cưới Huyền Trân như sự cáo buộc cuả Dominique Nguyen trong “700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công Chúa: 1306-2006” (đặt lại vấn đề cuả bi kịch lịch sử này). Thực sự thì trước khi cưới Huyền Trân, Chế Mân cũng đã có hoàng hậu Tapasi mà theo như ông Nguyen cho biết là công chúa vương quốc Majapahit cuả Mã Lai nhằm liên kết chính trị với quốc gia này. Đây là chính sách cầu thân rất phổ biến ở các quốc gia gần gủi nhau về mặt địa lý cuả thời trung đại.

Có lẽ lúc Thượng hoàng hứa gả thì Huyền Trân còn là cô bé 14-15 tuổi. nên mãi đến tháng 2 Ất Tỵ (1305) mới thấy Toàn Thư ghi (trang 218): “Chiêm Thành sai Chế Bồ Đài và bộ đảng hơn trăm người dâng hiến vàng bạc, hương quý, vật lạ làm lễ vật cầu hôn. Các quan trong triều đều cho không nên, duy có Văn Túc Vương Đạo Tái (con cuả Trần Quang Khải) chủ trương bàn việc đó, Trần Khắc Chung tán thành… ”. Cương Mục thì thêm “…Chế Mân lại xin đem châu Ô, châu Lý để làm lễ cưới, lúc ấy vua (Anh Tông) mới quả quyết cho Huyền Trân công chúa về với vua Chiêm. Về việc này, có nhiều văn nhân mượn chuyện nhà Hán gả con gái cho Hung Nô và Ô Tôn, làm thơ để chế giễu.” (CM trang 255). Vậy có nghĩa ban đầu việc cầu hôn cuả vua Chiêm trong sính lễ không có hai châu Ô Lý, nhưng vì các quan triều đình Đại Việt phản đối mãnh liệt, chỉ có Đạo Tái và Khắc Chung tán thành, khiến vua do dự. Mãi đến khi Chế Mân xin cắt hai châu Ô Lý cuả Chiêm Thành cho Đại Việt, vua Anh Tông mới chấp thuận. Các nguồn sử liệu này cũng minh chứng rằng không hề có cuộc tình diễm lệ giữa Khắc Chung và Huyền Trân trước khi nàng xuất giá sang Chiêm (tháng 6 Bính Ngọ -1306) như truyền thuyết trong dân gian, bởi nếu có thì tại sao Khắc Chung lại tán thành?

Nhưng cuộc nhân duyên giữa Huyền Trân và Chế Mân chỉ được 11 tháng ngắn ngủi, tháng 5 Đinh Mùi (1307) vua Chiêm đột ngột qua đời. Song mãi đến tháng 9 mới thấy sử ghi “…Thế tử Chế Đa Da sai sứ thần Bảo Lộc sang dâng voi trắng (và báo tin buồn)”. Thế tử Chế Đa Da là con trai cuả Chế Mân và Huyền Trân, còn sơ sinh, triều đình Chiêm chỉ mượn danh nghĩa, thế nhưng họ đã báo tin quá muộn (4 tháng sau). Tin chẳng lành này khiến nhà Trần vô cùng lo lắng, tháng 10 cùng năm sai Nhập nội hành khiển thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, An phủ sứ Đặng Văn sang Chiêm Thành đón công chúa và thế tử Đa Da về .

Toàn Thư ghi: “Theo tục lệ Chiêm Thành, chúa chết thì bà hậu cuả chúa phải vào giàn thiêu để chết theo. Vua biết thế, sợ công chúa bị hại, sai bọn Khắc Chung, mượn cớ là sang viếng tang và nói với (người Chiêm): “Nếu công chúa hoả táng thì việc làm chay không có người chủ trương, chi bằng ra bờ biển chiêu hồn ở ven trời, đón linh hồn cùng về, rồi sẽ vào giàn thiêu”. Người Chiêm nghe theo.

Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường chậm chạp, lâu ngày mới về đến kinh đô.

Hưng Nhượng Đại Vương Quốc Tảng5 ghét lắm, mỗi khi thấy Khắc Chung thì mắng phủ đầu: “Thằng này là điềm chẳng lành đối với nhà nước. Họ tên nó là Trần Khắc Chung thì nhà Trần mất về nó chăng?”, Khắc Chung thường sợ hãi né tránh.”(TT trang 220)

Có nhiều ý kiến phản bác, cho rằng không có vấn đề công chúa phải lên giàn hoả thiêu vì theo tục lệ Chiêm chỉ bà hậu nào tình nguyện và phải hội đủ điều kiện là hoàng hậu chính thức, có dòng máu Champa mới được ân huệ này, do vậy không có việc Trần Khắc Chung vào Chiêm cứu công chúa, ý họ muốn phủ nhận chuyện tư thông giữa Khắc Chung và Huyền Trân. Tiếc thay những lý luận đưa ra chưa đủ sức thuyết phục.

Dominique Nguyen thì quy kết Trần Nhân Tông âm mưu gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân nhằm hợp thức hoá việc cướp đất cuả nước Chiêm là hai châu Ô Lý và cái chết cuả vua Chế Mân có thể do Huyền Trân đầu độc, cho nên triều đình Đại Việt đã sai Trần Khắc Chung vào cứu, sau đó hai người đã tư thông với nhau. Tác giả cũng phủ nhận việc lên giàn hoả thiêu cuả Huyền Trân.

Cái chết cuả Chế Mân mãi cho đến bây giờ vẫn còn là ẩn số, không một nguồn sử liệu nào nói rõ. Một vị vua trung niên còn khoẻ mạnh (lúc Chế Mân lên ngôi -1288 – có lẽ chừng 20-22, như vậy đến năm 1307 khoảng 39-41 tuổi6, thế tử Chế Đà Da cũng mới chào đời, nghĩa là không có dấu hiệu gì cuả đau ốm bệnh tật) tại sao lại đột ngột qua đời một cách đáng ngờ nếu không phải bị đầu độc, bị thanh toán? Mà tại sao bị đầu độc, ai là thủ phạm?

Dominique Nguyen cáo buộc thủ phạm chính là Huyền Trân, nhưng ông quên rằng lúc này Huyền Trân đang thời kỳ ở cử, không thể gần gũi vua để có thể hạ độc quân vương cuả mình (mà đó là người hết lòng thương yêu bảo bọc nàng trước sự cảnh giác thù hận cuả vương triều Champa). Hơn nữa nếu là thủ phạm thì Huyền Trân phải nhanh chóng chạy trốn chứ không thể chờ đến 5 tháng sau, khi Khắc Chung được lệnh vào cứu mới đào tẩu.

Vậy chỉ còn một cách giải thích rằng nguyên nhân cái chết cuả ông vua si tình Chế Mân chính là việc đem hai châu Ô Lý, một phần máu thịt cuả đất nước do tiền nhân Champa dày công gầy dựng, làm sính lễ cầu hôn Huyền Trân công chúa, giai nhân Đại Việt. Hành động này đã khiến triều đình và hoàng tộc Champa phẫn nộ. Ngay dân cuả hai châu khi bị sáp nhập vào Đại Việt cũng đã chống lại. TT viết:

“Đinh Mùi (1307). Mùa xuân, tháng giêng, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hoá. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ về yên dân hai châu đó.

Trước đây chúa Chiêm Thành Chế Mân đem đất hai châu đó làm lễ vật dẫn cưới, nhưng người các thôn La Thuỷ, Tác Hồng, Đà Bồng không chịu theo. Vua sai Nhữ Hài đến tuyên dụ đức ý, chọn người trong bọn họ trao cho quan tước, lại cấp ruộng đất, miễn tô thuế 3 năm để vỗ về”.(trang 219).

Chế Mân đã đặt tình riêng trên quyền lợi cuả dân tộc, Chế Mân (tên Chiêm là Harijit, vương hiệu là Jaya Sinhavarman ÌII) lại không phải là hoàng tử duy nhất cuả tiên đế Indrivarman V. Cái chết cuả Chế Mân tất yếu phải xảy ra và người hạ thủ Chế Mân chỉ trong nội bộ hoàng tộc Champa mà thôi. Chúng ta thử đặt câu hỏi “Tại sao triều đình Chiêm Thành lại báo tin buồn cho Đại Việt quá trễ?”(4 tháng sau). Cũng có thể không có chuyện lên giàn thiêu dành cho Huyền Trân (lúc này là hoàng hậu Paramecvari) vì ngoài những lý do đã nêu trên thì Dominique Nguyen cho rằng việc hoả táng Chế Mân chỉ diễn ra vào ngày tốt nhất trong vòng một tháng sau khi vua từ trần chứ không thể để lâu. Thế thì chỉ còn một luận cứ: Chiêm Thành báo tin trễ để có thì giờ ổn định tình hình trước khi Đại Việt can thiệp, đồng thời nói dối là công chúa Huyền Trân phải lên giàn thiêu chết theo Chế Mân buộc nhà Trần cho người vào giải cứu, tạo cớ chính đáng để đòi lại hai châu Ô Lý sau này?

Chính vì họ muốn Huyền Trân phải rời Chiêm càng sớm càng tốt cho nên họ đã để cho “Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp công chúa đem về”, rồi lại “…đi đường chậm chạp lâu ngày mới về đến kinh đô…”. Thử hỏi nếu họ canh phòng cẩn mật, cho người bám sát công chúa thì dễ gì Khắc Chung giải cứu được Huyền Trân rồi đi đường loanh quanh chậm chạp và tư thông với công chúa?

Một vấn đề nữa đặt ra là có hay không chuyện Trần Khắc Chung tư thông với Huyền Trân? Rất nhiều người, có lẽ do tinh thần dân tộc quá cao (hay quá khích?) đã phủ nhận những cứ liệu trong các bộ sử biên niên cuả những sử thần có uy tín, nhưng lý luận cuả họ không vững. Chúng ta biết Khắc Chung xấp xỉ tuổi cuả Thượng hoàng Nhân Tông (Nhân Tông sinh năm Mậu Ngọ -1258), lúc này khoảng 48-50, đối với Huyền Trân như cha con, nhưng Khắc Chung không phải là người đạo cao đức dày, biết trọng lễ nghĩa. Tài ăn nói cuả Khắc Chung đến vua cũng phải xiêu lòng, dung mạo chắc cũng đẹp đẽ, lại là ân nhân cứu mạng Huyền Trân trong cơn nguy khốn, tất cả những yếu tố trên dẫn đến việc hai người tư thông với nhau là điều dễ hiểu.

Chiêm Thành coi đây là quốc nhục và là lý do chính đáng để họ quyết tâm đòi lại cho bằng được hai châu Ô Lý, chiến tranh giữa hai nước Chiêm-Việt không ngừng diễn ra sau đó, thậm chí vua Chế Bồng Nga đã từng đem quân tấn công Đại Việt vào tháng 10 năm Kỷ Tỵ (1389), uy hiếp kinh đô Thăng Long khiến nhà Trần phải khốn đốn. Nếu không có hàng thần là Ba Lậu Kê chỉ điểm để quân Đại Việt bắn trúng thuyền vua giết chết Chế Bồng Nga vào tháng giêng Canh Ngọ (1390) thì có lẽ kinh đô Thăng Long đã bị Chế Bồng Nga làm cỏ. Những cuộc chiến tranh này và những mâu thuẩn trong nội bộ triều đình (mà người gây nên cũng chính là Trần Khắc Chung) đã làm nhà Trần suy yếu và bị Hồ Quý Ly cướp ngôi vào tháng 3 Canh Thìn (1400). Lời tiên đoán cuả Hưng Nhượng Đại Vương Quốc Tảng quả thật không sai.

Ta cũng thấy tinh thần tự tôn dân tộc hẹp hòi, không thức thời, thiếu tầm nhìn xa trông rộng cuả giới trí thức quan lại Đại Việt lúc bấy giờ. Giá mà Chế Mân không phải cắt hai châu Ô Lý cho Đại Việt, cuộc hôn nhân Chế Mân-Huyền Trân suông sẻ, tình giao hảo giữa hai nước vẫn bền chặt thì chắc sẽ không có cái chết đột ngột cuả Chế Mân và những hệ luỵ khác tiếp theo.

Sau sự việc đáng xấu hổ này, chúng ta không thấy sử sách nhắc nhở đến Huyền Trân công chúa và thế tử Chế Đà Da. Chắc hẳn Chế Đà Da còn quá bé để có thể chịu đựng một cuộc vượt biển dài ngày nên đã qua đời. Còn Huyền Trân tuy đáng thương hơn đáng tội nhưng cũng đành để lịch sử lãng quên7. Riêng Trần Khắc Chung ngoài lời trách mắng đầy giận dữ cuả Hưng Nhượng Vương Quốc Tảng thì không thấy triều đình có phản ứng gì khác. Có lẽ do công lao cuả ông quá lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên , lại là người bất chấp nguy hiểm để cứu mạng Huyền Trân, hơn nữa chẳng có chứng cứ gì rõ ràng ngoài lời mật tâu cuả những gia thần theo hầu?

Sử thần Ngô Sĩ Liên đã phê phán sai lầm cuả nhà Trần trong việc gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mân như sau: “…Nhân Tông đem con gái gả cho Chúa Chiêm Thành là nghĩa làm sao?Nói rằng nhân đi chơi đã trót hứa gả, sợ thất tín thì sao không đổi lại lệnh đó có được không? Vua giữ ngôi trời mà Thượng hoàng đã xuất gia rồi, vua đổi lại lệnh đó thì có khó gì, mà lại đem gả cho người xa không phải giống nòi để thực hiện lời hứa trước, rồi sau lại dùng mưu gian trá cướp về, thế thì tin ở đâu”(TT trang 219)

Cái chết cuả vua Chiêm và việc làm ô nhục giữa Trần Khắc Chung và Huyền Trân đã vượt ra ngoài suy nghĩ cuả Thượng hoàng Nhân Tông. Có lẽ quá đau buồn, ngài đã chuẩn bị sẵn sự ra đi cuả mình. Mồng 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308) Thượng hoàng Nhân Tông mất ở núi Yên Tử hưởng thọ 51 tuổi, bên cạnh ngài chỉ có thị giả Pháp Loa8

2/ Với Quốc phụ thượng tể Quốc Chấn:

Huệ Vũ Vương Quốc Chấn là con Nhân Tông, em cuả Anh Tông, thường theo vua ra trận, rất được Anh Tông tin cậy. Con gái trưởng cuả Quốc Chấn là Huy Thánh công chúa đã trở thành Lê Thánh hoàng hậu cuả vua Minh Tông vào tháng 12 Quý Hợi (1323). Như vậy đối với Minh Tông, Quốc Chấn vừa là chú vừa là cha vợ, được nhà vua lấy làm Nhập nội quốc phụ thượng tể vào tháng 4 năm Giáp tý (1324), một vị trí lớn trong triều đình. Thế nhưng Minh Tông đã giết quốc phụ cuả mình vào tháng 3 Mậu Thìn – 1328 vì quá tin lời Khắc Chung.

Toàn Thư ghi lại sự kiện này: “…Bấy giờ, vua ở ngôi đã 15 năm, tuổi đã cao mà vẫn chưa lập thái tử. Cha hoàng hậu là Quốc Chấn giữ ý định đợi hoàng hậu có con rồi sẽ lập.

Cương Đông Văn Hiến hầu (không rõ tên) là con (có sách chép là em) cuả Tá Thánh thái sư Nhật Duật, muốn đánh đổ hoàng hậu để lập hoàng tử Vượng, mới đem 100 lạng vàng đút lót cho gia thần cuả Quốc Chấn là Trần Phẫu, bảo nó vu cáo Quốc Chấn âm mưu phản loạn. Vua tin là thực, giam Quốc Chấn ở chùa Tư Phúc rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cánh với Văn Hiến, lại cùng mẹ cuả Vượng, đều là người Giáp Sơn và đã từng làm thầy dạy Vượng, liền trả lời: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Vua mới cấm tuyệt không cho Quốc Chấn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậu lấy áo tẩm nước cho Quốc Chấn uống, uống xong thì chết. Bắt bớ đến hơn trăm người liên can. Mỗi khi xử án, bị can phần nhiều kêu oan.

Vài năm sau, gặp khi vợ cả vợ lẽ tên Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên vua. Phẫu bị hạ ngục. Ngục quan Lê Duy là người cương trực, xét xử ngay ngày hôm ấy. Tên Phẫu bị lăng trì, nhưng chưa kịp hành hình thì gia nô cuả Thiệu Võ (không rõ tên, là con cuả Quốc Chấn) đã ăn sống hết cả thịt cuả nó. Văn Hiến được miễn tội chết, bị giáng làm dân thường, xoá tên trong sổ (hoàng tộc)”. (TT trang 236)

Sử thần Ngô Sĩ Liên có lời bàn như sau: “Ngôi thái tử là gốc cuả nước, không thể không lập sớm. Phận chính đích không thể để chi thứ phạm bừa. Vua ở ngôi đã lâu, con thứ đã lớn rồi mà con chính đích chưa sinh, thì làm thế nào? Tòng quyền là phải. Đợi con đích là chấp chính, lập con thứ là tòng quyền. Đến khi con đích sinh ra, lớn lên, thì gia phong cho con thứ tước vương, còn ngôi thái tử trả về con đích, ai bảo là chẳng nên?…

Có người hỏi rằng: ‘Lỡ có chuyện không lành, vua cha chết trước thì nguy lắm’

Xin thưa: Hãy chăm chú vào lời dạy thường ngày, nhận rõ lấy những lời trong di chiếu, chọn người bề tôi xã tắc, uỷ cho việc gửi gấm con côi, thì không có lo gì…”

Minh Tông không phải là một minh quân, không những thiếu quyết đoán mà còn thiếu sáng suốt. Nhà vua quá nghe lời Khắc Chung để giết oan không chỉ một trung thần mà còn là một người rất gần gủi thân thiết trong dòng tộc cuả mình. Nội bộ nhà Trần cũng vì sự thiên vị bất công cuả Minh Tông mà đã phân hoá thành nhiều phe cánh ngấm ngầm chống đối nhau.

Về phía Quốc Chấn, Ngô Sĩ Liên phê: “…Quốc Chấn là người cố chấp không linh hoạt, để cho kẻ gian thần thừa dịp gieo hoạ, đáng thương thay!…”

Riêng Trần Khắc Chung, ông nghiêm khắc lên án: “Còn như Trần Khắc Chung cũng là một nhân vật cuả một thời, vua trao cho hắn chức vị sư bảo và đem việc nước hỏi hắn, đáng lẽ phải hết lòng trung khuyên can, để cho vua mình trở thành Nghiêu Thuấn mới phải. Thế mà lại vào hùa với kẻ quyền quý, làm hại người ngay thẳng, đi theo bọn gian tà, đẩy người lành tới nỗi oan khiên, hãm đức vua vào việc làm tội lỗi. Việc ấy mà nhẫn tâm làm được, thì còn việc gì mà không nhẫn tâm làm nữa? Sau lại xui vua cầu công đi đánh Chiêm Thành, thì cái thói nịnh hót lại lộ ra nữa. Cho nên bậc làm vua khi dùng người hiền, phải xét kỹ họ, là bởi sợ rằng có đứa tiểu nhân như bọn Khắc Chung có thể lọt vào trong đó vậy.”

Sau khi quốc Chấn chết, tháng 2 Kỷ Tỵ (1329) hoàng tử Vượng được lập Đông cung thái tử, được sách phong làm Hoàng thái tử, đến ngày 15 tháng 2 Kỷ Tỵ (1329) Vượng lên ngôi tức Hiến Tông (1329-1341) bấy giờ mới 11 tuổi, quyền hành vẫn nằm trong tay thượng hoàng Minh Tông. Tất nhiên Trần Khắc Chung càng được ân sũng đặc biệt vì cùng phe cánh với Minh Từ hoàng thái phi Lê thị, mẹ đẻ cuả Hiến Tông.

Khắc Chung đã phơi bày một tâm địa quá xấu xa, mưu cầu tư lợi bằng những việc làm nhẫn tâm trái đạo lý.

Chân dung Trần Khắc Chung đã được Ngô Thời Sỹ khắc hoạ bằng những lời tóm lược sau: “Khắc Chung đã vô lễ làm nhục bà Huyền Trân, mưu đồ giết Quốc Chấn vô tội, cười đùa với thiên tai không lòng kính trời; đại hạn mà đổ lỗi cho Long vương, khinh khi cả quỉ thần; chỉ việc xiểm nịnh luồn cúi, mà các vua đời bấy giờ không biết là kẻ gian tà.”(VSTA trang 95 bản điện tử)

Thế nhưng luật nhân quả không loại trừ một ai, Khắc Chung đã lãnh một cái chết không toàn thây: Toàn Thư cho biết: Tháng 7 năm Canh Ngọ (1330) Khắc Chung chết, được tặng chức Thiếu sư nhưng khi đem về chôn ở Giáp Sơn thì bị gia nô cuả Thiệu Võ (con cuả Quốc Chấn) băm xác ra .(trang 243)

Nỗi oan khiên cuả Quốc Chấn thì mãi đến tháng 2 Giáp Thân (1344) khi Dụ Tông9 (1341-1369) ở ngôi mới được giải toả. CM ghi “tháng 2 Giáp Thân (1344) truy khai quan tước cho Quốc Phụ Thượng Tể Huệ Vũ Vương Quốc Chấn”. (trang 278)

VĨNH LIÊM

Chú thích:

1. Quan hầu cận bên cạnh vua (ghi chú của Cương Mục trang 227 điện tử)
2. Hàn Tín là tướng cuả Hán Cao Tổ, muốn đánh nước Yên, theo kế cuả Lý Tả Xa viết thư dụ trước, quả nhiên nước Yên đầu hàng
3. Tên cướp sừng sỏ trong truyền thuyết Trung quốc
4. Vị vua lý tưởng trong truyền thuyết TQ (ghi chú cuả TT)
5. Con cuả Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, cha cuả Thuận Thánh hoàng hậu (vợ vua Anh Tông)
6.Theo Simhavarman XXI trong “Hoàng Hậu Paramecvari (Huyền Trân Công Chúa) cuả Champa”-HBTVH Champa-USA thì Chế Mân băng hà lúc 50 tuổi.
7. Theo GS Huỳnh Văn Lang trong”Những Công Chúa Sứ Giả” tập 2 trang 117 thì TH Nhân Tông không phạt Khắc Chung mà lại phạt Huyền Trân như là người đàn bà mất nết, bắt cạo đầu vào chùa tu cho đến chết.( Trong tài liệu cuả Hội Bảo Tồn Văn Hoá Champa-USA đã dẫn)
8.Trước khi mất TH Nhân Tông xuống núi thăm chị là Thiên Thuỵ ốm nặng và bảo “Nếu chị đã đến ngày đến giờ thì cứ đi, thấy âm phủ có hỏi thì trả lời rằng: Xin đợi một chút, em tôi là Trúc Lâm đại sĩ sẽ đến tới ngay”. Nói xong Thượng hoàng trở về núi, dặn dò người hầu là Pháp Loa các việc về sau, rồi bỗng nhiên ngồi mà hoá. Thiên Thuỵ cũng mất vào ngày đó. (TT trang 220)
9. Cháu ngoại cuả Quốc Chấn: (Sau khi Hiến Tông lên ngôi, bà đích mẫu tức Hiến Từ hoàng thái hậu tức Lê Thánh hoàng hậu mới sinh con trai, trưởng là Dục, thứ là Hạo. Khi Hiến Tông mất (1341), thượng hoàng thấy Dục ngông cuồng không thể gánh vác công việc trọng đại, lúc ấy Hạo mới 6 tuổi bèn cho nối ngôi, tức Dụ Tông ).

Tài liệu tham khảo:

1. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (bản điện tử). Viết tắt:Toàn Thư (TT)

2. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (bản điện tử). Viết tắt: Cương Mục (CM)

3. Việt Sử Tiêu Án (bản điện tử). Viết tắt:VSTA

4. 700 năm cuộc tình Chế Mân và Huyền Trân Công Chuá: 1306-2006 (đặt lại vấn đề cuả bi kịch lịch sử này)- Dominique Nguyen.

5.Hoàng Hậu Paramecvari (Huyền Trân Công Chúa) cuả Champa- Simhavarman XXI- Hội Bảo Tồn Văn Hoá Champa-USA

Nguồn bài đăng 

Leave A Reply

Your email address will not be published.