Danh tướng Nguyễn Huỳnh Đức của triều Nguyễn

Huỳnh Duy Lộc

0 481

Nguyễn Huỳnh Đức (阮黃德) tên thật là Hoàng Tường Đức (黃奉德), có nhiều công lao nên được vua Gia Long ban quốc tính (được mang họ Nguyễn), từ đó có họ kép là Nguyễn Huỳnh. Ông sinh năm 1748 tại giồng Cái Én, làng Trường Khánh, châu Định Viễn, dinh Long Hồ (nay thuộc ấp Dinh, xã Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An), xuất thân trong một gia đình quan võ, ông nội là Huỳnh Châu, cha là Huỳnh Lương đều theo phò chúa Nguyễn và đều được phong chức Cai đội. Năm 1731, ông nội và cha ông theo Điều khiển Trương Phước Vĩnh tham gia đánh dẹp cuộc nổi loạn Sá Tốt. Sau khi dẹp yên, vua Chân Lạp xin đem hai vùng đất là Peam Mesar (Mỹ Tho) và Longhôr (Vĩnh Long) dâng cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập châu Định Viễn, dựng dinh Long Hồ, bổ nhiệm quan lại rồi đưa thêm dân Việt đến khai hoang lập nghiệp. Từ đó, gia đình ông ở lại khai khẩn và lập nghiệp tại nơi sinh ra ông.

Nguyễn Huỳnh Đức là người có dung mạo khôi ngô, khỏe mạnh hơn người, ai cũng coi ông là hổ tướng. Năm 1781, ông gia nhập đội quân Đông Sơn của Đỗ Thanh Nhơn. Về sau, tuy chủ tướng Đỗ Thanh Nhơn bị chúa Nguyễn Phúc Ánh giết chết, Nguyễn Huỳnh Đức vẫn được tin dùng. Năm Nhâm Dần (1782), ông được phong chức Tiền quân. Từ đó về sau, cuộc đời ông gắn chặt với chúa Nguyễn Ánh. Có lần, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đến Định Tường thì bị sa lầy, chỉ mỗi một mình ông dám trở lại cứu chúa. Lúc ấy, trời vừa chạng vạng, quân Tây Sơn sợ bị mai phục nên rút lui. Trong đêm đó, vì quá mỏi mệt, chúa Nguyễn Ánh đã gối đầu lên đùi ông ngủ say…

“Đại Nam liệt truyện” có chép giai thoại chúa Nguyễn Ánh gối đầu lên đùi ông mà ngủ: “Lại một đêm, Đức theo hầu vua đi đường sông, người lái thuyền bảo thuyền buồm của giặc ở phía trước mặt rất nhiều. Vua muốn lội lên bờ để tránh, Đức nghĩ sông ấy có nhiều cá sấu, cố xin vua thong thả hãy đi xem hư thực, sau nhìn kỹ thì là đàn cò trắng đậu ở trên cây. Vua ở trong thuyền mỏi quá, gối đầu vào đùi Đức mà nằm, Đức xua muỗi suốt đêm, mắt không chợp. Vua khen Đức là trung, thường đem Đức ví với bề tôi nhà Nguyên, đương đêm mưa tuyết, giương bức chiên lên che cho vua (vua Thái tổ nhà Nguyên khi quân bị thua, gặp trời mưa tuyết lớn, nằm ở trong chăn cỏ, Mộc Ba Lê cùng Bác Nhĩ Mộc giương bức chiên che cho vua từ tối đến sáng, không lúc nào dời chân)”.

Năm 1783, ông đánh với quân Tây Sơn ở Đông Tuyên, nhưng bị thua, bị bắt cùng với 500 thuộc hạ. Nguyễn Huệ thấy ông khỏe mạnh nên thu dụng ông. Ông chịu theo quân Tây Sơn, nhưng có lời giao kết là chỉ đánh với quân Trịnh, chứ không đánh với quân của chúa Nguyễn. Năm 1786, Nguyễn Huỳnh Đức theo Nguyễn Huệ ra Bắc hà đánh với quân Trịnh rồi về làm Phó tướng của Nguyễn Văn Duệ. Nguyễn Văn Duệ từng là tướng tâm phúc của Nguyễn Nhạc nên không thích ở dưới quyền của Nguyễn Huệ. Nguyễn Huỳnh Đức muốn lợi dụng mâu thuẫn này để trốn về với chúa Nguyễn, bàn với Nguyễn Văn Duệ theo đường tắt mà lẻn về với Nguyễn Nhạc. Tin lời, Nguyễn Văn Duệ dẫn hơn 5000 quân băng rừng rậm về Quy Nhơn. Trên đường, Nguyễn Huỳnh Đức thừa cơ trốn sang Vạn Tượng rồi qua Xiêm La (Thái Lan). Nhưng khi ông đến nơi, chúa Nguyễn đã về Gia Định. Vua Xiêm La muốn giữ lại, nhưng ông cương quyết về với chúa Nguyễn. Năm 1799, ông được thăng chức Chưởng quản Hữu quân dinh, ra đánh lấy được Phan Rí rồi Thị Nại (Bình Định). Năm sau, ông dẫn quân đánh hạ được thành Quy Nhơn rồi được cử vào Nam cai quản Định Tường. Sau khi chúa Nguyễn Ánh chiếm thành Phú Xuân, ông được giao trấn giữ thành Quy Nhơn.

Năm 1802, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công. Năm 1810, ông làm Tổng trấn Bắc thành kiêm Khâm sai Chưởng tiền quân. Năm 1816, ông trở về Nam làm Tổng trấn Gia Định thành cùng với Hiệp Tổng trấn Trịnh Hoài Đức, cai quản toàn miền Nam. Ngày 9 tháng 9 năm Kỷ Mão (tức ngày 27 tháng 10 năm 1819), ông mất khi đang tại chức, thọ 71 tuổi, được an táng tại quê nhà và được thờ tại miếu Trung hưng công thần tại kinh đô Huế. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), ông được truy tặng tước Kiến Xương Quận công. Ông có 4 người con trai đều là võ quan, trong số đó có 2 người là con rể của vua Gia Long.

“Đại Nam liệt truyện” chép về Nguyễn Huỳnh Đức:

“Nguyễn Hoàng Đức, người Kiến Hưng, tỉnh Định Tường, nguyên trước là họ Hoàng, được ban cho quốc tính, cho nên gọi là họ Nguyễn Hoàng, ông tên là Châu làm đến chức Cai đội, coi ba thuyền thuộc binh; cha tên là Lương, cũng làm đến chức Cai đội, coi một thuyền thuộc nội. Đức trạng mạo tốt đẹp, khỏe h mọi người; ai cũng gọi là hổ tướng. Khi trước, Đức theo làm thuộc hạ Đỗ Thanh Nhân, Thanh Nhân vì tội bị giết, Đức riêng được tuyển dụng.
Năm Nhâm Dần, Tây tặc vào cướp, ngự giá đi Lã Phụ, Đức cùng bọn Trần Xuân Trạch, Nguyễn Kim Phẩm theo hầu, gặp quân ta, lại tập kích phá được giặc, đuổi đến Trấn Định. Đức làm tiên phong. Tôn Thất Cốc làm trung quân tiến đóng ở sông Tứ Kỳ, giặc Huệ bày trận ngoảnh lưng xuống sông đánh rất mãnh liệt, quân ta rút lui, ngựa c911;a vua chạy bị hãm vào chỗ bùn lầy. Đức phò vua lên bờ, đem ngựa ra khỏi chỗ lầy ngựa không đi, Đức lại nắm tay, thúc ngựa chạy nhanh, giặc đuổi không kịp.

Lại một đêm, Đức theo hầu vua đi đường sông, người lái thuyền bảo buồm thuyền của giặc ở phía trước mặt rất nhiều. Vua muốn lội lên bờ để tránh, Đúc nghĩ sông ấy nhiều cá sấu cố xin vua thong thả hãy đi để xem hư thực, sau nhìn kỹ thì là đàn cò trắng đậu ở trên cây. Vua ở trong thuyền mỏi quá gối đầu vào đùi Đức mà nằm, Đức xua muỗi suốt đêm, mắt không chợp. Vua rất khen Đức là trung; thường ví Đức với bề tôi nhà Nguyên, đương đêm mưa tuyết, giương bức chiên lên che cho vua (xét vua Thái Tổ nhà Nguyên khi quân bị thua, gặp trời mưa tuyết lớn, nằm ở trong chăn cỏ. Mộc Ba Lê cùng Bác Nhĩ Mộc giương bức chiên che cho vua từ tối đến sáng, không dời chân lúc nào).

Năm Quý Mão, trận đánh ở Đông Tuyên, Đức cùng 500 thuộc hạ đều bị giặc bắt được, giặc Huệ yêu về sức khỏe, muốn thu dùng, Đức nghĩ muốn về, nhưng chưa được tiện, lòng thường phẫn uất. Một đêm Đức ngủ trong trại quân của Huệ, trong mơ màng quát to mắng Huệ, tướng của giặc, giặc giận, muốn giết đi, Huệ cho là lời trong lúc ngủ, không bắt tội cho nhiều châu ngọc, muốn hậu đãi để cố kết nhưng Đức vẫn không vui lòng.

Năm Bính Ngọ, Đức theo Huệ đi đánh Bắc Thành, khi trở về, lưu lạiệ An, trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Văn Duệ, vẫn là tướng của Nhạc, không thích làm việc với Huệ, Đức nói dối Duệ, theo đường rừng lẻn về Quy Nhơn để hội với Nhạc. Duệ tin lời lập tức đem thuộc hạ đi trước, hơn một tuần, Đức sai người đến tạ Duệ rằng: Sĩ phu đều vì chủ cả; Đức này không quên chủ cũ, cũng như tướng quân không quên Tây Sơn mà thôi, chủ cũ là chân chúa, mệnh trời có trao cho, tướng quân muốn bỏ chỗ tối đến chỗ sáng, thì nên cùng tôi đến đi, mưu lập công danh không bao giờ mất, không thế thì Đức này xin từ giã từ đây. Duệ giận Đức là bán mình, muốn nhân kế ấy mà giết, lập tức cho mang lệnh tiễn đi ngay nói dối Đức rằng: “Lời nói của ông chính hợp ý tôi, xin chờ ít lâu rồi cùng đi”. Đức biết mưu của Duệ, lại sợ chậm thì bị Duệ đánh úp liền nhân ban đêm đổi đi đường khác, đi theo Lạc Hoàn qua nước Vạn Tượng, đường đi quanh co, quân sĩ hết lương, chỉ hái lá cây mà ăn. Bỗng thấy một cây to, chim đậu có hàng vạn, mới úp bắt lấy, thì đều là lá cây hóa thành chim, hai cánh đã thành, mà mình và đầu còn là cành cây, ăn rất ngon lành, mọi người đều cho là báo ứng của lòng trung nghĩa. Các bộ Man nghe tiếng Đức, cấp cho lương khô, nên đi dược đến nước Xiêm. Khi Đức đến, thì vua đã hồi loan về Gia Định, vua nước Xiêm muốn lưu Đức lại; Đức lấy sự chết để thề, nhân từng kể nỗi gian nan, quân đi tìm chủ, khí uất giận bốc lên ngùn ngụt lại thổ ra một hòn máu, vua nước Xiêm thấy chí không thể bắt ép được rất kính trọng, cấp cho thuyền để về.

Khi Đức về đến nơi, vào bệ kiến, vua yên ủi rất nhiều, trao cho chức Trung doanh Giám quân, Khâm sai Chưởng cơ, sai quản tướng sĩ trung chi.

Mùa thu năm ấy, hàng tướng là Phạm Văn Sâm ngầm thông với giặc. Vua biết, sai Đức dụ trói Sâm, đem dâng, rồi giết đi. Năm Canh Tuất, dời đến chức Quản hữu quân doanh.

Mùa thu năm ấy, giặc vây Lê Văn Quân ở Phan Lý, Đức cùng bọn Nguyễn Văn Trương, Võ Tánh71;n cứu, giặc vỡ vây bỏ chạy.

Năm Nhâm Tý, đại binh tiến đánh Thi Nại, Đức cùng tán lý Chiêu đóng giữ Bà Rịa, sau tiến quân đánh Phố Hài; giặc bỏ đồn không mà đi. Đức bàn tiến lấy Phan Lý, vua nghĩ dân ở Bình Thuận đói, lương không lấy vào đâu được. Sai rút quân về.

Năm Quý Sửu, đem quân đến Quang Hóa, lấy gỗ đóng thuyền chiến. Bỗng trao cho chức Khâm sai chưởng hữu quân doanh, Bình Tây Phó tướng quân, lệ thuộc Tôn Thất Hội, điều động tiến đánh Bình Thuận, được thắng trận, thừa thắng tiến thẳng đến Quy Nhơn, cùng với thủy quân hội lại cắm hàng rào vây thành. Quân cứu viện của giặc đến, Đức rút quân về; lại cai quản quân hai chi Thúc Uy, Kiến Vũ, giữ trung đạo Phú Yên, lại đem quân về đóng giữ Bình Khang. Sau được triệu về, Đức dâng biểu ở lại Diên Khánh để giúp Đông cung. Vua khen mà y cho. Rồi sau lại triệu về, gặp quân giặc vây Diên Khánh; vua để Đức ở lại trấn Gia Định, thân đem đại binh đánh giặc, giặc tan chạy, Diên Khánh giải được vây đem quân về. Tướng giặc là Trần Quang Diệu lại đem nhiều quân vây Diên Khánh, và chia quân ngăn chặn đường tiếp viện ở Bình Thuận.

Vua nghe tin báo, phát 3000 quân sai Nguyễn Văn Thành đi giữ Bình Thuận. Thành từ chối vì quân ít, Đức bảo rằng 3000 tinh binh, có thể hoành hành thiên hạ, Bình Thuận nhỏ mọn, giữ chẳng khó gì, thần xin đi. Vua mới sai Đức làm Điều khiển, mà Thành phụ thuộc; đem quân đi đến Phan Lý, Tư lệ của giặc là Lê Trung chẹn chỗ hiểm để chống cự. Đức không thể tiến được, rút quân về Phố Hài. Sau vì lương quân không kế tiếp, mới rút về Bà Rịa.

Vua nghe tin giận bảo rằng: Đem quân thành thuộc ra đi nghe giặc mạnh mà rút lui, sao hèn nhát thế ! Bèn lấy mất quân, rồi tha cho tội, sai theo Tôn Thất Hội đi đánh giặc để cố gắng tự chuộc tội.

Năm Bính Thìn, trao cho chức Khâm sai chưởng hữu quân, Bình Tây tướng quân, ở lại trấn.

Năm Đinh Tý, đại binh đánh Quy Nhơn, tiến đóng ở Cù Huân, Đức theo vua đánh giặc, và tiến đánh Quảng Nam; cùng Nguyễn Văn Thành ở lại đánh giặc ở Phú Yên.

Năm Mậu Ngọ, nước Xiêm bị nước Diến Điện đánh, xin quân cứu viện ở ta, Đức cùng Nguyễn Văn Trương đi cứu viện, đến Côn Lôn nghe tin quân nước Diến Điện đã rút, Trương đem quân về, Đức mang quốc thư sang nước Xiêm sửa việc giao hiếu.

Năm Kỷ Mùi, Đức đã đi đánh Quy Nhơn, cùng Võ Tánh đánh giặc ở Thị Dã và cầu Tân An, đều được thắng trận, lấy lại được Quy Nhơn, đem quân về, coi làm đồn ở Trấn Định và Mỹ Tho.

Năm Canh Thân, giặc vây Quy Nhơn, đại binh đến cứu viện, Đức đóng quân ở Cù Mông, nghe theo Nguyễn Văn Thành chỉ huy.

Mùa hạ năm Tân Dậu, đại binh tiến lấy Phú Xuân, Đức quản lĩnh binh thuyền ở lại giữ Thi Nại; đến khi lấy được Phú Xuân Đức xin về kinh yết kiến. Vua nghĩ thành Quy Nhơn chưa hạ, dụ Đức ở lại.

Gia Long năm thứ nhất (1802) hạ được thành Quy Nhơn; cho Đức tước Quận công, lĩnh đóng trấn Quy Nhơn.
Năm thứ 7, (1808) triệu về kinh, rồi cùng Lê Chất coi đắp các đường quan lộ từ Quảng Nam đến Bình Hòa.

Năm thứ 9, (1810) Đức ra làm Tổng trấn Bắc Thành, hiệu lệnh nghiêm chỉnh, rõ ràng, người đều sợ phục, muốn tiến dẫn sĩ phu, Vũ Trọng Đại, Vũ Quýnh đều là môn thuộc cả.

Năm thứ 11, (1812) Đức được triệu về kinh, kính gặp lễ ninh lăng Hiếu Khang Hoàng hậu, sung làm Tổng hộ sứ; rồi đổi bổ chức Khâm sai chưởng Tiền quân, lĩnh thành như cũ.

Năm thứ 14, (1815) mùa hạ, Đức về kinh yết kiến, nhân xin về nghỉ Gia Định, đến Bình Định, bệnh nổi lên, vua nghe tin, thường sai trung sứ đến thăm hỏi, và cho ở lại trấn điều dưỡng, khỏi bệnh mới về.

Năm thứ 15, (1816) Đức thay Lê Văn Duyệt trấn giữ Gia Định, dâng biểu nói: “Thần thẹn vì bất tài, một mình ở nơi công việc phiền kịch, nhiều việc bỏ đọng, không thể làm một mình được, xin chọn người làm phó”. Vua bèn cho Trịnh Hoài Đức làm Hiệp tổng trấn.

Năm thứ 16, (1817) Đức có bệnh. vua cho một cân quế Thanh.

Năm thứ 18, (1819) về mùa thu, Đức chết, được tặng Súy Trung Dực vận Công thần, Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Thượng trụ quốc Thái phó Quận công, cho tên thụy là Trung Nghị, ban cho nhiều gấm đoạn và tiền, sai quan trấn Định Tường dự tế.

Minh Mạng năm thứ nhất (1820), được thờ ở miếu Trung hưng công thần, cấp phu coi mộ.

Năm thứ 5, (1824) cho thờ phụ ở Thế miếu, cấp cho ruộng tự điền.

Năm thứ 12, (1831) Đức được truy tặng Tá vận Công thần, Đặc tiến Tráng vũ Tướng quân, Tiền quân Đô thống phủ chưởng phủ sự, Thái phó; đổi tên thụy là Chiêu Nghị; phong Kiến Xương quận công.

Đức là người trung thành, thuần thực, theo vua cầm dây cương, từng gian hiểm, chí không chịu khuất chút nào về tiết không chịu theo giặc, người khác khó mà theo được. Thế Tổ thường bảo thị thần rằng: Đức không chịu hàng giặc, khốn khó muôn hiểm theo trẫm gian lao, chí khí cao cả ấy hơn người tầm thường xa lắm. Tính Đức kính cẩn, Thánh Tổ thường nói trong hàng võ thần, chỉ có Đức là biết lễ. Sau khi đại định cai trị ba tấn lớn, đức nghiệp, công lao, danh vọng, các bầy tôi không sánh được.

Đức có 4 con Toán, Nhiên, Thành, Thỏa; Toán được ấm thụ Kiêu kỵ đô úy, gả công chúa cho; Thành được ấm thụ Khinh kỵ đô úy; Minh Mạng năm thứ 10, cũng gả công chúa cho, làm quan chức Phò mã đô úy; Thỏa làm quan đến chức Vệ úy doanh Tiền phong. Nhiên được bổ thụ Phó vệ úy các quân. Nhiên, Thỏa đều phải tội cách chức. Con của Thành là Kim, Tự Đức năm thứ 4 (1851) được tập phong Kiến Xương tử, coi việc thờ cúng Đức, lại người con nuôi của Đức là Nguyễn Đình Phố cũng vì có quân công được vinh hiển, khoảng năm Minh Mạng, làm quan đến Tổng đốc Ninh Thái, có truyện riêng”.

HUỲNH DUY LỘC
Ảnh: Danh tướng Nguyễn Huỳnh Đức và lăng Nguyễn Huỳnh Đức ở Tân An (Long An)

Leave A Reply

Your email address will not be published.