Hoài quốc công Võ Tánh, một trong “Gia Định tam hùng”

Huỳnh Duy Lộc

0 741

GS K. W. Taylor đã viết về những chiến dịch theo gió mùa của chúa Nguyễn Ánh:

“Không giống như những cuộc chiến truyền thống ở Đàng Ngoài được tiến hành vào mùa đông khô ráo, khi gió từ phương Bắc thổi từ đất liền ra biển, những chiến dịch quân sự của Nguyễn Ánh thường được tổ chức theo những cơn gió phương Nam thổi từ biển vào đất liền từ cuối mùa xuân tới mùa thu. Chiến thuật căn bản của Nguyễn Ánh là tiến ra miền Bắc bằng đường biển nhờ những cơn gió, cho quân lính đổ bộ lên đất liền và cung cấp lương thực và phương tiện cho các đạo quân trên bộ tiến về phía trước. Khi gió đổi chiều, ông sẽ trở về Gia Định cùng với đội thủy quân và để quân lính trên bộ ở lại giữ những phòng tuyến, ngăn chặn quân địch cho tới năm sau, khi gió phương Nam thổi trở lại. Thử nghiệm đầu tiên của Nguyễn Ánh với chiến thuật này là vào năm 1790, khi ông cho quân lính đi dọc theo bờ biển, tiến ra Bình Thuận. Sau thành công ban đầu của việc tiến quân ra phía Bắc từ Bình Thuận, các tướng của Nguyễn Ánh đã có một phen bối rối khi các tướng của Nguyễn Nhạc phản công. Đến cuối năm ấy, Nguyễn Ánh rút quân về điểm xuất phát là Bà Rịa…”.

Chiến dịch theo gió mùa của Nguyễn Ánh vào năm 1793 là một thành công lớn đã củng cố vị thế của ông trên chiến trường. Vào tháng 5 âm lịch, khi có một cơn gió mạnh từ phương Nam, Nguyễn Ánh cho đội thủy quân đổ bộ lên đất liền, đánh chiếm Nha Trang, hợp quân với những quân lính trên bộ của ông ở đó. Lực lượng trên bộ và lượng thủy quân của ông tiến về phía trước, đi qua Phú Yên, và sau những trận đánh ác liệt, đã chiếm được những vị trí chiến lược xung quanh Chà Bàn, kinh đô của Nguyễn Nhạc, và cảng Qui Nhơn. Trong khi quân lính của ông tiếp nhận sự đầu hàng của quân Tây Sơn, thu nhặt vũ khí của địch ở Chà Bàn và Qui Nhơn, Nguyễn Ánh cho thủy quân tiến về phía Bắc ra tới Quảng Ngãi, hợp quân với những người ủng hộ ông tại đây và tiến hành nhiều trận đánh với quân Tây Sơn đến từ Phú Yên để cứu viện Nguyễn Nhạc.

Khi gió lại đổi chiều, Nguyễn Ánh rút quân về Phú Yên, rồi huy động 4.000 người từ Bình Thuận để xây một thành trì ở Diên Khánh dưới sự giám sát của Olivier de Puymanel. Thành Diên Khánh, cách Nha Trang 15 km về phía Tây, là thủ phủ mới của tỉnh Khánh Hòa. Vị trí chiến lược của nó là nhằm giữ con đường đi về phía Nam của Nha Trang. Một hệ thống kho vận và nhà trạm được xây dựng ở Bình Thuận, nối liền Gia Định với Diên Khánh. Nguyễn Ánh quyết tâm bảo vệ Diên Khánh bằng mọi giá…

Cuối mùa xuân năm 1799, sau khi dẹp tan một cuộc nổi dậy của người Chàm ở Phan Rang, Nguyễn Ánh chuẩn bị cho đạo quân trên bộ tiến ra phía Bắc và chờ khi gió phương Nam nổi lên để dong buồm. Các thuyền vận chuyển lương thực của đồng minh của ông là vua Chakri của Xiêm đã phối hợp với đoàn chở lương của ông. Vào đầu mùa hạ, Nguyễn Phúc Ánh đến Nha Trang, hợp binh với lực lượng trên bộ của ông tại Diên Khánh rồi phái quân lính ra Phú Yên, nơi đã ở trong tình trạng hỗn loạn suốt nhiều tháng qua do cuộc tấn công của các tướng Tây Sơn và một tướng của ông đã phản bội ông về với Tây Sơn.

Khi hay tin vua Chân Lạp đã gởi một đạo quân 5.000 người và 10 con voi, ông đã ra lệnh cho hoàng tử Cảnh đang ở Gia Định phái đoàn quân Chân Lạp ra phía Bắc. Phú Yên đang ở trong tình trạng hỗn loạn cùng cực với những đoàn quân Tây Sơn, những người lính phản bội hay đào ngũ, những người lính bị thương vong hay đã mất tinh thần, không còn tuân theo kỷ luật. Thời gian đang trôi qua. Nếu không sớm làm gì, những cơn gió sẽ đổi chiều và ông sẽ phải trở lại Gia Định, bỏ Võ Tánh lại phía sau. Nguyễn Phúc Ánh không chấp nhận tình trạng bế tắc này. Ông được tin các đồng minh Lào của ông được sự hỗ trợ của những người dân miền núi đã tấn công Nghệ An. Ông ra lệnh cho Lê Văn Duyệt đem quân tiến về phía trước. Lê Văn Duyệt tiến tới Bình Định, tới gần vòng vây của quân Tây Sơn ở thành Bình Định, nhưng không tiến xa hơn được. Tuy nhiên thủy quân của Nguyễn Phúc Ánh đã bắt được một đoàn thuyền chở lương thực của Tây Sơn ở bờ biển phía Bắc Bình Định và ngay sau đó bắt được một đoàn thuyền hải tặc của nhà Thanh theo Tây Sơn. Nguyễn Ánh nhận được tin con trai ông là hoàng tử Cảnh đã chết vì bệnh đậu mùa. Người ta không biết rõ tin buồn này đã ảnh hưởng đến Nguyễn Ánh ra sao, chỉ có điều khi ấy ông đã có một quyết định có ảnh hưởng về lâu về dài. Năm ấy, ông sẽ không trở lại phương Nam khi gió mùa đổi chiều. Dường như cái chết của con trai đã khiến cho Nguyễn Ánh không còn muốn trở lại Gia Định, nơi từng là căn cứ của ông suốt nhiều năm, mà muốn trở lại quê cha đất tổ, nơi ông đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ. Ông quyết định bỏ lại phía sau tình hình rối ren ở Phú Yên và cuộc giằng co ở Bình Định, dẫn quân tiến ra Bắc để chiếm thành Phú Xuân. Ông nhắn các đồng minh Lào tiếp tục những cuộc tấn công, cho quân sĩ đi thuyền ra Hội An, phối hợp với quân sĩ địa phương ở Quảng Ngãi và Quảng Nam. Sau khi gom góp gạo ở Quảng Nam và bắt được nhiều thuyền của hải tặc Trung Quốc trên biển, ông cho thuyền ra vịnh Đà Nẵng và tiến về Phú Xuân. Quân Tây Sơn kháng cự rất yếu ớt và thành Phú Xuân đã thất thủ, vua Nguyễn Quang Toản bỏ trốn ra miền Bắc…”
(A History of the Vietnamese, tr. 391, 392, 393)

Như K. W. Taylor có nhắc tới, một vị tướng tài có mặt trong những chiến dịch của Nguyễn Ánh ở Nha Trang và Bình Định là Võ Tánh. Nhà nghiên cứu Võ Hương An đã chép tiểu sử Võ Tánh: “Võ Tánh quê ở Biên Hòa, có người anh ruột tên Võ Nhàn là bộ tướng của Đỗ Thanh Nhân. Sau khi Nhân làm phản, bị Nguyễn Vương giết chết, Võ Nhàn tụ tập quân Đông Sơn của Nhân để chống lại, nhưng rồi cũng bị bắt giết. Võ Tánh nắm lấy tàn quân của anh về đóng ở Vườn Trầu (Gia Định), rồi sau kéo về đóng ở Gò Công, lần hồi tụ hội dưới tay được cả vạn người, tự xưng là Tổng nhung. Võ Tánh cùng Đỗ Thanh Nhân và Châu Văn Tiếp thường được gọi là “Gia Định tam hùng”. Nguyễn Vương, trong thời gian tị nạn ở Xiêm, vẫn thường xuyên cho người nắm tình hình miền Nam, biết lực lượng của Võ Tánh nên cho người về chiêu dụ. Sau khi Nguyễn Vương từ Xiêm trở về, tuy hai bên chưa gặp mặt nhưng Võ Tánh đã đem quân giúp Nguyễn Vương đánh lại tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham, thắng vài trận nhỏ. Võ Tánh chính thức đem thuộc hạ đầu phục Nguyễn Vương vào mùa xuân năm 1788, được Nguyễn Vương phong làm Tiền phong dinh chưởng cơ và đem em gái là Ngọc Du gả cho. Từ đấy, Võ Tánh trở thành một tướng giỏi nòng cốt, lập nên nhiều chiến công, góp phần đắc lực cho Nguyễn Vương trong việc khôi phục cơ đồ.

Năm 1789, Võ Tánh cùng Lê Văn Quân, Nguyễn Văn Trương, Tôn Thất Hội hợp binh đánh thắng Phạm Văn Tham, thu hồi thành Gia Định; năm 1790, cùng Lê Văn Quân tái chiếm Bình Thuận; năm 1791, đổi coi Hậu quân.
Năm 1793, Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương theo Nguyễn Vương dẫn thủy quân ra đánh lấy các phủ Diên Khánh, Bình Khang và Phú Yên, sau đó hiệp cùng bộ binh của các tướng Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Thành tiến đánh Qui Nhơn. Sau khi thủy quân thắng lớn ở Thị Nại, cả hai quân thủy bộ của Nguyễn Vương không làm gì được Qui Nhơn nên phải rút về Gia Định. Năm 1797, Nguyễn Vương và Đông cung Cảnh đem thủy quân ra đánh Qui Nhơn lần thứ hai, lại sai Võ Tánh và Nguyễn Văn Thành đem bộ binh ra đánh Phú Yên, nhưng tất cả không thành công. Năm 1799, Nguyễn Vương lại đem đại binh ra đánh Qui Nhơn. Thủy quân thì do Nguyễn Vương đích thân chỉ huy, vào cửa Thị Nại, hợp đồng với hai cánh bộ binh của Võ Tánh và Nguyễn Huỳnh Đức tiến đánh Qui Nhơn, với sự giúp sức của cánh quân Nguyễn Văn Thành sau khi cánh quân này chiếm xong Phú Yên. Với lực lượng mạnh mẽ đó, Nguyễn Vương hạ được thành Qui Nhơn và đổi làm thành Bình Định.

Sau khi để Võ Tánh và Ngô Tòng Châu ở lại giữ Bình Định, Nguyễn Vương rút quân về Gia Định. Năm sau (1800), tướng Tây Sơn là Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu đem đại quân thủy bộ vào tái chiếm. Thủy quân của Võ Văn Dũng án ngữ mặt biển, chặn cứu ứng của Nguyễn Vương, còn bộ binh bao vây tấn công thành. Võ Tánh chỉ huy quân sĩ hết sức chống giữ nên giữ vững được. Nguyễn Vương chỉ huy thủy quân, hiệp cùng bộ binh của Nguyễn Văn Thành, Lê Chất, Nguyễn Đình Đắc, Trương Tấn Bửu ra giải vây, nhưng vì hai quân thủy bộ không thông được với nhau nên cuộc giải vây không kết quả, phải rút về. Năm sau (1801), Nguyễn Vương lại dẫn đại quân ra giải vây lần nữa. Lần này thủy quân thắng lớn ở Thị Nại, Võ Văn Dũng rút về phối hợp lực lượng với Trần Quang Diệu phòng giữ các nơi và vây chặt Bình Định, quân Nguyễn Vương không làm gì được. Võ Tánh ở trong thành, phần quân ít, lương thực lại thiếu nên sự chống giữ rất vất vả, Nguyễn Vương cho người bí mật lẻn vào thành khuyên Võ Tánh và Ngô Tòng Châu bỏ thành. Võ Tánh không nghe và khuyên Nguyễn Vương nên lợi dụng lúc này lực lượng Tây Sơn đang tập trung ở Bình Định, đem quân ra tấn công Phú Xuân, tất thắng lớn. Nguyễn Vương nghe lời, để Nguyễn Văn Thành ở lại chống với Tây Sơn rồi kéo quân ra Phú Xuân. Quả nhiên, Nguyễn Vương đại thắng, lấy được Phú Xuân, đuổi vua Tây Sơn chạy dài ra Bắc.

Nghe tin Phú Xuân thất thủ, Diệu và Dũng cho đem quân ra ứng cứu nhưng bị quân của Lê Văn Duyệt chặn đánh ở Quảng Nam, phải quay về. Từ đó, Diệu và Dũng ra sức đánh thành Bình Định” (Từ điển nhà Nguyễn, Võ Hương An, tr. 939, 940)

Trong thành, binh sĩ lâu ngày thiếu lương thực, có người khuyên Võ Tánh nên vượt vòng vây trốn thoát, nhưng ông cương quyết ở lại. Ông nói: “Không thể được. Ta phụng mạng giữ thành này nên thề với thành cùng sống chết. Nếu bỏ thành mà hèn nhát trốn lấy một mình thì sau này còn mặt mũi nào trông thấy chúa thượng?”. Ông sai người trao cho Trần Quang Diệu một bức thư xin tha chết cho quân sĩ trong thành rồi sai thuộc hạ lấy rơm củi chất dưới lầu Bát Giác, đổ thuốc súng vào, châm ngòi tự vẫn. Ngô Tùng Châu cũng dùng thuốc độc tự vẫn. Đó là ngày 27 tháng 5 năm Tân Dậu, tức ngày 7 tháng 7 năm 1801. Khi chiếm được thành, Trần Quang Diệu xúc động trước sự trung dũng của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, sai người tẩm liệm thi hài hai ông tử tế rồi chôn cất theo lễ vương. Thuận theo lời yêu cầu của Võ Tánh, Trần Quang Diệu không giết hại hàng binh của chúa Nguyễn.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Chân dung Võ Tánh, cổng phía Đông của thành Bình Định trước khi phục chế, ngôi mộ trong thành Bình Định và lầu Bát Giác (Bình Định), nơi thờ phụng Võ Tánh và Ngô Tòng Châu

Leave A Reply

Your email address will not be published.