K.W.Taylor và ghi chép về chúa Tiên Nguyễn Hoàng

Huỳnh Duy Lộc

0 1,205

K.W.Taylor (Keith Weller Taylor) sinh năm 1946, có bằng cử nhân vào tháng 5 năm 1968 tại Đại học George Washington rồi chỉ 2 tuần sau, ông bị gọi đi khám sức khỏe để đi quân dịch và đã tình nguyện vào Cơ quan Tình báo Quân đội với hy vọng không bị đưa sang chiến trường Việt Nam. Thế nhưng ông vẫn phải sang Việt Nam vào năm 1970 với cấp bậc trung sĩ trong quân đội Mỹ rồi được trở về Mỹ vào năm 1971 sau khi bị thương. Vào tháng 1 năm 1972, 6 tháng sau khi trở về từ Việt Nam, ông được giải ngũ và tiếp tục theo học Đại học Michigan, chuyên về lịch sử Việt Nam.

GS K.W.Taylor

Sau khi lấy được bằng tiến sĩ về lịch sử vào năm 1976 với luận án “The birth of Vietnam” (Việt Nam thời dựng nước), ông làm giảng viên khoa Lịch sử, Đại học Quốc gia Singapore (1981-1987), giáo sư khoa Lịch sử ở Hope College (1987-1989) rồi làm giáo sư của khoa Nghiên cứu châu Á của Đại học Cornell (từ năm 1989 đến nay).

Tác phẩm “A history of the Vietnamese” (Cambridge University Press ấn hành, New York, 2013): https://drive.google.com/…/1TTInpCc6MPjLtLVbEsc…/view…

GS K.W.Taylor kể về buổi đầu mở cõi của chúa Nguyễn Hoàng:

“Phong trào phục hưng triều Lê được khởi xướng bởi Nguyễn Kim, con trai của Nguyễn Hoàng Dụ. Năm 1529, sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi của vua Lê, Nguyễn Kim đã dẫn những người trong gia đình và thuộc hạ sang Ai Lao thần phục vua Photisarath (trị vì từ năm 1520 tới năm 1548) mà Vương quốc Lan Xang ở Luang Prabang và Vientiane tại lưu vực sông Cửu Long đang cường thịnh. Vua Photisarath đã nhận Nguyễn Kim làm chư hầu và giao cho ông lãnh địa ở Sam Nua, đầu nguồn của hai con sông Ma và sông Chu chảy xuống vùng Thanh Hoá của Đại Việt trước khi đổ ra biển Đông. Mạc Đăng Dung đã tiêu diệt những kẻ trung thành với vua Lê khởi loạn ở Thanh Hoá vào năm 1530 và năm 1531, nhưng những người còn sống sót đã sang Ai Lao lánh nạn và được Nguyễn Kim cưu mang. Năm 1533, Nguyễn Kim tôn Lê Duy Ninh, người con trai 18 tuổi của Lê Ý, lên làm vua. Vua Photisarath cũng công nhận việc này, giúp Nguyễn Kim về tài chánh và cử sứ bộ sang triều đình nhà Minh tố cáo Mạc Đăng Dung là kẻ tiếm ngôi của vua Lê, yêu cầu hoàng đế nhà Minh giúp khôi phục nhà Lê.

Một trong những người theo Nguyễn Kim trên cao nguyên Ai Lao là Trịnh Kiểm, một người ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, không xa Tây Đô. Nguyễn Kim đã nhận ra ngay Trịnh Kiểm là một nhà chỉ huy quân sự có tài, đã gả con gái của mình là Ngọc Bảo cho viên dũng tướng trẻ tuổi.

Năm 1545, sau khi Nguyễn Kim bị hàng tướng Dương Chấp Nhất của nhà Mạc đầu độc, Trịnh Kiểm trở thành thủ lĩnh của phe tôn phù vua Lê. Trịnh Kiểm đã gây ra cái chết bí ẩn của Nguyễn Uông, con trai lớn của Nguyễn Kim. Nguyễn Hoàng, người con trai kế của Nguyễn Kim, đã nghe theo lời khuyên của Nguyễn Ư Dĩ, anh trai của mẹ ông, giả điên để tránh cặp mắt ngờ vực của Trịnh Kiểm. Vào năm 1546, Trịnh Kiểm đã chiếm được tất cả những tỉnh ở phía Nam Thanh Hoá và tình hình đã diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho ông sau khi con cháu Mạc Đăng Dung lao đầu vào cuộc chiến tranh giành ngôi vua.

Về sau, việc tham khảo ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được đưa ra như một lý do để lý giải việc giải quyết một vấn đề triểu đại. Mẹ Nguyễn Hoàng là người ở vùng gần quê hương của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo câu chuyện này, vì lo cho tương lai của con trai, bà sai người đến tham khảo ý kiến của Nguyễn Bỉnh Khiêm và ông đã khuyên con trai bà nên vượt qua Đèo Ngang, đi về phương Nam. Vào năm 1558, chị của Nguyễn Hoàng là Ngọc Bảo thuyết phục chồng bà là Trịnh Kiểm phong Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên sau này. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa cùng với người cậu và cũng là cố vấn của ông là Nguyễn Ư Dĩ cùng với nhiều người trong gia tộc và thuộc hạ, lập dinh trấn gần tỉnh Quảng Trị ngày nay, khởi sự cơ đồ của dòng họ ông ở phương Nam. Trong thực tế, việc Trịnh Kiểm xin vua Lê phong cho Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa là một giải pháp hiển nhiên cho vấn đề khó xử đối với ông là phải làm gì với người em vợ của mình. Nguyễn Hoàng là người đứng đầu gia tộc họ Nguyễn, có được sự trung thành của nhiều người ở Thanh Hóa. Hơn nữa, dư đảng của nhà Mạc ngày càng quấy phá duyên hải phía Nam và Nguyễn Hoàng có thể giữ được phần lãnh thổ này cho vua Lê. Suốt những thập niên sau đó, cán cân lực lượng lúc thì nghiêng về phía Trịnh Kiểm, lúc thì nghiêng về phía Mạc Kính Diễn…

Khi hay tin Trịnh Kiểm đau yếu, vào năm 1569, Nguyễn Hoàng đã đi từ Thuận Hóa ra Thanh Hóa để bày tỏ lòng trung thành với chúa Trịnh và tái khẳng định sự liên minh chống nhà Mạc. Theo lời tường thuật của những người đương thời, em vợ và anh rể đã vui vẻ khi gặp lại nhau. Trước khi trở về phương Nam vào đầu năm 1570, Nguyễn Hoàng được phong thêm chức trấn thủ Quảng Nam, từ đó có được quyền hạn trên toàn bộ lãnh thổ phía Nam. Trịnh Kiểm từ trần chỉ vài ngày sau khi Nguyễn Hoàng rời Thanh Hóa…

Khi Trịnh Tùng, con trai Trịnh Kiểm, loan báo việc khôi phục nhà Lê ở Đông Kinh (Thăng Long) vào mùa hè năm 1593, Nguyễn Hoàng phải ra Đông Kinh để bày tỏ lòng trung thành với vua Lê, và ông cũng mang theo binh lính để giữ vững sự ổn định ở đồng bằng sông Hồng. Ông dẫn quân lính tham gia các trận chiến, cho các khẩu đại bác phá tan tường thành của quân nhà Mạc và giành nhiều chiến thắng, buộc Mạc Kính Cung phải rời khỏi vùng đồng bằng Bắc bộ để ẩn náu ở vùng rừng núi Lạng Sơn…

Một vấn đề lại đặt ra với Trịnh Tùng là phải làm gì với người cậu của mình và lãnh thổ của ông ở phương Nam. Trịnh Tùng muốn giữ Nguyễn Hoàng ở gần mình để dễ giám sát và kiểm soát lãnh thổ phía Nam. Tuy nhiên Nguyễn Hoàng lại nôn nóng muốn trở về phương Nam mà không làm đổ vỡ quan hệ với cháu ông. Giữa mùa hè năm 1600, 3 vị tướng của Trịnh Tùng ở hạ lưu sông Hồng, phía Nam Đông Kinh đã khởi loạn. Nguyễn Hoàng đã xin vua Lê cho ông đem quân đi đánh dẹp quân khởi loạn và vua Lê đã chấp thuận ngay. Nguyễn Hoàng cho đốt doanh trại của mình, vượt qua hàng ngũ của những kẻ khởi loạn, ra bờ biển, lên thuyền trở về Thuận Hóa.

Các nhà viết sử của họ Trịnh tin rằng Nguyễn Hoàng đã xúi giục các tướng của Trịnh Tùng khởi loạn để ông có cớ trở về Thuận Hóa. Không có bằng chứng rõ ràng nào về việc này nhưng chắc chắn là ông đã có liên lạc với những tướng khởi loạn vì họ đóng quân đúng trên con đường ông cần đi qua để rời đồng bằng sông Hồng, trở về Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng cũng làm nhiều việc để quan hệ giữa ông và cháu ông không đổ vỡ. Ông để lại Đông Kinh một người con trai và một người cháu nội làm con tin và gả một người con gái cho Trịnh Tráng, con trai của Trịnh Tùng. Cả Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng đều không muốn gây chiến với nhau. Trịnh Tùng còn phải đối phó với quân Mạc, còn Nguyễn Hoàng cần có thời gian để tổ chức lãnh thổ của ông ở phương Nam trước khi từ trần…” (A history of the Vietnamese, tr. 414, 415, 419, 420)

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.