K. W. Taylor và ghi chép về Tả quân Lê Văn Duyệt

Huỳnh Duy Lộc

0 796

Sử gia K. W. Taylor đã viết về Tả quân Lê Văn Duyệt: “Nguyễn Ánh có nhiều vị tướng tài ba, nhưng không có ai ở lại với ông lâu bằng Lê Văn Duyệt (1764-1832).

Lê Văn Duyệt quê gốc ở Quảng Ngãi, nơi Nguyễn Cư Trinh phục vụ chúa Nguyễn vào thập niên 1750, một vùng đất nổi tiếng vì tình trạng nghèo khó và vô pháp. Tương truyền, khi sinh ra, ông không có tinh hoàn và đã có thời gian làm thái giám tại Gia Định. Ông xuất hiện lần đầu tiên trong hàng ngũ của Nguyễn Ánh vào thập niên 1770, trong những năm chiến đấu và chạy trốn khỏi sự truy đuổi của quân Tây Sơn ở Gia Định. Ông nổi tiếng là người khắc khổ, không có óc khôi hài và dễ nóng giận với các bạn đồng liêu và rất nghiêm khắc với thuộc cấp. Tuy nhiên, qua nhiều năm, ông tập hợp được một “gia đình” gồm những người có tài ông nhận làm con nuôi và ông rất mực trung thành với Nguyễn Ánh. Dù đã tham gia nhiều chiến dịch quân sự những năm trước đó, đến năm 1799, ông mới nổi lên như là một vị tướng chỉ huy có tài mà Nguyễn Ánh rất trông cậy trong những năm cuối cùng của cuộc chiến với Tây Sơn.

Mùa xuân năm 1799, Nguyễn Ánh cho đội chiến thuyền và các thuyền hậu cần tiến ra Nha Trang. Sau khi tham khảo ý kiến của hoàng tử Cảnh khi ấy đang ở Nha Trang, ông ra lệnh cho binh lính trên bộ tiến ra Phú Yên và Chà Bàn. Ông đi thuyền ra chiếm cảng Qui Nhơn và sai Lê Văn Duyệt ra phía Bắc Bình Định (Chà Bàn) để ngăn quân Tây Sơn tiến về phía Nam. Lê Văn Duyệt liên kết được với các thủ lĩnh Ede và họ giúp ông chặn các đường đèo giữa Quảng Ngãi và Bình Định. Quân Tây Sơn đi thành hai hàng qua đèo. Một hàng quân Tây Sơn đã kinh hoảng khi những người lính đi đầu kêu lên “Nai” khi nhìn thấy một đàn nai. “Nai” vừa là từ chỉ con nai, vừa là tiếng lóng để chỉ quân Gia Định ở Đồng Nai. Mấy tiếng “nai, nai” lan truyền làm cho quân Tây Sơn kinh hãi tháo chạy…” ( A History of the Vietnamese, tr. 391)

Võ công oanh liệt nhất của Lê Văn Duyệt là trận thuỷ chiến ở đầm Thị Nại (Qui Nhơn). “Cuối năm 1800, được hướng dẫn bởi những đồng minh thuộc các dân tộc thiểu số trên cao nguyên, Lê Văn Duyệt đem quân tiến đến phía sau quân Tây Sơn đang vây Võ Tánh trong thành Chà Bàn (về sau sẽ đổi tên thành Bình Định). Vài tuần lễ sau, vào đầu năm 1801, Lê Văn Duyệt cho các chiến thuyền có trang bị đại bác tiêu diệt thủy quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại và chiếm cảng Qui Nhơn. Những chiến thắng này đã thay đổi về cơ bản cục diện của cuộc chiến, củng cố vị trí của Nguyễn Ánh ở Bình Định. Đúng vào lúc này, Nguyễn Ánh nhận được tin con trai ông là hoàng tử Cảnh đã chết vì bệnh đậu mùa ở Gia Định. Người ta không biết rõ tin buồn này đã ảnh hưởng đến Nguyễn Ánh ra sao, chỉ có điều khi ấy ông đã có một quyết định khác có ảnh hưởng về lâu về dài. Dường như cái chết của con trai đã khiến cho Nguyễn Ánh không còn muốn ở lại Gia Định, nơi từng là căn cứ của ông suốt nhiều năm, mà muốn trở lại quê cha đất tổ, nơi ông đã trải qua những năm tháng tuổi trẻ. Ông quyết định bỏ lại phía sau tình hình rối ren ở Phú Yên và cuộc giằng co ở Bình Định, dẫn quân tiến ra Bắc để chiếm thành Phú Xuân. Ông nhắn các đồng minh Lào tiếp tục những cuộc tấn công, cho quân sĩ đi thuyền ra Hội An, phối hợp với quân sĩ địa phương ở Quảng Ngãi và Quảng Nam. Sau khi gom góp gạo ở Quảng Nam và bắt được nhiều thuyền của hải tặc Trung Quốc trên biển, ông cho thuyền ra vịnh Đà Nẵng và tiến về Phú Xuân. Quân Tây Sơn kháng cự rất yếu ớt và thành Phú Xuân đã thất thủ, vua Nguyễn Quang Toản bỏ trốn ra miền Bắc. Nguyễn Ánh giữ biên giới cũ của Đàng Trong và Đàng Ngoài ở sông Gianh trong khi quân Lào đồng minh và những người thuộc các dân tộc thiểu số ở cao nguyên tiến đánh Nghệ An và Thanh Hóa.

Lúc ấy là mùa hè năm 1801, khi cho quân sĩ nghỉ ngơi để tận hưởng chiến thắng, Nguyễn Ánh được tin Võ Tánh đã tự sát vì lương thực đã cạn, thành Bình Định đã rơi vào tay các tướng Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu của Tây Sơn. Tuy nhiên chiến thắng này của Tây Sơn chẳng có ý nghĩa gì vì giờ đây trọng tâm của cuộc chiến đã chuyển ra phía Bắc.

Trong nửa đầu năm 1801, Nguyễn Ánh chuẩn bị đối phó với một cuộc phản công của Nguyễn Quang Toản ở phía Bắc, bắt đầu lập ra chính quyền ở Phú Xuân và cung cấp lương thực cho các đạo quân của ông. Lê Văn Duyệt được lệnh cầm chân quân Tây Sơn ở Bình Định và các thành lũy ở Đồng Hới được sửa chữa và củng cố. Vài cuộc chiến nổ ra giữa quân sĩ của ông với quân Tây Sơn gần sông Gianh, và quân Lào đồng minh tiếp tục tiến đánh Nghệ An. Thủy binh của ông bắt thêm được nhiều thuyền của hải tặc Trung Quốc.

Ở Thuận Hóa, Nguyễn Ánh sai tìm hậu duệ của những người đã đi theo chúa Nguyễn Hoàng vào Đàng Trong vào năm 1558 và người ta đã tìm được 469 người. Ông cho sửa sang phần mộ của tổ tiên từng bị Nguyễn Huệ ra lệnh phá hủy. Ông cũng cho quật mộ của Nguyễn Huệ và hành quyết 31 người thân thuộc và tướng lãnh của Nguyễn Huệ. Ông bắt đầu đọc những cuốn sách lịch sử và thảo luận với các học giả về vị trí của mình trong lịch sử.

Nguyễn Quang Toản đã tập hợp lực lượng phía Bắc và cuối năm ấy, khi mùa mưa vừa chấm dứt, ông ta đã xuất hiện gần sông Gianh với đội chiến thuyền gồm hơn 100 chiếc thuyền của hải tặc Trung Quốc.

Nguyễn Ánh đã chống trả giống như tổ tiên của ông xưa kia: cuộc chiến trong những tuần lễ đầu tiên của năm 1802 nhắc người ta nhớ tới những cuộc chiến giữa quân Nguyễn và quân Trịnh ở thành lũy Đồng Hới. Quân lính của Nguyễn Quang Toản tiến về phía thành lũy Trấn Ninh đã các tay súng của Nguyễn Ánh gây thương vong nặng nề. Đến khi thủy quân của Nguyễn Ánh bắt được 20 chiến thuyền của hải tặc Trung Quốc và đẩy lui những chiến thuyền còn lại, Nguyễn Quang Toản đã quay đầu bỏ chạy. Nguyễn Ánh cho thủy quân đánh chiếm thuyền chở lương thực và không cho chiến thuyền của Nguyễn Quang Toản tiến vào sông Gianh. Một đội quân Xiêm 5.000 người cùng với các đồng minh xuất hiện ở vùng núi Nghệ An buộc Nguyễn Quang Toản phải rút lui về Kẻ Chợ (Thăng Long).

Nguyễn Ánh trở lại Phú Xuân, cho sửa sang cung điện, cho quân lính nghỉ ngơi và chờ cuộc chiến ở Bình Định kết thúc. Nhiều người lính của ông quê ở Thuận Hóa, đã đi theo ông vào Gia Định, giờ đây được phép về thăm gia đình; những người lính bị bệnh hoặc bị thương được trở về với gia đình. Nguyễn Ánh tiếp tục đọc những sách lịch sử và tiếp tục thảo luận với các học giả. Ông biết rằng mình đang ở trong một tình thế hoàn toàn mới mẻ và muốn biết quan điểm của những người có học thức lúc bấy giờ. Thành Bình Định của các tướng Tây Sơn thất thủ vào mùa xuân năm 1802. Các tướng Tây Sơn cùng với khoảng 3.000 quân lính chạy trốn lên miền núi, tìm cách trở ra miền Bắc. Nhưng rất ít người trở về được miền Bắc vì Nguyễn Ánh đã ra lệnh cho quân lính chặn đánh ở các thung lũng của Quảng Nam và Thuận Hóa.

Ngay sau khi được tin thành Bình Định đã thất thủ, Nguyễn Ánh đặt ra câu hỏi: triều đại nhà Lê còn hay đã mất? Ai cũng nói triều đại nhà Lê đã mất. Vì đã tự xưng làm vua, giờ đây Nguyễn Ánh thực hiện bước cuối cùng để khẳng định vương quyền, bỏ niên hiệu nhà Lê, lấy niên hiệu Gia Long, lập ra triều đại nhà Nguyễn. Ông ban tước và tưởng thưởng cho vô số tướng lãnh, tặng thưởng và phong tước cho các tướng Xiêm và Lào rồi tiễn họ về quê nhà. Các hải tặc Trung Quốc bị bắt sống cũng được trao cho triều đình nhà Thanh.

Ông đem thủy binh ra Bắc, đến Vinh (Nghệ An) mà không gặp bất cứ sự kháng cự nào. Ông cho quân lính nghỉ ngơi vài ngày rồi tiến ra Thanh Hóa, cũng không gặp sự kháng cự nào. Ở Thanh Hóa, ông viếng đền thờ của tổ tiên họ Lê và được con cháu họ Lê đón tiếp nồng hậu. Với Lê Văn Duyệt đi tiên phong, ông tiến về Kẻ Chợ (Thăng Long) mà không phải đánh một trận nào, chỉ 30 ngày sau khi rời Phú Xuân. Nguyễn Quang Toản và thuộc hạ bỏ trốn nhưng đều bị bắt lại hết. Cuộc chiến tranh 30 năm giữa chúa Nguyễn Ánh và nhà Tây Sơn kết thúc.

K. W. Taylor đã viết về Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt và quan hệ khó khăn của ông với hoàng đế Minh Mạng sau khi vua Gia Long từ trần: “Các sử gia có xu hướng xem hoàng đế Minh Mạng như một người thực hiện chủ trương trung ương tập quyền vì ông đã loại bỏ các chức phó vương ở Đàng Ngoài và Đàng Trong để lập ra một bộ máy hành chánh duy nhất cho cả nước. Một trong những mối quan tâm hàng đầu của Minh Mạng là dùng những người mới chưa từng phục vụ cha ông và dễ tuân theo cách thức lãnh đạo riêng của chính ông…

Lăng Ông ngày nay

Suốt thập niên 1820, Lê Văn Duyệt, tổng trấn Gia Định thành, lãnh đạo đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả Chân Lạp dưới sự bảo hộ của triều Nguyễn, như thể đó là lãnh địa riêng của ông. Ông không hề có dấu hiệu tỏ ra bất trung, nhưng cách thức lãnh đạo của ông, dù rất tương thích với những điều kiện của vùng đất sở tại, lại trái ngược với mục tiêu tập quyền của hoàng đế Minh Mạng. Lê Văn Duyệt tiếp nối chính sách của vua Gia Long là giữ các cộng đồng sắc tộc, tôn giáo và xã hội của Đàng Trong tách biệt với nhau và cho phép mỗi cộng đồng theo lối sống riêng của mình, miễn là điều này không gây nguy hại cho trật tự, trị an. Các cộng đồng này là cộng đồng người Khmer, người Chàm, người Hoa, người dân tộc thiểu số và những người Việt thuộc những giới khác nhau như những người theo đạo Thiên Chúa, những kẻ phản nghịch trước kia và những tù nhân ở Đàng Ngoài. Lê Văn Duyệt có được sự tin cậy và sự trung thành của tất cả những cộng đồng này. Ông còn bảo vệ một nhà truyền giáo đã đến Đàng Trong một cách bất hợp pháp, khuyến khích những kẻ tội phạm hòa nhập vào xã hội, ngăn cấm các cộng đồng người Chăm và người Khmer cản trở sinh hoạt của người Việt, cho phép các thương nhân người Hoa và người Việt kinh doanh để làm giàu, giám sát vua của Chân Lạp và bảo vệ nghiêm ngặt biên cương Đại Việt – Chân Lạp. Nhưng đến cuối thập niên 1820, ông đã hơn 60 tuổi và đã cảm thấy mệt mỏi. Ông rất được lòng dân ở Đàng Trong nên vua Minh Mạng vẫn để ông làm tổng trấn, nhưng đã tìm cách làm giảm quyền lực của ông bằng cách thay người của ông bằng người cử từ Huế vào.

Năm 1828, một trong những nhà lãnh đạo dưới quyền Lê Văn Duyệt được bổ làm quan ở Đàng Ngoài và nhanh chóng bị kết tội tham nhũng và bị bắt giam. Ông ta được thay thế bởi một người tín cẩn của hoàng đế Minh Mạng. Sự bất lực của Lê Văn Duyệt trong việc can thiệp vào việc bổ dụng những viên chức trong bộ máy chính quyền của ông và trong việc bảo vệ thuộc hạ, điều ông có thể làm được những năm về trước, là dấu hiệu cho thấy sự khởi đầu của rạn nứt trong mối quan hệ giữa ông và hoàng đế Minh Mạng.

Người bảo hộ trong triều đình Chân Lạp vốn là người của Lê Văn Duyệt, và khi ông này mất vào năm 1829, Minh Mạng đã bất chấp lời khuyến cáo của Lê Văn Duyệt, cử một viên quan ở Huế sang Chân Lạp giám sát chế độ bảo hộ. Năm 1831, Minh Mạng cho thay người chỉ huy quân lính ở Gia Định thành bằng người của ông và binh lính của Lê Văn Duyệt bị điều ra các tỉnh ở Đàng Ngoài. Đến khi Lê Văn Duyệt từ trần vào năm 1832, những viên chức được cử từ Huế vào, không quen và cũng không dung thứ những tập tục của địa phương, đã gây ra sự bất mãn và khởi loạn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Ngay sau khi Lê Văn Duyệt từ trần, chức tổng trấn Gia Định thành bị bãi bỏ và được thay thế bằng một cơ chế giống như chế độ lập ra ở Đàng Ngoài năm trước đó. Minh Mạng không chần chừ trong việc dành cho cộng đồng người Việt nhiều đặc quyền hơn những cộng đồng cư dân khác, cấm đạo Thiên Chúa, thực hiện chính sách khắt khe hơn đối với những kẻ tội phạm, kiểm soát chặt chẽ hơn công việc kinh doanh của người Hoa, rồi gọi Lê Văn Duyệt là một “quyền yêm” phản nghịch…” (A history of the Vietnamese, K. W. Taylor, tr. 415, 416).

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Tả quân Lê Văn Duyệt và Lăng Ông

Leave A Reply

Your email address will not be published.