Khánh Ly và “Lời ru cho Đà Nẵng”

Huỳnh Duy Lộc

0 1,200

Ngày 29 tháng 3 năm 1975 là ngày Đà Nẵng thất thủ hay theo cách nói của chế độ bây giờ là ngày giải phóng Đà Nẵng.

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai, sinh ngày 6 tháng 3 năm 1945 tại Hà Nội. Khi còn ở Hà Nội, dù chưa tới 9 tuổi, cô đã tham dự một cuộc thi hát với bài “Thơ ngây” của nhạc sĩ Anh Việt nhưng không được giải. Năm 1954, cô theo mẹ di cư vào Nam, sống tại thành phố Đà Lạt. Cuối năm 1956, khi mới 11 tuổi, cô đi nhờ xe chở rau từ Đà Lạt về Sài gòn tham dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ nhi đồng do Đài Pháp Á tổ chức, hát bài “Ngày trở về” của Phạm Duy và đoạt giải nhì.

Năm 1962, cô bắt đầu sự nghiệp ca hát, hát cho phòng trà Anh Vũ tại Sài gòn rồi chuyển lên sống tại Đà Lạt, hát cho các phòng trà. Năm 1964, cô gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; anh mời cô về Sài gòn, nhưng cô đã từ chối vì không muốn rời Đà Lạt. Năm 1967, cô tình cờ gặp lại Trịnh Công Sơn tại Sài gòn và từ đó, cô cùng Trịnh Công Sơn trở thành một hiện tượng của tân nhạc Việt Nam.

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn đã có những buổi trình diễn ngoài trời cho sinh viên tại quán Văn trên bãi đất rộng sau Trường Đại học Văn khoa Sài gòn. Hai người lại tiếp tục trình diễn khắp nơi ở miền Nam Việt Nam, trên sân cỏ của những trường đại học nên Khánh Ly được mệnh danh là “Nữ hoàng chân đất”. Về biệt danh “Nữ hoàng chân đất”, theo lời kể của cô trong băng video “Một đời Việt Nam” thực hiện năm 1991, khi chưa có kinh nghiệm ca hát và lần đầu tiên xuất hiện trước một đám đông mấy trăm người, cô đã không giữ được bình tĩnh và đứng không vững, phải vịn vào vai Trịnh Công Sơn. Trịnh Công Sơn nói: “Bỏ tay ra và đứng hát cho nghiêm chỉnh!”. Vì run quá, Khánh Ly cởi bỏ đôi giày cao gót và đứng chân đất và nhờ đó đã bình tĩnh để trình bày hết hơn 30 bài hát của Trịnh Công Sơn trong đêm đó.

Từ năm 1967 đến năm 1975, cô thu âm nhiều bài hát trong các dĩa nhạc của các hãng dĩa như Việt Nam, Sóng Nhạc, Tình Ca Quê Hương, Dư Âm, Nhạc Ngày Xanh, Continental và những chương trình nhạc Phạm Mạnh Cương, Trường Sơn, Sơn Ca, Họa Mi, Jo Marcel… Năm 1968, cô mở Hội quán Cây Tre trên đường Đinh Tiên Hoàng, Đakao, nơi tụ họp của các văn nghệ sĩ và các sinh viên, học sinh yêu văn nghệ và yêu tiếng hát của cô. Hội quán Cây Tre cũng là nơi phát hành những cuốn băng nổi tiếng “Trịnh Công Sơn – Khánh Ly hát cho quê hương Việt Nam”.

Năm 1975, cô rời Việt Nam, định cư tại Cerritos, California (Mỹ). Năm 1982, Đài Bunka Honso Radio mời cô tham gia Liên hoan Âm nhạc châu Á với nghệ sĩ của nhiều nước châu Á. Năm 1985, cô cùng chồng là nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan thành lập Khánh Ly Productions. Trong gần 30 năm, Khánh Ly Productions đã cho ra mắt hơn 30 album nhạc (hơn 30 băng nhạc hay CD), trong đó có 12 album nhạc Trịnh Công Sơn (8 album theo chủ đề và 4 album “Ca khúc da vàng”) gồm những ca khúc của Trịnh Công Sơn thu âm lại với cách hòa âm mới của nhạc sư Lê Văn Thiện và nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

Năm 1972, khi ra Huế hát phục vụ các quân nhân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cô đã gặp một trung tá Thủy quân lục chiến 32 tuổi sinh ra và lớn lên tại Đà Nẵng, từng theo học khóa 16 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Cô và anh đã bị tiếng sét ái tình khi vừa gặp nhau vì cô là một nữ ca sĩ tài sắc đã rất nổi danh, còn anh là một sĩ quan của một trong những binh chủng thiện chiến nhất, nhưng lại có khuôn mặt hiền lành, ít nói và thâm trầm. Anh đã có gia đình và cô cũng đã trải qua hai cuộc hôn nhân, nhưng cả hai đã đến với nhau bằng một tình yêu say đắm chẳng khác gì mối tình đầu. Trong những ngày cuối tháng 3 năm 1975, khi đoàn người di tản đổ xô về các tỉnh duyên hải miền Trung, cô đã mất liên lạc với anh. Một thời gian sau khi đã định cư ở nước ngoài vẫn không có tin tức gì về anh, mãi về sau cô mới được biết anh đã tử nạn vì bị trúng đạn pháo kích vào ngày 29 tháng 3 trên bãi biển Đà Nẵng.

Khi nghe Khánh Ly đọc lời giới thiệu ca khúc “Lời ru cho Đà Nẵng” trong album “Niệm khúc hoa vàng”, người nghe có thể hiểu ngay những lời yêu thương dành cho một người tình ở phương trời xa chính là những lời dành cho người yêu đã thất lạc ở Đà Nẵng trong những ngày cuối tháng 3 năm 1975 đầy xáo động ở miền Trung, và lời của ca khúc vừa là lời khóc than của một người phải lìa xa quê hương yêu dấu, vừa là lời tiếc thương một cuộc tình đã mất.

Ca khúc “Lời ru cho Đà Nẵng” trong album “Niệm khúc hoa vàng”: https://youtu.be/YRo5-51gBBE
Ca khúc “Lời ru cho Đà Nẵng”: https://youtu.be/LEojQXALKOI
Ảnh: Trong bài: Trung tá Thủy quân lục chiến Đỗ Hữu Tùng, ca sĩ Khánh Ly bên cạnh trung tá Đỗ Hữu Tùng, với một đoàn văn nghệ (năm 1972) và trên bãi biển Mỹ Khê (năm 2017).
HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.