Kim Jong-Un Từng Nằm Trong Tầm Ngắm Ám Sát Như Thế Nào?

0 771

Vấn đề Bắc Triều Tiên trở nên đáng chú ý hơn bao giờ hết. Cuộc gặp chưa từng có giữa hai nguyên thủ Bắc và Nam Triều Tiên vào hạ tuần tháng 4-2018 đã làm nóng không khí thời sự những ngày qua. Ít người biết rằng Mỹ và Hàn Quốc từng lên kế hoạch ám sát “cái gai” Kim Jong-un…

Từ Kim Il-sung

Gia đình Kim từng không ít lần bị giết hụt. Năm 1930, Kim Il-sung gia nhập quân đội Trung Quốc để kháng chiến chống thực dân Nhật ở Mãn Châu và Triều Tiên. Khi Kim bắt đầu nổi tiếng, cảnh sát Nhật thành lập một đơn vị đặc biệt để truy giết. Đơn vị gồm hàng chục cựu du kích từng chiến đấu trong hàng ngũ Kim Il-sung. Cùng mạng lưới tay trong giúp dò la và mật báo, đơn vị trên ngày đêm theo dõi và tìm cơ hội hạ thủ Kim Il-sung. Tuy nhiên kế hoạch bất thành. Kim Il-sung được bảo vệ bởi nhóm cận vệ ngày đêm canh gác, trong đó có Kim Jong-suk, người vợ đầu của Kim Il-sung, tức mẹ của Kim Jong-il. “Sách sử” Bắc Hàn thuật lại một “trận đánh ác liệt” trong đó “đồng chí” Kim Jong-suk đã liều mình bảo vệ mạng sống vị lãnh tụ tối cao tương lai như thế nào. Trận đọ súng diễn ra tại Đông Bắc Trung Quốc. Kim Jong-suk không chỉ lấy thân mình chắn đạn cho Kim Il-sung khi nhóm mưu sát bắn từ cánh đồng lau sậy gần đó, mà còn bắn trả lại bằng khẩu Mauser. Câu chuyện từng được tuyên truyền như một huyền thoại trong cuộc đời và sự nghiệp “gian khó và nguy hiểm” của lãnh tụ Kim Il-sung, dù chẳng ai biết có thật hay không.

Vụ sau đây thì thật. Ngày 1-3-1946, một cuộc tuần hành lớn được tổ chức tại Bình Nhưỡng. Kim Il-sung có mặt. Giữa tiếng tung hô vang dội, người ta nghe một tiếng nổ chát chúa. Một thành viên nhóm sát thủ Hội áo trắng do Nam Hàn ủng hộ đã ném một quả lựu đạn lên khán đài nơi có mặt Kim Il-sung và một số viên chức Liên Xô. Mạng sống Kim Il-sung có thể khó toàn nếu không được sĩ quan Liên Xô Yakov Novichenko lao ra che chở. Theo “chính sử” chép, nhờ quyển sách to nhét trong bụng nên Novichenko chỉ bị thương. Tuy nhiên, người hùng Novichenko bị cụt một tay và bị hỏng mắt. Theo một “phiên bản” khác của câu chuyện thì Novichenko đã chụp được quả lựu đạn và do đó là lựu đạn tự chế nên sức công phá không mạnh đến mức có thể làm thiệt mạng đương sự. Còn theo Leonid Vasi, viên chức thuộc bộ phận tuyên truyền của Hồng quân Liên Xô, thì quả lựu đạn rơi về bên phải khán đài, cách Kim Il-sung khoảng 100 feet (30.48 m), nên không gây nguy hiểm thật sự.

Yakov Novichenko và Kim Il-sung (nsk.kp.ru)

Dù thế nào, vụ ám sát là có thật. Nhân vật Novichenko cũng có thật. Sau khi bình phục, Novichenko được lãnh tụ gửi tặng một hộp đựng thuốc lá khắc câu: “Tặng người hùng Novichenko, món quà của Chủ tịch Kim Il-sung”. Theo lời kể Novichenko, người đầu tiên đến bệnh viện thăm mình là phu nhân chủ tịch, Kim Jong-suk. Bà mang theo thức ăn do mình đích thân nấu. Năm 1984, trong chuyến công du Liên Xô, Kim Il-sung đã dừng xe lửa gần nhà Novichenko, thuộc thành phố Krasnoyarsk (Siberia). Tại sân ga, hai người ôm nhau thắm thiết. Lãnh tụ trách: “Tại sao đồng chí không viết thư cho tôi dù chỉ một lần? Tôi thì bận trăm công ngàn việc nhưng đồng chí hẳn phải có thời gian để viết chứ!”. Câu chuyện Novichenko từng có thời là đề tài nóng nhất xã hội Bắc Hàn. Nhiều cha mẹ đã đặt tên con là “Yakov”. Năm 1987, người ta còn dựng tượng “Novichenko – người của phong trào quốc tế”. Trước đó, năm 1985, hãng Chosun Art Film Studio của Bắc Hàn với Mosfilm Studios của Liên Xô đã hợp tác sản xuất bộ phim “Tình đồng chí bất diệt” để nói về câu chuyện “cách mạng thắm tình anh em” giữa Novichenko và Kim Il-sung.

Đảo chính Kim Jong-il

Sợ bị mưu sát là nỗi ám ảnh đối với tất cả các nhà độc tài. Những người bảo vệ “lãnh tụ kính yêu” giữa thập niên 1940 đã trở thành một trong lực lượng quan trọng nhất và được hưởng nhiều quy chế ưu đãi nhất. Cấu trúc bảo vệ lãnh tụ được thiết kế ngày càng phức tạp. Lớp trong cùng gần gũi với lãnh tụ nhất là 5-6 cận vệ đặc biệt, được tuyển từ Phòng Phụ tá, còn gọi là Phòng 6 – cơ quan gần tương tự như Secret Service của Mỹ, trừ việc nó có quân số nhiều gấp 20 lần. Trung thành là yếu tố hàng đầu để trở thành cận vệ đặc biệt của lãnh tụ. Thủ đô Bình Nhưỡng cũng được bảo vệ nghiêm nhặt bởi Bộ tư lệnh quốc phòng Bình Nhưỡng và Bộ tư lệnh phòng không Bình Nhưỡng. Ngoại vi Bình Nhưỡng là Quân đoàn 3 thuộc Lực lượng quân đội vũ trang nhân dân Bắc Triều Tiên, đóng vai trò như phòng tuyến được trang bị vũ khí dày đặc nhằm có thể chặn kín cửa ngõ phía Tây dẫn vào Bình Nhưỡng từ cảng Nampo đến sông Chongchon.

Ngoài ra, còn có nhiều cơ quan tình báo-quân báo giám sát khắp đất nước để phát hiện bất kỳ dấu hiệu bội phản hoặc âm mưu đảo chính nào. Bộ an ninh nhà nước cai quản một hệ thống nghe lén cùng đội ngũ mật báo viên để rình rập người dân, trong khi Ban tổ chức trung ương giám sát đảng viên và viên chức nhà nước. Trong quân đội, Bộ tư lệnh an ninh quân đội cũng có bộ phận mật chuyên trách giám sát binh sĩ và sĩ quan. Với Bắc Triều Tiên, hình ảnh lãnh tụ không chỉ phải luôn được tôn kính mà còn phải tôn thờ như đấng siêu nhiên. Việc âm mưu giết lãnh tụ không chỉ là hành vi bội phản mà còn là báng bổ như thể xúc phạm Thượng đế. Tội ấy chỉ có thể “tru di tam tộc”.

Thập niên 1990, khi quyền lực Kim Il-sung được trao cho Kim Jong-il, trong bối cảnh địa chính trị thế giới biến động nghiêm trọng. Bức tường Berlin bị đập, Liên Xô tan rã, “phong trào hòa bình của cộng sản quốc tế” tan nát. Giữa cơn địa chấn chính trị quốc tế, người ta nghe râm ran những bất đồng về việc Kim Il-sung trao quyền Kim Jong-il. Báo chí Nhật và Nam Hàn cho biết có nhiều tin đồn đảo chính Kim Jong-il. Đầu thập niên 1990, các hãng tin thuật rằng có một âm mưu ám sát được chỉ huy bởi tướng An Chang-ho cùng 30-40 sĩ quan quân đội – tất cả đều từng học tại Học viện quân sự Frunze (Liên Xô). Nhóm đảo chính dự tính chĩa súng tăng vào hai ông Kim trong cuộc diễu hành tháng 4-1992 nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân.

Vụ việc bị bại lộ và An Chang-ho bị bắt – theo Michael Madden, học giả thỉnh giảng Đại học Johns Hopkins, một chuyên gia về chính trị Bắc Hàn. Không lâu sau khi Kim Il-sung chết (8-7-1994), Quân đoàn 6, đóng tại tỉnh Hamgyong, lại dự tính thực hiện một cú đảo chính năm 1995. Một lần nữa, âm mưu cũng bị lộ, bởi những người bên trong quân đoàn này, theo Ken Gause, giám đốc nghiên cứu quốc tế tại CNA, một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận. Ken cho biết, chính chỉ huy trưởng quân đoàn, Kim Yong-chun, đã đến gặp bộ trưởng Bộ nội vụ để báo tin. Vụ việc còn nhiều tình tiết bí mật chưa được sáng tỏ. Theo chuyên gia Bắc Hàn Michael Madden, có nguồn tin khả tín nhất cho biết, những sĩ quan Quân đoàn 6 dính líu đảo chính đã bị trói vào doanh trại và bị thiêu sống. Hiện nay, biên chế quân đội Bắc Hàn không có tên Quân đoàn 6. Kim Jong-il đã trải qua những năm tháng khó khăn trong thập niên 1990 và cuối cùng củng cố quyền lực đủ mạnh và đủ vững để chuyển giao êm ả cho Kim Jong-un. Tháng 9-2010, Kim Jong-un được bổ nhiệm lên ghế Phó Chủ tịch Quân ủy trung ương. Sau khi Kim Jong-il chết (17-12-2011), Kim Jong-un chính thức lên “ngai vàng”.

Làm thế nào để khử Kim Jong-un?

Muốn giết Kim Jong-un, có lẽ phải tấn công nhiều mục tiêu. Theo đại tá hưu David Maxwell, cựu sĩ quan lực lượng biệt kích Mỹ từng phục vụ Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt Triều Tiên, những mục tiêu cần được giám sát hoặc được tấn công gồm: tất cả cơ sở kiểm soát và chỉ huy, tất cả cơ sở nằm trong danh sách địa điểm di dời khẩn cấp khỏi Bình Nhưỡng trong trường hợp nguy cấp, tất cả dinh thự mà Kim Jong-un có thể dùng trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Năm 2016, Bộ tư lệnh chiến tranh đặc biệt quân đội Hàn Quốc cho biết họ có một đơn vị biệt kích luôn trong tư thế sẵn sàng đột nhập vào Bắc Hàn giết Kim Jong-un cũng như các nhân vật đầu sỏ khác nếu cần thiết phải thực hiện một cuộc tấn công phủ đầu.

Chỉ những người được kiểm tra kỹ về mức độ trung thành tối đa mới có thể được đến gần Kim Jong-un (NBC News)

 

Tháng 3-2016, quân đội Mỹ-Hàn tiến hành một cuộc tập trận quy mô, tập trung vào việc oanh kích chớp nhoáng và chính xác vào các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Kế hoạch tập trận còn xoáy vào kịch bản OPLAN 5015 được Hàn Quốc và Mỹ soạn thảo năm 2015. Dù OPLAN 5015 chưa bao giờ được tiết lộ cho công chúng nhưng tờ Joong Ang Ilbo cho biết một trong những phần quan trọng nhất của OPLAN 5015 là đưa biệt kích vào Bình Nhưỡng “cắt cổ” Kim Jong-un.

Tuy nhiên, điều đó, theo Adam Rawnsley trong bài viết trên tờ Foreign Policy, không hề dễ dàng. Đầu tiên, biệt kích Hàn Quốc phải “bước qua xác” Quân đoàn 3, nơi có nhiệm vụ bảo vệ thủ đô. Nếu việc bảo vệ thủ đô của Quân đoàn 3 và Quân đoàn 4 thất bại, Bộ tư lệnh quốc phòng Bình Nhưỡng sẽ bảo vệ thủ đô theo từng khu vực và Bộ tư lệnh cảnh vệ sẽ có thời giờ để đưa Kim Jong-un thoát lên vùng Trung Bắc – theo Joseph Bermudez, chuyên gia quân đội Bắc Hàn. Giải pháp thực tế nhất có lẽ là dội hỏa tiễn san bằng những khu vực liên quan Kim Jong-un và các tướng tá Bắc Hàn.

Seoul từng gửi một thông điệp rất “ý nghĩa” đến Bình Nhưỡng khi trình chiếu cho công chúng vụ thử hỏa tiễn hành trình Hyunmoo-3 bắn tan tành một mục tiêu có hình dáng Cung tưởng niệm Kumsusan, nơi ở trước kia của Kim il-sung mà sau này được cải đổi thành lăng của hai nhà lãnh tụ Kim Il-sung và Kim Jong-il. Dù vậy, việc dội hỏa tiễn vào các địa điểm chọn lọc được cung cấp bởi hệ thống tình báo tinh vi cũng chưa chắc hạ được mục tiêu Kim Jong-un. Trong cuộc chiến Iraq 2003, tình báo đã cung cấp vô số hình ảnh về một địa điểm được tin là nơi trú ẩn của Saddam Hussein nhưng nhà độc tài Iraq đã lẩn trốn an toàn và chỉ có thể bắt sống được vào 8 tháng sau. Nói cách khác, theo ý kiến các chuyên gia, việc khử được cá nhân Kim Jong-un là vấn đề không dễ dàng, trừ phi người ta dùng đến giải pháp quân sự toàn diện xóa sổ chế độ cai trị. Lúc đó, Kim Jong-un có sống hay chết không còn quan trọng. Tuy nhiên, không có giải pháp nào nguy hiểm và khó lường hết hậu quả bằng giải pháp chiến tranh, không chỉ với Bắc Triều Tiên mà còn với cả khu vực.

Nguồn: TRẺ – Dallas

Leave A Reply

Your email address will not be published.