Mao Trạch Đông Cuộc Đời Chính Trị Và Tình Dục: Nạn đói tại Trung Quốc

TVN

0 341

Mao biết nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng. Thực tế của Thiều Sơn đã đánh thức Mao. Tuy nhiên không nghi ngờ gì trong đầu ông rằng về căn bản chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt vẫn đúng, chỉ đơn giản nó đang cần điều chỉnh. Vấn đề là mang cán bộ trở về với thực tế mà không làm giảm nhiệt tình. Ðể đạt được mụch đích nầy, Mao quyết định tổ chức một hội nghị tuyên truyền rộng rải để thảo luận vấn đề. Hội nghị lúc đầu dự tính tổ chức ở Vũ Hán. Chúng tôi đến Vũ Hán vào 28 tháng sáu. Thời tiết nóng và oi bức. Vương Nhậm Trọng nghĩ phiên họp nên tổ chức ở một nơi thời tiết dể chịu hơn. Thị trưởng Thượng Hải Kha Khánh Thi đề nghị Lư Sơn, nơi trước đây Tưởng Giới Thạch đã từng tổ chức đại hội Quốc Dân Ðảng. Mao đồng ý.

Tôi chưa bao giờ chứng kiến tình trạng đói thê thảm như vậy. Trên đường đi Lư Sơn bằng tàu thủy chúng tôi còn nghe thêm nhiều tin tức khủng khiếp liên quan đến nạn đói. Nạn đói xảy ra ngay trong cả cái vựa lúa của Trung Quốc là Tứ Xuyên. Trên tàu ngoài Mao và bộ tham mưu còn có nhiều lãnh đạo tỉnh. Ðiền Gia Anh cũng có mặt trên tàu. Tôi đứng trên mạn tàu chuyện trò với Lý Khắc và Vương Kính Tiên, người chịu trách nhiệm anh ninh cá nhân cho Mao sau khi Uông Ðông Hưng bị đày đi xa. Ðiền Gia Anh đang mô tả tình trạng đói kém tại tỉnh Hứa. Họ Ðiền giận dữ không phải chỉ vì nạn đói đang hoành hành mà thôi nhưng còn một căn bệnh tai hại khác là sự lừa dối của các cấp đảng. Theo Ðiền Gia Anh thì những ai nói dối thì được ca ngợi trong lúc nói thật thì lại bị phê bình.

Cuộc đối thoại càng về sau càng tập trung vào chính bản thân Mao. Mao Trạch Ðông là một triết gia lớn, một người lính giỏi và một nhà chính trị đại tài nhưng lại là một nhà kinh tế rất là tồi. Ngoaì ra, Vương Kính Tiên còn cho chúng tôi biết thêm về đời sống tình dục riêng tư của Mao, tin nào cũng giật gân. Tôi và Lý Khắc lắng nghe mà không dám nói gì vì lo sợ cho an ninh.

Kha Khánh Thi, Vương Nhậm Trọng và và Lý Dinh Toàn sau đó cũng tham gia cuộc thảo luận của chúng tôi và thắc mắc là chúng tôi đang nói gì. Ðiền Gia Anh nói với những người mới nhập bọn “chúng tôi đang thảo luận về nạn đói đang hoành hành”. Lý Dinh Toàn trả lời “Trung Hoa là quốc gia lớn, có triều đại nào mà không đói đâu ?”.

Ngay cả trước khi đến Lư Sơn sự chia rẽ trong hàng ngũ đảng đã diễn ra. Những cán bộ như Vương Nhậm Trọng, Ly Dinh Toàn, Kha Khánh Thi đã hy sinh sự thật cho chức tước của cá nhân họ. Họ cung cấp cho trung ương những con số thống kê tưởng tượng chỉ vì họ biết nói những gì mà trung ương thích nghe. Ðám cán bộ trung ương như La Thoại Khanh và Dương Thượng Côn, trước đây đã từng bị Mao phê bình, đã không dám làm ông ta buồn lòng một lần nữa. Họ ủng hộ Mao không phải vì niềm tin mà từ sự ích kỷ cá nhân. Họ gạt qua một bên tình trạng thảm hại của nền kinh tế, chỉ biết nhắm mắt ủng hộ Mao.

Tàu cập bến Diêu Giang, tỉnh Giang Tây vào ngày 1 tháng 7 năm 1959. Uông Ðông Hưng lúc bây giờ vẫn còn ở Giang Tây để được “cải tạo” và đang là Phó Chủ Tịch Tỉnh Giang Tây, bước lên tàu đón mừng Mao. Họ Uông báo cáo với Mao rằng y đã gần gũi với quần chúng, và thật sự đã được giáo dục. Mao vui mừng và nói “Con người không thể lúc nào cũng đứng lên cao, thế thì từ nay cứ ai làm việc ở cấp trung ương cũng nên thay phiên nhau để làm việc ở các cấp hơn”.

Xa lộ từ Diêu Giang đến Lư Sơn được tráng nhựa nên chúng tôi chỉ cần hơn một giờ lái xe là đến khu nhà ở. Mao nghỉ lại trong biệt thự hai tầng cũ của Tưởng Giới Thạch, còn bọn tôi thì ở trong khu nhà bên cạnh. Nhà xây trên một vùng đất cao đến nỗi nếu tôi mở cửa sổ mây có thể bao vào và bay ra bằng cửa khác. Mao khai mạc phiên họp của Bộ Chính Trị vào ngày 2 tháng 7. Mao gọi là phiên họp “thần tiên”, ám chỉ là sống trên mây. Thần tiên cũng có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Mao không chủ trương một chương trình nghị sự rõ ràng, ai muốn phát biểu gì cứ phát biểu. Mao đề nghị 19 chủ đề để thảo luận và đại biểu có quyền thảo luận một cách tự do. Khi hội nghị bắt đầu Mao đã nghĩ thế nào cũng có vấn đề với chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt, và ông ta tin rằng sẽ có biện pháp để khắc phục. Trong diễn văn khai mạc ngắn, Mao ca ngợi những thành tựu của Bước Tiến Nhảy Vọt.

Sự tin tưởng của mao trong Bước Tiến Nhảy Vọt dường như không thể nào lay chuyển và tôi không biết là Mao có thật sự biết chuyện gì đang xảy ra hay không. Chuyến viếng thăm quê hương Sao Sơn đã giúp Mao có một nhận thức rõ ràng rằng có một vấn đề với chính sách. Ông ta cũng chắc chắn biết một điều gì đó đang sai, biết tình trạng đói khát đang diễn ra, tình trạng khan hiếm lương thực thực phẩm. Mao cũng biết rằng nhiều nơi không có gạo mà ăn. Tuy nhiên trong diễn văn khai mạc, giải pháp đơn giản của Mao cho tất cả vấn đề trên là làm cho quần chúng phải làm việc năng nỗ hơn. Tôi nhớ là Mao đã nói nguyên văn như sau “Nếu mức sản xuất của chúng ta cao tại sao thực phẩm lại quá căng, tại sao các đồng chí nữ không mua nỗi cái kẹp tóc ? tại sao nhân dân không mua nỗi xà phòng hay hộp quẹt ? À, nếu chúng ta không thể giải thích được những câu hỏi nêu trên thì tốt nhất là đừng giải thích gì cả, thay vào đó chúng ta nên quyết tâm cao hơn. Chúng ta sẽ có nhiều thứ hơn trong năm tới. Nói tóm lại tình trạng thật là tuyệt, dù đang có vấn đề nhưng tương lai sẽ sáng sủa”. Sau diễn văn khai mạc, Mao phân chia đại biểu dựa trên yếu tố địa lý, thành nhiều nhóm để thảo luận.

Các nhóm địa phương thảo luận trong suốt năm ngày không có một nghị trình nhất định. Mao không tham gia trực tiếp với nhóm nào nhưng đọc các bản báo cáo của từng nhóm. Các thảo luận viên bắt đầu phàn nàn về con số báo cáo ma cũng như tình trạng đói trầm trọng đang diễn ra ở nông thôn. Thời gian họp càng kéo dài càng có thêm nhưng người can đảm nêu lên sự thật.

Vào ngày 10 tháng 7, Mao triệu tập một phiên họp của các đại biểu địa phương. Lần nữa Mao nhấn mạnh đến nội dung của chính sách của Bước Tiến Nhảy Vọt là đúng. Nếu có thất bại cũng chỉ là những thất bại nhỏ. Mao cảnh giác chống lại tư tưởng duy tâm cho rằng Trung Quốc đang tiến gần tới chủ nghĩa Cộng Sản. Theo Mao, trong giai đoạn phát triển xã hội hiện nay, Công Xã Nhân Dân chỉ là hình thức của hợp tác xã nông nghiệp. Nói xong Mao đi ra ngay. Diễn văn của ông ta thật sự là lời cảnh cáo cho những ai còn tiếp tục phê bình chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt. Cả hội nghị im phăng phắt.

Duy chỉ có Thống Chế Bành Ðức Hoài vẫn còn tiếp tục phê bình trong một lá thư viết tay gởi Mao vào ngày 14 tháng 7. Tôi không được đọc nội dung lá thư nhưng biết là Mao không vui chút nào. Lá thư làm Mao mất ngủ sau khi đọc.

Thời gian sau tôi đọc đọc của lá thư Thống Chế Bành Ðức Hoài gửi Mao. Nội dung khen có chê có. Trong phần thứ nhất của lá thư, Bành Thống Chế ca ngợi những thành tựu của Bước Tiến Nhảy Vọt trong năm 1958. Nhắc đến những gia tăng lớn lao trong năng suất nông nghiệp và công nghiệp. Ông ta cũng nhắc đến Công Xã Nhân Dân, chỉ ra những trở ngại phần lớn đã được sửa đổi. Những nhà luyện kim sau vườn cũng đã tạo ra những thành công và thất bại. Theo Bành Ðức Hoài, sự thành công thể hiện ở chỗ nhiều người đã học được kỷ thuật mới, cán bộ cải thiện được cách thức tổ chức. Tuy nhiên những sức người và sức của đã bị lãng phí, Bành Ðức Hoài kết luận thất bại nhiều hơn là thành công.

Trong phần hai của lá thư, Bành Ðức Hoài nhấn mạnh đến nhu cầu học hỏi kinh từ của Bước Tiến Nhảy Vọt. Ông biện dẫn rằng việc Nhảy Vọt đã nuôi dưỡng tinh thần tả khuynh. Bành Ðức Hoài kết luận bằng lời kêu gọi đảng nên biết phân biệt cái đúng cái sai. Ông ta không muốn đổ lỗi cho bất cứ ai trong đảng vì làm như vậy sẽ tổn thương cho tinh thần đoàn kết của Ðảng. Bành Ðức Hoài đã viết một lá thư chân thành và cân đối. Ông ta là một con người đơn giản, thành thật. Ông ta còn là một người can đản lạ thường, nói lên sự thật trong lúc những người khác đang lừa dối. Ðặt biệt nhất là, không giống những lãnh tụ khác trong đảng, Bành Ðức Hoài không sợ Mao.

Ngày 16 tháng 7, Mao triệu tập phiên họp Ban Thường Trực Bộ Chính Trị tại biệt thự của ông ta đang ở. Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Ðức và Trần Vân có mặt tại chỗ. Ðặng Tiểu Bình đang nằm trong bệnh viện Bắc Kinh để săn sóc cho cái chân gảy. Trong thời gian nằm bệnh viện Ðặng gian díu với cô y tá trẻ săn sóc cho y. ( Giám Ðốc Cục Sức Khỏe Trung Ương là kể lại với tôi là cô y tá nầy có thai với Ðặng Tiểu Bình nhưng bị thuyên chuyển đi Thượng Hải và buột phải phá thai ). Lâm Bưu cũng không có mặt, ông ta cũng bị bệnh.

Trong phiên họp nầy, Mao tuyên bố rằng các phần tử hữu khuynh ngoài đảng đã phê bình chính sách Bước Tiến Nhảy Vọt và nay một số thành phần trong đảng cũng đang phê bình. Bành Ðức Hoài là một trong những người như thế. Mao nói là ông ta sẽ phân phối lá thư đến các đại biểu đang tham dự hội nghị Lư Sơn để họ đánh giá nội dung của nó. Mao nói nếu đảng chia thành hai, ông ta sẽ lập một đảng khác và ngay cả nếu quân đội chia hai, ông ta tổ chức quân đội khác. Ủy Ban Thường Trực bắt đầu thảo luận nội dung của lá thư Bành Ðức Hoài đã gởi cho Mao Sau khi Ban Thường Trực thảo luận, lá thư chuyển đến các nhóm đại biểu cấp địa phương để thảo luận. Một số rất ít đã can đảm ủng hộ Bành Ðức Hoài. Hoàng Khắc Thành, Tổng Tham Mưu Trưởng và là bạn thân của Bành Ðức Hoài bày tỏ sự ủng hộ cho lá thư. Châu Tiểu Châu, Bí Thư Ðảng Ủy Tỉnh Hồ Nam cũng ủng hộ cho lá thư. Cả hai ca ngợi ý định của lá thư. Ngay cả Lý Nhuệ, Bí Thư chính trị của Mao cũng ủng hộ lá thư. Ông ta cho rằng lá thư của Bành Ðức Hoài làm cho những vấn đề của Bước Tiến Nhảy Vọt được tập trung.

Vào ngày 21 tháng 7, Thứ Trưởng Bộ Ngoại Giao Trương Thính Thiên đã làm mọi người ngạc nhiên khi ông ta tấn công vào vai trò lãnh đạo của Mao và Bước Tiến Nhảy Vọt. Kể từ 1930, Dương đã là một thành viên trong nhóm Vương Minh, chống đối sự lãnh đạo của Mao. Sau đó thì chuyển sang ủng hộ Mao. Ông ta phục vụ như Ðại Sứ tại Liên Xô một thời gian nhưng không đảm nhiệm chức vụ gì quan trọng sau 1949. Họ Trương tranh luận “chúng ta cần phải tạo ra một không khí sống động, tươi mát trong đó mọi người có quyền nói ra những điều họ nghĩ. Lá thư của Bành Ðức Hoài nhằm mục đích đánh giá và tổng kết kinh nghiệm của chúng ta. Thống Chế có ý định tốt”.

Những người khác trong nhóm nhỏ của Trương Thính Thiên, nhiều người như Thị Trưởng Kha Khánh Thi, lên tiếng phản đối Trương Thinh Thiên mỗi khi ông ta công kích thẳng vào Mao. Họ Trương đáp lại bằng việc nói thẳng ra là thà chết mà được nói lên sự thật hơn là sống trong khốn khổ.

Ngày 23 tháng 7, Mao triệu tập một phiên Bộ Chính Trị mỡ rộng. Lần nữa Mao nói rằng cả trong lẫn ngoài đảng đều tập trung chống lại chúng ta. Nhiều kẻ ngoài đảng là hữu khuynh và bây giờ nhiều kẻ trong đảng cũng là hữu khuynh. Phiên họp trở nên căng thẳng.

Bành Ðức Hoài ngồi trong hàng ghế cuối cùng của hội trường. Ông ta đang giận giử. Ngay cả trước khi Mao nói, họ Bành đã đương đầu với Mao, đòi hỏi Mao cho biết lý do tại sao Mao đã đem một lá thư riêng ra phổ biến cho mọi người mà không hỏi ý kiến y. Mao đổ thừa là họ Ðặng không dặn đừng phổ biến trong thư. Bành giận đến nỗi ông ta không thể tiếp tục cãi tay đôi với Mao. Ngay sau khi Mao chấm dứt diễn văn, Bành Ðức Hoài bỏ đi cửa mặc dù Mao đã khuyên Bành ở lại để tiếp tục tranh cãi. Việc Mao phê bình Bành Ðức Hoài là hữu khuynh đã được nhiều người ủng hộ ông ta lập lại. Mao sau đó triệu tập Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương. Ban Chấp Hành Trung Ương là cơ cấu chính trị cao nhất tại Trung Quốc. Mọi hành động chính thức chống lại Bành Ðức Hoài đều phải có sự chấp thuận của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng.

Ngày hôm sau thì Giang Thanh đến Lư Sơn. Trước đó bà ta đã gọi cho Mao và tỏ ý muốn đến. Mao cũng thay đổi ý kiến và muốn Giang Thanh có mặt ở Lư Sơn. Giang Thanh đến Lư Sơn với một nhiệm vụ chính trị. Thái độ của bà ta bỗng dưng thay đổi. Căn bệnh tự nhiên như hết hẳn. Vì Mao còn đang ngủ nên Giang Thanh đến gặp Lâm Bưu, người cũng vừa mới tới. Sau hai giờ thảo luận với Lâm Bưu, Giang Thanh đi gặp Chu Ân Lai. Chưa bao giờ Giang Thanh hoạt động tích cực trong chính trị như thế. Ngày Mao cưới Giang Thanh ở Diên An, Bộ Chính Trị đã đặt ra một điều kiện dứt khoát là Giang Thanh không được dính líu vào các hoạt động chính trị. Khi Giang Thanh đến Lư Sơn để gặp các lãnh đạo đảng cũng có nghĩa là Mao đang phải đối phó với vấn đề hết sức khó khăn và quan trọng.

Khi Hội Nghị Trung Ương Ðảng khai mạc, Mao lần nữa tấn công “Khi mới đến Lư Sơn, chúng ta tổ chức hội nghị theo kiểu “thần tiên”, chuyện trò với nhau không cần theo một nghị trình nào cả. Sau đó tôi ý thức rằng nhiều người cảm thấy họ không có cơ hội để phát biểu tự do. Họ không thích thái độ lỏng lẻo của chúng ta. Họ muốn một tình hình khẩn trương. Họ muốn tấn công đường lối chung. Bây giờ dấu hiệu chia rẻ đang bắt đầu xuất hiện. Trong chín tháng qua, chúng ta đã chống lại bọn tả khuynh. Hôm nay thì vấn đề đã đổi khác, chúng ta phải đối đầu với hữu khuynh. Bọn hữu khuynh đang tấn công vào đảng, tấn công vào vai trò lãnh đạo của đảng, vào sự nghiệp của nhân dân, và vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội vĩ đại và cơ động”.

Với diễn văn đó Mao đã đặt Bành Ðức Hoài vào vị trí là kẻ thù của đảng, không một câu nói, hay ý kiến nào có thể cứu được Thống Chế họ Bành. Trong suốt tuần lễ theo sau, hội nghị chia thành từng nhóm nhỏ để hội thảo và phê bình Bành Ðức Hoài và phe của ông ta. Trong thực tế chẳng có điều gì trong lá thơ của Bành Ðức Hoài là chống đảng và chống Mao. Nhưng dưới sự điều khiển của Mao lá thư trở thành bằng chứng của một âm mưu. Bành Ðức Hoài và những người ủng hộ ông bị gọi lên trước hội nghị để trả lời câu hỏi làm thế nào họ đã “cùng nhau âm mưu cả trước và trong suốt thời gian hội nghị”.

Tôi không phải lo lắng gì đến những nguy hiểm chính trị có thể xảy ra cho bản thân, mặc dầu người bạn thân của tôi là Gian Trạch Dân đang bị phê bình. Cá nhân tôi có sự tin cẩn ở Mao, tôi chưa hề nói một lời nào chống lại ông ta.ôi quá lưu ý và cũng bởi lẽ tôi quá thật thà về chính trị. Dù sao quang cảnh các cấp đảng viên tố nhau ở Lư Sơn thật đau đớn để nhìn. Tôi bị bệnh đau dạ dày nhưng không dám xin phép Mao để được đi chửa trị vì sợ ông ta nghi ngờ tôi ủng hộ Bành Ðức Hoài. Tôi cố che dấu và chịu đựng nhưng cuối cùng thì không còn chịu đựng nỗi. Mãi đến khi Hồ Giao Mưu đến thăm, trông thấy tôi đang bị cảm và ốm đi nhiều , ông ta khuyên tôi phải đi chữa trị ngay.

Hồ đích thân đi gặp Mao và Mao đồng ý rằng tôi phải tức khắc trở về Bắc Kinh để chửa bịnh. Tôi đến chào tạm biệt Giang Thanh. Giang Thanh cũng ngạc nhiên khi trông thấy vóc dáng tiều tụy của tôi. Cả Mao lẫn Giang Thanh đều quá bận rộn với các vấn đề chính trị nên không ai biết tôi bịnh. Tôi yêu cầu Giang Thanh chuyển lời tạm biệt Mao nhưng Giang Thanh khuyên tôi nên đích thân đi chào Mao.

Mao đang nằm đọc cuốn sử nhà Minh trong lúc tôi bước vào. Mao khuyên tôi nên đến bịnh viện Bắc Kinh vì thời bấy giờ có lẽ không có một bịnh viện nào tốt hơn. Ðồng thời Mao cũng cảnh cáo tôi không được tiết lộ điều gì đang xảy ra ở Lư Sơn.

Trên đường đến phi trường để lại sau lưng những đấu tranh, tố cáo. Giấc mơ về Trung Hoa và về Ðảng Cộng Sản đã tan vở. Hy vọng duy nhất của tôi lúc bây giờ là cứu chính bản thân mình. Càng xa Lư Sơn bao nhiêu tôi càng cảm thấy dạ dày tôi ít đau hơn một chút. Tôi rơi vào giấc ngủ và chỉ chợt choàng tỉnh giấc khi máy bay hạ cánh xuống phi trường Bắc kinh mang theo người khách duy nhất là tôi.

Những thay đổi chính trị quan trọng đã diễn ra trong suốt bốn tháng tôi nằm trong bịnh viện. Bành Ðức Hoài đà bị hạ bệ. Ông ta bị tố cáo là phần tử hữu khuynh trong đảng, bị cách chức Bộ Trưởng Quốc Phòng. Tướng Hoàng Khắc Thành Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Ðội cũng bị cách chức. Lâm Bưu được thăng chức Bộ Trưởng Quốc Phòng thay thế họ Bành. Nhiều người ngạc nhiên tại sao Mao lại đề cử Lâm Bưu, một con người bệnh hoạn, vào một chức vụ quan trọng như thế.

Hành động đầu tiên của Lâm Bưu là tấn công người tiền nhiệm của mình như là kẻ hữu khuynh. Tố Bành Ðức Hoài xong Lâm Bưu quay sang tố Chu Ðức. Lâm hỏi lớn “Tổng tư lịnh quân đội như Chu Ðức thuộc loại tổng tư lệnh nào vậy ? Y chưa bao giờ đánh một trận đánh lớn, chưa bao giờ thắng một chiến thắng lớn”. Sỡ dĩ Lâm Bưu lớn tiếng phê bình Chu Ðức là nhờ có Mao đã bật đèn xanh. Mao đang quay sang chống người bạn chiến đấu ngày xưa của ông ta.

Nguyên Tác Hoa Ngữ: Mao Trạch Ðông, Tư Nhân Bác Sĩ Hồi Ký Lục
Tác Giả: Dr. Li Zhisui (Bác Sĩ Lý Chí Thỏa)
Trần Trung Ðạo trích và lược dịch
Trí Việt trích đăng với sự đồng ý của dịch giả.

Leave A Reply

Your email address will not be published.