Người Việt tới buôn bán và định cư rải rác trong đồng bằng sông Mê Kông và sông Mê Nam Chao Phraya từ trước năm 1698

Nguyễn Đình Đầu

0 2,478

Trước năm 1698 đã có người Việt Nam tới buôn bán và định cư rải rác trong đồng bằng sông Mê Kông và sông Mê Nam Chao Phraya…

Năm 1698, Nguyễn Phước Chu – tức chúa Minh – sai Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý và lập phủ Gia Định. Nhưng trước đó, có lẽ hàng thế kỷ, nhiều sử liệu cho thấyngười Việt Nam đã tới buôn bán và khẩn hoang lập ấp rải rác trong đồng bằng sông Mê Kông và sông Mê Nam bên Xiêm rồi.

Biên niên sử Khmer chép: Năm 1618, vua Chey Chettha II lên ngôi. Ngài liền cho xây cung điện nguy nga tại U Đông, rồi cử hành lễ cưới trọng thể với một nàng công chúa Việt Nam rất xinh đẹp là con chúa Nguyễn (người ta phỏng đoán đó là công nữ Ngọc Khoa con chúa Sãi, Nguyễn Phước Nguyên). Hoàng hậu Sam Đát Việt Nam cho đem nhiều đồng hương tớiCampuchia, có người được làm quan lớn trong triều, có người làm các nghề thủ công và có người buôn bán hay vận chuyển hàng hóa)(1).

Năm 1623, chúa Nguyễn sai một phái bộ tới yêu cầu vua Chey Chettha II cho lập đồn điền thu thuế tại Prei Nokor (Sài Gòn) và Kas Krobei (Bến Nghé). Đây là vùng rừng rậm hoang vắng nhưng cũng là địa điểm qua lại và nghỉ ngơi của thương nhân Việt Nam đi Campuchia và Xiêm La. Chẳng bao lâu, hai đồn thu thuế trở thành thị tứ trên bến dưới thuyền, buôn bán và làm ăn sầm uất.

Giáo sĩ người Ý tên Christofo Borri sống tại thị trấn Nước Mặn gần Quy Nhơn từ 1618 đến 1622, viết hồi ký: “Chúa Nguyễn phải chuyên lo việc tập trận và gởi quân sang giúp vua Campuchia – cũng là chàng rể lấy người con gái rơi (fille bâtard!) của chúa. Chúa viện trợ cho nhà vua cả tàu thuyền lẫn binh lính để chống lại vua Xiêm.

Borri cũng tả khá tỉ mỉ về phái bộ của chúa Nguyễn đi Campuchia hồi 1621: “Sứ thần là người sinh trưởng tại Nước Mặn, một nhân vật quan trọng đứng sau chức Tổng trấn. Trước khi lên đường, ông đã có nhiều ngày giờ bàn bạc và đã nhận lệnh của chúa. Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bài trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh U Đông, thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa đã tụ hội đồng đảo để đón tiếp và hoan nghênh. Vì sứ thần đây là người quen thuộc, đã lui tới nhiều lần, từng làm đại diện thường trú từ lâu, chứ không phải sử giả mới đến lần đầu”(2) Borri còn cho biết tòa sứ bộ khá quan trọng và đông đúc, nào thê thiếp người hầu kẻ hạ của sử thẩn, nào binh sĩ giữ gìn an ninh và phục dịch sử bộ.

Một giáo sĩ người Pháp tên là Chevreuil tới thăm Colompé (tức Phnom Penh, Nam Vang) hồi 1665 đã thấy “hai làng An Nam nằm bên kia sông, cộng số người được độ 500, mà kẻ theo đạo Công giáo chỉ có 4 hay 5 chục người”(3). Ngoài Nam Vang, tại các nơi khác cũng có nhiều người Việt Nam sinh sống, ở thôn quê thì làm ruộng, gần phố chợ thì buôn bán, làm thủ công hay chuyên chở ghe thuyền, kể hàng mấy ngàn người. Như ở Đất Đỏ, Bà Rịa, Bến Cá, Cù Lao Phố, Mỹ Tho, Hà Tiên…

Ngoài đồng bằng sông Mê Kông, người Việt Nam còn đến làm ăn và định cư rải rác trong đồng bằng sông Mê Nam. Lịch sử cho biết: dân tộc Thái mới lập quốc từ thế kỷ VII sau Công nguyên ở giữa bán đảo Đông Dương và chủ yếu trên lưu vực sống Mê Nam. Nước này gọi là Xiêm hay Xiêm La (Siam), từ năm 1939 mới đổi tên là Thái Lan. Kinh đô Xiêm xưa ở Ayuthia, xây dựng từ năm 1350 trên một khúc quanh của sông Mê Nam cách biển gần 100km. Trên bản đổ Loubère vẽ năm 1687 thì kinh đô Ayuthia nằm trong một hòn đảo lớn giữa hai nhánh sống Mê Nam. Đường sá, cầu cống, phố chợ, lâu đài… ghi khá rõ ràng. Lại có chú thích minh bạch như: A = phố thị, B = cung điện, C = bến cảng, D = xưởng thủy hải quân, E = xưởng thủy ghe thuyền, F = đường hàng tạp hóa, G = chủng viện… Chung quanh hòn đảo chính có những khu vực dành riêng cho dân Xiêm hay người nước ngoài cư trú: người Xiêm ở phía bắc và tây bắc, người Hoa ở phía đông, người Việt Nam, Mã Lai, Nhật Bản, Hòa Lan, Bồ Đào Nha ở phía nam. Nơi người Việt ở cũng là một cù lao khá rộng, qua sông là tới phố thị kinh đô, việc đi lại giao dịch rất thuận lợi. Nhìn cách bố trí thôn trại chung quanh Ayuthia, ta có thể phỏng đoán cộng đồng người Việt ở đây khá đông và là một trong mấy nhóm ngoại quốc tới lập nghiệp sớm nhất. Trên bản đồ có ghi rõ chữ Cochinchinois nơi thôn trại Việt. Đương thời, địa danh này chỉ chung người Việt Nam, vì trước đó – trong thời gian chưa có phân tranh Trịnh – Nguyễn, Tây phương dùng địa danh ấy, biến dạng bởi Giao Chỉ – Cauchi – Cauchinchina – Cochinchine để gọi chung Việt Nam. Đa số người Việt ở đây là người Đàng Trong, song cũng có người Đàng Ngoài. Họ tới định cư và lập nghiệp có lẽ từ thế kỷ XVI hay đầu thế kỷ XVII rồi, nghĩa là từ thời nhà Mạc khi trong nước rất xáo trộn và loạn ly. Theo ký sự của Vachet thì ở cố đô Xiêm cũ đã có 60 tráng đinh hay 300 người, nếu kể cả nam nữ già trẻ…). Ngoài Ayuthia, người Việt còn tới làm ăn định cư tại Chân Bốn (Chantaburi) và Bangkok là những thương điểm trung chuyển từ Hà Tiên tới kinh đô Xiêm.

Sử Việt Nam và sử Khmer cũng nhất trí ghi sự kiện: Năm 1674, Nặc Ong Đài đánh đuổi nhà vua Nặc Ong Nộn. Nộn chạy sang cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa liền sai thống suất Nguyễn Dương Lâm đem binh đi tiến thảo, thâu phục luôn 3 lũy Sài Gòn, Gò Bích và Nam Vang (trong sử ta, địa danh Sài Gòn xuất hiện từ năm 1674 vậy). Đài thua chạy rồi tử trận. Chúa Nguyễn phong cho Nặc Ong Thu là Cao Miên quốc vương đóng đô ở U Đông, cho Nặc Ong Nộn làm phó vương ngự trị tại Sài Gòn nơi đã có người Việt Nam định cư sinh sống.

Sử ta còn ghi rõ: Năm 1679, chúa Nguyễn Phúc Tần tức Hiền Vương cho bọn người Hoa muốn “phục Minh chống Thanh” là Dương Ngạn Địch tới Mỹ Tho, Trần Thượng Xuyên tới Biên Hòa và Sài Gòn để lánh nạn và làm ăn sinh sống. Những nơi đó chắc là đã có người Việt tới sinh cơ lập nghiệp từ lâu. Như Trịnh Hoài Đức đã chép: các chúa Nguyễn “chưa rảnh mưu tính việc ở xa nên phải tạm để đất ấy cho Cao Miên ở, nối đời làm phiên thuộc ở miền Nam, cống hiến luôn luôn”. Nhưng năm 1658, “Nặc Ong Chân phạm biên cảnh”, Hiền Vương liền sai “phó tướng Tôn Thất Yên đem 3 ngàn binh đi hai tuần đến thành Mô Xoài (Bà Rịa), đánh phá kinh thành và bắt được vua nước ấy”. Sau được tha tội và được phong làm Cao Miên quốc vương “giữ đạo phiên thần, lo bề cống hiến, không xâm nhiễu dân sự sở ngoài biên cương. Khi ấy địa đầu Gia Định là Mô Xoài và Đồng Nai đã có lưu dân của nước ta đến ở chung lộn với người Cao Miên khai khẩn ruộng đất”. Như vậy là từ trước năm 1658, Mô Xoài và Đồng Nai đã thuộc “biên cảnh” của Việt Nam.

Bốn mươi năm sau (tức 1698), chúa Nguyễn mới sai Nguyễn Hữu Cảnh vào “kinh lý” miền Nam. Đó là cuộc kinh lý miền biên cảnh – khi ấy “đất đai đã mở rộng ngàn dặm, dân số có dư từ vạn hộ”, nghĩa là miền biên cảnh rộng khắp miền Đông Nam bộ nay. Trên cơ sở lưu dân Việt Nam tự phát tới “khẩn hoang lập ấp”, Nguyễn Hữu Cảnh đã lập phủ Gia Định và hai huyện Phước Long, Tân Bình (một phần nay là TP.HCM). Đúng là dân làng đi trước, nhà nước đến sau. Và miền biên cảnh Nam bộ sáp nhập vào cương vực Việt Nam một cách thật ôn hòa và hòa hợp dân tộc vậy.

Nguyễn Đình Đầu/ Nguồn: Nguyễn Đình Đầu, Tạp ghi Việt Sử-Địa, tập 2, NXB Trẻ, 2017, tr. 96-100.

Chú thích

1 Moura – Royaume de Cambodge, Paris, 1883, tr. 57, 404.

2 Christofo – Relation de la nouvelle mission des pères de la Compagnie de Compagnie de Yésus au Royaume de Cochinchine, Lille, 1631.

3 A. Launay – Histoire de la mission de Cochinchine 1658-1823, T.1, Paris, 1923, tr.65-72.

4 L. Aurousseau – Sur le nom de Cochinchine, BEFEO, T.24, 1924.

5 A. Launay, Sđd Vachet.

6 Trịnh Hoài Đức – Gia Định thành thông chí, Nguyễn Tạo dịch, Tập Trung, Sài Gòn, 1972, tr12-13.

Leave A Reply

Your email address will not be published.