Nguyễn Hoàng và công cuộc mở cõi về phương Nam

Huỳnh Duy Lộc

0 845

Nguyễn Hoàng sinh ngày 28.8.1525 (ngày 10 tháng 8 năm Ất Dậu), là con trai thứ của Nguyễn Kim (“Nguyễn Phúc tộc thế phả” chép là Nguyễn Cam) và bà chính thất Nguyễn Thị Mai, con gái của Đặc tiến quốc thượng tướng quân Nguyễn Minh Biện.

“Đại Nam thực lục tiền biên” của Quốc sử quán triều Nguyễn đã chép về Nguyễn Hoàng: “Gia dụ hoàng đế, họ Nguyễn, húy Hoàng, người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hoa (vì kỵ húy nên về sau Thanh Hoa đọc trại thành Thanh Hóa). Sinh ngày Bính Dần, tháng 8, mùa thu, năm Ất Dậu, là con trai thứ hai của Triệu tổ Tĩnh hoàng đế ; mẹ là Tĩnh hoàng hậu Nguyễn thị (con gái Nguyễn Minh Biện, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân thự vệ sự ở triều Lê). Tổ tiên trước là một họ có danh vọng ở Thanh Hóa…”.

Ông nội ông là Trừng quốc công Nguyễn Văn Lưu đã về Thanh Hóa lập tôn thất nhà Lê là Lê Oanh lên làm vua, tức vua Lê Tương Dực, khi vua Lê Uy Mục làm mất lòng dân. Năm 1527, khi Nguyễn Hoàng mới 3 tuổi, Mạc Đăng Dung đã cướp ngôi vua của vua Lê Cung Hoàng, cha ông là Nguyễn Kim đã sang Ai Lao, xây dựng lực lượng để khôi phục nhà Lê. Năm 1533, Nguyễn Kim đón con trai của Lê Chiêu Tông là Lê Ninh, lập làm vua, tức vua Lê Trang Tông; nhờ công ấy, ông được phong làm Thượng phụ thái sư Hưng quốc công chưởng nội ngoại sự. Lúc bấy giờ, có một người ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa tên Trịnh Kiểm đến yết kiến, Nguyễn Kim biết là người có tài, đem con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo gả cho và cho làm tướng quân. Năm 1540, Nguyễn Kim dẫn vua Lê Trang Tông về Nghệ An, hào kiệt theo rất nhiều; năm 1543, lại dẫn quân về lấy đất Thanh Hóa.

Năm 1545, Nguyễn Kim từ trần vì bị hàng tướng Dương Chấp Nhất đầu độc, được phong làm Chiêu huân tĩnh công. Trong những năm cha rong ruổi, gầy dựng lực lượng để khôi phục nhà Lê, Nguyễn Hoàng được giao cho người anh của mẹ là Nguyễn Ư Dĩ nuôi dưỡng, khi lớn lên làm quan cho vua Lê, được phong làm Hạ khê hầu. Ông đem quân đánh Mạc Phúc Hải, con trưởng của Mạc Đăng Doanh, chém được tướng của họ Mạc là Trịnh Chí ở huyện Ngọc Sơn, khi khải hoàn được vua Lê Trang Tông khen là “hổ phụ sinh hổ tử”.

Ngay sau khi cha ông từ trần, Trịnh Kiểm, anh rể của ông, nắm hết binh quyền. Anh cả của ông là Nguyễn Uông đang làm Tả tướng, Lãng quận công, đã chết một cách bí ẩn. Ông đã lập được nhiều chiến công, được vua Lê phong tước Đoan quận công. Những lý giải như lý giải của GS Hoàng Xuân Hãn theo đó Trịnh Kiểm rất ghét Nguyễn Hoàng nên ông phải giả điên để khỏi bị hãm hại dường như không đúng. Lý giải của GS K.W.Taylor – và nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc ở Huế – đúng hơn: “Việc Trịnh Kiểm xin vua Lê phong cho Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa là một giải pháp hiển nhiên cho vấn đề khó xử đối với ông là phải làm gì với người em vợ của mình. Nguyễn Hoàng là người đứng đầu gia tộc họ Nguyễn, có được sự trung thành của nhiều người ở Thanh Hóa. Hơn nữa, dư đảng của nhà Mạc ngày càng quấy phá duyên hải phía Nam và Nguyễn Hoàng có thể giữ được phần lãnh thổ này cho vua Lê” (A history of the Vietnamese, tr. 414).

Sử họ Trịnh chép rằng “Trịnh Kiểm vào triều dâng biểu tâu sai Nguyễn Hoàng đem quân trấn thủ xứ Thuận Hóa, đề phòng khi Mạc từ phương Đông tới, cùng trấn thủ Quảng Nam cứu viện nhau. Phàm các việc địa phương, không kể lớn bé, và các thuế, tất cả giao cho trù liệu, đến mùa thu nộp”. Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), Nguyễn Hoàng đem gia đình, thân thuộc, bộ khúc và cơ đội thủy binh của mình ra cửa Đại An, vượt biển Đông, vào cửa Việt rồi đóng dinh ở Ái Tử thuộc tỉnh Quảng Trị ngày nay. Lúc bấy giờ, Nguyễn Hoàng 34 tuổi. Nhóm di cư này có chừng một nghìn người, hầu hết quê Thanh Hóa, và nhất là người cùng làng với họ Nguyễn là Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung.

Sau khi con trai Trịnh Kiểm là Trịnh Tùng, cháu gọi Nguyễn Hoàng bằng cậu ruột, giết được vua Mạc Hậu Hợp vào năm 1592, lấy lại kinh thành Thăng Long, Nguyễn Hoàng phải ra Thăng Long, ở lại suốt 6 năm, làm triều thần đứng hàng thứ ba sau Trịnh Tùng và Hoàng Đình Ái trong triều đình vua Lê, nhưng sau đó ông lấy cớ đem quân đánh dẹp các tướng làm phản, tìm cách trốn về Thuận Hóa như sách “Đại Nam thực lực” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Gặp lúc bọn tướng nhà Lê là Phan Ngạn, Ngô Đình Nga, Bùi Văn Khuê làm phản ở cửa Đại An, chúa vì vậy đem quân đến đánh. Bèn đem bộ khúc, tướng sĩ, thuyền tàu theo đường bể vượt về Thuận Hóa…”.

Năm 1600, sau khi từ miền Bắc trở về, ông dời dinh sang phía Đông của Dinh Ái Tử, gọi là Dinh Cát. Năm 1602, ông cho lập dinh Quảng Nam, giao cho con trai là Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ. Ý muốn lập ra một nước riêng của Nguyễn Hoàng đã manh nha từ lúc ông đến hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm như nhà văn Nguyên Ngọc đã phân tích: “Truyền thuyết kể rằng trong tình thế hiểm nghèo, ông đã tìm đến hỏi ý kiến một học giả uyên bác nhất thời bấy giờ là Nguyễn Bỉnh Khiêm và đã nhận được lời gợi ý: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.

Dẫu có thật hay hư cấu, câu chuyện Trạng Trình phản ánh một hướng hết sức quan trọng trong suy nghĩ của con người giữa tình thế bức bách hồi bấy giờ. Ta nhớ rằng Hoành Sơn (Đèo Ngang) vốn là biên giới tận cùng phía Nam của đất Việt. Chỉ ra “Hoành Sơn nhất đái” tức là chỉ ra một lối thoát duy nhất: phương Nam. Không chỉ là một lối thoát, mà còn là phương hướng phát triển dài lâu, “vạn đại”… Năm 1558, khi lánh vào Hoành Sơn là Nguyễn Hoàng tìm một chốn dung thân có thể còn bất đắc dĩ. Khi đứng ở Ái Tử là đã nảy sinh ý đồ cát cứ. Nhưng khi đến đèo Hải Vân, đặt chân vào xứ Quảng năm 1602 thì đã chuyển sang một mưu đồ hoàn toàn khác: dứt khoát ly khai với Bắc Hà, lập một giang sơn riêng ở phía Nam. Một triều đình riêng. Một nước Đại Việt khác. Một nước Đại Việt thứ hai…” (Bước Quảng Nam trên hành trình dân tộc, Nguyên Ngọc – Tác phẩm, tr. 505, 506)

GS Phan Huy Lê nhận định: “Từ năm 1558 và năm 1550 cho đến năm 1600, Nguyễn Hoàng hết sức khôn khéo tồn tại như một chính quyền địa phương của nhà nước Lê – Trịnh, làm tròn nghĩa vụ nộp thuế và cùng liên minh với chúa Trịnh trong cuộc đấu tranh chống Mạc. Nhưng trong thời gian làm trấn thủ Thuận, Quảng, Nguyễn Hoàng cũng ra sức gây dựng lực lượng, chuẩn bị đối phó với mọi mưu đồ của chúa Trịnh.

Từ năm 1600, sau khi đem binh thuyền trở về Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng vẫn giữ quan hệ mềm mỏng, kết thân thêm bằng quan hệ hôn nhân, gả con gái Ngọc Tú cho con trai của chúa Trịnh Tùng là Trịnh Tráng. Nhưng từ đây, chúa Tiên đã bắt tay tổ chức lại bộ máy chính quyền, phân chia lại một số đơn vị hành chính và ra sức phát triển kinh tế, xã hội, mở rộng quan hệ mậu dịch quốc tế, phát triển đô thị, xây dựng lực lượng quân sự vững mạnh. Năm 1611, chúa Tiên chiếm đất Phú Yên, khởi đầu công cuộc mở cõi về phương Nam. Cho đến khi từ trần năm 1613, vùng đất Thuận Hóa – Quảng Nam – Phú Yên đã trở thành một vùng đất trù phú, đặt nền tảng vững chắc để các chúa Nguyễn kế tục thực hiện thành công lời dặn: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có Hoành Sơn và Linh Giang (sông Gianh) hiểm trở, phía Nam có Hải Vân Sơn (núi Hải Vân) và Thạch Bi Sơn (núi Thạch Bi) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân, luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời”.

Trong 56 năm, từ năm 1558 đến năm 1613, chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã thực sự tạo dựng một cơ ngơi khá toàn diện để các chúa Nguyễn kế tục hoàn thành việc đánh bại các cuộc tiến công của quân Trịnh, bảo vệ thành công vùng đất dấy nghiệp và từ đó, tiếp tục mở rộng bờ cõi về phương Nam. Đến năm 1757 thì toàn bộ vùng đất Nam bộ đã nằm gọn trong lãnh thổ Đàng Trong…” (Phát biểu khai mạc Hội thảo “Quảng Trị – Đất dựng nghiệp của chúa Nguyễn Hoàng” ngày 25.11.2013)

Năm Nguyễn Hoàng mất (1613), lãnh thổ Việt Nam đã có phủ Phú Yên và mãi tới 85 năm sau, tỉnh Gia Định mới được thành lập (năm 1698).

Những ghi chép về chúa Nguyễn Hoàng trong “Nguyễn Phúc tộc thế phả” (từ trang 101 đến trang 108): https://docs.google.com/…/0BwMNdLUe0RCHNzZEakN5…/edit…
HUỲNH DUY LỘC

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.