Những nhà khoa học thám hiểm người Pháp từng đặt chân đến vùng Hà Tiên trong nửa cuối thế kỷ 19

Patrice Trần Văn Mãnh

0 208

A/ Nhu cầu thám hiểm vùng Đông Dương:

Thầy cô và các bạn thân mến, trong thời kỳ người Pháp chiếm toàn phần miền nam nước Việt Nam (1859: Pháp chiếm Saigon, 1862: Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, 1867: Pháp chiếm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ, 1874: Nam Kỳ trở thành thuộc địa của Pháp) thì người Pháp cũng đã bắt đầu dòm ngó vào các nguồn tài nguyên, nguồn quặng mỏ, các đường lưu thông trên bộ, dưới sông, các nguồn cây gỗ trong rùng núi để tìm hiểu, thống kê và khai thác…v..v…Ngoài ra để tìm kiếm các tuyến đường tiếp cận mới vào thị trường Trung Quốc để cạnh tranh với các tham vọng thương mại của người Anh trong khu vực, người Pháp cho rằng sông Cửu Long có thể sẽ là một tuyến đường khai thác được để đến Trung Quốc.

Từ đó bộ trưởng bộ Hải Quân Pháp Marquis de Chasseloup-Laubat đã lần lượt bổ nhiệm vài phái đoàn người thám hiểm khoa học đến Nam Kỳ để thực hiện điều nầy. Thành phần những người thám hiểm Pháp trong thời gian đầu thường là các sĩ quan, các nhà khoa học đủ các bộ môn…Chuyến thám hiểm mở đường trên sông Cửu Long nổi tiếng trong lịch sử là chuyến « Sứ mạng Cửu Long » do Ernest Doudart de Lagrée (1823-1868) cầm đầu vào năm 1865 với sự hổ trợ của sĩ quan Hải Quân Francis Garnier (1839-1873). Tuy nhiên chuyến thám hiểm nầy rất hiểm trở vì đường xá khó khăn, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt …gây trở ngại rất nhiều đến nổi Ernest Doudart de Lagrée phải thiệt mạng vì kiệt sức và sau đó Francis Garnier tiếp tục hoàn thành sứ mạng nầy. Tổng cộng chuyến đi kéo dài hơn 2 năm và tuy đi rằng đi đến kết luận là không thể dùng sông Cửu Long như một lối tiếp cận thương mại với Trung Quốc, thì kiến ​​thức khoa học thu thập được trong chuyến hành trình dài và gian truân này thật đáng kể. Các thăm dò đã cung cấp một sự thông tin phong phú về khoa học, dân tộc học và địa lý học cho vùng quần thể nầy. (Francis Garnier chính là người sĩ quan Pháp chiếm được thành Hà Nội của Nguyễn Tri Phương vào tháng 11 năm 1873, nhưng sau đó đã bị quân Cờ Đen giết chết tại Cầu Giấy, ngoại ô Hà Nội vào tháng 12 năm 1873).

Ngoài ra sau giai đoạn trên còn có hai chuyến thám hiểm tuy ở mức độ quy mô nhỏ hơn chuyến « Sứ mạng Cửu Long » nói trên, nhưng hai chuyến du hành sau nầy có liên quan đến vùng đất Hà Tiên của chúng ta vì chính hai người thám hiểm lần nầy đã lưu trú lại để tìm hiểu, thăm dò nhiều thời gian ở Hà Tiên. Đó là chuyến thăm dò địa chất của nhà địa chất học Anatole Petiton trong thời gian 1869-1870 và cuộc du hành của nhà tự nhiên học, bác sĩ Claude-Jean-Albert Morice trong thời gian 1872-1874. Cả hai ông nầy đều có ghé lại một thời gian ở Hà Tiên để nghiên cứu theo bộ môn chuyên khảo của mỗi ông.

B/ Cuộc thăm dò địa chất học ở Đông Dương của nhà địa chất học Anatole Petiton:

Anatole Petiton (Anatole Jules Clément PETITON-SAINT-MARD) sinh năm 1836 tại Moret (Seine-et-Marne, Pháp) là kỹ sư hầm mỏ và nhà địa chất học. Vào năm 1868, tiếp theo cuộc thám hiểm sông Cửu Long vừa chấm dứt của phái đoàn Ernest Doudart de Lagrée và Francis Garnier, Thống Đốc Nam Kỳ là Phó Đô Đốc Pierre-Paul de La Grandière bổ nhiệm kỹ sư hầm mỏ Anatole Petiton để thám hiểm tài nguyên vùng Đông Dương. Khởi hành vào năm 1868 từ Pháp, Anatole Petiton đến Sài Gòn năm 1869. Không may cho ông, lúc đó Thống Đốc Pierre-Paul de La Grandière đã trở về Pháp và người thay thế ông là Đô Đốc Marie Gustave Hector Ohier, ông nầy không phấn khởi trong công việc nầy nên đã không làm điều gì để ủng hộ cho sứ mạng của Petiton, từ chối hầu hết mọi yêu cầu về vật chất, máy móc, nhân sự. Vì thế trong thời gian hai năm thi hành sứ mạng, Anatole Petiton đã gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện và nhân viên phục vụ trong đoàn, lại thêm sức khỏe ông càng ngày càng bị suy yếu vì khí hậu khắc nghiệt của vùng núi non Nam Kỳ và bên Cambodge. Tuy nhiên trong hai năm liên tiếp, bất chấp những trở ngại về thời tiết với những cơn mưa xối xả, những thảm thực vật dầy đặc nhiệt đới, cộng thêm sự thờ ơ không hợp tác của người bản địa, Anatole Petiton đã có thể thu thập, xác định và phân loại hàng nghìn mẫu đá, và phác thảo bản đồ cấu tạo địa chất của vùng Nam Kỳ. Ông là người đầu tiên chỉ ra, ở tỉnh Hà Tiên, có một mỏ vôi phốt phát với trử lượng rất cao và giá trị khai thác thương mại to lớn và ông cũng bác bỏ tin đồn trước kia ở địa phương cho rằng núi ở Mũi Nai và núi Sa Kỳ có mỏ bạc sau khi nghiên cứu địa chất vùng nầy. Đến năm 1870 Anatole Petiton thình lình bị gọi về Sài Gòn và bắt buộc phải ngưng mọi hoạt động thám hiểm, sứ mạng của ông bị chấm dứt theo quyết định của vị Thống Đốc Nam Kỳ mới. Bị suy sụp về tinh thần và sự hối tiếc vì không thể tiếp tục công việc, ông trở về Pháp mà không có đủ thời giờ để sắp xếp và phân loại hàng nghìn mẫu đất đá địa chất do ông thu thập. Tại Pháp, mãi đến năm 1895, nhờ sự kiên trì và bền bỉ mà ông luôn thể hiện, ông mới có thể xuất bản các tác phẩm và bản đồ địa chất Đông Dương của mình. Anatole Petiton mất tại Paris vào năm 1911.

Anatole Petiton ghi lại trong một cuốn nhật ký du hành của ông cho ta biết các giai đoạn như sau: Thám hiểm khu Bà Rịa, đến Vũng Tàu (Cap Saint-Jacques), du hành từ Sài Gòn qua Mỹ Tho, Vĩnh Long, về Châu Đốc, Hà Tiên, ra đảo Phú Quốc. Sau khi xem qua vùng Long Xuyên, Rạch Giá, du hành lên Tây Ninh, Gò Công, Biên Hòa, ra đảo Côn Sơn (Poulo Condore), qua tới Cambodge tại Battambang.

B1/ Nghiên cứu Pháo Đài:

Anatole Petiton đến Hà Tiên vào cuối tháng ba năm 1869 từ kênh Vĩnh Tế mà ông gọi là kênh Hà Tiên, trong khi vào sông Giang Thành ông mô tả hai bên bờ toàn là rừng ngập mặn (végétation des palétuviers). Tại Hà Tiên, ông cư ngụ tại trụ sở tham biện trên đồi Ngũ Hổ và bắt đầu thám hiểm chung quanh. Đầu tiên ông đến viếng Pháo Đài mà ông gọi là « Đồn Hà Tiên » hay là « Batterie ». Dưới con mắt của nhà địa chất học, Anatole Petiton nhận xét là những khối đá cấu tạo Pháo Đài là đất sét giàu silice (silico-argileuse) có màu trắng như màu rượu vang trắng, trong những khối đá cũng có nhiều phần hoàn toàn là thạch anh (quartzeuses). Ông cũng nhận xét núi Tô Châu đối diện bờ bên kia, cũng cùng một loại đất đá như ở Pháo Đài.

B2/ Nghiên cứu Thạch Động:

Tiếp đến Anatole Petiton thám hiểm Thạch Động mà ông viết trong nhật ký là tên « Tháp Động ». Ông mô tả Thạch Động được chia làm hai phần bởi một khe hở rất rộng lớn và thẳng đứng. Có một ngôi chùa xưa ở bên trong hang động. Ông ước lượng là Thạch Động có cở 100 m chiều cao, 100 m chiều dài và 100 m chiều rộng. Về mặt địa chất ông viết là Thạch Động được cấu tạo bằng chất đá vôi đen đặc có vân carbonate màu trắng. Dưới chân tháp Thạch Động là một ngọn đồi với những phiến đá đen và bên cạnh dó là một ngọn núi phủ đầy cây xanh và được cấu tạo bằng những khối đá đất sét giàu silice màu vàng và cứng. Anatole Petiton cũng lên phía mặt sau của Thạch Động để nhìn về phía biên giới và ngắm các ngọn núi về phía Mũi Nai, nhìn ra xa ngoài khơi đảo Phú Quốc. Ông đưa ra kết luận là vì Thạch Động nằm cách khoảng 4 km với Hà Tiên nên nếu người ta thiết lập một cơ sở khai thác đá vôi thì rất tiện vì có một dòng con rạch tự nhiên nằm ngay gần chân núi Thạch Động làm con đường lưu thông vận chuyển (con rạch mà Anatole Petiton nói có thể chính là rạch Mương Đào cách núi Đề Liêm chừng vài trăm thước).

B3/ Nghiên cứu cảng Hà Tiên, Tô Châu, Thuận Yên, Bãi Ớt:

Qua ngày 3 tháng tư năm 1869, Anatole Petiton thăm viếng hải cảng Hà Tiên về phía nam, ông có ghi rỏ là điểm khởi hành là dưới chân núi Tô Châu ngay tại nhà Tham Biện cũ. ông đi bộ dọc theo bờ biển phía nam, qua khỏi núi Tô Châu, đi ngang qua khỏi Rạch Vược mà ông gọi trong nhật ký du hành là « Rạch Địch », nơi có làng Thuận Yên, ông đi qua khỏi Núi Nhọn mà ông viết là « Núi Ngọn », gần làng Thuận Bình (ngày nay ta không biết làng Thuận Bình nầy tên tương ứng là gì?), ông đi tới luôn ngọn núi Ông Cọp, núi Bãi Ớt mà ông gọi là « Bảy Ất » và đến ngọn « Núi « Mưu »? Ông ghi rỏ từ chân núi Tô Châu đến Rạch Vược là hai giờ đi bộ, từ Rạch Vược đến Bãi Ớt là ba giờ đi bộ. Về phương diện địa chất, ông ghi núi Tô Châu cấu tạo bởi loại đá silice màu đỏ và cứng, có những phần màu xanh mềm hơn. Qua khỏi Rạch Vược thì gặp loại đá sa thạch cứng và đặc, đó là loại thạch anh ngoài mặt có các hạt mica vàng. Núi Ông Cọp thì cấu tạo bởi những phiến đá xám.

B4/ Nghiên cứu các ngọn núi gần Thạch Động: Sa Kỳ, Địa Tạng:

Ngày 5 tháng tư năm 1869, Anatole Petiton cùng đoàn của ông đi bộ từ Hà Tiên, đi dần dần về phía các núi ở vùng Thạch Động, cho đến một ngọn núi ông ghi tên là Sa Kỳ, theo nhật ký, ông viết đó là một ngọn núi nhỏ, có hình dáng kim tự tháp, cao khoảng 150 m, ở về phía đông của Thạch Động, phủ đầy những cây tre nhỏ nhọn, phía trên đỉnh núi có một phần bằng phẳng ngày xưa dùng làm pháo đài (có thể là hỏa đài để đốt lửa lên dùng cho việc thông tin). Ở phía đối diện với ngọn Sa Kỳ đối với Thạch Động, ông có ghi là có ngọn núi « Đa Đồng » (có thể là ngọn núi Địa Tạng?), cách núi Sa Kỳ vài trăm thước, phia trên ngọn núi nầy có nhiều bề mặt đá lớn và nhọn. Núi Sa Kỳ cấu tạo bởi những đất đá silice cứng có chứa tinh thể oxyde sắt màu đen còn ngọn núi « Đa Đồng » thì chứa đá vôi xám có nhiều vân carbonate sắt mà ông cho là người ta có thể chế tạo ra chất vôi với nguyên liệu nầy. Trong vùng nầy ông đã không tìm thấy mỏ bạc như lời đồn ở địa phương…

B5/ Nghiên cứu núi Ngũ Hổ:

Anatole Petiton viết rỏ là ngọn núi nhỏ tên Ngũ Hổ nằm trong khuôn viên của thành cũ (ông viết là ancien fort), được cấu tạo bởi đá đất sét có silice màu trắng, đỏ và vàng nhạt. Ngọn núi nầy cao chừng vài thước và dài vài trăm thước (thực ra núi Ngũ Hổ cao khoảng 20 m). Chung quanh núi đầy cây xanh ngoại trừ mặt bằng phía trên mà ông đứng trên đó có thể quan sát được tất cả những ngọn núi bằng cách xoay mình từ trái qua phải.

Ngày 9 tháng tư năm 1869 Anatole Petiton cùng phái đoàn đáp tàu đi Phú Quốc và trở lại Hà Tiên ngày 11 tháng năm năm 1869. Sau đó ông tiếp tục nghiên cứu vùng làng Bình Trị, Hòn Chông, núi Huỷnh, núi Khóe Lá..v..v…Qua ngày 17 cùng tháng ông đi thám hiểm Cambodge bằng ngỏ Giang Thành.

Có thể nói mặc dù Anatole Petiton đã trở về Pháp vào năm 1870, nhưng ông kết luận là sứ mạng của ông bắt đầu vào năm 1868 và chỉ chấm dứt vào năm 1895, thật vậy cho đến năm 1895 khi về Pháp ông mới có thể cho xuất bản toàn bộ công trình của ông gồm Nhật ký du hành, các bảng thống kê mẫu đất đá địa chất, báo cáo phân tích và tổng hợp phân loại địa chất về địa chất học ở Đông Dương. Công trình nầy được in ra tại Paris vào năm 1895 và còn được lưu trử ở rất nhiều thư viện trên thế giới: Thư viện Quốc Gia Pháp, thư viện trường Hầm Mỏ Pháp, thư viện ở các trường Đại Học Mỹ…Ngày nay Thư viên Quốc Gia Pháp và công ty Google đã cho chuyển sang tài liệu số (scanner) tất cả những trang giấy của công trình nầy.

C/ Cuộc hành trình ở Nam Kỳ của thầy Albert Morice:

Claude-Jean-Albert Morice sinh năm 1848 tại Saint-Etienne, Pháp, là một nhà tự nhiên học, dân tộc học, nhân chủng học và bác sĩ y khoa. Trước khi du hành qua Đông Dương, ông đang là bác sĩ nội trú tại bệnh viện Lyon, bác sĩ cho Hải Quân. Đến năm 1872 ông gia nhập vào Y Sĩ Đoàn của Hải Quân và được đưa đi phục vụ ở Nam Kỳ (Đông Dương) trong một bệnh viện ở Sài Gòn. Vì ông là người rất thông minh, thích tìm tòi, nghiên cứu, ghi chép nên ông luôn chú ý đến các đề tài: động vật, côn trùng, ngôn ngữ, nhân chủng..v..v…để viết lại tất cả những điều ông khám phá ra. Chính ông là người đã khám phá ra một loài rắn nước trên thân có sọc nâu ở Nam Kỳ, giới khoa học đã thừa nhận và đặt tên loài rắn nầy là « Oligodon moricei » để vinh danh ông. Trong thời gian phục vụ ông được điều động đi nhiều nơi ở Nam Kỳ, vì thế ông có dịp đến Gò Công, Châu Đốc, Hà Tiên, Phú Quốc, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tây Ninh. Ông được bổ nhiệm đến Hà Tiên vào năm 1873 và trú ngụ tại nhà Tham Biện trên đồi Ngũ Hổ một thời gian, từ đó ông ra Phú Quốc để chích ngừa chống bệnh đậu mùa (variole) cho dân trên đảo. Tháng chín năm 1874 ông trở về Pháp và tổ chức nhiều cuộc hội nghị để công bố những kết quả nghiên cứu của ông. Năm 1876 ông xin được trở lại Đông Dương một lần nữa và đã thu thập rất nhiều mảnh vụn, mẫu khắc trên đá, pho tượng trong một đền thờ cỗ của sắc dân Chăm (Champa) ở Hưng Thạnh, Quy Nhơn, ông đã gởi tất cả 30 thùng gỗ các mẫu tượng đá cỗ nầy về Pháp vào năm 1877 nhưng tàu bị đắm chìm trên đường biển, chỉ có 7 thùng được cứu vớt, tuy nhiên mãi cho đến năm 1995 sau nầy người ta đã vớt lên được tất cả số thùng còn lại…Vào tháng mười năm 1877 Albert Morice phải trở về Pháp gấp rút và mất tại Toulon vì ông đã mắc phải bệnh lao trong lúc thám hiểm ở Nam Kỳ, lúc đó ông chỉ mới 29 tuổi và vẫn còn độc thân, còn để lại rất nhiều công trình nghiên cứu đang dang dở.

Hoạt động của thầy Albert Morice ở Hà Tiên:

Vào năm 1872 Albert Morice được bổ nhiệm vào nhiệm sở Hà Tiên, trên đường từ Sài Gòn xuống Hà Tiên bằng tàu hơi nước, ông có ghé qua Tân An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Đốc. Từ Châu Đốc, quan quản trị người Pháp cấp cho ông một chiếc tàu buồm và một số người bản địa để đi cùng với ông vào Hà Tiên bằng kênh Vĩnh Tế. Ông mô tả Hà Tiên với cảnh Đông Hồ và những ngọn đồi đầy cây xanh, cửa ngõ vịnh Siam (Xiêm) với các hòn đảo duyên dáng, những ngôi chùa cỗ xinh đẹp, ngọn núi Thạch Động nhô lên từ xa, tàn tích hùng vĩ của các ngôi mộ họ Mạc, tất cả đối với ông đều rất quyến rũ, tuy nhiên bầu không khí thì lại rất khó thở, ngột ngạt và độc hại…đó là chướng khí khủng khiếp tỏa ra từ các đầm lầy ngập mặn dọc theo bờ biển. Đó cũng là lý do mà hầu hết các bác sĩ đồng nghiệp làm việc lúc trước ở Hà Tiên nầy khi trở lại Sài Gòn đều bị lâm bệnh nặng và chính sức khỏe của Albert Morice sau nầy cũng sa sút nặng sau thời gian làm việc ở Hà Tiên. Vì thế nhiệm sở về y tế ở Hà Tiên sau nầy đã bị hủy bỏ.

Toàn cảnh Hà Tiên vào đầu thế kỷ 20 nhìn từ phía Pháo Đài in trên một bưu ảnh xưa do nhà Nadal xuất bản.

Sau một đêm ngủ tạm trong một cái đồn nhỏ nhưng được duy trì tốt, đồn được cất trong bãi đầm lầy, rất thấp so với mặt đường, chung quang có trồng nhiều bông hồng, vì thế thời đó người Pháp đặt biệt danh thơ mộng cho nơi nầy là « Hatien-les-Roses », Alber Morice mô tả quang cảnh chung quanh như sau: Kế cái đồn là một con đường dọc theo Đông Hồ được trồng rất nhiều cây Tuyết Tùng (Cèdres) và Phi Lao. Cuối đường là căn nhà của nhân viên điện tín và ngôi vườn của nhà Tham Biện, ngôi nhà nầy được cất trên một ngọn đồi cao 30 m (chính là đồi núi Ngũ Hổ) là một nơi duy nhất ở Hà Tiên mà không khí có vẻ trong lành…Một mặt của nhà Tham Biện nhìn ra phía Đông Hồ, còn mặt kia thì nhìn về phía một cánh đồng bao la về phía Cambodge…

Dọc theo cửa ngõ và ngay trên cảng là một thành phố người Việt và người Hoa với một con đường chính được gọi biệt danh là « Venise d’HaTien » vì con đường được cấu tạo bởi những thanh ván gỗ dài khoảng 100 hoặc 150 m, hai bên là những căn nhà được cất trên những cộc cắm trên đất bùn mà khi thủy triều xuống, bùn bị hâm nóng lên và tỏa ra một mùi hôi rất khó chịu…Dân chúng Hà Tiên đa số là người Việt, người Hoa, và nhất là người lai gọi là người Minh Hương. Họ sống bằng nghề đánh cá, Albert Morice với con mắt của nhà tự nhiên học, đã chú ý đến các loại cá ở Hà Tiên như sau: Cá lưởi trâu (Sole), rùa lớn mà cái đầu gần bằng đầu người ta, cá chình biển (Anguilles de mer), mực, hàu, cua lột. Có một điều thú vị là Albert Morice mới biết được một loại cá quen thuộc ở ao nước Hà Tiên là cá lia thia mà ông gọi là « Poisson de combat ».

Albert Morice cũng có đi xem Thạch Động mà vào thời đó người Pháp đặt tên là « Cái mũ lông » (Bonnet-à-Poil) vì hình dáng rất giống cái mũ bằng lông mịn. Ông mô tả sự khó khăn khi đi bộ đến Thạch Động, vì con đường đi phải băng qua một khu đầm lầy nước mặn khi thủy triều lên người đi bị ướt cả người rất khó chịu, nhưng khi tới nơi người ta sẽ được đền bù công khó…Ông nhận xét là Thạch Động được thành lập do hai khối đá khổng lồ dựa vào nhau ở trên cao và tạo ra một không gian rộng lớn ở phía dưới. Ông cũng ghi nhận có một ngôi chùa xưa trong đó và người dân bản xứ rất tin tưởng vào sự linh thiêng của ngôi chùa nầy. Albert Morice đến thăm Thạch Động rất nhiều lần, và ông kể lại là có một lần ông thấy có một người Khmer đang hấp hối nằm trên chiếc chiếu được gia đình mang tới đặt trong chùa để hy vọng là thần linh sẽ cứu giúp trong lúc tuyệt vọng nầy. Ở phía bên kia của hang động, quang cảnh trải dài trên một vùng đồng bằng bao la được bao bọc bởi ngọn núi Voi ở phía chân trời. Biên giới Cambodge cách đó gần 100 m và được đánh dấu bằng một bờ lũy có cặm tre, phía sau bờ lũy là một con mương khá rộng, nhưng cạn và có thể lưu thông trên đó được. Ở bên phải là rừng xanh và ở phía trái xa xa là vịnh Siam lấp lánh với những hòn đảo trông giống như những chấm đen trong đó có dãy đen dài đảo Phú Quốc.

Ông nhận xét thấy chung quanh Thạch Động có nhiều cây ăn trái như là xoài có trái nhiều và rất nhiều dây leo phủ kín …Có một ngôi mộ hình tháp của một người nào đó không tên tuổi dựng lên trên sườn một ngọn núi nhỏ ở vài khoảng cách với Thạch Động, chung quanh ngôi mộ hình tháp có rất nhiều ổ kiến lửa đỏ… (Có thể ông nói đến ngôi mộ tháp bảy tầng ở sườn núi Phù Dung tức là núi Đề Liêm, tuy nhiên khó có thể xác đinh được vì núi Đề Liêm ở hơi xa Thạch Động!!?).

Sau đó Albert Morice đi viếng khu lăng Mạc Cửu. Ông viết trong nhật ký du hành là những tàn tích hùng vĩ của khu lăng mộ nầy nằm phía sau đồn Hà Tiên và có một đồn điền trồng tiêu rất rộng lớn với những bức tường to lớn và rất dầy, gần đó có nhiều cây cà độc dược, cây thầu dầu cùng với một màn cây xanh dầy…xen lẫn với những con thằn lằn, chim chóc và côn trùng che kín cả 5, 6 ngôi mộ. Ông cũng nhìn ra ngôi mộ ở giữa phía trên cao, của Mạc Cửu, do xi măng bao phủ, không có chữ ghi tên, lại có những lỗ bể mà trong đó có những con ong nhỏ làm tổ, có cả một cây xanh nhỏ mọc tự nhiên ngay trên đỉnh ngôi mộ…Những ngôi mộ của các phu nhân và con cái thì đơn giản hơn, không chắc chắn và đều bị hư hao dưới tác dụng của mưa nắng hằng ngày…

Những ngôi chùa cất lân cận thành phố phần lớn rất xinh đẹp, Albert Morice để ý đến hai trong số đó, ngôi chùa thứ nhất tọa lạc sau một cái ao rộng lớn có nhiều bông súng và bông sen, bên trong trang hoàng rất phong phú bàn ghế, những tấm bảng, bình phong có cẩn óc xa cừ (đây chắc chắn là đền Mạc Công Miếu tức đền thờ họ Mạc trước ao sen, thời nầy chỉ có một cái ao sen trước đền thờ). Ngôi chùa thứ hai, theo ông là rất kỳ lạ vì dân quân Pháp thời đó đặt tên là « Chùa Quỷ » (la Pagode du Diable), ngôi chùa nầy nằm không xa con đường dẫn đến Thạch Động, ở bên trái, dưới chân một ngọn đồi cây xanh (đó là núi Đề Liêm)…Bên trong ngôi chùa trên vách có nhiều hình ảnh vẽ trên giấy Tàu lớn, những hình ảnh tả cảnh hành hình tội phạm dưới địa ngục, phía trên tờ giấy có vẽ hình một vị Phật uy nghi và nhân từ hình như tươi cười chào đón những linh hồn may mắn đến với ngài…, còn chung quanh bìa bức hình ảnh thì toàn là những quỷ sứ với giáo, thương nhọn, xiên đâm thân người và nướng trên lửa hoặc nấu trong nồi dầu sôi hay cho những con hổ dử ăn thịt…. (khi đọc đến đây thì mình có thể nghĩ đây chính là chùa Lò Gạch vì ngày xưa trong chùa Lò Gạch cũng có treo trên vách những tấm hình bằng vải lớn vẽ hình địa ngục với quỷ sứ…, tuy nhiên không phải là chùa Lò Gạch vì chùa Lò Gạch chỉ mới cất rất xa sau nầy khoảng từ năm 1945 trở về sau).

Albert Morice mô tả tiếp theo về ngôi « Chùa Quỷ »: Phía ngoài chùa vài trăm bước, trong một mái tranh lá, có một tượng Phật Khmer rất lớn với hai trái tai căng dài, thòng xuống và có đụt lỗ, trên đầu thì có tóc theo kiểu xếp tầng và giảm từ trên xuống, ngực thì có quàng xéo một chiếc khăn đỏ, ngồi theo kiểu xếp bằng…(Điều nầy có thể cho ta thấy « Chùa Quỷ » nầy có thể là chùa « Bà Cố » ở bên trái đường ra Thạch Động, khoảng giữa chùa Phù Dung và chùa Phật Lớn, còn pho tượng Phật lớn mà ông mô tả có thể là pho tượng Phật của chùa Phật Lớn?).

Về mặt động vật ở Hà Tiên, Albert Morice ghi lại là việc săn bắn ở Hà Tiên rất hạn hẹp, chỉ có thể săn bắn được các con chim ở đầm lầy, bồ câu, rồi là rùa, các động vật có vú thường gặp là sóc, chuột cọ, con tê tê hay trúc (pangolin), thỏ và hươu tai dài…Ông cũng có mua một con hươu tai dài đó của những người địa phương đặt bẩy được và đã huấn luyện nó thành một con vật trong nhà như con chó, ông cho nó ngủ chung phòng với ông và cũng trao đổi nhiều cử chỉ trìu mến với nó…

Albert Morice có nhận xét là ngoài việc đánh cá, người dân Hà Tiên thực hành trồng tiêu và đó cũng là nguồn lợi chính vì phần lớn hồ tiêu xuất khẩu ở Nam Kỳ là do nguồn Hà Tiên. Ngoài hồ tiêu, Hà Tiên có rất ít các loại cây ăn trái khác, chỉ có dừa, khóm, mít…Chuối thì được trồng nhiều nhưng trái ít phẩm chất gọi là « chuối lợn », còn những trái chuối nhỏ tuyệt ngon có vị « caramel » thì do Châu Đốc đưa đến, xoài rất khan hiếm, và cũng không có măng cụt.

Albert Morice kể lại là trong thời gian ông đóng nhiệm sở ở Hà Tiên, không có cuộc phiêu lưu nào khuấy động ông, riêng có một lần ông đã đối mặt với một nguy hiểm mà ông không hề hay biết. Có một ngày nọ, những người thợ người Hoa đang sửa chữa vách tường của đồn trên đồi Ngũ Hổ đến gặp ông và chỉ cho ông thấy có một con rắn và rất nhiều trứng dưới một viên gạch cũ, ông lấy tay bắt con rắn và nghĩ là không phải rắn độc, tuy nhiên con rắn đã cắn ông, ông đem tất cả là 24 trứng và con rắn mẹ về phòng nuôi và một tuần sau trứng đã nở ra những con rắn con..Tuy nhiên ông đã phải cẩn thận rửa sạch vết rắn cắn…

Albert Morice mô tả việc buôn bán thuốc phiện ở Hà Tiên như sau: Ở Nam Kỳ người Pháp đặc quyền cho các thương gia người Hoa được bán thuốc phiện và được đặt các quầy buôn bán khắp nơi nào họ muốn. Để hạn chế việc lưu thông các hàng lậu ở khắp nơi trong Nam Kỳ, các thương gia người Hoa nầy có rất nhiều đại diện, kể cả người tây phương, để đưa hàng đến các vựa và kiểm soát hàng lậu. Ông đã có lần nói chuyện với một người đại diện hàng thuốc phiện nầy ở Hà Tiên và đã chứng kiến một vụ bắt được một chuyến hàng lậu chở bằng thuyền buồm từ Vọng Các (Bangkok) đến Hà Tiên, với số lượng hàng thuốc phiện lậu hơn 80 gói lớn, mỗi gói thuốc phiện to như cái đầu người ta và có giá trị thương mại rất lớn. Những người buôn hàng lậu nầy mặc dù có trang bị vũ khí (ngay cả có súng lớn đại bác) phải chịu để bị bắt và bị tịch thu hàng lậu.

Bác sĩ Morice cũng có dịp trải qua một cái Tết Âm lịch ở Hà Tiên. Ông kể rằng cuộc sống trong thời gian đóng nhiệm sở ở Hà Tiên của ông khá tẻ nhạt, tuy nhiên ông đã có dịp tham dự vào cái Tết cổ truyền của người Hà Tiên. Trong những ngày lễ Tết nầy, mọi người đều mặc những bộ quần áo lụa đen rất đẹp, mấy em bé nhỏ thì có những chiếc quần dài hai màu nhưng lại không có đáy tạo ra một quang cảnh rất buồn cười……Trước mỗi nhà đều có dựng lên một cây cau (arequier) hay cây tre có treo các lễ vật dâng cúng và trước cửa nhà đều có bày ra một mâm cơm thịnh soạn để cúng tổ tiên. Những người Hoa thì dán những tờ giấy đỏ mới trên vách nhà để xua đuổi ma quỷ, bệnh tật và sự nghèo khó…, ngoài ra cũng có tiếng đánh trống và tiếng pháo nổ vang khắp phía…Lễ Tết như vậy kéo dài gần bảy ngày.

Một thời gian trước khi rời khỏi Hà Tiên, bác sĩ Morice có dịp ra Phú Quốc để chích ngừa cho dân trên đảo chống bệnh đậu mùa theo lời mời của quan quản trị trên đảo, đại úy Hersen, ông nầy từ Sài Gòn vừa về tới Hà Tiên, đề nghị đưa ông Morice ra đảo thăm viếng đồng thời chích thuốc ngừa luôn cho dân. Trên chiếc sà lan to chở đầy dụng cụ và thực phẩm, có thêm hai người Pháp khác, một người kiểm lâm Phú Quốc và một người thủ quỹ. Khởi hành buổi chiều và sáng hôm sau tàu mới tới Phú Quốc sau khi luồn lách qua các hòn đảo của khu quần đảo Hải Tặc và hàng ngàn rạn san hô nầm dọc theo vịnh. Trên đảo, ông có dịp thăm viếng Hàm Ninh, Dương Đông và quan sát, ghi chép rất nhiều các loài cá, thú rừng, nghề làm nước mắm của cư dân trên đảo. Trước khi rời đảo, ông đã chích ngừa cho dân và đã chỉ cho một « thầy thuốc » trên đảo tiếp tục chích với số thuốc do ông để lại. Trong chuyến về cũng với chiếc sà lan như chuyến đi, nhờ con gió lớn tây nam đẩy nhanh, không bao lâu ông đã về tới Hà Tiên vào buổi chiều.

Một trang trong tác phẩm « Géologie de l’Indochine: Anatole Petiton, Paris, 1895 », đoạn nói về Hà Tiên, tác phẩm do Google chuyển sang tài liệu số (scanner).

Vài ngày từ khi đi Phú Quốc về bác sĩ Morice chánh thức rời nhiệm sở Hà Tiên bằng một chiếc tàu buồm, ghé qua nhanh Châu Đốc để chào hỏi các quan chức quen biết lúc trước, đồng thời ông có biếu tặng cho trung úy bộ binh Ledentu, một con kỳ đà rất đẹp mà ông đã bắt được khi còn ở Phú Quốc, con kỳ đà nầy đã trốn chạy mất ngay đêm hôm sau…Trên chuyến về Sài Gòn, ông ghé lại Vĩnh Long, Mỹ Tho và ông có nhận xét là ngôi nhà Tham Biện ở Mỹ Tho có lẽ là ngôi nhà đẹp nhất trong các nhà Tham Biện ở Nam Kỳ. Sau khi nghỉ dưởng bệnh vì mắt ông bị nhiểm trùng ở Hà Tiên, ông lên Tây Ninh và tại đây ông có dịp nghiên cứu rất nhiều về nhân chủng học, khảo cổ học, ngôn ngũ học của các sắc dân địa phương, các loài động vật quanh vùng..Chính tại Tây Ninh ông đã phát hiện ra một loài rắn nước lạ (Herpéton tentaculé) mà ông đã đem được về Pháp một con và giới khoa học đã chấp nhận đặt cho loài rắn nầy cái tên « Oligodon moricei » để vinh danh ông. Ông để lại rất nhiều tác phẩm khoa học do ông nghiên cứu trong thời gian ở Nam Kỳ.

Paris, viết xong ngày 08 tháng 3 năm 2021, Trần Văn Mãnh

Tài liệu tham khảo:

Bio-Bibliographie générale, ancienne et moderne de L’Indochine Française: Antoine Brébion, Paris, 1935
Géologie de l’Indochine: Anatole Petiton, Paris, 1895
Voyage en Cochinchine pendant les années 1872-73-74: Dr Morice, Lyon, 1876

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2022/10/10/nhung-nguoi-tham-hiem-khoa-hoc-phap-trong-nua-cuoi-the-ky-19-tung-dat-chan-den-vung-ha-tien/

Leave A Reply

Your email address will not be published.