Tây Sơn Có Phải Là “Phong Trào Nông Dân” Không?

0 698

Trong lịch sử đầy những biến động của xã hội Việt Nam, các tổ chức được thành lập nhằm giành lấy chính quyền về tay mình bao giờ cũng áp dụng nhiều mưu chước, thủ đoạn để đạt được mục đích tối hậu đã đặt ra. Nhà Tây Sơn cũng không nằm ngoài qui luật đó. Họ nổi dậy năm 1771, trong lúc nội tình chính quyền Đàng Trong đang ở vào giai đoạn rối ren nhất. Quyền thần Trương Phúc Loan ỷ vào cương vị Quốc phó và mối quan hệ huyết thống với các chúa đương quyền, đã thao túng việc triều chính, truất người này, dựng người kia, các đại thần cương trực hoặc bị trừ khử, hoặc lánh xa nơi gió tanh mưa máu. Ba anh em nhà Tây Sơn gồm Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ đã chiêu binh mãi mã, cố tận dụng cơ hội rối ren tại kinh đô để giành lấy chính quyền.

Cùng thời điểm đó, chúa Trịnh Sâm tại Đàng Ngoài cũng có cùng một mưu định như thế. Năm 1774, chúa cử tướng Hoàng Ngũ Phúc cầm đầu đoàn quân Nam tiến, mượn danh nghĩa tiêu diệt Trương Phúc Loan, dẹp yên “loạn Tây Sơn”, phục hồi ngôi vị cho nhà Nguyễn. Trong thời gian thế lực còn yếu so với nhà Trịnh ở đất Bắc, phần khác, lòng người vẫn còn hướng về các chúa Nguyễn, ba anh em Tây Sơn đã đổi từ họ Hồ sang họ Nguyễn rồi bắt giữ Đông cung Nguyễn Phúc Dương làm con tin, gả con gái Nhạc là Thọ Hương cho và ép lên ngôi chúa. Biết được mưu sâu của họ, Đông cung Dương tìm cơ hội trốn vào Gia Định. Trong thế lưỡng đầu thọ địch, quân chúa Nguyễn ở phía Nam, quân Trịnh áp sát Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc sai người mang vàng lụa cho Hoàng Ngũ Phúc và thư xin nộp ba phủ Quảng Nghĩa, Quy Nhơn và Phú Yên, xin làm tiểu tướng dẫn đại quân đánh lấy Gia Định. Hoàng Ngũ Phúc thấy thế cũng tiện cho mình, tạm cử Nguyễn Nhạc làm Tây Sơn Hiệu trưởng Tráng tiết Tướng quân.

Giữa thập niên 1780, sau khi đã nắm chắc phần thắng ở phía Nam, nhận thấy sự suy yếu của họ Trịnh ở phương Bắc, nhà Tây Sơn đã tính đến việc dứt họ Trịnh và nhất thống thiên hạ. Trong cuộc Bắc tiến năm 1786, họ thành công bước đầu qua việc tiêu diệt họ Trịnh, dòng họ đang nắm thực quyền tại Thăng Long, song vẫn phải lao tâm khổ tứ trong việc thanh toán những bất đồng nội bộ giữa Nguyễn Huệ, Nguyễn Hữu Chỉnh và Vũ Văn Nhậm. Cũng từ những diễn biến chính trị và quân sự vào giai đoạn này, chúng ta thấy lập luận dành cho nhà Tây Sơn công thống nhất đất nước đã không đứng vững. Khi họ bức bách được chúa Nguyễn Ánh phải bỏ nước, sống lưu vong ở kinh thành Vọng Các, nước Xiêm (1784—1788)  thì vua Lê – chúa Trịnh vẫn còn làm chủ vùng đất Đàng Ngoài; khi họ đánh thắng quân Thanh và chiếm lấy ngai vàng nhà Lê (1789) làm chủ một vùng đất rộng từ Thăng Long vào đến Quy Nhơn, Phú Yên thì quân chúa Nguyễn đã vĩnh viễn làm chủ đất Gia Định, và từ đó tiến dần lên phía Bắc, chưa có thời điểm nào nhà Tây Sơn làm chủ trọn vẹn giang sơn nước Việt cả.

Về yếu tố “nông dân” trong cuộc nổi dậy giành chính quyền của họ thì các nguồn sử liệu từ thế kỷ XIX trở về trước hầu như không thấy đả động đến và ngay bản thân phong trào Tây Sơn, vào những năm đầu cuộc nổi dậy, cũng chỉ sử dụng khẩu hiệu “lấy của người giàu chia lại cho người nghèo”, chứ không hề mượn chiêu bài nông dân để cổ súy cho những hoạt động của mình. Đến thế kỷ XX, có lẽ vào năm 1938, lần đầu tiên người ta đọc thấy trong tác phẩm Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, học giả Đào Duy Anh đã liên kết các cuộc kháng chiến chống xâm lược phương Bắc của Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng với sự đóng góp tích cực của người nông dân, khi ông viết: “… xông pha giữa rừng rậm mà mở mang bờ cõi vào Chiêm Thành, Chân Lạp, đó là công phu của nông dân; theo Lê Lợi đuổi quân Minh, theo Tây Sơn đánh loạn thần Trương Phúc Loan cũng là nông dân; Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Tôn Sĩ Nghị, Phan Đình Phùng kéo dài cuộc Cần vương, cũng đều là nhờ lực lượng của nông dân …” (Sđd – NXB Bốn Phương – Sài Gòn 1938, trang 321).

Một lính Tây Sơn năm 1793. Tranh in trong tác phẩm A Voyage to Cochinchina in the Years 1792 and 1793 (Một chuyến du hành sang Đàng Trong vào những năm 1792 và 1793) của John Barrow

Song Đào Duy Anh cũng chỉ giới hạn nhận định của mình trong việc thừa nhận rằng sự tham gia của giới nông dân đã mang lại sức mạnh và thắng lợi của phong trào Tây Sơn. Tuyệt nhiên, ông cũng chưa hề khẳng định Tây Sơn là một “phong trào nông dân”. Phải chờ đến các thập kỷ 1950-1960 trở về sau, dưới ngòi bút của giới sử học xã hội chủ nghĩa (XHCN) miền Bắc, cụm từ “phong trào nông dân” mới thực sự hình thành và gắn liền với mọi hoạt động của nhà Tây Sơn. Vào những năm 1960, cuộc nội chiến Nam-Bắc Việt Nam đang lên đến đỉnh điểm, việc đồng nhất hóa hoạt động của một phong trào chống lại trật tự xã hội cũ và giành lấy chính quyền như phong trào Tây Sơn với hoạt động của những người Cộng sản đang cố thống nhất đất nước dưới ngọn cờ công nông của mình đã trở thành một nhu cầu thiết yếu cho sự cổ súy các sách lược mà họ đã đề ra.

Các nhà sử học XHCN đã chọn lập trường đứng hẳn về một bên, trong cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn, bằng cách miêu tả hình ảnh chúa Nguyễn Ánh và vương triều Nguyễn về sau là những thành phần “phản động” nhất … Lời giới thiệu bản dịch bộ Đại Nam Thực Lục Tiền Biên in năm 1962 tại Hà Nội là tiêu biểu cho cách hành xử này: “Những sự kiện lịch sử xảy ra trong khoảng thời gian từ Nguyễn Hoàng đến Đồng Khánh, những công việc mà các vua nhà Nguyễn đã làm trong khoảng thời gian 330 năm ấy, tự chúng, chúng có ý nghĩa sự thực khách quan, tự chúng chúng tố cáo tội ác của nhà Nguyễn trước lịch sử của dân tộc chúng ta. Theo lệnh của các vua nhà Nguyễn, bọn sử thần của nhà Nguyễn làm công việc biên soạn Đại Nam thực lục đã cố gắng rất nhiều để tô son vẽ phấn cho triều đại nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng của lịch sử Việt nam. Nhưng bọn sử thần ấy vẫn không che giấu nổi các sự thật của lịch sử. Dưới ngòi bút của họ, sự thật của lịch sử vẫn nổi bật lên cứng mạnh như gang thép, sáng tỏ như ánh mặt trời để phơi bày cho mọi người biết tội ác của bọn vua chúa phản động, không những chúng đã cõng rắn cắn gà nhà, mà chúng còn cố tâm kìm hãm, đày đọa nhân dân Việt nam trong một đời sống tối tăm đầy áp bức” (sách đã dẫn – NXB Sử Học – Hà Nội 1962, trang 6-7).

Bên cạnh việc dành cho nhà Nguyễn những loại từ ngữ tệ hại nhất, cũng từ thời điểm này, hàng loạt sách, tiểu luận, bài báo với nhan đề “phong trào nông dân Tây Sơn” ra đời nhằm đề cao, phóng đại những việc mà nhà Tây Sơn đã làm được, đồng thời bỏ qua những sự thật lịch sử thuộc về mặt tiêu cực của phong trào này. Tại miền Nam, năm 1974, với tác phẩm Lịch sử nội chiến Việt Nam từ 1771 đến 1802,  nhà nghiên cứu Tạ Chí Đại Trường đã cố mang lại tính khách quan khi trình bày về cuộc nội chiến 1771-1802, song nỗ lực lẻ loi đó không làm thay đổi bao nhiêu nhận thức về thời kỳ này, nhất là về bản chất của phong trào Tây Sơn.

Mãi đến gần đây, với sự xuất hiện những công trình nghiên cứu sâu sắc của một số giáo sư, học giả người nước ngoài, thực chất của phong trào Tây Sơn mới được đặt lại thông qua những dữ liệu và luận điểm phản bác lại quan điểm coi cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn là một “phong trào nông dân”. Thật vậy, để có thể đánh giá một cuộc nổi dậy là “phong trào nông dân”, ít nhất cũng phải hội đủ các yếu tố sau:

* Những người chủ xướng phong trào xuất thân từ tầng lớp nông dân
* Giai tầng nông dân là bộ phận nòng cốt của lực lượng quân sự, tham gia lãnh đạo cuộc tranh đấu, đề ra các sách lược chi phối mọi hoạt động của phong trào.
* Mục tiêu tối hậu của phong trào tranh đấu phải là quyền tự do, dân chủ và các quyền lợi thiết thực của giai cấp nông dân.

Nhìn lại lịch sử thời kỳ này, trước tiên, chúng ta biết rõ anh em nhà Tây Sơn không thuộc giai cấp nông dân. Họ là những tiểu phú nông trong một xã hội thu nhỏ ở huyện Phù Ly, phủ Quy Nhơn. Bản thân Nguyễn Nhạc là một người buôn bán trầu cau, kiêm lãnh trách vụ của một tuần biện lại, thu thuế trong dân và nộp lại cho chính quyền địa phương. Theo một số sử liệu, có lần Nhạc tiêu pha hết tiền thuế đã thu, phải cùng hai em lánh lên núi tránh sự truy bắt của quan quân triều đình. Tại đây, họ được sự cố vấn của người thầy dạy võ là Trương Văn Hiến, vốn là người am hiểu tình hình rối ren tại phủ chúa Nguyễn những năm sau 1765, và quyết định tổ chức cuộc nổi dậy.

Ngay những ngày đầu tiên của phong trào, nhà Tây Sơn cũng không hề mượn danh nghĩa nông dân để tự cổ súy cho mình. Vì lòng người vẫn còn hướng về nhà Nguyễn, lúc đầu, họ bắt hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương làm con tin, định tôn xưng ông làm minh chủ để phát động cuộc tranh đấu loại bỏ quyền thần Trương Phúc Loan và chống lại cuộc tiến công của quân Trịnh từ phía Bắc. Song việc hoàng tôn Dương biết được mưu định này, trốn thoát vào nam khiến mục tiêu ban đầu của họ bị phá sản, nhà Tây Sơn quay sang những lực lượng người Hoa mạnh nhất dưới quyền hai thương nhân Tập Đình và Lý Tài. Nhưng mối quan hệ này cũng không kéo dài được lâu. Sau khi Tập Đình chạy về Hoa Nam tránh một âm mưu hãm hại của chính Nguyễn Nhạc và Lý Tài mang đạo quân Hòa Nghĩa đầu phục chúa Nguyễn Ánh, nhu cầu bổ sung lực lượng đối với họ khẩn thiết hơn bao giờ hết.

Quan lại Tây Sơn, 1793. Tranh vẽ của William Alexander, người đã tháp tùng phái bộ Huân tước McCartney trong lần viếng thăm cung điện của vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân năm 1793. Sưu tập của George Dutton

Họ thực hiện chiến dịch điều tra dân số để thỏa mãn ba nhu cầu: bắt lính, lao dịch và thu thuế, và không riêng gì người nông dân, nhiều thành phần xã hội khác cũng được nhắm đến: người Hoa, người Chăm, người Khmer, và cả các nhóm thổ phỉ. Riêng với người nông dân, sự trưng dụng họ trong quân đội đã đẩy nhiều người ra khỏi ruộng đồng của họ. Sự lao dịch nặng nề, làm đường mới, xây dựng thành lũy mới, sửa chữa đê điều, cho dù có lợi cho hạ tầng cơ sở địa phương, cũng khiến cho họ không còn đủ thời gian cần thiết để cấy cày, trồng trọt. Thêm vào đó, nhu cầu tái thiết những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, sự điều hành một đạo quân vừa ô hợp, vừa đông đúc buộc nhà Tây Sơn phải gia tăng các khoản đóng góp nặng nề, và đôi vai người nông dân lại nặng thêm gánh nặng sưu dịch, thuế khóa.

Thời Tây Sơn, sự cải thiện đời sống người nông dân chưa bao giờ là mục tiêu mà các nhà lãnh đạo phong trào này nhắm đến. Họ sử dụng giai tầng này như một công cụ, và sau thắng lợi của họ, người nông dân trở thành nạn nhân chịu sự bóc lột của một vương triều mà họ đã góp phần xây dựng nên. Giáo sư George Dutton, thuộc trường Đại học California ở Los Angeles (UCLA), tác giả quyển The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn), đã tỏ ra thẳng thắn khi viết rằng: “Sự miêu tả giới nông dân thế kỷ XVIII như những người ở bậc dưới của thang xã hội, cao thượng và kiên định, những người ủng hộ trung thành nhà Tây Sơn, có vẻ như đã biến họ trở thành kẻ đồng lõa với sự áp bức mà chính họ là nạn nhân, vì thời đại Tây Sơn rõ ràng là thời kỳ của vô vàn khổ nhọc và khó khăn của người nông dân. Đó là thời kỳ mà lợi ích của sự nổi dậy, nếu quả thực có thể nhận thấy được, cũng hiếm khi vượt quá cái giá lớn lao mà nhóm người (nông dân) này phải trả” (Sđd – University of Hawaii press 2006, trang 13 – LN dịch).

Trong xã hội Đại Việt, nửa sau thế kỷ XVIII là thời kỳ đen tối nhất của đời sống người dân. Dưới chính quyền của chúa Trịnh, họ từng ngày mơ ước một sự thay đổi thể chế và con người, đến khi nhà Tây Sơn chiếm lĩnh kinh đô Thăng Long và Đàng Ngoài, sự khắc nghiệt càng trầm trọng hơn, họ lại mơ tưởng về người còn lại của dòng họ các chúa Nguyễn:

“Lạy trời cho chóng gió nồm,
Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm trảy ra…” (ca dao)

Đến khi sống dưới chế độ của nhà Nguyễn, một lần nữa họ lại mơ về nhà Tây Sơn. Điều này cho thấy cái vòng lẩn quẩn trong tâm tư và đời sống của người dân đen dưới chế độ quân chủ, và hầu như chưa bao giờ họ bằng lòng với thực tế cuộc sống trải ra trước mắt họ. Dù dưới chính quyền nào, họ Trịnh, họ Nguyễn hay nhà Tây Sơn, người nông dân vẫn là những kẻ chung thân bất mãn đối với giai cấp cầm quyền. Họ chỉ bị lợi dụng danh nghĩa, chứ chưa bao giờ là thành phần chủ chốt của một cuộc cách mạng xã hội nhằm mang lại lợi ích cho chính họ.

Một lần nữa lại xin mượn đoạn dưới đây của Dutton để thay lời kết cho chủ đề đang bàn đến hôm nay: “Người nông dân thời kỳ Tây Sơn là những kẻ lót đường cho quân đội, là đối tượng của sự lao dịch, là nguồn tiếp tế và nguồn lợi tức cho phong trào. Những người đàn ông và đàn bà đó có thể nuôi ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, điều này phản ánh trong sự ủng hộ đầy vẻ lạc quan của họ khi nhìn thấy những biểu hiện sớm sủa của cuộc nổi dậy, song những ước vọng đó sớm nhường chỗ cho một thực tế đầy thất vọng và theo những chứng cứ khả dĩ nhất, ít có người nông dân nào nhìn thấy một  sự cải tiến đáng kể trong đời sống của họ phát xuất từ hành động của nhà Tây Sơn”. (Sđd, trang 121-122 – LN dịch).

Một sự thật nữa cần được trả lại cho lịch sử.

(Kỳ tới: Nhà Tây Sơn và các nhóm hải tặc Trung Hoa)

Tác giả gửi Trí Việt News

Leave A Reply

Your email address will not be published.