Việc đặt quốc hiệu Việt Nam vào thời vua Gia Long

Huỳnh Duy Lộc

0 761

GS K.W.Taylor đã kể về việc đặt quốc hiệu Việt Nam sau khi chúa Nguyễn Ánh thống nhất đất nước và lên ngôi vua vào năm 1802:

“Đất nước mới hình thành vào đầu thế kỷ 19 trải dài từ biên giới phía Nam của Trung Quốc cho tới biên giới phía Đông của Cambodia (Chân Lạp) chưa hề tồn tại trước đây. Triều đình nhà Thanh vẫn quen gọi quốc gia này là An Nam, một cái tên đã có từ thời nhà Đường, về sau này sẽ được người Pháp dùng để gọi miền Trung của Việt Nam.

Vào năm 1802, sứ bộ của vua Gia Long được phái sang triều đình nhà Thanh, đề nghị lấy quốc hiệu cho đất nước mới được Gia Long thống nhất là Nam Việt. Thư của vua Gia Long gởi cho triều đình nhà Thanh nhắc tới vương quốc Nam Việt thuở xưa do Triệu Đà lập ra ở Quảng Đông và Quảng Tây vào buổi đầu của triều đại nhà Hán như một tiền lệ thật sự tốt lành vì Triệu Đà đã bình định và khai hóa tất cả vùng đất phía Nam. Hơn nữa, thư của vua Gia Long muốn mang lại cho cái tên Nam Việt một ý nghĩa mới, thể hiện sự thống nhất tất cả những vùng miền của Việt Nam: ”Giờ đây miền Nam đã sạch bóng quân phản loạn và cả đất nước Nam Việt đã trở lại với mọi sinh hoạt bình thường”.

Thế nhưng triều đình nhà Thanh không chấp nhận cái tên Nam Việt cũng chính vì lý do mà người Việt đã chọn lựa nó. Theo sử sách của Trung Quốc, trái ngược với sử sách của Việt Nam, vương quốc của Triệu Đà là một tiền lệ xấu chứ không có gì tốt lành vì Triệu Đà đã chống lại nhà Hán. Những tranh cãi về quốc hiệu mới cho Việt Nam cứ tiếp diễn ở Huế và Bắc Kinh suốt một năm, cuối cùng triều đình nhà Thanh mới chuẩn y cái tên Việt Nam, với ý đồ tránh cho mọi người liên tưởng tới sự bất tuân và sự tách biệt của nước Nam Việt của Triệu Đà. Tên Việt Nam bắt đầu quen thuộc với mọi người cùng với nỗ lực xóa nạn mù chữ và sự phổ biến các tư tưởng yêu nước vào những thập niên 1910, 1920 và 1930…” (A history of the Vietnamese, tr. 255, 256).

Hoàng đế Gia Khánh của nhà Thanh đã lệnh cho Tôn Ngọc Đình gởi cho vua Gia Long tờ dụ về quốc hiệu Việt Nam: “Quốc trưởng có lòng thành, lần trước cung kính giao nạp sắc ấn trước đây của Nguyễn Quang Toản bỏ lại, cùng trói giải bọn giặc cướp ngoài biển; lại cung kính thỉnh mệnh, nên được soi xét kỹ tấm lòng thành. Việc cầu phong và dâng biểu cống; đặc dụ chấp thuận. Đến việc xin đặt tên nước là Nam Việt, thì nước này trước đây có đất cũ Việt Thường, sau lại được toàn lãnh thổ An Nam; vậy Thiên triều phong quốc hiệu cho dùng hai chữ “Việt Nam”; lấy chữ “Việt” để đằng trước tượng trưng cương vực thời xưa; dùng chữ “Nam” để đằng sau, biểu tượng đất mới được phong; lại còn có nghĩa là phía Nam của Bách Việt; không lẫn lộn với tên nước cũ Nam Việt”.

Vua Gia Long đã tuyên chiếu đặt quốc hiệu Việt Nam: “Sách Đại Nam thực lục chép : “Giáp Tý, Gia Long năm thứ 3 (1804), tháng 2, ngày Đinh Sửu, đặt quốc hiệu là Việt Nam, đem việc cáo Thái miếu. Lễ xong vua ngự ở điện nhận lễ chầu mừng. Xuống chiếu bố cáo trong ngoài. Chiếu rằng: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước, nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong, ngoài yên lặng. Chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta lấy mình nhỏ, lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam đều vào bản tịch. Sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa. Lại hạ chiếu báo các nước Xiêm La, Lữ Tống và các thuộc quốc Chân Lạp, Vạn Tượng khiến đều biết cả’” .

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.