Charles Simic, một nhà thơ đa phong cách qua đời

TVN

0 168

Charles Simic – nhà thơ người Mỹ gốc Serbia từng đoạt giải Pulitzer, gắn với phong cách siêu thực – qua đời ở tuổi 84.

Theo Guardian, thông tin Simic qua đời được biên tập viên điều hành nhà xuất bản Alfred A Knopf – Dan Halpern – xác nhận hôm 9/1 (giờ Mỹ). Tuy nhiên, ông không cung cấp thêm chi tiết về cái chết của nhà thơ.

Charles Simic được biết đến là một trong những nhà thơ vĩ đại và độc đáo nhất trong thời đại của ông. Ông có nhiều tác phẩm đã đoạt giải, trong đó tập The World Doesn’t End (tạm dịch: Thế giới không hồi kết) đã đem về cho ông giải Pulitzer năm 1990. Ông cũng đoạt giải nhà thơ của Mỹ từ năm 2007 đến năm 2008, một điều khiến ông “đặc biệt xúc động” bởi vì “tôi là một cậu bé nhập cư không nói được tiếng Anh cho đến khi tôi 15 tuổi”.

Ông sinh ngày 9/5/1938 ở Belgrade, thủ đô của Nam Tư. Khi chiến tranh bùng nổ và đất nước ông bị chiếm đóng, ông theo gia đình đến Mỹ vào năm 1954 và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp văn chương tại đây.

“Tôi là một sản phẩm của lịch sử. Hitler và Stalin là những ‘hãng du lịch lữ hành’ của tôi. Nếu họ không xuất hiện, chắc cả đời tôi sẽ sống nguyên ở cái góc phố mà mình được sinh ra. Gia đình tôi, cùng hàng triệu người khác đã phải di tản”, nhà văn tâm sự về cuộc đời sống tha hương của mình.

Trước khi bước vào nghiệp viết chuyên nghiệp, Simic từng làm nhiều nghề: Trông cửa hàng, bán sách, bán quần áo. Thuở nhỏ, ông muốn trở thành một họa sĩ và nuôi dưỡng ước mơ ấy cho đến khi nhận ra rằng: “Tôi chẳng chút tài năng hội họa nào cả”.

Năm 1964, Simic kết hôn với nhà thiết kế thời trang Helene Dubin, có hai con. Ông trở thành công dân Mỹ vào năm 1971. Hai năm sau, Simic theo học Đại học New Hampshire, nơi ông tham gia giảng dạy trong 34 năm.

Ông không viết bằng tiếng Anh cho đến tận những năm 20 tuổi và bắt đầu làm thơ sau khi học tiếng Anh được vài năm. Quan điểm hài hước nhưng buồn tẻ trong lối viết được hình thành một phần bởi những năm tháng ông lớn lên ở Nam Tư thời chiến, khiến ông cho rằng: “Thế giới đã cũ, nó luôn cũ”.

Những bài thơ của ông thường rất khó để phân loại theo cách thông thường. Một số độc giả cảm nhận được sự tối giản và siêu thực, trong khi những người khác cho rằng các tác phẩm khá thực tế và bạo lực. Song, dường như họ đều đồng ý rằng các tác phẩm của ông luôn tràn ngập sự hài hước, châm biếm và những ẩn dụ bất ngờ.

Cuốn sách đầu tiên của ông – What the Grass Says – ra mắt năm 1967. Hai năm sau, ông viết tiếp cuốn Somewhere Among Us a Stone is Taking Notes and Dismantling the Silence. Một bài đánh giá của tờ New York Times từ năm 1978 đã ghi nhận tài năng của ông trong việc truyền tải “sự phức tạp của nhận thức và cảm xúc chỉ trong một vài dòng”.

 

Một bài thơ của ông:

 

NHỮNG QUE DIÊM

Tối mò khi tôi bước

Trên phố

Nhưng rồi ông xuất hiện

Người chơi diêm

Trong những giấc mộng của tôi

Tôi chưa bao giờ thấy

Mặt ông mắt ông

Sao bao giờ tôi cũng

Phải chậm chạp thế nhỉ

Và những que diêm đã cháy

Xuống sát ngón tay ông

Nếu là một ngôi nhà

Chỉ kịp nhìn một thoáng

Nếu là một đàn bà

Chỉ một cái hôn thôi –

Rồi bóng tối chập lại

Thì tôi có thể đang ăn tối

Đang đắp một quả tuyết cầu

Đang được Giáo Hoàng La Mã

Nhổ cho mấy cái răng

Hoặc đang trần truồng chạy

Trên một bãi chiến trường

Người chơi diêm

Biết mà không nói

Ông chỉ thích những trò chơi bỏ dở

Những thành phố khó nhận mặt

Nhũng tình yêu lớn ra đi

Trong một hơi thổi phù

Hoàng Hưng dịch (trong tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX)

Leave A Reply

Your email address will not be published.