Di Tích Chùa Thời Trần – Hồ Ở Tuyên Quang

Trần Anh Dũng

0 157

Từ bao đời nay ở huyện Sơn Dương lưu truyền câu ngạn ngữ : Chùa Lang Đạo- Gạo thái Nguyên để nói về sự hoành tráng và nổi tiếng của một ngôi chùa vốn là niềm tự hào của cả vùng mà nay không còn nữa.

Vài năm trước đây, để tìm tấm bia của ngôi chùa, mà cũng chỉ nghe phong thanh nó nằm dưới một đoạn sông, người dân đã chặn dòng tát cạn cả một khúc sông để tìm bằng được nó. Kết quả là bia đá thì vẫn chưa tìm thấy, nhưng quyết tâm thì vẫn còn nguyên vẹn.

Con rùa đội bia và chân tảng đá vẫn còn nhưng chùa nằm ở nơi đâu? Hành trình kiếm tìm dấu vết ngôi chùa cổ của người dân kéo dài đã nhiều năm nhưng vẫn vô vọng. Cho đến một ngày ….

Tháng 10/2011, người dân thôn Tân Hồng đã thuê máy xúc múc đất làm xuất lộ ra một mảng sân lát nền in nổi hoa chanh (mảng sân có chiều dài bắc nam là 4,20m, chiều đông tây dài 5,50m).

Vụ việc sau đó được báo cáo với UBND xã, huyện, tỉnh.

Ngay sau đó, UBND tỉnh Tuyên Quang đã giao cho Sở VVTTDL ra quyết định số 377/QĐ – VHTTDL ngày 25/11/2011 cho phép bảo tàng tỉnh phối hợp với phòng Văn hóa & Thông tin huyện Sơn Dương khai quật chữa cháy khẩn cấp di tích kiến trúc cổ Lang Đạo.

Tháng 1 năm 2012, cuộc khai quật chữa cháy lần thứ nhất khu di tích kiến trúc cổ Lang Đạo đã được tiến hành một cách khẩn trương.

Di tích kiến trúc chùa cổ Lang Đạo nay thuộc thôn Tân Hồng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Di tích nằm trong ATK của trung ương trong kháng chiến chống Pháp, ở trên một quả đồi thấp, bằng phẳng, diện tích 7.840m2 , phía sau là dãy núi Hoa và đồi Sau Sau với 3 ngọn tạo thành thế tay ngai chắn phía tây bắc; phía trước là các dãy núi cao nằm bên bờ đông nam của sông Phó Đáy (thuộc xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương). Ngay trước chân đồi là dòng sông Phó Đáy. Lòng sông ở đoạn này rộng chừng 150m.

Khu di tích Lang Đạo trước đây thuộc nông trường chè Tân Trào. Cảnh quan xung quanh di tích là các đồi chè của nông trường. Trước khi thành lập nông trường chè, vào năm 1960, nơi đây là vùng hoang vu, có nhiều lau sậy. Khi nông trường chè được thành lập, người ta đã san ủi, xây dựng văn phòng đội Tân Hồng và 2 dãy nhà tập thể cùng một dãy nhà ăn. Trong quá trình san ủi, có nhiều di vật và một số dấu tích kiến trúc vùi lấp dưới lòng đất bị xuất lộ và được người dân di chuyển về thôn Cầu Quất, xã Tú Thịnh như các chân tảng, bia đá.

Di tích nền kiến trúc

Căn cứ vào các hàng gạch bó vỉa, các hàng đá cuội và diễn biến của lớp đất, chúng tôi tạm xác định có 3 nền kiến trúc. Tuy nhiên cả 3 nền kiến trúc này mới chỉ được khai quật phát lộ một phần, phần còn lại vẫn còn nằm ở dưới sân bê tông, dưới nền nhà và vườn keo của người dân.

Nền kiến trúc 1: Phần xuất lộ, tạm thời là hình chữ L, chạy theo hướng đông tây và tiếp tục phát triển theo hướng này, đã được làm xuất lộ hoàn chỉnh một cạnh nền phía đông dài 9,20m, cạnh nền phía bắc mới chỉ xuất lộ một đoạn dài 8,30m. Cạnh phía nam của nền bắt đầu từ đoạn dài 1,80m thì bắt góc, đổi hướng chạy theo hướng bắc nam, đoạn bắt góc này cũng được làm xuất lộ với chiều dài 1,80m và tiếp tục phát triển về phía nam. Cạnh phía tây nằm hoàn toàn trong nền sân bê tông nên chúng tôi chưa xác định được.

Nền kiến trúc 2 : Nằm song song với nền 1 và cách nền 1 khoảng 2,30m về phía bắc là nền kiến trúc 2. Nền 2 thụt vào so với nền 1 khoảng 2,15m. Nền này cũng chỉ mới khai quật xuất lộ được 2 cạnh phái đông và phía nam. Đoạn xuất lộ ở cạnh phía đông dài 5,70m, đoạn xuất lộ ở cạnh phía nam dài 6,0m và đoạn này tiếp tục phát triển về phía tây.

Nền kiến trúc 3 :chỉ phát hiện được 2 cạnh phía bắc và phía nam.

Cạnh phía bắc được xác định bởi hàng gạch bó nền do người dân đào bới làm xuất lộ ở ngoài phạm vi hố khai quật. Gạch bó nền là loại gạch bìa, kích thước 48 x 26 x 5,5cm; 44 x 24 x 5cm; 47 x 25 x 4,5cm. Nền 3 chạy theo hướng đông tây và liên kết với nền 2 qua hàng gạch bắt góc mà chúng tôi đã trình bày ở trên. Bên trong hàng gạch bó nền phát hiện được ở mảng sân lát gạch hoa chanh tiếp tục là hàng cuội bó nền 3. Hiện tại hàng cuội này đã bị phá hủy gần hết chỉ còn lại 2 đoạn, ở phía tây có diện tích xuất lộ 0,70 x 0,53m, ở phía đông có chiều dài xuất lộ 1,80m. Căn cứ vào hàng gạch bó móng nền đã xuất lộ hướng nam và hàng gạch bó nền người dân đã phát lộ được cho biết chiều rộng bắc nam của nền 3 là 9,03m.

Di tích nền sân lát gạch

Trong đợt khai quật này, đã phát hiện được sân lát gạch hoa chanh với diện tích 93,3m2 hình dáng gần với chữ F, tạm chia ra làm 4 khoảng sân:

Khoảng sân thứ nhất: nằm giữa khu vực bắt góc giữa nền 2 và nền 3, gần với hình vuông, diện tích 30,08m2 . Đây là khoảng sân lát rộng nhất, từ đây có thể đi qua cạnh phía nam của nền 1 và cạnh phía đông của nền 2, đồng thời rẽ phải qua con đường cũng lát gạch hoa chanh chạy giữa nền 1 và nền 2. Khoảng nền sân 1 có 14 hàng gạch hoa chanh theo chiều bắc nam và cũng có 14 hàng gạch hoa chanh theo chiều đông tây.

Khoảng sân thứ 2: hình chữ nhật, chạy theo hướng đông tây và tiếp tục phát triển về phía tây. Diện tích 26, 289m2. Mảng sân này có 2 đoạn lát gạch bìa để chia thành các ô.

Khoảng sân thứ 3 : tính từ nơi bắt góc đông bắc của sân 1 kéo dài đến nền sân đổ bê tông, diện tích 34,28m2. Tính theo chiều bắc nam có 28 hàng gạch, chiều đông tây – nơi tiếp giáp với mảng sân 2 có 7 hàng gạch, nơi tiếp giáp với bắt góc đông nam của nền 1 có 4 hàng gạch. Đoạn này cũng có kết cấu tương đối đặc biệt. Nơi tiếp giáp với hàng gạch bó móng ở khu vực góc đông bắc của nền kiến truc 1 lại có một đoạn gạch lát nền bằng gạch bìa gồm có 6 viên kích thước 43 x 23,5cm; 44,5 x 23,5cm; 48 x 25,5, x 4,5cm.

Khoảng sân thứ 4 :hình chữ nhật, diện tích 2,57m2, ở sát nền sân bê tông phía đông nam, nơi mà nền kiến trúc bắt góc giữa hướng đông tây và bắc nam.

Hiện vật thu được gồm các loại hình sau:

Vật liệu kiến trúc (gạch, ngói, đá cuội kè móng nền). Đặc biệt là số lượng gạch lát nền in nổi hình hoa chanh đang được bảo tồn tại chỗ, với quy mô và số lượng lớn nhất nước, tính tới thời điểm hiện tại.

Trang trí kiến trúc mảnh lá đề in nổi hình chim phượng, hình rồng, và hoa lá, đầu ngói bí đốc in hoa lá, trang trí diềm mái, tượng chim uyên ương, đầu chim phượng, đầu đao, đầu sư tử đất nung.

Đồ gốm men thu được gồm khá nhiều mảnh gốm men thời Trần và Lê Sơ. Gốm men thời Trần có các dòng men ngọc, men nâu. Gốm men thời Lê Sơ (thế kỉ 15-16), chủ yếu là gốm hoa lam với các loại hình như bát chân cao vẽ lam cúc dây, bát chia khoảng vẽ hình hoa lá, âu sâu lòng, đĩa miệng cắt khấc cánh hoa

Đồ sành phát hiện được ở di tích Lang Đạo chủ yếu là sành của thế kỷ 15 -16, hầu hết bị vỡ nát và cũng chủ yếu là các đồ dùng sinh hoạt như nổi, lon, vại, nắp vung, chõ nấu xôi, nhiều nhất vẫn là mảnh lon hình ống được đưa từ các lò gốm dưới xuôi lên.

Đồ sắt đều là đinh sắt. Đây là dạng đinh đóng thuyền có mặt cắt hình chữ nhật hoặc hình thang. Đinh được dùng để đóng dui mè.

Đồ đồng có 2 loại hiện vật là đinh đồng và quai xách (hoặc nắp có quai sách hình rồng).

Về di vật, giá trị nhất vẫn là các khoảng sân lát nền bằng gạch hoa chanh. Giá trị này được nhân lên khi nó nằm nguyên vị trí trong di tích.

Qua địa tầng, hiện trạng di tích đã được khai quật, qua loại hình di vật và qua so sánh với di tích cùng thời ở các Tuyên Quang và các địa phương khác, chúng tôi tạm đánh giá niên đại khởi dựng của di tích là vào thời Trần-Hồ, khoảng cuối thế kỉ 14. Di tích được tồn tại tiếp tục qua thời Lê Sơ. Khi di tích được khai quật tổng thể,chúng ta sẽ có được kết quả chính xác hơn nữa.

Tính đến thời điểm hiện tại, ở tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện và khai quật 5 di tích kiến trúc cổ như sau:

– Di tích chùa Bảo Ninh Sùng Phúc khởi dựng từ thời Lí ( làng Tạc, xã Yên Nguyên, Chiêm Hóa).

Đã khai quật đợt 1. Năm 2012 tiếp tục khai quật đợt 2.

– Di tích chùa Núi Man ( Phật Lâm tự) khởi dựng từ thời Trần (Nhữ Hán, Yên Sơn). Đã khai quật 2 đợt.

– Di tích chùa Phúc Lâm Tự (xã Thượng Lâm, huyện Nà Hang). Chưa khai quật.

– Di tích chùa cổ thôn Cao Đá, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương phát hiện năm 2009. Chưa khai quật.

– Di tích kiến trúc cổ Lang Đạo (Thôn Tân Hồng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương. Được phát hiện năm 2011, khai quật đợt 1 đầu năm 2012.

Rõ ràng là từ các thống kê (Dù là chưa đầy đủ so với tiềm năng có thể có), chúng ta đã thấy Tuyên Quang đã có một hệ thống chùa và kiến trúc cổ thời Lí Trần rất hiếm. Trong số đó, tại Sơn Dương đã có 2/5 chùa và kiến trúc cổ thời Trần. Chắc chắn là tai Sơn Dương không chỉ có vậy, nếu việc điều tra khảo cổ học được triển khai rộng. Phật giáo, văn hóa, văn minh Việt đã lan tỏa và bám dễ từ hơn 700 năm nay trên mảnh đất này. Điều này có ý nghĩa thực tiễn cho các nhà quản lí hoạch định các chủ trương, biện pháp, sách lược phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa cho phù hợp.

Giá trị lịch sử – văn hoá của các kiến trúc Phật giáo ở miền núi, đặc biệt là ở Tuyên Quang, là điều không thể phủ nhận. Trong số những di tích kiến trúc cổ thời Lý -Trần đã phát hiện được ở Tuyên Quang thì di tích kiến trúc cổ Lang Đạo còn tương đối nguyên vẹn nhất, nền móng kiến trúc đẹp nhất, rất có giá trị trong việc tìm hiểu, nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng còn có một giá trị to lớn khác đã trở thành truyền thống, đó là tình đoàn kết giữa các dân tộc ít người miền núi và đồng bào ở miền xuôi.

Di tích và di vật phát hiện được ở di tích kiến trúc cổ Lang Đạo còn có một giá trị to lớn khác là đã cung cấp những tư liệu quý góp phần vào việc tìm hiểu văn minh Phật giáo, văn minh Đại Việt thời Lý – Trần ở vùng núi phía Tây Bắc Việt Nam; đóng góp vào việc tìm hiều hệ thống các ngôi chùa cổ và hệ thống Phật giáo ở vùng núi. Trong số những di tích kiến trúc cổ thời Lí -Trần đã phát hiện được ở Tuyên Quang thì di tích kiến trúc cổ Lang Đạo còn tương đối nguyên vẹn nhất, nền móng kiến trúc đẹp nhất, rất có giá trị trong việc tìm hiểu, nghiên cứu kiến trúc cổ Việt Nam.

Các di tích cùng thời ở xung quanh di tích Lang Đạo, mặc dù được phát hiện chưa đầy đủ, nhưng đã cho hay: đây là vùng đất trù phú, hùng mạnh, kinh tế phát triển, dân cư tập trung đông đúc, trên bến dưới thuyền, một tụ điểm kinh tế văn hóa quan trọng thời Trần và Lê Sơ.

Nguồn Văn Chương Việt

Leave A Reply

Your email address will not be published.