Học Cách “Ứng Xử”… Với Đồng Tiền

0 588

Trong một bài viết cách đây không lâu, tác giả Brian Hoyt (cố vấn Ngân hàng Thế giới) đã đề cập đến khái niệm “responsible finance” (tài chính có trách nhiệm), nôm na là ý thức trách nhiệm với vấn đề tài chính cá nhân. Để có nhận thức rõ về tài chính, cách tốt nhất là giáo dục. Trong một thế giới ngày càng có nhiều vụ sập tiệm do rủi ro cũng có mà thiếu hiểu biết cũng có, việc nâng cao kiến thức nền cho các vấn đề liên quan đầu tư, tài chính, tiền tệ… càng trở nên quan trọng. Và điều đó cần được giáo dục bắt đầu từ thế hệ trẻ, thậm chí rất trẻ!

Trách nhiệm tài chính là gì?

Theo Brian Hoyt, trách nhiệm với tài chính được thúc đẩy bằng ba yếu tố chính: Chính phủ, nơi bảo vệ người tiêu dùng và đưa ra những qui định giám sát (thị trường); những người cung cấp tài chính; và cuối cùng là cá nhân khách hàng, những người cần tiếp cận mức độ nào đó về kiến thức tài chính. Trong bài viết, Brian Hoyt đã nêu Philippines như một trường hợp điển hình đối với việc ý thức nâng cao kiến thức tài chính cho người dân. 1/3 dân số Philippines hiện sống trong tình trạng nghèo và chỉ 30% trong tổng dân số có tài khoản ngân hàng. Thế nhưng Chính phủ Philippines vẫn nỗ lực đưa giáo dục tài chính phổ cập từ độ tuổi thiếu nhi.

Trẻ em cấp một (6-11 tuổi) hiện bắt đầu tiếp cận kiến thức tài chính từ nhà trường. Như vậy, khoảng hơn 12 triệu học sinh Philippines bắt đầu được dạy những bài học cơ bản về trách nhiệm với tài chính. Mục tiêu chiến lược tầm xa của Chính phủ Manila là muốn tạo ra một xã hội trong đó những người chủ đất nước tương lai phải có những hiểu biết căn bản về trách nhiệm tài chính. Chính phủ Philippines còn chuẩn bị thêm các bước: đưa chương trình trách nhiệm tài chính vào hệ chính qui đại học như một trong những môn bắt buộc; giáo dục trách nhiệm tài chính cho công nhân, đặc biệt thành phần lao động làm việc ở nước ngoài; và cuối cùng là lập các thiết chế luật liên quan trách nhiệm tài chính giữa ngân hàng và người vay…

Trong thực tế, giáo dục tài chính là một trong những môn học từng và tiếp tục được dạy tại nhiều nước phát triển. Có lẽ cần nhắc lại rằng, Tổ chức phát triển hợp tác kinh tế (OECD) đã bắt đầu dự án giáo dục tài chính liên chính phủ từ năm 2003 với mục tiêu nâng cao kiến thức về tài chính từ độ tuổi thiếu nhi. Tại Úc, chính phủ nước này đã thành lập Lực lượng phản ứng nhanh về giáo dục tài chính và người tiêu dùng quốc gia vào năm 2004 và Tổ chức giáo dục tài chính năm 2005. Tại Anh, chương trình giáo dục tài chính phổ cập hiện có ngân sách khoảng 10 triệu bảng/năm với các đối tượng ưu tiên gồm: vợ chồng trẻ mới có con, nhân viên công ty và học sinh phổ thông… Tại Mỹ, Bộ tài chính nước này đã thành lập Phòng giáo dục tài chính năm 2002 trong khi Quốc hội cũng thiết lập Ủy ban giáo dục và xóa mù tài chính, theo Đạo luật Nâng cao giáo dục và xóa mù tài chính năm 2003…

Có thể nói Mỹ là một trong những nước ý thức rõ về sự cần thiết của trách nhiệm tài chính. Có vô số đầu sách cũng như băng đĩa giúp phụ huynh dạy trẻ cách xài tiền và hiểu thế nào là giá trị đồng tiền. Giới làm luật bang Maryland đang đề nghị đưa giáo dục tài chính vào đề tài tốt nghiệp phổ thông; và tại bang North Carolina, Bộ trưởng tài chính (cấp tiểu bang) cũng nhấn mạnh đến chương trình giáo dục tài chính mở rộng để tất cả học sinh trung học có thể hiểu những công cụ tài chính chẳng hạn thẻ tín dụng, vay trả góp, vay thế chấp, tín chấp… cũng như các kỹ năng tự lập ngân sách cá nhân và cân đối chi tiêu, để sao cho đến sau 18 tuổi, mọi người đều phải biết hoạch định kế hoạch chi tiêu cũng như có trách nhiệm đối với các quyết định liên quan tiêu xài… Nếu không biết rõ tại sao quốc gia mình đang xài tiền như thế nào, làm sao thế hệ trẻ có thể hiểu và có trách nhiệm giúp đất nước thoát khủng hoảng? Đó là lập luận của những người ủng hộ nâng cao giáo dục tài chính. Cần nhắc lại, một trong những nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ lao đao là sự vỡ tan quả bong bóng đầu cơ bất động sản. Nếu được trang bị kiến thức tốt hơn về chu kỳ thị trường, về hiệu ứng tâm lý bầy đàn, về kỹ năng đầu tư…, người Mỹ hẳn thận trọng hơn và giảm thiểu khả năng biến mình thành nạn nhân của cú sốc khủng hoảng.

Theo khảo sát mới nhất (National Report Card on Efforts to Improve Financial Literacy in High Schools, do trường Cao đẳng Champlain thực hiện), công bố cuối năm 2017, Utah được xếp vào nhóm các bang có chương trình giáo dục tài chính tốt nhất dành cho học sinh trung học (nằm trong nhóm 9 bang đạt điểm A; bang California chỉ đạt điểm F).

Học cách tự quyết định và có trách nhiệm với đồng tiền

Theo kết quả khảo sát do Jump$tart Coalition for Personal Financial Literacy (Mỹ) thực hiện, vấn đề giáo dục tài chính cần được bắt đầu từ gia đình. Trong khảo sát trên, có đến 58,3% học sinh Mỹ cho biết chúng học kỹ năng tài chính từ bố mẹ, so với 19,5% từ trường và 17,6% từ kinh nghiệm. Khảo sát (tập trung bốn lĩnh vực: thu nhập, quản lý tiền, tiết kiệm và tiêu xài) cũng cho thấy trẻ càng được giáo dục sớm về tài chính, càng ít bị sai lầm trong kiểm soát ngân sách cá nhân sau này. Ý thức nâng cao kiến thức tài chính lan rộng xã hội đến mức nhiều ngân hàng và thể chế tài chính cũng vào cuộc. Có vô số website ra đời với mục đích dạy kiến thức cơ bản về quản trị tiền. Các tập đoàn dịch vụ tài chính chẳng hạn A.G. Edwards và Wells Fargo cũng lập trò chơi trực tuyến để giúp trẻ hiểu hơn về hoạt động tài chính-ngân hàng.

Một trong những chương trình giáo dục tài chính phổ biến nhất Mỹ là Finance Park thuộc tổ chức phi lợi nhuận Junior Achievement với phương pháp giúp học viên tự xử lý các vấn đề tài chính cá nhân trong hoàn cảnh giả định cụ thể (chẳng hạn một nữ học viên 15 tuổi đóng vai một phụ nữ 32 tuổi chưa gia đình với thu nhập 34.000 USD/năm biết cách tự cân đối ngân sách chi tiêu). Thời điểm hiện tại, có ba bang (Utah, Missouri và Tennessee) yêu cầu học sinh phải hoàn thành khóa giáo dục trách nhiệm tài chính cho chương trình tốt nghiệp.

Tại Ohio, hệ thống trường công bắt buộc phải tổ chức các lớp quản trị tiền và đưa chính thức vào chương trình dạy từ năm 2010. Virginia cũng đang yêu cầu tương tự; Colorado đã tổ chức thi môn trách nhiệm tài chính vào năm 2010; trong khi New Jersey bắt đầu tổ chức các khóa thảo luận về thế chấp cho học sinh 17-18 tuổi. Chính sách mở rộng giáo dục trách nhiệm tài chính cũng bắt đầu được ủng hộ từ giới nghị sĩ. Nói như ý kiến trong bài xã luận của ban biên tập trên tờ Winston-Salem Journal, rằng chẳng có lý do gì để phụ huynh dạy con họ đủ thứ, từ việc nhìn kỹ hai bên đường trước khi băng ngang, cài dây đai an toàn khi lái xe hơi đến việc tránh nói chuyện với người lạ, mà người ta lại không dạy con họ về trách nhiệm tài chính, để giúp chúng tránh khỏi bị tai nạn bởi việc lao vùn vụt trên xa lộ tài chính một cách thiếu ý thức và hụt kiến thức.

Trong lịch sử kinh tế, chẳng thiếu những ví dụ về hiệu ứng bầy đàn, thường dẫn đến sự phát triển bong bóng và sự phá sản kéo theo. Vụ nổ quả bong bóng dotcom thập niên 1990 là điển hình. Một trong những ví dụ nữa là sự kiện “cháy” thị trường chứng khoán năm 1929 tại Mỹ, trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến cơn đại suy thoái toàn cầu vào thập niên 1930. Ở thời điểm xảy ra sự kiện, kinh tế Mỹ đang phát triển hưng khởi. New York City trở thành thủ đô tài chính và công nghiệp, trong khi Thị trường chứng khoán New York (NYSE) là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Xã hội Mỹ nói chung cũng phát triển ổn định với đối tượng trẻ bắt đầu khai sinh nền kinh tế tiêu dùng. Nhiều người có tâm lý ăn chơi xả láng hoặc làm ăn bạo tay sau giai đoạn Thế chiến thứ nhất. Đó cũng là thời hoàng kim của phát kiến kỹ thuật, với máy phát thanh, xe hơi, hàng không, điện thoại, mạng cung cấp điện…

Chẳng có gì khó hiểu khi cổ phiếu của những công ty chẳng hạn Radio Corporation of America (RCA) hoặc General Motors tăng vùn vụt, tương tự cổ phiếu các công ty trong công nghiệp cao su, dầu, khí đốt, rượu… Đó là nền tảng cho cuộc đầu tư lũ lượt bất thường vào trò chơi chứng khoán. Thế là người ta vét sạch những đồng xu lẻ lận dưới chiếu còn sót lại để đổ vào thị trường chứng khoán . Ai không có tiền thì vay hoặc cầm cố nhà cửa. Ngày 24-8-1921, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (Dow Jones Industrials Average – DJIA; quen được gọi là “chỉ số Dow Jones”) ở mức 63,9 điểm. Đến ngày 3-9-1929, DJIA tăng hơn 6 lần, đạt 381,2 điểm (DJIA không bao giờ đạt được mức điểm tương tự cho đến 25 năm sau!). Nhiệt độ quá nóng khiến NYSE “bốc cháy”. Hơn một tháng sau, ngày 24-10-1929 (ngày thứ năm đen tối) trở thành ngày đầu tiên của cơn lốc bán tống bán tháo cổ phiếu cũng như tình trạng giá cổ phiếu giảm không phanh (chỉ trong ngày 24-10, số cổ phiếu giao dịch là 12,9 triệu!), dẫn đến ngày thứ hai đen tối (28-10) rồi ngày thứ ba đen tối (29-10).

Vào ngày 28-10, DJIA giảm 38 điểm, còn 260 (giảm 12,8%). Hệt như lúc mua vơ mua vét, hiệu ứng bầy đàn cũng xảy ra khi người ta ào ạt bán tống bán khứ cổ phiếu. Không khí kinh hoàng đến mức nhiều đường dây điện thoại bị nghẽn và hệ thống điện tín không hoạt động được! Tình trạng thiếu hụt thông tin càng khiến tâm lý hoảng sợ lan nhanh. Những kỹ thuật hiện đại đưa nước Mỹ vào kỷ nguyên hiện đại hóa từng giúp tạo ra hiện tượng đầu tư cổ phiếu cũng như được tôn vinh hết lời từ giới đầu tư chứng khoán bây giờ trở thành hiện thân của cuộc khủng hoảng. Ngày 29-10 mới thật sự là ngày đỉnh điểm hỗn loạn. Giá cổ phiếu gần như rơi tự do. Cổ phiếu RCA giảm từ 40,25 USD xuống còn 26 USD chỉ trong hai giờ giao dịch (so với 75 USD ở giai đoạn đỉnh điểm). Giá cổ phiếu Goldman Sachs Trading Corporation mở ở mức 60 USD và đóng ở mức 35 USD. Cổ phiếu First National Bank (New York) giảm từ 5.200 USD còn 1.600 USD.

Tình hình càng hỗn loạn khi người ta hoảng hốt và hoang mang với vô số tin đồn – hệt như lúc họ nghe quá nhiều “tin đồn tốt” và chen nhau mua cổ phiếu trước đó. Trong hai ngày, chỉ số DJIA giảm 23%. Ngày 29-10, chỉ số DJIA mất 12% với 16,4 triệu cổ phiếu được giao dịch. Chỉ trong ngày kinh khủng này, NYSE mất trắng 14 tỉ USD giá trị, nâng tổng thiệt hại lên 30 tỉ USD – gấp 10 lần ngân sách hàng năm của Chính phủ liên bang và tất nhiên nhiều hơn tổng ngân sách mà Mỹ dùng trong Thế chiến thứ nhất! Trước khi bão tan, DJIA mất gần 90% giá trị!… Sự kiện 1929 có giống với cơn sốt đầu cơ bất động sản Mỹ vào đầu thế kỷ 21? Xét ở yếu tố tâm lý bầy đàn gây ra bởi một phần nguyên nhân tin đồn, câu trả lời là có!

Khó có thể khẳng định rằng nếu được trang bị tốt hơn kỹ năng kinh doanh hoặc có nhiều kiến thức hơn về đầu tư thì người ta tránh được nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, cùng lúc, hẳn nhiều người cũng đồng ý rằng việc giáo dục nâng cao ý thức hơn về trách nhiệm tài chính chắc chắn cũng mang lại ít nhiều giá trị cho thực tế cuộc sống. Khi thuật lại trường hợp Philippines, Brian Hoyt hẳn có ý muốn nói rằng mô hình trên nên được học tập và cần được tham khảo đối với các nước đang phát triển châu Á, nhằm tạo ra một thế hệ tương lai không còn mù mờ (kiến thức) về thương mại, đầu tư, kinh doanh để không “chết” oan uổng từ những vụ đầu tư theo tâm lý bầy đàn; hoặc đơn giản hơn là có kỹ năng xài tiền một cách khôn ngoan và thông minh, như cách nói quen thuộc “(biết) liệu cơm gắp mắm”.

Leave A Reply

Your email address will not be published.