Heinrich Zimmer và “Các triết học Ấn Độ”

0 415

Heinrich Zimmer tên thật là Heinrich Robert Zimmer, sinh năm 1890 tại thành phố Greifswald (Đức), năm 19 tuổi học chữ Phạn (Sanskrit) và ngôn ngữ học ở Đại học Berlin và có bằng tiến sĩ năm 24 tuổi (1914). Từ năm 1920 tới năm 1924, ông dạy ở Đại học Greifswald rồi chuyển sang Đại học Heidelberg dạy môn Ngữ văn Ấn Độ. Năm 1938, khi đảng Quốc xã của Hitler lên cầm quyền, ông bị cách chức giáo sư đại học, phải sang Anh lánh nạn và được mời dạy ở Balliol College của Đại học Oxford. Năm 1940, ông qua thành phố New York của Mỹ, giảng dạy môn Triết học ở Đại học Columbia.

Ở trường đại học danh tiếng này, một sinh viên xuất sắc là Joseph Campbell khi ấy đang biên soạn cuốn sách khảo cứu đầu tay “A Skeleton Key to Finnegans Wake” (1944) đã nghe những bài giảng của ông và dần dần trở thành một người bạn thân của ông. Năm 1943, ông mất vì bệnh viêm phổi và suốt 12 năm ròng rã, Joseph Campbell đã đảm nhận công việc biên tập và xuất bản những bài giảng của người thầy của mình.

Các bài giảng của Heinrich Zimmer đã được Joseph Campbell in thành 4 cuốn sách: “Myths and Symbols in Indian Art and Civilization”, “Philosophies of India”, “The Art of Indian Asia” và “The King and the Corpse”.

Bản pdf “Philosophies of India”: http://ignca.gov.in/Asi_data/35176.pdf

Trong một chương của “Philosophies of India”, Heinrich Zimmer đã nói về tứ diệu đế của Phật giáo:
“Theo một phương thức giống như một thầy thuốc vào thời đại của mình, Đức Phật đưa ra 4 nhận định về trường hợp (hay bệnh trạng) của con người. Những nhận định này được gọi là “tứ diệu đế”, làm nên trọng tâm và điều cốt lõi trong giáo pháp của Ngài. Diệu đế (chân lý) thứ nhất là mọi cuộc sống đều là đau khổ, chúng ta đều là những cá nhân của một nhân loại bị bệnh hoạn về tinh thần và dấu hiệu của tình trạng đó là chúng ta mang trên vai gánh nặng của đau khổ và căn bệnh này rất phổ biến.

Đức Phật không sa vào những lời luận bàn về siêu hình học hay huyền thoại mà xem xét nguyên nhân của tình trạng này trên bình diện thực tiễn và bình diện tâm lý, và từ đó mà có diệu đế thứ hai: “Nguyên nhân của đau khổ là vô minh” (trsna – ignorant craving). Giống như trong học thuyết của Sankhya, một trạng thái tinh thần chung cho mọi sinh vật là cội nguồn của căn bệnh chung của mọi người trong thế giới này. Sự vô minh là chức năng tự nhiên của tiến trình cuộc sống nhưng không phải là điều không thể đoạn diệt cũng giống như sự ngây thơ của một đứa trẻ không phải là một điều không thể khắc phục. Vấn đề đơn giản chỉ là chúng ta không biết rằng mình đang sống trong một thế giới chỉ có những quy ước, và mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ và mọi hành vi của chúng ta đều bị chi phối bởi những quy ước đó. Chúng ta tưởng tượng rằng những ý tưởng của chúng ta về mọi vật thể hiện bản chất thật sự của chúng và vì lẽ đó, chúng ta bị trói buộc giống như bị vướng vào một tấm lưới. Các ý tưởng bắt nguồn từ ý thức và những hành vi của chúng ta chỉ là những sản phẩm của trí óc chúng ta và chỉ là những kiểu thức cảm nhận, phán đoán và hành động mang tính ước lệ và không có ý thức, thế nhưng sự vô minh lại coi tất cả những ý tưởng đó là những ý niệm xác thực phản ảnh bản chất của thực tại. Đó là nhận thức sai lầm về bản chất của thực tại và là nguyên nhân của mọi nỗi khổ trong cuộc sống của chúng ta…

Các bi kịch và những hài kịch chúng ta vướng vào do những suy nghĩ và hành động của mình bắt nguồn từ trạng thái vô minh nền tảng này. Những ham muốn và hy vọng hình thành trong tâm trí chúng ta dưới hình thái những quyết định và những hành động có tính chất cá nhân đã đưa chúng ta vượt qua giới hạn của hiện tại, đẩy chúng ta về phía tương lai và những thời khắc này đều bị chi phối hoàn toàn bởi quá khứ của chúng ta. Xuất phát từ những kiếp trước đây và sẽ là nguyên do tạo ra nhiều kiếp khác trong tương lai, dòng đời bất tận cuốn chúng ta đi đã vượt xa những giới hạn sinh tử của mỗi cá nhân. Nhận định này về tình trạng chung của nhân loại đã đưa tới diệu đế thứ ba và diệu đế thứ tư. Khi đã chẩn đoán được căn bệnh và xác định được nguyên nhân của nó, người thầy thuốc đưa ra cách thức chữa trị. Đức Phật nhận định rằng có thể chữa trị căn bệnh này và từ đó có diệu đế thứ ba: “Có thể diệt khổ” và cách thức diệt khổ là diệu đế thứ tư: “Cách thức diệt khổ là Bát chánh đạo”.

Liệu pháp của Đức Phật có mục tiêu là loại trừ nguyên nhân của mọi nỗi khổ là vô minh và đạt tới trạng thái an lạc và giác ngộ trọn vẹn. Con đường của Đức Phật được gọi là “trung đạo” (middle path) vì nó né tránh những điều cực đoan. Hai điều cực đoan là việc buông tuồng theo dục vọng, theo đuổi những lạc thú ở trần gian và việc tuân thủ kỷ luật khắc khổ, hành xác của những tín đồ phái Kỳ Na (Jainism) cùng thời với Ngài có thể dẫn tới sự hủy hoại thân thể. Hai điều cực đoan khác nữa là chủ nghĩa hoài nghi phủ nhận mọi tri thức về những điều siêu việt và sự khẳng định những lý thuyết siêu hình học không thể kiểm chứng được. Giáo pháp của Đức Phật né tránh những điều cực đoan này và đưa chúng ta tới một tâm thế để đạt được một trải nghiệm vượt lên trên mọi kinh nghiệm. Một bài giảng pháp của Đức Phật được ghi lại trong Trường Bộ kinh đã phủ nhận hết những phương cách thực hành và lý thuyết mà những người thuộc những nghề nghiệp khác nhau và có những năng khiếu khác nhau đã vận dụng để tìm hiểu bản tính con người và bản chất của vũ trụ: “Những hiểu biết và ý kiến như thế, nếu được vận dụng thật khéo léo, có thể dẫn tới những cứu cánh và mang lại những kết quả nhất định trong cuộc sống của mỗi người. Đức Thế Tôn đã có ý thức rõ ràng về tất cả những hệ quả của những hiểu biết và ý kiến ấy và những gì ẩn tàng phía sau. Nhưng Ngài chẳng hề coi trọng những tri thức thuộc loại ấy mà chỉ chú trọng tới một hình thái tri thức khác là tri thức về diệt khổ, về cuộc sống vô thường và sự giải thoát”.

Giáo pháp của Đức Phật được gọi là “yana” (yana trong Hinayana và Mahayana). “Yana” có nghĩa là một “cỗ xe” hay đúng hơn là một “chiếc phà”. Hình ảnh chiếc phà là hình ảnh thường được dùng để thể hiện ý nghĩa và chức năng của giáo lý Phật giáo. Mỗi phái của Phật giáo mô tả chiếc phà này theo cách riêng của mình, nhưng dù được mô tả thế nào, nó vẫn là một chiếc phà. Để hiểu được sức sống mạnh mẽ của hình tượng này, chúng ta phải hình dung chiếc phà có vai trò quan trọng như thế nào trong cuộc sống thường nhật của người Ấn. Đó là phương tiện chuyên chở không thể thiếu ở một lục địa có rất nhiều con sông, nhưng lại chẳng có bao nhiêu chiếc cầu. Trong cuộc hành trình nào, người ta cũng phải vượt qua những con sông rộng có dòng nước chảy xiết bằng những chiếc phà.

Các tín đồ Kỳ Na giáo gọi con đường giải thoát họ tìm ra là “chỗ cạn” (tirtha) và những bậc thầy tối thượng của Kỳ Na giáo được gọi là những Tirthankara – “những người tạo ra những chỗ cạn để qua sông”. Theo ý nghĩa đó, giáo lý Phật giáo là chiếc phà giúp con người vượt qua dòng sông luân hồi để tới bến bờ giải thoát. Bước lên cỗ xe hay chiếc phà của Phật giáo có nghĩa là vượt qua con sông của đời sống, từ bến bờ vô minh, dục vọng và cái chết, đi tới bến bờ giác ngộ và giải thoát” (Philosophies of India, tr. 467, 470).

HUỲNH DUY LỘC giới thiệu
Ảnh: Heinrich Zimmer

Leave A Reply

Your email address will not be published.