Hoàng Ngọc Ẩn và “Cho một thành phố mất tên”
Cuộc đời gắn liền với thơ của thi sĩ gốc Huế sinh năm 1940 Hoàng Ngọc Ẩn khởi đầu với một bài thơ được đăng trên báo Phụ Nữ Diễn Đàn vào năm 1955, khi anh sống ở Kontum với người chú. Anh đã từng họa nhiều bài thơ của Lệ Khánh trong tập thơ nổi tiếng một thời “Em là con gái Trời bắt xấu” với bút danh Hoàng Yên Lang và nhà văn Nguyễn Thị Vinh đã khuyến khích anh in những bài thơ họa thành một tập thơ. Nhưng với anh, sáng tác thơ chỉ có tính chất tài tử vì công việc chính của anh là làm Chánh sự vụ công thự và mãi dịch ở Vùng 3 cho Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài gòn cho đến lúc rời quê hương vào cuối tháng 4 năm 1975.
Hoàng Ngọc Ẩn được mệnh danh là người mang thi ca đến với âm nhạc. Thơ của anh được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và phổ biến rộng rãi: Phạm Duy với các bài “Tháng tám mưa mây”, “Buồn xưa”, “Hãy trả lại em”, “Trong mộ chiều xuân”; Phạm Đình Chương với các bài “Cho một thành phố mất tên”, “Bên trời phiêu lãng”, Huỳnh Anh với bài “Rừng lá thay chưa”, Việt Dzũng với bài “Tự trầm”, “Bài Tango cuối cùng”, “Bên đời hiu quạnh”, “Thung lũng chim bay”; Trần Quan Long với “Sóng sầu”, “Thành phố quạnh hiu”; Song Ngọc với “Sài gòn, vĩnh biệt tình ta”, “Một thoáng ngậm ngùi”; Lê Uyên Phương với “Mưa rơi”, “Ta vẫn còn sầu”, “Sàigòn yêu dấu”; Trầm Tử Thiêng với “Bài Tango cho người tình lỡ”; Lê Dinh với “Tình ca người mất quê hương”, Hoàng Thanh Tâm với “Bài luân vũ cuối cùng”…
Năm 2009, anh kết hôn với nữ ca sĩ Quỳnh Lan và những bản nhạc phổ từ những bài thơ của anh đã có được giọng hát thể hiện phù hợp nhất.
Nhưng cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng Hoàng Ngọc Ẩn – Quỳnh Lan chỉ kéo dài 7 năm, đến gần lễ Giáng sinh năm 2017, anh từ trần vì bệnh ung thư xương như lời kể của Quỳnh Lan: “Anh ấy qua đời vào gần dịp Noel năm ngoái vì ung thư xương. Anh mất, để lại một khoảng trống kinh khủng trong tôi. Ban đầu, anh chỉ bị một chấn thương nhẹ khi tập thể dục và thấy lưng hơi đau. Bác sĩ cho thuốc, anh uống nhưng không hết đau và nhập viện. Thời gian điều trị, anh phát hiện mắc ung thư giai đoạn đầu. Trước đó, tôi không tin sẽ mất anh vì bác sĩ nói không sao. Nơi chồng tôi điều trị lại là bệnh viện hàng đầu nước Mỹ. Sau một lần xạ trị, sức khỏe anh xuống dốc nhanh chóng. Anh nằm viện hơn một tháng rồi đi. Lần cuối tôi trò chuyện với chồng là lúc anh không còn nói được nữa, chỉ có thể viết. Anh viết mấy câu thơ: “Mùa đông sắp vội qua thành phố/ Lần đốt tay, chờ tháng năm qua…”. Ngày anh mất cũng trong một mùa đông đầy tuyết…”
Thơ của Hoàng Ngọc Ẩn có nhiều bài thể hiện tâm tình của những người Việt ly hương vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, ngậm ngùi bỏ lại “nửa cuộc đời đổ nát sau lưng”:
“Khói thuốc khơi màu mây viễn phương
Quen nhau từ thuở mất thiên đường
Trăm con nước cuốn xa bờ mộng
Nửa cuộc đời đổ nát sau lưng!
Tàu nhổ neo rồi không giới hạn
Người đi, kẻ ở xót thương nhau
Bờ xa cô quạnh đìu hiu nhớ
Sông Jacinto dậy sóng sầu…” (bài thơ “Sóng sầu”).
Để rồi khi đặt chân lên quê hương mới sẽ nhớ khôn nguôi thành phố Sài gòn của những ngày tháng cũ như trong bài thơ đã được nhạc sĩ Song Ngọc phổ nhạc:
“Chiều Sài gòn người có đi qua
Nhớ chiều xưa dáng nhỏ mong chờ…
Mưa Sài gòn người có chờ ta
Nhớ chiều xưa thành phố nhạt nhòa…
Ôi! Đường Sài gòn giờ đã đổi tên
Nhớ người thân yêu đã lạc đường tìm
Phố buồn xanh xao
Em còn một mình
Lạc loài chân chim…” (lời ca khúc “Sài gòn, vĩnh biệt tình ta”).
Những hình ảnh của thành phố Sài gòn hoa lệ đã đổi tên và những người thân còn ở lại sẽ vấn vương mãi trong tâm trí của kẻ ly hương như trong bài thơ “Cho một thành phố mất tên”.
CHO MỘT THÀNH PHỐ MẤT TÊN
Em Sài gòn đẹp nhất về đêm
Tiếng hoa rơi, nhạc lắng, mây chìm
Nét môi duyên, nụ cười huyền hoặc
Phút chốc trần gian vội lãng quên.
Ta thương em tàn hơi thở cuối
Ta nhớ em trọn kiếp lưu đày
Ngày xa thành phố xanh xao nhớ
Ta giã từ nhau tợ bóng mây.
Những con đường cũ còn im bóng
Tà áo ai còn theo gió bay
Tiếng guốc gõ đều trên phố vắng
Hay tàn trong ngõ hẹp chiều nay?
Ta nhớ từng cơn mưa bụi nhỏ
Ta chờ nhau cuối phố, mưa sa
Từng cơn gió lạnh giao mùa đến
Một sớm thu về em xót xa.
Đời đã vô tình không vấn vương
Ngõ xưa đã hút lối thiên đường
Còn đây hơi thở xanh xao mộng
Em mất tên rồi ta tiếc thương.
HUỲNH DUY LỘC giới thiệu