Huế: lịch sử hình thành và tên gọi

Huỳnh Duy Lộc

0 239

Trong tác phẩm “Exploring Huế”, nhà sử học Tim Doling đã ghi chép về việc chọn nơi lập ra kinh đô Huế: “Các kinh đô sớm nhất (của các chúa Nguyễn) như thủ phủ Ái Tử (1558), Dinh Trà Bát (1570-1600) và Dinh Cát (1600-1626) đều ở gần tỉnh Quảng Trị hiện nay.

Tuy nhiên, trước khi cuộc chiến với họ Trịnh bùng phát vào năm 1626, vấn đề an ninh buộc vị chúa thứ hai là Nguyễn Phúc Nguyên phải chuyển thủ phủ xa hơn về phía Nam, trên lãnh thổ của tỉnh Thừa Thiên – Huế, nơi ông lập ra một dinh cơ mới là thủ phủ Phước Yên (1626-1636) thuộc huyện Quảng Điền ngày nay. Chỉ một thập niên sau, những nền tảng ban đầu của một thành phố hiện đại đã được xác lập bởi vị chúa thứ 3 là Nguyễn Phúc Lan. Theo “Đại Nam thực lục”, ông thăm viếng Kim Long và vào năm 1636, thấy đây là “một nơi tốt lành, có những ngọn núi và những con sông tuyệt đẹp”, đã chuyển thủ phủ về đây.

Trong tác phẩm “Divers voyages et missions” ấn hành vào năm 1653, Alexandre de Rhodes đã gọi thủ phủ Kim Long (1636-1687) là “Kehue” (Kẻ Huế hay Kẻ Hóa như trong tên Thuận Hóa) và mô tả nó như sau: “Thành phố chúa ở gọi là Kẻ Huế; nơi thiết triều của ông rất đẹp và các vị quan rất đông đảo, mặc triều phục thật lộng lẫy. Nhưng dinh cơ không được đồ sộ cho lắm vì chỉ được xây cất bằng gỗ, tuy nhiên cũng rất tiện lợi và rất đẹp vì có cột chạm trổ tinh vi” (Divers voyages et missions, phần thứ hai, chương 1)

Hơn nửa thế kỷ sau, vào năm 1687, vị chúa thứ 5 là Nguyễn Phúc Thái đã nhờ các thầy địa lý để tìm ra một nơi còn tốt đẹp hơn. Ông đã chọn một nơi cách Kim Long 2,5 km là làng Thụy Lôi, cho xây những bức tường thành, một dinh thự, cho trồng cây, trồng hoa, cỏ và đặt tên là Phú Xuân. Thủ phủ Phú Xuân 1 (1687-1712) được cho là ở phía Bắc của kinh thành Huế ngày nay. Nó được che chắn khỏi những lực lượng tà ác bằng bức bình phong là núi Ngự Bình và được bảo vệ ở hai bên bởi 2 hòn đảo là Cồn Dã Viên và Cồn Hến tượng trưng cho sự cân bằng âm dương giữa hổ (Bạch Hổ) và rồng (Thanh Long).

Vào năm 1712, vì những lý do đến nay vẫn chưa rõ, vị chúa thứ 6 là Nguyễn Phúc Chu đã bỏ thủ phủ Phú Xuân 1 để chuyển về thủ phủ Bác Vọng (1712-1738) thuộc huyện Quảng Điền ngày nay, một nơi gần với dinh cơ của chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở Phước Yên. Tuy nhiên những năm sau đó, những nét đẹp của Phú Xuân đã thu hút nhiều người tới định cư trên bờ Bắc của sông Hương. Cuối cùng, vào năm 1738, ngay sau khi lên ngôi chúa, vị chúa thứ 8 là Nguyễn Phúc Khoát đã chuyển triều đình trở lại Phú Xuân, nơi từ năm 1739 tới năm 1744, ông cho xây một kinh đô mới “bên phía tả của dinh thự cũ”.

Nằm ở phía Đông Nam của kinh thành Huế hiện nay, thủ phủ Phú Xuân 2 (1739-1775) này được cho là nơi có trường Quốc Tử Giám (hiện nay là Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên- Huế) và Viện Cơ Mật (nay là Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế). Theo lời Pierre Poivre, “chúa cho xây một dinh thự có bán kính 1 dặm, nằm phía sau một bức tường bằng gạch giống như Bắc Kinh… Ông cũng cho xây một cung điện mùa đông, một cung điện mùa hè và một cung điện mùa thu”. Ngay sau khi việc xây cất được hoàn tất, chúa Nguyễn Phúc Khoát cho đặt làm ấn triện, lên ngôi chúa, xưng là Võ Vương. Ông “cho thay đổi triều phục và những tập quán của triều đình, định ra lễ nghi quân sự và dân sự” (theo “Đại Nam thực lục tiền biên”).

Chúa Nguyễn Phúc Khoát cũng cho lập một cái chợ đặt tên là Chợ Dinh. Từ ấy trở đi, khu dân cư bên ngoài tường thành của kinh thành đông đúc dần lên thành khu vực ngày nay chúng ta gọi là Gia Hội, thuờ ấy chưa được ngăn cách với kinh thành bởi con kênh Đông Ba. Trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn, kinh thành Phú Xuân 2 của chúa Nguyễn Phúc Khoát đã bị quân Trịnh chiếm đóng và sau đó lại bị quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ chiếm đóng và cuối cùng bị phá hủy vào năm 1802, mở đường cho việc xây dựng kinh thành mới của vua Gia Long…” (Exploring Huế, tr. 103, 104)

Tên gọi Huế của kinh thành mới của vua Gia Long từ đâu mà có? Từ điển “Địa danh thành phố Huế” của Trần Thanh Tâm và Huỳnh Đình Kết cho biết: “Điều tra trong văn liệu cổ thì từ Huế được ký âm là 化 được tìm thấy trong tác phẩm “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn”, tương truyền là của vua Lê Thánh Tông (1442–1497), lên ngôi năm 1460, đi đánh Chiêm Thành ngang qua xứ Huế năm 1470. Đến năm 1553, tác giả Dương Văn An cũng ghi từ Huế là 化 trong tác phẩm “Ô châu cận lục”.

Trong bài viết “Về di sản văn hóa dân gian xứ Huế” in trong tác phẩm “Theo dòng lịch sử”, GS Trần Quốc Vượng cho biết: “Huế thuộc về lãnh thổ nước Đại Việt từ năm 1306, sau đám cưới công chúa Huyền Trân với vua Chămpa Jaya Simhavarman III. Khi còn là thái tử Harijit, ông là người kiên quyết chống xâm lược Mông – Nguyên (1282) nên được vua Trần Nhân Tông rất quý mến và cử quân vào giúp đỡ cuộc kháng chiến ấy của nhân dân Chăm.

Sau khi kháng chiến thắng lợi, Trần Nhân Tông vào thăm Chămpa và hứa gả công chúa. Vua Jaya Simhavarman đã dâng 2 châu Ô và Lý để làm đồ sính lễ. Vua Trần đổi tên châu Ô thành châu Thuận (thành Thuận Châu xây trên nền tảng thành Chămpa cũ, nay thuộc huyện Triệu Phong, Quảng Trị) và châu Lý thành châu Hóa (thành Hóa Châu xây dựng trên nền tảng thành Lý Châu cũ, nay thuộc làng Thành Trung, xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên). Địa danh Thuận Hóa có từ đó và tên Huế là đọc trạnh từ tên Hóa…”

Theo TS Trần Đức Anh Sơn, “GS Lê Văn Hảo trong cuốn “Huế giữa chúng ta” cũng xác quyết chữ Huế phát sinh từ chữ Hóa trong Hóa châu. Chữ Huế xuất hiện lần đầu trong thư tịch xưa là ở trong bài ‘Thập giới cô hồn quốc ngữ văn’ của vua Lê Thánh Tông vào cuối thế kỷ 15. Một đoạn văn miêu tả việc mua bán của thương nhân viết: “Hương kỳ nam, vảy đại mại (đồi mồi), bó an tức, bị hồ tiêu, thau lào, thóc Huế thuyền tám cánh chở đã vỡ then…”

Từ “Huế” được viết bằng mẫu tự La tinh đã xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1653 trong tác phẩm “Divers voyages et missions” (Hành trình và truyền giáo) của giáo sĩ Alexandre de Rhodes: trong tác phẩm này, ông đã dùng từ “Kẻ Huế” để chỉ Kim Long”. Năm 1915, trên tờ Bulletin des Amis du Vieux Hué (tập san Đô Thành Hiếu Cổ), nhà nghiên cứu Léopold Cadière đã trích vài đoạn từ “Divers voyages et missions” của Alexandre de Rhodes trong bài “Les Européens qui ont vu le vieux Hué” (Những người châu Âu từng nhìn thấy Huế xưa): “Thành phố mà chúa ngự trị gọi là Kehue, triều đình rất đẹp (…). Khi đi qua, chúng tôi nghỉ lại ở Hoâ”.

Léopold Cadière phân tích: “Trước hết, hãy chú ý tên thành phố trong văn bản: Kehue. Ở chỗ khác, Alexandre de Rhodes lại viết Hoâ, còn từ điển của ngài thì ghi Hoá, Kẻ Hoá và Hué, Kẻ Hué…”

HUỲNH DUY LỘC
Ảnh: Hoàng thành Huế

Leave A Reply

Your email address will not be published.