Alexandre Yersin và giấc mơ làm một David Livingstone mới

Huỳnh Duy Lộc

0 360

David Livingstone (1813 – 1873) là bác sĩ và nhà truyền giáo tiên phong người Scotland thuộc Hội Truyền giáo London, cũng là nhà thám hiểm châu Phi. Danh tiếng của Livingstone như là một nhà thám hiểm đã nung nấu khát vọng khám phá thượng nguồn sông Nile mà cao điểm là thời kỳ người châu Âu đẩy mạnh các cuộc thám hiểm và khám phá nhiều vùng đất mới của châu Phi.

Năm 1890, sau khi tàu Saigon của công ty hàng hải Messageries Maritimes cập bến Nha Trang và khi đã thực hiện một chuyến đi bất thành để trở về Sài gòn bằng đường bộ trong nội địa, Yersin lên tàu trở lại Sài gòn nhưng trong tâm tưởng của ông chỉ còn một mơ ước: làm một nhà thám hiểm như Livingstone, thám hiểm vùng Đồng Nai Thượng (Haut Don Nai) của xứ Nam kỳ (Cochinchine). Ông xin nghỉ làm bác sĩ trên tàu Saigon chạy trên lộ trình Sài gòn – Hải Phòng. Henri H. Mollaret và Jacqueline Brossolet viết: “Thoát khỏi hãng Messageries Maritimes như từng thoát khỏi Viện Pasteur, vào năm 30 tuổi, Yersin đã có trong tay tài sản quý giá nhất: sự độc lập, sự tự do. Vứt bỏ hết mọi ràng buộc, làm chủ lấy thời giờ của mình, ông đã có thể thực hiện giấc mơ sâu kín của mình. Ấy lả noi gương Livingstone trên một lục địa khác, tức đi thám hiểm” (Alexandre Yersin, un pasteurien en Indochine).

Nhà văn Patrick Deville kể trong chương “Một Livingstone mới” của cuốn tiểu thuyết “Peste et choléra” (Dịch hạch và thổ tả): “Kể từ đấy sẽ là như thế cuộc đời Yersin. Anh bây giờ là nhà thám hiểm và chuyên gia đo đạc, do Toàn quyền bổ nhiệm, ông đang cúi xuống bên cạnh anh, bút chì trên tay, trong một phòng làm việc ở Sài gòn, phía trên các bản đồ hải cảng kỳ quặc và bí hiểm của Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Lào. Họ đang ở tại một đất nước đã bị chinh phục nhưng vẫn xa lạ. Các viên tướng La Mã sau trận Alésia trước một bức phác họa xứ Gaule và xứ Germanie. Họ tự hỏi ở đâu có thể tìm thấy các khoáng chất và có lẽ cả vàng, ở đâu có thể dựng thành phố, cắt đặt quân đồn trú. Họ cũng giống chúng ta, giống mọi nhà chinh phục, những đứa trẻ mơ mộng trước những tấm bản đồ sặc sỡ, trước những quyển atlas, trước cái màn sân khấu như bị quẳng lên trái đất để diễn tả nó. Từ Phnôm Pênh rồi từ Paris Yersin đã quay về, anh đã tra cứu các bản thảo trong thư viện của Hội Địa lý, những ghi chép đầy hoang tưởng của các nhà truyền giáo, hình dung ra chặng đường của các chuyến du hành sắp tới. Tất nhiên môn vi trùng học, anh cũng hơi tiếc một chút, cũng như nghề đi tàu biển. Trí tò mò của anh có tính bách khoa toàn thư.

Anh hoàn thành nhiệm vụ của mình trong 2 năm. Người ta cấp cho anh vật dụng và nhân lực, tiền cùng vũ khí. Để đổi lại, người ta yêu cầu anh trên đường đi nghiên cứu tìm những con đường mới cho việc thương mại, chỉ ra những nơi thích hợp để nuôi gia súc, kiểm kê tài nguyên rừng và khoáng sản. Đây vẫn là tư tưởng của Saint-Simon về đề cao của cải của trái đất. Rồi một ngày sẽ phải sáng chế ra lốp, và xe tải kéo rơmoóc, để đẩy nhanh quá trình khai thác gỗ. Ta vẫn đang ở vào thời con người hoàn thành nốt công trình làm chủ và sở hữu thiên nhiên. Thời thiên nhiên vẫn chưa là một bà già ốm yếu cần bảo vệ, mà là một kẻ thù đáng gờm cần chiến thắng.

Tối đến ở chỗ dựng trại, anh đặt những bản phác họa lên đầu gối, đánh dấu những dòng suối sẽ biến thành thác bùn vào dịp gió mùa, cần có những cây cầu để vượt qua. Anh đã đến những ngôi làng người Chàm, thâm nhập nền văn minh Champa cổ xưa, hậu duệ xa xôi của người Mã Lai, trước cả người Khmer và người An Nam, bởi lúc nào cũng thế, những kẻ xâm lăng, nếu đông con nhiều cháu, cuối cùng lại trở thành những kẻ bị xâm lăng. Trong vòng hai năm, anh biết đến những bình minh lạnh giá co ro trên dỉnh Trường Sơn. Trong rừng rậm, buổi đêm cắm trại ở giữa vòng lửa để xua đuổi thú dữ. Những cuộc đi săn trên đồng cỏ và những đợt sốt rét, những cơn sốt lạnh giá dưới những cơn mùa ấm. Những cuộc thương thuyết và rượu gạo chuyền tay nhau, những tấm bùa và cắt máu tay kết mối giao hảo, một cách thức rất ít chất Pasteur, nhưng Yersin mang theo trên người các sản phẩm thần diệu và sát trùng của trường phái Pasteur do Calmette chế ra ở Sài gòn.

Công trình thám hiểm phát triển dần: quanh lũ voi và bầy ngựa nhỏ bé thắng yên cương, những thú vật mà họ sẽ nướng trên đường đi, các lồng gia cầm, những người khuân vác và những người mở đường. Đôi khi đó là cả một dây tám mươi người đi quanh co dưới tán lá rừng. Ta nhìn thấy Yersin trên một bức ảnh chân dung tự chụp, đội một mũ vải rộng vành và vận một áo Tàu cài khuy cao đến tận cổ. Trước mặt anh đám lá cọ rẽ ra và trong thoáng chốc anh ngừng bước, đặt lên cái giá ba chân chiếc hộp lập phương lớn bằng gỗ đánh vécni. Stop. Nhìn ảnh nhé. Ta hãy miêu tả chi tiết những vật dụng anh mang trên người: sợi thực vật để dệt quần áo, kim loại và thủy tinh để làm công cụ, da thuộc, da thú thuộc để làm thắt lưng và túi đeo, tất tật những thứ đã được biết đến từ thời Cổ đại, cũng như ngựa và voi, chưa có nhựa và sợi tổng hợp. Yersin lại lên đường và màn lá cọ sau lưng anh khép lại.

Trong hành trình lần thứ hai này, sau khi họ trèo lên một ngọn núi tua tủa lá kim, một bình nguyên đầy cỏ xanh mở ra trước mặt họ, trải rộng đến tận chân trời, ở độ cao trên một nghìn mét, trong cái lạnh. Ở chính giữa là một dòng sông. Khung cảnh thật giống xứ Thụy Sĩ. Khi trở về, Yersin nhớ rằng “cảnh tượng gợi đến mặt biển đang cồn lên dưới một đợt sóng lừng uốn lượn màu xanh lục”. Anh phát hiện ra cao nguyên Lang Bian.

Và 4 năm sau đó, Paul Doumer, Toàn quyền mới nhậm chức, sau khi đọc bàn báo cáo của Yersin, muốn đích thân đến đây để nhìn tận mắt. Doumer đang tìm cách xây tại Đông Dương một nơi nghỉ trên núi để đón tiếp các nhà thực dân mệt mỏi và mắc chứng sốt rét, một nhà an dưỡng và một khu liệu dưỡng viện. Hai người tiến hành việc lên đó, có một đội quân nhỏ đi theo.

Paul Doumer tượng trưng cho các ông giáo mặc áo redingote đen của Đệ Tam Cộng hòa và của chủ nghĩa bình quân dân chủ. Được người mẹ góa làm nghề giúp việc nuôi dưỡng, đứa con trai nguồn gốc hèn kém trở thành công nhân rồi thầy giáo rồi dân biểu. Ông gia nhập hàng ngũ cánh tả cấp tiến. Ông khuyến khích phát triển khoa học và vệ sinh. Ông quyết định xây một làng trên núi trong cái mát dịu của Lang Bian.

Hai người đó, đứa trẻ mồ côi ở Morges và đứa trẻ mồ côi ở Aurillac, sẽ là bạn của nhau cho tới khi Doumer qua đời.
Bạn lâu năm. Bởi sẽ rất dài và xuất chúng, sự nghiệp của Doumer. Khi đang là Tổng thống, năm 1932, ông bị bắn gục dưới nhiều phát đạn của một người Nga nhập cư, Pavel Gorguloff. Xảy ra rất lâu sau vụ ám sát bằng súng nhằm vào anh trai của Calmette trong phòng làm việc tại trụ sở tờ Le Figaro và vụ ám sát Jaurès trong quán rượu của ông. Những trò chính trị bẩn thỉu ấy…” (Peste et choléra)

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Nha Trang vào thế kỷ 19, nhà thám hiểm David Livingstone, bác sĩ Alexandre Yersin.

Leave A Reply

Your email address will not be published.