Tăng Bạt Hổ có họ tên thật là gì?
Phanxipăng
Tăng Bạt Hổ là nhà yêu nước nổi tiếng của Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, những tư liệu gốc liên quan nhân vật lịch sử này hiện chẳng còn bao lăm.
Đó là nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều vấn đề về thân thế và sự nghiệp của Tăng Bạt Hổ chưa được hậu thế nhìn nhận thống nhất.
Trên cơ sở tham khảo thư tịch, kết hợp tìm hiểu thực địa, bài viết này góp phần minh định tộc danh Tăng tiền bối.
Tăng Bạt Hổ chào đời năm Mậu Ngọ 1858 tại xóm Cửi, làng Ân Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Thuở bé, vừa học chữ nho, vừa luyện võ, Tăng Bạt Hổ sớm nổi tiếng thông minh và giỏi côn quyền. Niên hiệu Tự Đức XXV, năm Ất Hợi 1876 1 , Tăng Bạt Hổ mới 18 tuổi song thay anh đăng lính. Năm Quý Mùi 1883, ông làm xuất đội. Năm Giáp Thân 1884, được thăng chức cai cơ.
Ngày 23 tháng 5 Ất Dậu (1885), kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuất bôn ra Quảng Trị, ban chiếu Cần Vương. Nghe tin nọ, Tăng Bạt Hổ rời quân đội triều đình, tới vùng Kim Sơn để chiêu mộ nghĩa binh, lập chiến khu chống Pháp.
Năm Bính Tuất 1886, đọ sức với lực lượng hùng hậu của Việt gian Nguyễn Thân, Tăng Bạt Hổ bị thương. Lành lặn, ông lại theo Mai Xuân Thưởng chống giặc. Từ năm 1887, ông sang Lào, Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản. Tháng 10-1904, Tăng Bạt Hổ về nước, gia nhập Duy Tân hội, cùng một số đồng chí mà đứng đầu là nhà cách mạng Phan Bội Châu bàn việc thành lập phong trào Đông Du. Năm 1905, đưa cụ Phan sang Nhật, rồi Tăng Bạt Hổ hồi hương.
Tháng chạp 1905, ghé Huế, Tăng Bạt Hổ chẳng may lâm trọng bệnh và mất vào năm ấy.
Nhiều người biết rằng Tăng Bạt Hổ tự Điền Bát Tử, hiệu Sư Triệu, bí danh Nguyễn Ba. Nhưng, họ tên thật của Tăng chí sĩ là gì?
Phải chăng Tăng Bạt Hổ là Lê Thiệu Hổ?
Hồi ký Tự phán của Phan Bội Châu (NXB Anh Minh, Huế, 1956; tr. 90 -91) có phần Được tin cụ Tăng Bạt Hổ tạ thế, làm bảng kỷ niệm lục như vầy: “Tôi trở về Nhật Bản được tin cụ Tăng tạ thế! (…) Mùa xuân năm Bính Ngọ (1906), ông2 tự Bắc Kỳ chạy khắp khoảng Thanh, Nghệ, Tịnh, Bình3, ngày nghỉ đêm đi sức hao lòng mỏi. Mùa đông ấy đến Kinh Huế, toan vào Nam Nghĩa4 đi buôn, vào Nam Kỳ vận động… Nào ngờ ông xanh quá ghen, việc chẳng như lòng, kịp đến nhà cụ Võ ở Yên Hoà5 (Huế) bệnh phát nặng. Cụ Võ vì giữ tai mắt người ngoài, thuê một thuyền con đậu dưới bến, khuya sớm phụng dưỡng ông, mới có vài tuần mà ông đã tạ thế trong thuyền! Than ôi!
Khi tôi xuất dương thật có nhờ ông, còn tôi chưa tầng 5 một phút nào được phụng sự ông. Chí lớn lưng chừng, tuổi trời ngắn ngủi, ông xanh kia độc hại như thế ru!”.
Soạn bài Hồn thiêng
Tăng Bạt Hổ gắn bó với đất Thần kinh in trong sách Văn hoá cố đô (NXB Thuận Hoá, Huế, 1997; tr. 197 – 205), Nguyễn Đắc Xuân ghi lời tường thuật của bà Nữ – nhũ danh Bùi Thị Sâm (1899 – 1979) là người chèo đò một thuở cho cụ Phan Bội Châu – thế này: “Vào một ngày cuối đông, cụ Tăng từ ngoài Bắc vào nhà cụ Võ mới dời từ An Hoà vào Bao Vinh. Sau vài ba ngày hội họp với ba đồng chí khác thì trời làm một trận mưa lụt lớn, nước dâng cao ập vào nhà. Tăng tiền bối tự nhiên phát bệnh dịch tả rất nặng. Trong nhà sẵn thuốc Bắc uống không cầm, thuốc Tây vô phương cứu chữa. Cụ Tăng đã trút hơi thở cuối cùng trước sự hiện diện của quý cụ cử Võ Bá Hạp, Châu Văn Hoè, Võ Đình Long và cụ thân sinh của cụ cử Võ. (…) Thế là cụ cử Võ cùng với các đồng chí đồng sự được sự giúp đỡ bí mật của ông lãnh binh, đem táng thi hài cụ Tăng trên một cái gò cao thuộc ấp Thế Lại Thượng, gần nhà cụ khoá Lê Minh Châu và bà Lê Thị Đàn (tức Ấu Triệu, Đinh phu nhân). Sau đó có ông Lê Nghiểm, người làng Dương Xuân, tiếp giáp với ấp Thế Lại Thượng, xưng là con cháu trong họ, thường năm lo việc tu bổ phần mộ cụ Tăng. (…) Một ngày vào năm 1936, về thăm cụ Võ, cụ Phan có mang một tấm bia nhỏ bằng xi măng cốt sắt. Cụ Phan bảo người nhà cụ Võ xuống khiêng tấm bia lên và nói với cụ Võ: “Phần mộ cụ Tăng lâu nay đắp bằng đất, không có mộ chí, lâu ngày nước mưa xói mòn có thể làm mất dấu tích. Tôi làm tấm bia này để ông đem dựng tại phần mộ cụ Tăng và đắp lại cái mộ bằng xi măng cho đỡ hư hỏng”. Hai người con trai cụ Võ khiêng tấm bia phủ kín vào nhà trong. Hai anh tò mò giở tấm giấy phủ kín mặt bia và thấy bia chỉ khắc vỏn vẹn có 5 chữ: Lê Thiệu Dần chi mộ. Hai người con trai cụ Võ hết sức ngạc nhiên: “Nghe nói dựng bia cho cụ Tăng Bạt Hổ sao ở đây bia lại khắc là Lê Thiệu Dần? Hay là hai anh em khuân lầm một tấm bia khác?”. Hai anh em lân la đến pha trà cho các cụ rồi hỏi: “Chúng cháu e đã khiêng lầm tấm bia, vì hai cháu có lật tấm giấy dán thì thấy đề Lê…”.
Cụ Phan ung dung bảo: “Tên thật của cụ Tăng là Lê Thiệu Hổ, bọn Pháp cũng hiểu rõ tên cụ như thế, chúng nó lại biết thêm cụ có hiệu là Điền Bát Tử nữa. Nếu mộ chí đề tên thật thì sợ phiền luỵ về sau này, nên chúng ta dùng chữ Dần để thay chữ Hổ, vì nghĩa hai chữ này giống nhau, đều có nghĩa là cọp. Chúng ta sẽ tự biết với nhau”.
Năm 1956, cụ Lê Ngọc Nghị, một nhân sĩ đã cùng với một số hậu duệ các bậc tiền bối hợp tác cùng thân hào xã Thế Lại Thượng tổ chức lễ truy điệu tiền bối cách mạng Tăng Bạt Hổ và cải táng hài cốt Tăng tiền bối lên chôn tại khu vườn nhà và lăng mộ Sào Nam Phan Bội Châu trên đỉnh dốc Bến Ngự. Lăng mộ Tăng tiền bối ở ngay phía sau, bên trái lăng mộ Phan Sào Nam như ta còn thấy ngày nay”.
Trên đỉnh dốc Bến Ngự, vườn nhà và lăng mộ Phan Bội Châu hiện toạ lạc ven đường Phan Bội Châu, thành phố Huế. Bước vào cổng, mọi người đều thấy lăng mộ Tăng Bạt Hổ ngay bên tay phải. Tấm bia đá khắc bằng chữ Hán: Điền Bát Tử Tăng Bạt Hổ chí sĩ chi mộ. Bia còn đôi dòng lạc khoản: Sinh tử Quý Hợi niên – Tốt tử Bính Ngọ niên. Rõ ràng, bi ký này được thực hiện về sau, nhưng chưa rõ căn cứ vào tài liệu nào mà lại cho rằng Tăng tiền bối sinh năm Quý Hợi 1863.
Tăng Bạt Hổ chính là Tăng Doãn Văn
Ghé thăm quê hương của Tăng Bạt Hổ tại xóm Cửi, làng Ân Thường, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định, chúng tôi được ông Tăng Doãn Kích đón tiếp. Chúng tôi nêu thắc mắc:
– Tăng Bạt Hổ có họ tên thật là Lê Thiệu Hổ, phải không ạ?
Ông Kích cười:
– Tôi là hậu duệ của chí sĩ Tăng Bạt Hổ đây. Xin thưa ngay rằng dòng dõi này là họ Tăng, chứ không phải họ Lê. Họ tên thật của Tăng Bạt Hổ không phải Lê Thiệu Hổ, mà chính là Tăng Doãn Văn.
Ông Tăng Doãn Kích đưa chúng tôi đi viếng đền thờ Tăng Bạt Hổ – di tích cấp tỉnh, đã được xếp hạng ngày 20-10-2003. Phòng trưng bày ở đền thờ có treo tấm biển đề danh tính các anh em của Tăng Doãn Văn, gồm:
1. Tăng Doãn Khắc
2. Tăng Doãn Hài
3. Tăng Doãn Gia
4. Tăng Doãn Điền
5. Tăng Doãn Văn
Tham khảo kỷ yếu 90 năm sau nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ do Sở Văn hoá Thông tin Bình Định và Viện Khoa học xã hội tại TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 1996, đồng thời đọc thêm một số sách báo liên quan, chúng tôi nhận thấy nhân thân nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ còn lắm chi tiết cần được đầu tư xác minh nghiêm túc, nghiên cứu cẩn thận, tuy nhiên điều này thì có thể khẳng định một cách chắc chắn: chí sĩ Tăng Bạt Hổ có họ tên thật là Tăng Doãn Văn.
____________
1 Có tài liệu lại ghi năm 1875, tài liệu khác lại ghi năm 1872.
2 Ông là Tăng Bạt Hổ.
3 Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tịnh / Tĩnh, Quảng Bình.
4 Quảng Nam và Quảng Nghĩa / Ngãi.
5 Yên Hoà = An Hoà.
6 Tầng = từng.
Nguồn: Thế Giới Mới