Marco Polo và Vương quốc Champa

Huỳnh Duy Lộc

0 478

“Tên Vương quốc Champa là một cái tên có nguồn gốc Ấn Độ giống như tên Kamboja và những cái tên khác có liên quan, có lẽ được lấy theo tên một thành phố cổ và một vương quốc ở lưu vực sông Hằng gần thành phố Bhagalpur” (Marco Polo)

Trong chương “Marco Polo và người Champa” của cuốn sách du khảo “Secrets of Hội An, Vietnam’s Historic Port” (Những bí ẩn của Hội An, cảng lịch sử của Việt Nam), Carol Howland đã viết về chuyến đi qua Vương quốc Champa của nhà du hành Marco Polo:

“Vào năm 1271, khi mới 17 tuổi, Marco Polo đi theo cha anh là Niccolo và chú anh là Maffeo rời Venice. Hốt Tất Liệt đã chinh phục được lãnh địa của nhà Tống ở Trung Quốc vào năm 1260 và năm 1263, lập ra kinh thành Khanbalik, có nghĩa là “kinh thành của Đại hãn” (Bắc Kinh). Ông truyền ngôi lại cho con trai là Ogedai (Oa Khoát Đài) vào năm 1279 và từ trần vào năm 1294. Theo tường thuật của Marco Polo, anh cùng với cha và chú ở lại triều đình của Hốt Tất Liệt 17 năm; vị Đại hãn đã giao cho anh một vài sứ mệnh ngoại giao tới những nơi xa xôi của đế chế Mông Cổ. Khi Hốt Tất Liệt càng ngày càng cao tuổi, cha con Marco Polo sợ rằng sự sủng ái mà Hốt Tất Liệt dành cho họ suốt nhiều năm sẽ gây cho họ nhiều nguy cơ sau khi ông chết nên họ đã nắm ngay lấy cơ hội để trở về Venice bằng đường biển, khi có 3 thượng thư Ba Tư viếng thăm triều đình của Hốt Tất Liệt.

Dường như hoàng hậu Bolgana, vợ của Argon, vị hãn của Ikhan ở Ba Tư và là người cai trị vùng Cận Đông, đã dặn chồng mình trước khi chết là ông ta chỉ nên kết hôn với một phụ nữ cũng mang huyết thống Mông Cổ như bà. Vì vậy, 3 thượng thư mà Marco Polo gọi là Qulatay, Apusca và Coja đã làm sứ giả đến triều đình của Hốt Tất Liệt tìm một người vợ cho vị hãn Argon. Nàng Cocachin xuất thân trong cùng dòng họ của hoàng hậu Bolgana đã được chọn: “Nàng là một trinh nữ 17 tuổi rất xinh đẹp và quyến rũ. Khi đến triều đình, nàng đã ra mắt 3 vị thượng thư và họ nói rằng họ rất thích nàng”. Khi 3 vị thượng thư Ba Tư đã mệt mỏi sau chuyến đi dài ngày bằng đường bộ hay tin cha con Marco Polo trở về Venice bằng đường biển, họ đã khẩn cầu Hốt Tất Liệt cho họ và nàng Cocachin cùng đi với cha con Marco Polo về Ba Tư bằng đường biển vì “chuyến đi dài ngày bằng đường bộ sẽ rất mệt mỏi cho một phụ nữ đài các như Cocachin”.

Trong cuốn du ký nổi tiếng, Marco Polo kể anh đã cùng với cha và chú rời Trung Quốc, trở về Venice vào năm 1292 bằng đường biển ra sao. Anh mô tả 13 chiếc thuyền, mỗi chiếc có 4 cột buồm với 150 thủy thủ đã được tập hợp để thực hiện chuyến đi ra sao. Khi đoàn thuyền sắp sửa lên đường, Hốt Tất Liệt đã trao cho cha con Marco Polo 2 tấm thẻ bài bằng vàng cho phép họ có thể đi qua bất cứ trạm gác nào ở bất cứ nơi nào và luôn được đón tiếp thật trọng thể. Ông cũng trao cho họ những bức thư gởi cho các vua Pháp, Anh và Tây Ban Nha.

Marco Polo kể: “Khi du khách rời Zaiton (Quảng Châu, về sau là Quảng Đông) theo hướng Tây Nam, anh ta sẽ dong thuyền 1. 500 hải lý đi qua một vịnh khá rộng gọi là vịnh Cheynam (Hải Nam), chuyến đi kéo dài 2 tháng. Trong vịnh có nhiều hòn đảo hầu hết đều có cư dân (tức vịnh Hạ Long). Sau khi rời Zaiton và ra khỏi vịnh, du khách sẽ tới một vùng đất gọi là Chamba (Champa), một vùng đất rất phồn thịnh và rất rộng. Người dân của vùng đất này có một vị vua của họ, nói ngôn ngữ riêng của họ và thờ các ngẫu tượng. Mỗi năm, họ triều cống cho Đại hãn Hốt Tất Liệt những con voi và cây lô hội và không có gì khác nữa” (Secrets of Hội An, Carol Howland, tr. 83, 84)

Marco Polo và ghi chép về Vương quốc Champa

Nhà du hành Marco Polo đã sang Vương quốc Champa vào năm 1285 và đã ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trong cuốn du ký của ông. Tập 3, chương V của “Marco Polo du ký” mang tên: “Xứ sở vĩ đại mang tên Chamba (tức Champa)”:

“Bạn phải biết rằng khi rời khỏi cảng Zayton (Quảng Châu, về sau là Quảng Đông) và lái thuyền theo hướng Tây Nam khoảng 1.500 hải lý, bạn sẽ đến một xứ sở được gọi là Chamba, một vương quốc rất giàu có, có vị quốc vương riêng của mình. Dân chúng thờ các ngẫu tượng và triều cống hàng năm cho Đại hãn, cống phẩm gồm voi và không có gì ngoài các thớt voi. Và tôi sẽ kể cho bạn nghe làm cách nào họ đã triều cống như thế.

Chuyện xảy ra vào năm 1278 Công nguyên, Nguyên Thái tổ Hốt Tất Liệt đã phái một vị tướng tên Sagatu (Toa Đô) dẫn một lực lượng kỵ binh và bộ binh hùng hậu sang đánh Vương quốc Chamba, và vị tướng này đã phát động một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn để chống lại nhà vua và xứ sở của ông ta.

Bấy giờ nhà vua tên là Accambale (tức Jaya Indravarman VI, thân phụ của Thái tử Hajirit, về sau là vua Chế Mân) đã là một người cao tuổi và ông cũng không có một lực lượng hùng hậu như Sagatu. Và khi chứng kiến sự tàn phá vương quốc của mình, nhà vua mang nặng nỗi sầu khổ trong lòng. Vì vậy, nhà vua đã ra lệnh cho các sứ giả sẵn sàng và phái họ đến yết kiến hoàng đế của nhà Nguyên. Và các sứ giả này đã trình bày với vị hoàng đế của nhà Nguyên như sau: “Quốc vương xứ Chamba của chúng tôi kính chào ngài như một vị bá chủ và muốn thông báo với ngài rằng nhà vua đã bị ốm đau nhiều năm nay và đã giữ yên bờ cõi từ lâu. Giờ đây, nhà vua sai chúng tôi dến chuyển lời tới ngài rằng nhà vua chúng tôi sẵn lòng làm phiên thuộc của ngài và hàng năm sẽ triều cống ngài số voi mà ngài muốn có. Nhà vua khẩn cầu ngài, với tất cả tấm lòng khoan hòa và khiêm cung, hãy ra lệnh cho ngài Sagatu đình chỉ việc quấy phá và hãy rời khỏi xứ sở của nhà vua. Những sự việc này từ nay trở đi đều tùy thuộc vào quyền quyết định tuyệt đối của ngài và nhà vua của chúng tôi trông chờ quyết định của ngài”.

Khi hoàng đế nhà Nguyên nghe qua lời trần tình của sứ đoàn của nhà vua, ngài đã động lòng thương xót, ra lệnh cho Sagatu dẫn đoàn quân rời khỏi vương quốc Chamba để đi chinh phục những nước khác, và ngay khi mệnh lệnh này đến tai đoàn quân, họ đã lập tức tuân hành. Chính vì vậy, nhà vua đã trở thành phiên thuộc của hoàng đế nhà Nguyên và đã triều cống hàng năm phẩm vật gồm 20 thớt voi to nhất và tốt nhất được tìm thấy trong xứ sở.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy gác qua câu chuyện đó và để cho bạn hay biết một số điều lý thú về vị quốc vương Chamba này.

Bạn phải biết rằng ở vương quốc đó không có người phụ nữ nào được phép kết hôn trước khi nhà vua trông thấy mặt họ. Nếu nhà vua vừa ý thì ông sẽ lấy người phụ nữ ấy; nếu không vừa ý, ông sẽ ban cho nàng một số của hồi môn để nàng đi lấy chồng. Vào năm 1285 Công nguyên, năm mà sứ giả Marco Polo có mặt tại xứ sở đó, nhà vua có 326 người con, trong đó có ít nhất 150 trai tráng khỏe mạnh sẵn sàng cầm vũ khí.

Vương quốc này có rất nhiều voi và có nhiều gỗ trầm hương. Họ cũng có những khu rừng trải rộng trồng loại cây mun màu đen bóng cho gỗ đen tuyền, có thể dùng để chế tạo các quân cờ và cán bút. Nhưng không còn gì để nói nữa, vì thế chúng ta hãy tiếp tục kể sang chuyện khác”.

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Marco Polo với cha và chú ở triều đình của Nguyên Thái tổ Hốt Tất Liệt và Vương quốc Champa

Leave A Reply

Your email address will not be published.