Nghĩ mông về bạn

Võ Phiến

0 915

Hôm nọ, trong lúc một mình thẩn thơ, chợt nhớ vài câu thơ xưa:

“Rượu ngon không có bạn hiền

Không mua không phải không tiền không mua.

Câu thơ nghĩ đắn đo muốn viết” v.v.

Tôi không rành về rượu, cũng không rành về thơ phú gì, chẳng qua trong lúc không có ai bên cạnh để tán gẫu cho khuây khoả, chợt gặp hai tiếng “bạn hiền” sinh động lòng về cái tình bạn đậm đà của cổ nhân.

Cụ Yên Đổ khóc cụ Dương Khuê. Một ông già nhớ một ông bạn già. Nhớ làm cho miệng không uống được rượu, tay không viết ra thơ. A! Cái món bạn già! Cái đó mình thiếu thốn túng bấn lắm. Thuở bé học xong trường làng phải đi trường huyện: xa lũ nhóc trong xóm. Từ trường huyện ra tỉnh: mất bạn trường huyện. Từ tỉnh lẻ đi Huế, đi Sài Gòn múa may đôi ba chục năm: lại hao hớt thêm bao nhiêu bạn hữu. Rồi sang Mỹ ở tuốt…

Bạn bè chưa kịp già — thậm chí lắm kẻ chưa kịp lớn — đã tan tác gần hết.

*

Hôm ấy (chính cái hôm ấy thẩn thơ ấy) chợt thấy chỗ rắc rối của chuyện bạn.

Trong cuốn Từ điển tiếng Việt do 13 học giả cùng biên soạn, bản in năm 1967 do nhà Khoa Học Xã Hội xuất bản tại Hà Nội, thấy “bạn” có hai tiếng. Tiếng thứ nhất có hai nghĩa: Một nghĩa là “người quen biết và thân với mình”; một nghĩa nữa là “vợ chồng”. Tiếng thứ hai có một nghĩa thôi, là “người chèo thuyền”. Nhưng tiếng “bạn” thứ hai bị các soạn giả liệt vào loại tiếng địa phương. Tiếng địa phương chỉ xài ở một số vùng, xin không bàn đến. Riêng lấy làm nghĩ ngợi về tiếng “bạn” dùng chung cả nước.

Mặt khác, mỗi tiếng có loại tiếng đơn có loại tiếng ghép. Ðơn, chỉ độc một tiếng “bạn”. Ghép đôi như “bạn bè”. Ghép thì có khi hai tiếng; có khi ba, bốn tiếng ghép vào nhau. Ghép đôi như bạn “bạn bè”. Ghép nhiều tiếng như “bạn nối khố”, bạn “đồng hội đồng thuyền”…

Trong Từ điển tiếng Việt nói trên loại ghép đôi về tiếng bạn (theo nghĩa thứ nhất), có tất cả 12 từ, loại ghép ba chỉ thấy 2 từ.

Mở xem thử một cuốn nữa: cuốn Tự điển Việt Nam do Lê Văn Ðức và một nhóm văn hữu cùng soạn, được học giả Lê Ngọc Trụ hiệu đính, thấy có phong phú hơn. Ở đây “bạn” có ba tiếng khác nhau: tiếng thứ nhất chỉ người quen thân; tiếng thứ hai chỉ về người trong một ban, một đoàn; tiếng thứ ba chỉ người làm công.

Riêng chú ý vào tiếng “bạn” đầu tiên (nghĩa người quen và thân): Ở đây nhóm Lê Văn Ðức đưa ra 18 từ ghép đôi, còn ghép ba thì tung ra đến 48 từ. Chao ôi! ghép đôi ghép ba cả thảy ngót bảy chục từ. Về món bạn bè, dân tộc ta kết tập dan díu sum vầy đông đảo quá chừng.

Vậy mà rốt cuộc tôi buồn xo: tôi không gặp được cái tiếng muốn tìm. Dĩ nhiên tra vài cuốn từ điển không phải là một công việc “khảo cứu” đáng kể. Dù sao hai pho sách nọ là công trình của mấy chục học giả tên tuổi, học giả từ Nam chí Bắc. Mà cái tôi tìm nào có cao xa gì? Tôi chỉ tìm một tiếng rất phổ thông. Tìm xem chơi thôi. Mục đích tuyệt chẳng có gì đáng nói.

*

Bảy chục món bạn! Ta lắm bạn không ngờ. Ðã lắm, lại kỳ (cục). Không mong có thể hiểu biết tường tận về cái tập thể lớn lao ấy. Chỉ trộm để ý đến tiếng gọi. Tiếng nói thuộc thẩm quyền của loại từ điển, tự điển.

Gọi là “bạn thực”, không kỳ (cục) sao? Tiếng ấy nằm ở một trong hai bộ từ điển nọ. Ăn bám thì cứ nói thẳng là ăn bám; ăn gọi là ăn, việc gì phải gọi “thực”, phải xổ nho cho nó kênh kiệu. Còn ăn bám thì lúc cùng mà gặp cơ hội ai chẳng bám tạm, hà tất phải nêu ra cái tình cách “bạn” cho nó ngỡ ngàng. “Bạn thực”, Trời ơi!

Nội một thứ tiếng Việt, tiền nhân đã ghép được lắm tiếng ngộ nghĩnh: bạn cột chèo, bạn kèo dù, bạn nối khố, bạn làng bẹp… Hà tất phải có một công trình thông thái, cầu kỳ, nửa Hán nửa Việt như “bạn thực”.

Trong khi ấy ở hai bộ từ điển kể trên, vào hôm thơ thẩn nọ, kẻ tan tác bạn bè đã thẫn thờ tìm mãi, không gặp một loại bạn thật gần gũi: “bạn đời”.

“Bạn “đời”, cả hai tiếng cùng là gốc Việt cả, thông dụng cả, hàng ngày kẻ già người trẻ, có học hay không có học, đều xài đều đều. Vì lẽ gì nó không được phép chen vào từ điển?

*

Ghép tiếng phải có lý do. Thinh không, vô cớ, chẳng ai tự dưng làm cho tiếng nói dài thêm, lòng thòng vô ích.

Trong từ “bạn bầy”, tiếng “bầy” thêm cái số lượng. Trong “bạn nhậu”, tiếng “nhậu” làm rõ lý do nối kết của bạn. Trong “bạn thiết”, tiếng “thiết” nhấn mạnh vào mức độ gắn bó. Trong “bạn đồng nghiệp”, đồng tuế”, “đồng viện”, tiếng “đồng” nêu lên mối liên hệ giữa các bạn v.v.

Có những trường hợp ghép tiếng không phải chỉ thêm nghĩa cho tiếng, làm rõ nghĩa thêm. Ðó là những trường hợp tiếng thêm vào lại biến đổi cái nghĩa của tiếng đơn. Biến đổi hẳn.

“Người” và”người ta”, hai từ đều chỉ một loài động vật: con “người”, tức con “người ta”. Thế nhưng tôi là “một người”, tôi không phải là “một người ta”.

Có khi “người ta” không phải là “mình”. (Ví dụ: Chuyện “người ta” đâu phải chuyện “mình” mà “mình” xía vào?). Lại có khi khác “người ta” chính thị là “mình”. Ví dụ” (Cậu bảo bó hồng này không đẹp hả? “Người ta” chọn mãi mới được đấy, cấm cậu phát biểu bậy bạ nhá.)

Lại có những trường hợp tiếng này chỉ chịu ghép với một tiếng kia, một tiếng nào đó thôi; gặp mọi tiếng khác nhất định nó từ chối. Tiếng “nối khố” cặp với tiếng “bạn” rất đắc, mà lại khước từ mọi tiếng khác. Anh em cùng lứa sống bên nhau từ bé tới già không gọi “anh em nối khố”. Không có anh em nối khố, bà con nối khố. Thậm chí khó có thể khoe: “Ðây là người nối khố, kẻ nối khố với tôi”. “Người” với “kẻ” bao trùm chung chung mọi liên hệ, trong đó có thể có luôn bạn bè, thế mà “người” với “kẻ” vẫn không nối khố được với ai. Tiếng “bạn” là lẽ sinh tồn của tiếng nối khố. Trên đời, muốn nối khố chỉ có thể nối được với bạn mà thôi.

*

Trót dông dài là vì không nghĩ ra lý do tại sao “bạn đời” lại lọt ra ngoài từ điển.

Tiếng ấy tầm thường vô vị quá đáng chăng? “Bạn” với “đời”, cả hai đều là tiếng Việt, không có gốc Tây gốc Tàu cao sang: nôm na, xoàng xĩnh quá!

Còn chú ý vào cái nghĩa: Hai tiếng ấy ghép lại để xác định mức lâu dài thì nghĩa ấy sao bằng cái nghĩa của tiếng “bạn trăm năm”. Nghĩa rõ đến thế, đời dài đến thế: Nhất thôi.

Bảo ghép chữ để nhấn mạnh vào tính khắng khít thì liệu “bạn đời” có hơn nổi “bạn sinh tử”? Chú ý vào cái khắng khít tâm tình thì có “bạn tri kỷ”, bạn tâm đầu”; vào cái khắng khít thể xác đã có “bạn chăn gối” v.v…

Tiếng “đời” không có khả năng minh xác rõ ràng, mạnh mẽ. Trái lại, nó cơ hồ có vẻ mông lung, hững hờ, mơ hồ! Ðôi khi nó có thể đưa vào rắc rối tai hại! Chẳng hạn: Bảo “trong đời tôi” thì có nghĩa là suốt chiều dài thời gian của đời tôi. (Thí dụ: Trong đời tôi chưa xảy ra một chuyện kỳ cục như thế bao giờ). Còn bảo”trên đời” lại có nghĩa là trên chiều rộng không gian, trên khắp thế gian. (Thí dụ: Trên đời mấy khi có cây rễ mọc lên trời ngọn đâm xuống đất).

Mặt khác, nếu bảo “bạn đời” là bạn sống đời lâu dài với nhau thì e không ổn: Vợ chồng kẻ thọ người yểu, kẻ nam người nữ, kẻ trong cánh cửa người ngoài quan san, kẻ sách đèn người canh cửi v.v… Ðâu có gắn bó với nhau trăm năm, đâu phải lúc nào cũng cận kề trong gang tấc được, đâu có đồng nghề đồng nghiệp, đồng thân phận…? Tiếng “đời” (trong bạn đời) quả thực mông lung, không kết hợp họ chặt chẽ nồng nàn bằng bao nhiêu tiếng ghép khác.

Có phải vì vậy nó rơi ra ngoài từ điển”? — Vì sao, mặc. Số phận nó, nó chịu vậy. Riêng tôi, tôi mết nó. Tôi nghe nó tưởng vu vơ, mơ hồ, mà lại man mác, mà đằm thắm, mà thấm thía. Cứ thế nó tồn tại, mong nó tồn tại dài lâu hơn tờ sách.

*

Ðến đây, mải miết nói về tiếng “bạn”. Về một tiếng gọi, về cái danh của nó, chưa có một lời về cái thực của nó: Thực ra “bạn đời” có phải là một thứ bạn? chỉ là một thứ bạn?

Bạn, đó là người dưng nước lã: Không có quan hệ thân tộc, không cùng dòng máu. Nói về cái gần, gần nhất với bất cứ người nào cũng là cha với mẹ: song thân, đâu có ai thân hơn. Cùng chăn gối sao bằng cùng máu huyết? Ấy vậy mà đây đó thiên hạ lại xơn xơn tuyên dương kẻ phối ngẫu: Pháp gọi vợ là cái nửa bổ đôi của chính mình (ma moitié). Anh lại vượt lên; người Ăng-lê bảo: đấy là cái nửa tốt nhất của tôi đấy (my better half)! Cha với mẹ nào đã tự bổ mình, chẻ mình ra làm con!

Anh, Pháp ra rít vợ chồng đến thế, vẫn thua Việt Nam. Kẻ phối ngẫu, người Việt kêu nhau là “mình”. Chính mình. Kẻ này chính là người kia, nguyên con, không chẻ không tách gì ra cả. Vợ chồng, tuy hai mà một. Cặp kè với mình, chính thị là mình đấy.

Ðến đây, chợt giật mình thấy đã trượt ra ngoài từ điển! Trượt như thế phải thôi: Mình chỉ lật sách xem chơi không phải xem thiệt. Xem chơi đưa tới nghĩ chơi: Xin đừng ai cho là nghĩ thiệt..

 

Tháng 8 – 2006

VÕ PHIẾN (Nguồn Tiền Vệ)

Link: https://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do;jsessionid=3AB8A5EFD9A995E12103BB2A14517461?action=viewArtwork&artworkId=5886&fbclid=IwAR0w3X_0C8MfTidzP_qhlDQ9257IQ2-BIooRU5_hNYi0Ey5bmWGxR-b9IKg

Leave A Reply

Your email address will not be published.