Nguồn gốc của danh xưng Nam Kỳ và Bắc Kỳ

Huỳnh Duy Lộc

0 603

Đầu thế kỷ XVII, vào thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, khi nước Đại Việt Nam chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, từ Cochinchine được người phương Tây dùng để chỉ Đàng Trong, còn từ Tonkin được dùng để chỉ Đàng Ngoài.

Theo tác giả Lý Đăng Thạnh trong “Lịch sử Đông Dương tập 7- Nước Việt thời Nam – Bắc phân tranh” (1994), thì tên gọi Cochinchine bao gồm hai từ tố là ‘Cochin’ và ‘Chine’, trong đó Cochin có nguồn gốc từ tên gọi sông Koh Chin (កោះជីន), là một đoạn sông của Thủy Chân Lạp thuộc hệ thống sông Mekong (sông Cửu Long), chảy qua nhiều cù lao từ địa phận thành phố Vĩnh Long ngày nay, qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, rồi đổ ra biển Đông tại cửa Koh Chin. Các nhà thám hiểm hàng hải châu Âu vào thế kỷ XV khi đến đồng bằng sông Cửu Long để mua nước ngọt và lương thực có thể đã lấy tên cửa sông Koh Chin và sông Koh Chin của dải đất có cư dân đông đúc nhất đồng bằng sông Cửu Long thời ấy để gọi chung cả vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng Cochin.

Cuối thế kỷ XVII, khi Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào thu phục vùng đồng bằng sông Cửu Long, triều đình Đàng Trong đã gọi sông Koh Chin ở đồng bằng sông Cửu Long theo âm Hán-Việt là Cổ Chiên Giang (鼓栴江), và cửa sông Koh Chin là Cổ Chiên Môn.

Tuy nhiên theo nhiều tác giả, từ “Cochinchine” có thể bắt nguồn từ “Giao Chỉ”, tên cũ của nước Việt Nam thời Hán. Ðến thế kỷ XVI, khi đến Hội An (Faifo) và Cửa Hàn (Ðà Nẵng), các thương nhân người Nhật gọi người dân bản xứ là Coci. Người Bồ Ðào Nha vào buôn bán cũng gọi người dân bản địa là Cochi hay Cochin. Ðể khỏi nhầm với đất Cochin ở Ấn Ðộ, họ thêm chữ Chine thành Cochinchine để cho biết đây là xứ Cochin ở gần Trung Quốc.

Năm 1839, vua Minh Mạng đổi quốc hiệu từ Việt Nam thành Đại Nam và tự xưng là Đại Nam hoàng đế. Ông là người đầu tiên đặt ra danh xưng Bắc Kỳ và Nam Kỳ: năm 1832, Minh Mạng đặt ra danh xưng Nam Kỳ (chữ Hán: 南圻) để gọi lãnh thổ cực Nam của nước Đại Nam, rồi đến năm 1834, ông lại đặt ra danh xưng Bắc Kỳ (chữ Hán: 北圻) trong cuộc cải cách hành chánh để gọi vùng đất từ tỉnh Ninh Bình trở ra phía Bắc của Đại Nam thay cho địa danh Bắc Thành.

Trong thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền thực dân Pháp duy trì tên gọi 3 xứ của Việt Nam có từ trước đó, nhưng áp dụng chế độ riêng biệt với mỗi xứ: xứ thuộc địa (colonie) Nam Kỳ, còn hai xứ bảo hộ (protectorat) là Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Nam Kỳ được chính quyền thực dân Pháp gọi là Cochinchine (từ Cochinchine với nghĩa thu hẹp, chỉ Nam Kỳ chứ không chỉ cả nước Việt Nam như thuở trước). Danh xưng Cochinchine được chính quyền Liên bang Đông Dương của Pháp duy trì cho đến năm 1945 và sau đó được thay bằng tên gọi Nam Bộ.

Quốc gia Việt Nam của Hoàng đế Bảo Đại từ năm 1949 và Việt Nam Cộng hòa từ năm 1954 đã dùng tên gọi Nam phần vốn đã được sử dụng từ năm 1947 để chỉ Nam Kỳ.

Trải qua những biến động của lịch sử, các từ ngữ Nam Kỳ, Bắc Kỳ mang sắc thái tình cảm rõ nét, phần nào thể hiện sự phân biệt vùng miền và sự kỳ thị giữa những cộng đồng dân cư của Việt Nam.

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.