Sáng Tạo Là Chiếc Chìa Khóa Vàng
Nền kinh tế tri thức (Knowledge Economy) đã bắt đầu lui bước nhường xu hướng cho nền kinh tế sáng tạo (Creativity Economy). Ý tưởng và phát kiến chưa bao giờ được xem trọng bằng lúc này. Sự phát triển một quốc gia bây giờ không đơn thuần là đánh giá mũi tên đi lên trong tỉ lệ GPD mà còn ở mức độ đầu tư cho nghiên cứu-phát triển (R&D).
Một tất yếu của sự phát triển
Nhìn khắp lĩnh vực, có thể thấy sáng tạo và đầu tư cho phát kiến đã đem lại màu sắc mới cho cuộc sống như thế nào, từ năng lượng, sinh học, phần mềm đến nhiều ngành công nghiệp khác. Tờ BusinessWeek đã đưa ra bức tranh so sánh cách đây ¾ thế kỷ, khi con người chưa có thuốc kháng sinh hiệu quả, chưa du lịch bằng máy bay, chưa truyền hình màu, chưa máy tính và tất nhiên chưa liên lạc di động. Những cuộc cách mạng liên tục trong công nghiệp đã làm lột xác đời sống hành tinh.
Cụ thể, nhờ hỗ trợ kỹ thuật, công nhân hiện nay đã tung ra xuất lượng nhiều hơn so với cách đây vài thập niên (xuất lượng mỗi giờ công lao động ở Mỹ hiện tăng gần gấp 5 so với cách đây 75 năm và tăng trung bình 2%/năm). Nghiên cứu và ứng dụng là tác nhân đem lại bộ mặt mới cho xã hội, trong đó sáng tạo là điều kiện cần thiết số một. Tại các nước công nghiệp, đầu tư cho R&D đã tăng liên tục. Các công trình nghiên cứu được ấn hành cũng tăng 40% từ năm 1988. Nói theo BusinessWeek, mức độ và con đường của sáng tạo như thế nào sẽ đóng vai trò tiên quyết cho tương lai kinh tế thế giới.
Trong thực tế, một xã hội sáng tạo thậm chí quan trọng cho phát triển hơn cả tỉ lệ vốn đầu tư. Từ năm 1995 đến nay, sự chia sẻ trong xuất lượng quốc gia cho đầu tư doanh nghiệp tại Mỹ đạt trung bình 11,3% – gần tương đương so với hai thập niên trước (thấp hơn so với Nhật). Tuy nhiên, sản lượng Mỹ vẫn bùng nổ, nhờ ứng dụng kỹ thuật mới. Nói cách khác, sáng tạo là chìa khóa của thành công. Hãy thử nhìn lại phát kiến thẻ tín dụng. Được Ngân hàng tập đoàn Hoa Kỳ (Bank of America Corp) tung ra năm 1958, thẻ tín dụng đã làm thay đổi rõ nét bộ mặt sinh hoạt cộng đồng với tính tiện ích của nó (mà đến nay một số nước mới bắt đầu áp dụng!).
Thử nhìn vài công ty tạo ra đột phá nhảy vọt về điển hình của thành công doanh nghiệp, có thể thấy phần lớn bài học thành công đều dựa vào nền tảng sáng tạo. Samsung không là nơi chế ra điện thoại di động nhưng hiện là hãng điện thoại di động linh hoạt nhất thế giới. Samsung cũng không làm giấy khai sinh cho kỹ thuật điện thoại di động CDMA (mà là Qualcomm của Mỹ) nhưng hãng này đã thành công trong việc thương mại hóa CDMA khắp châu Á. Việc Samsung đạt doanh thu gấp đôi kể từ năm 1999 và lợi nhuận tăng 20 lần rõ ràng không chỉ nhờ kỹ thuật tiếp thị mà còn ở sự hấp dẫn của sản phẩm mà điều này chỉ có được nhờ các bộ não sáng tạo trong bộ phận thiết kế. Như Newsweek kết luận, Samsung là công ty số một thế giới hiện nay về sự khai thác hiệu quả cuộc cách mạng kỹ thuật số, dù kỹ thuật số không được khai sinh ở Hàn Quốc mà là Mỹ và Nhật. Newsweek cho biết thêm hiện gần ¼ trong 88.000 công nhân Samsung là lực lượng nghiên cứu (một tỉ lệ cực cao!) với số tiến sĩ là 1.500 người.
Nhà đầu tư Paul Vais thuộc hãng Apax Partners (Mỹ) thậm chí nói rằng “dân Hàn Quốc đang thống trị Trái đất” và rằng Samsung đã áp dụng thành công học thuyết tiến hóa trong sản xuất. Thông thường, các công ty điện tử tiêu dùng – ví dụ Sony – luôn hạn chế tối đa cạnh tranh nội bộ. Tuy nhiên, tại Samsung, người ta hô hào cạnh tranh – càng quyết liệt càng tốt – giữa bốn bộ phận chính (bán dẫn, truyền thông kỹ thuật số, viễn thông và màn hình phẳng). Sự thôi thúc cạnh tranh đã đem đến kết quả ngày càng có nhiều sáng tạo mới.
Sáng tạo hay là chết!
Nền kinh tế sáng tạo là nền kinh tế mà trong đó tính hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Thử xem ví dụ công ty Motion Computing Inc (Texas, Mỹ). Chỉ với 110 nhân viên, Motion Computing hiện là hãng thứ ba thế giới về sản xuất máy vi tính bỏ túi (thị trường mà hãng nghiên cứu IDC dự báo đạt gần 7 tỉ USD trong ba năm nữa), với 25.000 đơn vị sản phẩm (giá 2.000 USD) được tung năm 2003. Tương tự Motion Computing, ITTIAM Systems (được một số chuyên gia thuộc Texas Instruments sáng lập) của Ấn Độ hiện cũng góp mặt vào cuộc chơi kinh tế sáng tạo (sáng tạo đem lại tiền), với 50 khách hàng tại Mỹ, châu Âu và châu Á (máy nghe nhạc-ghi hình ITTIAM, 199 USD, có thể lưu 130 giờ video và hàng ngàn bài hát).
Vài ví dụ vừa kể đã chứng minh chỗ đứng của nền kinh tế sáng tạo trong đời sống đương đại, chuyển từ khuynh hướng nâng cao chất lượng sản phẩm vào thập niên 1980; cơn sốt bùng nổ số lượng sản phẩm vào thập niên 1990; rồi phong trào giảm giá vào cuối thập niên 1990. Ngoài Hàn Quốc, một trong những nước châu Á bắt nhịp thành công làn sóng kinh tế sáng tạo là Singapore. Mixed Reality Lab tại nước này là đại diện tiêu biểu của chính sách đầu tư và khai thác chất xám cho việc khai sinh cái mới một cách hiệu quả. Được Cơ quan kỹ thuật-khoa học quốc phòng Singapore đầu tư, Mixed Reality chuyên nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm điện tử tinh vi. Họ bắt đầu được thế giới chú ý vào năm 2003 khi chỉ trong một ngày đã có thể tung ra máy quét nhiệt với chức năng phát hiện du khách bị sốt cao nhằm ngăn chặn dịch SARS. Các dự án mới của Mixed Reality không chỉ có tính ứng dụng cho dân sự mà còn quân sự.
Nói riêng ở châu Á, cần nhấn mạnh, yếu tố toàn cầu đã góp phần đáng kể cho làn sóng kinh tế sáng tạo. Không ngày càng có nhiều người du học phương Tây, châu Á còn được hưởng lợi từ ưu thế nghiên cứu của các công ty Mỹ. 5 năm qua, hơn 100 công ty Mỹ (General Motors, Boeing, Mobil, Johnson & Johnson, DuPont, Procter & Gamble…) đã dựng trung tâm R&D tại Ấn Độ và Trung Quốc. Phòng lab General Electric (GE) tại Ấn Độ – lớn nhất GE, ngoài phạm vi Mỹ – hiện sử dụng 1.600 nhà nghiên cứu chủ yếu người bản địa. Khuynh hướng này, nếu được tận dụng, sẽ là bước đệm cực tốt cho việc xây nền móng cho kinh tế sáng tạo trong nước.
Kiran Mazumdar-Shaw – chủ tịch công ty hóa sinh Biocon (sản phẩm thuốc giảm cholesterol), người đàn bà giàu nhất Ấn Độ – khẳng định: “Ấn Độ cần đột phá, chuyển từ giai đoạn bắt chước sang giai đoạn R&D mang tính sáng tạo cao”. Hãng A.T. Kearney dự báo số người có thu nhập tương đương 10.000 USD/năm sẽ tăng gấp đôi, tức 2 tỉ người; đồng thời thị trường tiêu dùng có thêm 900 triệu khách hàng mới. Vấn đề là chiến lược như thế nào. Thử trở lại với Samsung. Năm 1994, Samsung dời trung tâm thiết kế từ thị trấn nhỏ Suwon đến Seoul. Trong cùng năm, Samsung thuê hãng thiết kế Mỹ IDEO (số một thế giới) giúp thiết kế màn hình máy tính; và năm sau, Samsung thành lập Phòng thí nghiệm thiết kế cải tiến (IDS) với mục đích đào tạo lực lượng thiết kế trẻ tu nghiệp tại Đại học trung tâm nghệ thuật thiết kế (Art Center College of Design) tại Pasadena-California (một trong những trường dạy thiết kế công nghiệp số một thế giới).
Lực lượng thiết kế Samsung còn được đưa đến Ai Cập, Ấn Độ và các thành phố lớn như Paris, Frankfurt, New York, Washington…, tham quan viện bảo tàng, ghé thăm những biểu tượng kiến trúc hiện đại và thậm chí nghiên cứu di tích cổ. Không dừng tại đó, Samsung khuyến khích kỹ sư trẻ đối mặt thế hệ già. Các nhóm thiết kế (3-5 người) được phép cạnh tranh lẫn nhau và mọi sáng kiến đều được tôn trọng. “Thiết kế tốt là cách quan trọng để tạo ra sự khác biệt giữa chúng tôi và các đối thủ” – phát biểu của tổng giám đốc điều hành Yun. Samsung đã bức phá trong kỹ thuật thiết kế nhờ chiến lược nghiên cứu đa dạng.
Samsung cũng từng gửi chuyên gia thiết kế của họ đến các hãng thời trang thế giới; gặp giới sản xuất mỹ phẩm hoặc các công ty tư vấn thiết kế để không chỉ bắt nhịp với xu hướng thời đại mà còn tạo ra kiểu dáng đặc biệt riêng. Có lần, chuyên gia thiết kế màu Lee Yun Jung đã ăn giầm nằm dề với một nhà thiết kế hàng nội thất Ý. Trong kỷ nguyên mà kỹ thuật điện tử giữa các công ty gần như ngang nhau, thắng thua gần như chỉ quyết định ở phần thiết kế. Bốn năm qua, Samsung đã tăng gấp đôi lực lượng thiết kế, lên 470 người. Từ năm 2000, ngân sách cho thiết kế đã tăng 20-30%/năm. Để nắm bắt xu hướng toàn cầu, Samsung còn lập phòng thiết kế tại Luân Đôn, Los Angeles, San Francisco, Tokyo và Thượng Hải. Samsung là một trong những bằng chứng cho giá trị của nền kinh tế sáng tạo.