Để Đánh Thức Những Khả Năng Tiềm Ẩn
Bạn có thể nhân nhẩm trong tích tắc 147.631.789 với 23.674? Tất nhiên, hầu hết chúng ta đều lắc đầu trước bài toán đơn giản này, khi bị yêu cầu tính nhẩm cực nhanh. Tuy nhiên, theo nhà vật lý Allan Snyder, mọi người đều có thể biến não bộ mình hoạt động nhanh như máy tính…
Lúc mới sinh, Nadia trông bình thường, nhưng khi hai tuổi, bé bắt đầu có những dấu hiệu kỳ lạ. Bé tránh nhìn mọi người và thậm chí không phản ứng khi bị mẹ chọc lét. Bé dường như cũng không nhận ra mẹ. Đến 3 tuổi rưỡi, Nadia bắt đầu cầm bút và vẽ – vẽ, chứ không phải nghệch ngoạc. Chẳng cần ai dạy, cô có thể vẽ con ngựa đang chạy. Thoạt tiên, cô vẽ móng, bờm rồi kế đến bộ yên cương. Sau đó, cô phác họa vài nét và nối kết các điểm… Nadia là trường hợp tiêu biểu của hiện tượng cực hiếm gọi là bác học tự kỷ (autistic savant – AS), thể hiện ở các rối loạn thần kinh nghiêm trọng nhưng phát triển bất thường một số khả năng nhất định. Hiện tượng AS không phải mới. Khắp thế giới, chúng ta từng nghe vô số chuyện về AS – như trường hợp Joseph nổi tiếng khắp nước Mỹ (mà diễn viên Dustin Hoffman từng tiếp cận nghiên cứu cho vai diễn trong phim Rain Man). Joseph có thể trả lời nhanh như máy câu hỏi đại loại: “Số mấy nhân với mấy để được 1.234.567.890?” – “137.174.210 nhân với 9”! Một AS khác, cậu Trevor 6 tuổi, có thể đánh piano thành thục chỉ sau một lần nghe anh mình đàn. Một AS tên Eric có thể nhận ra một nguồn sóng âm với các nguồn âm khác, trong căn phòng ngổn ngang các chiếc loa đang phát cùng lúc…
Thử xem một trường hợp cụ thể. Stephen Wiltshire là tên tuổi mà đến nay đã nổi tiếng thế giới (được trao Huân chương MBE – Member of the Order of the British Empire – năm 2006). Điều khiến kiến trúc sư này lừng danh là khả năng vẽ lại gần như từng chi tiết một cảnh quan mà anh từng xem chỉ một lần. Năm 3 tuổi, Stephen được chẩn đoán bệnh tự kỷ. Năm 5 tuổi, Stephen tỏ ra có thiên khiếu hội họa đặc biệt. Gần như không nói, Stephen chỉ có thể giao tiếp thông qua hình vẽ. Khả năng vẽ và nhớ của Stephen bắt đầu được chú ý khi anh có thể vẽ lại từng chi tiết một khu vực rộng sau khi xem từ… trực thăng. Năm 2005, Stephen vẽ trên vải bố dài hơn 10 m sau 8 ngày quan sát Tokyo từ trực thăng. Khi xem Rome từ trực thăng, Stephen vẽ chính xác cả con số trên những cây cột ở đền Pantheon! Năm 2010, Stephen thực hiện bức toàn cảnh Sydney để gây quỹ cho một tổ chức nghiên cứu tự kỷ tại Úc…
Tương tự Stephen Wiltshire, Daniel Tammet cũng là một trường hợp đặc biệt. Từng là nhân vật trong bộ phim tài liệu Extraordinary People: The Boy with the Incredible Brain chiếu trên Channel 4 (Anh) vào tháng 5-2005, Daniel Tammet có trí nhớ siêu phàm và khả năng làm toán siêu việt. Anh có thể nhớ chuỗi pi dài 22.514 chữ số! Trong quyển Born On A Blue Day, anh viết rằng mình biết 10 ngôn ngữ (Anh, Phần Lan, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Esperanto…); và trong quyển Embracing the Wide Sky, anh viết rằng anh có thể học đàm thoại bằng tiếng Icelandic trong một tuần!…
Trước nay, hầu hết nhà nghiên cứu đều giải thích đơn giản rằng AS xuất phát từ hiện tượng “học cưỡng ép” (compulsive learning). Tuy nhiên, nhà vật lý Allan Snyder – giám đốc Trung tâm trí tuệ thuộc ĐH Sydney và Viện ĐH quốc gia Úc – cho rằng: “Mỗi chúng ta đều có khả năng tiềm tàng cho các kỹ năng như bác học nhưng cỗ máy trí tuệ đó nằm trong tiềm thức trong hầu hết chúng ta”. Snyder tin rằng khả năng siêu việt có thể được kích thích để xuất hiện, bằng cách tác động quá trình xử lý thông tin. Trong hoạt động hàng ngày, chúng ta luôn xử lý mọi thông tin tiếp nhận qua giác quan. Thậm chí đơn giản như việc nhìn cũng cần quá trình xử lý thông tin phức tạp.
Khi ta nhìn vật thể, não bộ lập tức ước lượng khoảng cách bằng cách tính sự khác biệt giữa hai hình ảnh trên mỗi võng mạc (máy tính muốn làm được điều này phải có chương trình viết riêng với bộ nhớ dung lượng lớn và tốc độ cao). Khi ta nhận dạng mặt, não bộ phân tích vô số chi tiết – từ da, mắt, hàm, môi… để cuối cùng có thể kết luận đó là người quen hay không. Tất cả quá trình xử lý vừa kể đều phức tạp và cần vô số phép tính nhưng chúng ta gần như không bao giờ để ý. Theo Snyder, ở những ca AS, lớp trên cùng của quá trình xử lý (giúp tư duy trừu tượng và lập quyết định) đã không tồn tại. Không còn nó, AS có khả năng cực lớn trong việc hồi tưởng hàng loạt chi tiết hay thực hiện các phép tính nhanh như chớp.
Trong vài trường hợp, AS không phải bẩm sinh mà là kết quả của yếu tố khách quan gây ảnh hưởng não. Orlando Serrell không có gì bất thường, cho đến năm 10 tuổi, khi bị quả bóng chày văng trúng đầu. Vài tháng sau, Serrell có khả năng nhớ vô số bảng số xe, lời ca khúc và thậm chí các bản tin dự báo thời tiết. Nhà thần kinh học Bruce Miller thuộc ĐH California-San Francisco cho biết ông từng gặp sự thay đổi đột ngột tương tự ở bệnh nhân bị chứng suy giảm trí tuệ thái dương trán (frontotemporal dementia, FD) – hiện tượng giảm trí nhớ ở những người độ tuổi 50-60. Vài bệnh nhân này bỗng phát triển kỹ năng hội họa và âm nhạc.
Khảo sát não bệnh nhân FD (phát triển đột ngột vài kỹ năng) cho thấy hệ tuần hoàn lẫn hoạt động trao đổi chất tại thùy thái dương trái của họ bỗng làm việc chậm. Do khả năng ngôn ngữ tập trung ở bên trái não nên những người này dần dần mất khả năng đọc, viết và nói (họ cũng không thể nhận dạng mặt). Cùng lúc, bên phải não – nơi hỗ trợ xử lý hình ảnh và không gian – lại được giữ gìn tốt hơn. Đó là lý do tại sao bệnh nhân FD không thể nêu tên vật thể mà họ thấy nhưng có thể vẽ nó đẹp một cách hoàn hảo!
Robyn Young thuộc ĐH Flinders ở Adelaide (Úc) tiến hành cuộc thí nghiệm với 17 đối tượng tình nguyện. Bị ức chế (bằng thiết bị chuyên dụng) các hoạt động thần kinh tại khu vực thái dương trán, nơi hỗ trợ ngôn ngữ và tư duy – giống như ở bệnh nhân FD, các đối tượng trên sau đó được yêu cầu thực hiện vài bài kiểm tra mà người AS thường làm (vẽ, tính lịch và làm toán nhân). 5 trong 17 đối tượng đã bất ngờ phát triển những kỹ năng liên quan mà bình thường họ không thể làm, dù chưa đạt bằng mức kỳ diệu như người AS thật sự. Rõ ràng, bằng cách tác động đến một phần não bộ, người ta có thể kích thích phần còn lại của não thực hiện một số công việc kỹ năng cao.
Dù có thể không bao giờ hiểu hết hay khám phá đầy đủ tại sao người AS có những kỹ năng siêu phàm, công trình nghiên cứu của Allan Snyder hay Robyn Young cũng đem đến một kết luận rằng chúng ta ít nhất có thể học được vài khả năng từ những trường hợp AS. Snyder tin rằng khoa học trong tương lai gần có thể tạo ra các kỹ thuật hỗ trợ để có thể đánh thức một số khả năng tiềm ẩn ở bất kỳ người bình thường nào. Đúng là chỉ khi (được) “động não” – nghĩa đen lẫn bóng, con người mới có thể làm tốt công việc mà họ từng ngại không thể vượt qua nổi.