Tỉnh thành xưa ở Việt Nam: Một vọng gác tiền tiêu của Vịnh Hạ Long- Đảo Bạch Long Vỹ

P.A. Lapicque

0 218

Trích nghiên cứu chưa công bố của P.A. Lapicque

Các chỉ dẫn hàng hải về đảo Bạch Long Vĩ khá khiêm tốn. Các chỉ dẫn đó xếp đảo này vào khu vực nguy hiểm trên đường vào Hải Phòng và cho biết:

“Đảo này nằm giữa vịnh Bắc Kỳ ở tọa độ 20o08 Bắc và 107o43 Đông, một điểm thám sát tốt. Đảo có dạng tam giác, chu vi 7 km. Giữa đảo là một bình nguyên cao 58m, sườn có chỗ dốc đứng, có chỗ cây bao phủ. Cách đảo từ 0,5 tới 0,75 hải lý là những bãi đá ngầm, vì thế muốn cẩn thận nên đi cách đảo khoảng 2 hải lý. Thường thường, có những đàn cá mà từ xa người ta tưởng là sóng bạc đầu”.

Hiện nay, với sự phát triển của máy bay thương mại và sự tinh vi của trang thiết bị hàng hải, mọi hòn đảo nhỏ nhất,bãi đá ngầm, bãi san hô v.v… đều có vai trò quan trọng vì chúng được các phi cơ hay thủy phi cơ sử dụng làm các trạm khí tượng hoặc trạm vô tuyến điện nếu vị trí hoặc địa hình của chúng thuận lợi cho những việc đó.

Vì thế, việc thu thập các thông tin về đảo Bạch Long Vỹ và xác định các thông số về hòn đảo tiền tiêu trong vịnh Hạ Long là một việc rất có ích. Thực vậy đảo Bạch Long Vỹ chỉ cách đảo Lai Tao ở cực Nam Vịnh 38 hải lý, cách đèn biển Norway 42 hải lý, cách cửa sông Hồng 65 hải lý, cách mũi Pillar, điểm cực Tây của đảo Hải Nam, 83 hải lý.

Đảo Bạch Long Vỹ, chữ Tầu có nghĩa là “đuôi rồng trắng”, còn được người An Nam gọi là Vô thuỷ đảo, hay đảo không có nước, và người Tầu gọi là Ma Sheuo Tchap, Mao Xui Chao hay Mao Xứng Chao tùy theo phương ngữ.

Bạch Long Vĩ nằm trong chuỗi khép kín các đảo phải đi tuần tra định kỳ do nhà cầm quyền cao cấp ở Đông Dương quy định: bắt đầu là băng ngang vịnh Hạ Long, tới các đảo Gow Tow (Cô Tô), Bạch Long Vỹ vòng quanh quần đảo Hoàng Sa (Paracels), sau đó vòng lại qua các đảo ven biển Trung Kỳ và kết thúc tại trạm Quan thuế Appowan trên đảo Các Bà.

Viên chủ sự Quan thuế là phái viên hành chính tại trạm Bạch Long Vỹ. Tất cả các thuyền đánh cá của người Tầu trong vịnh Bắc Kỳ phải tới đây đăng ký; các thuyền này cũng buộc phải mua muối trong các cửa hàng của Quan thuế Các Bà mới được phép đánh cá trong vùng biển của Pháp và được bảo đảm an toàn trong các vịnh và đảo của chúng ta.

Phái viên hành chính này, qua trung gian của Công sứ Quảng Yên, giữ hên hệ thường xuyên với trưởng hạt Cô Tô hay Kao Tao, vì Bạch Long Vỹ trực thuộc hạt này về mặt hành chính. Như vậy, Bạch Long Vỹ trực tiếp thuộc quyền quản lý của trưởng hạt Cô Tô. Theo quy định, hàng năm, trưởng hạt Cô Tô phải thực hiện thanh tra Bạch Long Vỹ, viết một biên bản kèm theo báo cáo chi tiết tình hình đảo.

Trên đảo Bạch Long Vỹ, ly-trong (lý trưởng), chức danh do chính quyền Pháp lập ra với nhiệm vụ đứng đầu làng, được phát một lá cờ Pháp và có nhiệm vụ kéo lên khi có tàu bỏ neo ở đảo. Lý trưởng có con dấu đúng với các quyền hạn của ông ta. Mặt khác, các thẻ thuế thân, trong các kỳ tuần tra, được phát cho dân đảo để dễ dàng kiểm soát người và điều tra dân số.

Các văn bản tham khảo để viết lịch sử đảo có rất ít. Tuy nhiên, người ta đã ghi nhận được 25, 30, thậm chí 50 chiếc thuyền buồm đăng ký ở đảo Các Bà hàng năm vẫn ra đánh bắt cá ở vùng biển Bạch Long Vỹ từ tháng chín. Trong mùa gió Đông Bắc, các thuyền tìm được chỗ thả neo tốt ở phía Nam đảo. Tại đây, các thuyền này gặp các thuyền từ đảo Hải Nam tới. Đó là thời kỳ hoạt động trao đổi, mua bán duy nhất trong năm. Do thiếu nước ngọt nên những hoạt động này diễn ra rất khó khăn.

Tình hình cứ diễn ra như vậy cho tới năm 1920, giai đoạn như mô tả ở trên, khi người ta tìm ra nguồn nước và xây dựng giếng tại một điểm ở phía Nam bình nguyên.

Sự kiện này được trưởng hạt Cô Tô báo cáo vào tháng 8- 1921 cho chỉ huy trưởng đội lính cơ (Garde Indigène) ở Quảng yên, kèm theo một lá đơn bằng chữ nho của một người Tầu tên là Hung Lin Xao. Ông này vừa là nông dân vừa là ngư dân ở làng Giáp Nam trên đảo Cô Tô. Trong đơn, ông Xao xin phép được trồng cấy trên mảnh đất thấp của đảo.

Báo cáo cho biết “người Tầu này, nhận là đã tìm ra nguồn nước, muôn khai khẩn chỗ đất quanh nguồn nước. Khu đất ông ta khai phá trồng ngô và khoai lang rất tốt. Ông ta mang theo gia đình và một số người gốc ở đảo Hải Nam. Nhũng người này trước đây hàng năm vẫn tới đảo bắt tôm cua, sò và cá có rất nhiều quanh đảo. Ngoài đánh bắt, họ còn thu mua tất cả cá đánh được trên đảo. Số cá này nếu không bán hết ở Bắc Kỳ sẽ được xuất sang Bắc Hải (Pak Hoi) sau khi có giấy phép xuất khẩu của các văn phòng Quan thuế ven bờ”

Sau báo cáo trên, chính quyền thiết lập những cơ sở lâu dài để tăng cường kiểm soát phần lãnh thố phụ thuộc vào chính quyền bảo hộ. Vì thế, phụ cho các tàu tuần tra của Quan thuế và các thuyền gỗ chạy động cơ ở các đảo Cô Tô, chính quyền trung ương còn quy định các đơn vị của hạm đội phải đăng ký chương trình thăm Bạch Long Vỹ mỗi năm ít nhất một lần.

Dưới đây là một số dữ liệu về hình thể, diện tích v.v… của đảo.

Đảo hình tam giác lệch, trong đó cạnh dài nhất nằm gần theo hướng Bắc Đông Bắc – Tây Nam, dài khoảng 3 km. Chiều cao hạ xuống cạnh dài nhất này khoảng 1,5 km cho ta diện tích toàn đảo khoảng 225 hecta.

Đảo hình như được cấu tạo từ các trầm tích. Cát kết, có ở khắp ven biển, ở dạng tầng có độ nghiêng thường là Đông sang Tây. Theo thời gian, chúng bị cắt theo tầng thăng đứng. Có rất nhiều mảnh san hô được sóng đánh lên bờ và đôi khi tạo thành những cồn dài hàng trăm mét. Trên đảo có những bãi cát rất rộng, trong đó có một bãi chạy từ Đông sang Tây chiếm hết phần phía Nam của đảo, trên có làng.

Các làng.

– Vì lý do thuận tiện và an ninh, ba điểm dân cư nói trên tập trung trong một làng lớn hơn, tức là làng hiện nay, gồm có 75, 80 nóc nhà. Các nhà này lợp rơm, tường trát bùn hoặc những chỗ trú thân đơn giản. Số dân làng giao động quanh con số 200, trong đó có 30 phụ nữ và 60 trẻ em. Các nhà được xây dựng trên những cồn cát ở vách phía tây và tập trung gần một ngôi chùa nhỏ.

Những điểm có nước.

– Đảo được cung cấp nước ngọt bằng ba nguồn là:

Giếng nằm gần làng, cách chỏm đao khoảng 300 m. Lưu lượng giếng này rất nhỏ và cho nước lẫn bùn. Giếng này đã bị bỏ.

Giếng nằm trong vùng đồng lầy, cách làng về phía bắc theo đường chim bay khoảng một cây số. Giếng cho một lưu lượng khá. Nằm sâu trong một thung lung cây cối rậm rạp, giếng nhận nước của tất cả thung lũng và tạo ra một nguồn ngang mặt đất ở phía thượng lưu. Điều này giải thích vì sao các khu đất xung quanh nó lại đẫm nước.

Giếng thử ba nằm cách các đầm lầy khoảng 500 m về phía Bắc. Giếng nằm trong một khu đất bằng phẳng cao hơn các khu đất khác khoảng 5 m. Giếng này cũng cho một lượng nước đáng kể và chất lượng có vẻ tốt.

Như vậy, khu dân cư của đảo có vẻ được cung cấp nước tốt nhưng một vài điểm ở sườn tây thiếu nước. Ngoài ra, sự có mặt của lớp cát kết dưới sâu là dấu hiệu gần như chắc chắn cho thấy sự tồn tại của nước ngọt.

Có một ngôi chùa nhỏ nằm bên bờ biển và cách làng khoảng 500 m thờ Thần Giếng. Thực vậy, ở trong chùa, có một chiếc bia trên ghi dòng chữ Thủy Thang Phúc Thần Vi bằng chữ nho, có nghĩa là bia thờ phúc thần nước giếng. Chùa quay ra biển, mặt trước được che bằng một bức bình phong xây bằng đá. Người ta bố trí một hốc khoét vào tường mặt trước để thờ thần núi. Hốc được trang trí bằng một lá cờ bằng lụa đỏ có hàng chữ Sơn Đầu Đại vương bằng chữ nho.

Trồng trọt và chăn nuôi.

Người ta trồng trọt trên khắp các cồn ở phía đông bình nguyên. Trồng trọt cũng được thực hiện ở chỏm đảo nhưng bao giờ cũng ở phía Đông. Những cuộc khai hoang lớn mới đây nhắm trồng trọt trong tương lai đã gây ra hậu quả là các thực vật tự nhiên của đảo bị tàn phá. Cây trồng chủ yếu trên đảo là khoai lang, loại cây trồng rất tốt trên đất cát giầu các chất hữu cơ. Người ta cũng thấy một số mảnh ruộng nước, các mảnh trồng lạc, rau… và cả cao lương. Diện tích trồng trọt được đánh giá khoảng hai mươi hecta. Những cuộc khai hoang mới cho phép suy ra cư dân trên đảo có ý định mở rộng trồng trọt.

Súc vật trên đảo đặc biệt có bò. Nếu căn cứ theo vết chân bò để lại, có thể suy ra số lượng của chúng khá lớn. Người ta cũng thấy lợn và các loại gia cầm khá phong phú.

Hiện nay còn thiếu những thống kê chính xác về nghề đánh bắt cá. Đây là nghề duy nhất kiếm tốt hiện nay trên đảo, nhưng các thương vụ vẫn không đáng kể do gần như không có dấu hiệu của tiền trên đảo Vì thế các thương vụ phải thực hiện bằng trao đổi tại chỗ. Cá đánh được tiêu thụ tại chỗ hoặc phơi khô dự trừ, nhưng phần lớn được gửi đi Các Bà hoặc đảo Hải Nam. Các loại tôm, cua và sò là mặt hàng buôn bán với vùng ven biển tỉnh Quảng Đông qua sự vận chuyển của các thuyền tới từ tỉnh này.

Về mặt chính trị và hành chính, chính quyền Pháp tại Đông Dương còn lâu mới buông lỏng hòn đảo tí xíu này, mặc dù nó rất nhỏ và khá nghèo.

Trước những sự kiện hiện nay, chính quyền Bắc Kỳ có ý định xây dựng một ngọn đèn biển trên đảo. Thực vậy, rất nhiều báo cáo của các nhà hàng hải chỉ rõ những lợi ích ngọn đèn biển trên đảo sẽ mang lại cho các tàu từ phía Nam ra lẫn các tàu từ Hải Nam tới để vào các cảng của Bắc Kỳ.

Về mặt kinh tế, các doanh nhân Pháp cho biết đã có đơn xin một khu vực mỏ phủ gần hết đảo. Tuy nhiên các kết quả thăm dò vẫn còn thiếu chính xác. Những người chơi thuyền buồm của Câu lạc bộ Hàng hải ở Vịnh Hạ Long, trong một lần tạm dừng ở đảo Bạch Long Vĩ khi đi tuần, đã mang về những ảnh xương thú khá cổ khá nhiều trên đỉnh cao nguyên. Đối với đường hàng không, đặc biệt là đường hàng không từ Đà Nẵng đi Hongkong, Bạch Long Vĩ có thể có vai trò đáng quan tâm vì tất cả cho phép người ta tin rằng có thể xây dựng một bãi đỗ khẩn cấp ở Đông Nam đảo. Chỗ này có kích thước và độ cứng đạt yêu cầu mà thi công lại không tốn kém lắm.

Nguồn Văn Chương Việt

Leave A Reply

Your email address will not be published.