Trần Bích San và “Quá Hải Vân quan”

Huỳnh Duy Lộc

0 231

Trần Bích San sinh năm 1840 ở xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, cha là Phó bảng Trần Đình Khanh (còn gọi là Trần Doãn Đạt). Thuở nhỏ, ông theo học với Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Năm 1864, ông đậu đầu kỳ thi Hương và năm sau đậu đầu kỳ thi Hội và kỳ thi Đình nên được người đương thời gọi là “Tam nguyên Vị Xuyên”.

Trần Bích San được người đời ví với Vương Tăng, một danh sĩ đời Tống ở Trung Quốc. Ông được vua Tự Đức trọng dụng, đổi tên là Trần Hy Tăng. Ông từng được bổ nhiệm làm Tuần phủ Hà Nội rồi đến năm 1870 giữ chức Lễ bộ sự vụ, được cử đi sứ sang Trung Quốc lo việc mở thương cục. Ông ủng hộ những người chống Pháp, phê phán mạnh mẽ những người chủ hòa đầu hàng thực dân Pháp xâm lược. Tháng 6 năm Đinh Mão (1867), Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, ông đã làm bài thơ “Văn Dương nhân bức thủ Vĩnh, An Hà tam tỉnh” với những câu thơ như:

Nam trung bất khả đạo
Di lỗ tối tung hoành
Trực quát tam châu địa
Hà lao nhất thốn binh
Linh Châu thành dĩ một
Tống cảnh hộ thùy quynh…
(Nam trung thôi hết nói
Giặc dữ rất tung hoành
Thẳng chiếm đất ba tỉnh
Không nhọc sức một binh
Thành Linh Châu đã mất
Cửa nước Tống ai canh?)

Năm Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, ông được cử làm tri phủ Thăng Bình rồi đổi đi Ðiện Bàn, thăng án sát Bình Ðịnh. Năm 1868, ông được triệu về kinh sung chức phó chủ khảo và có lỗi nên bị giáng xuống chức tri phủ. Năm 1869, ông lại được vời về kinh để làm quyền Hộ Bộ Sự Vụ, Lễ Bộ Sự Vụ. Năm 1877, ông được thăng chức tham tri bộ Lễ, được vua Tự Đức cử dẫn đầu phái đoàn sang Pháp để tiếp tục nghị hòa và thương lượng về vấn đề Nam Kỳ. Đến thời điểm này, Nam Kỳ bị Pháp xâm chiếm đã 10 năm và quân Pháp tiếp tục gây hấn và chiếm đóng một số nơi ở miền Trung và miền Bắc.

Ngay sau khi được vua Tự Đức cử dẫn đầu phái đoàn đi Pháp để đàm phán, Trần Bích San đã bị dằn vặt trong tâm tư: không nhận nhiệm vụ là chống lại mệnh vua, là bất trung; đi nghị hòa với thực dân Pháp chưa chắc đã thành công. Hơn nữa, nghị hòa là đầu hàng giặc Pháp, sẽ trở thành tội đồ của dân tộc đến muôn đời sau. Sau khi vào triều trở về nhà được một ngày, ông đã uống thuốc độc tự tử để phản đối chủ trương nghị hòa của triều đình nhà Nguyễn.

Ông đã 3 lần đi qua đèo Hải Vân, đi ngang qua Hải Vân quan và có sáng tác bài thơ “Quá Hải Vân quan” * thể hiện tâm thế của kẻ lãng tử đi qua đèo Hải Vân, thấy mình giống như một cánh chim trời phiêu bồng nhìn mọi vật của càn khôn thật bé nhỏ.

QUÁ HẢI VÂN QUAN
Tam niên tam thướng Hải Vân đài,
Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi.
Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt,
Càn khôn chích nhãn tiểu trần ai!
Văn phi sơn thuỷ vô kỳ khí,
Nhân bất phong sương vị lão tài.
Mạc đạo Tần quan chinh lộ hiểm,
Mã đầu hoa tận đới yên khai!
QUA HẢI VÂN QUAN
Ba năm vượt ải đã ba lần
Nhẹ cánh chim trời dạo Hải Vân
Ngắm rộng kiền khôn coi cũng bé
Lên cao nhật nguyệt tưởng đâu gần
Gió sương như búa tài thêm chuốt
Hồ bể làm nghiên bút mới thần
Đầu ngựa rừng hoa chen khói nở
Cười ai kêu hiểm lối sang Tần.
(Vũ Hoàng Chương dịch)

*TS Trần Đức Anh Sơn đã viết về Hải Vân quan trên núi Hải Vân (Hải Vân sơn): “Ải lĩnh là tên cũ của dãy núi ở Tây Nam kinh đô Huế. Xưa kia, trên đỉnh núi có xây một cửa ải nên gọi là Ải lĩnh, nhưng dân gian thường gọi là Ngải lĩnh vì trên núi có mọc nhiều cây ngải. Tương truyền, đến mùa cây ngải nở hoa, gió thổi cánh hoa bay xuống biển, cá ăn được sẽ hóa thành rồng. Năm 1826, vua Minh Mạng cho trùng tu cửa ải, xây làm 2 cửa. Cửa trước có tấm biển đá khắc 3 chữ Hán 雲海關 (Hải Vân quan). Cửa sau cũng có tấm biển đá khắc dòng chữ Hán 天下第一雄關 (Thiên hạ đệ nhất hùng quan). Cũng từ đây người ta quen gọi núi làm ranh giới giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên – Huế là Hải Vân sơn” (Bài thơ ”Ải Lĩnh xuân vân” của chúa Nguyễn Phúc Chu, Huế – Triều Nguyễn: Một cái nhìn).

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.