Trần Kỳ Phương và “The Cham of Vietnam: History, society and art” (Người Chàm ở Việt Nam: Lịch sử, xã hội và nghệ thuật)

Huỳnh Duy Lộc

0 663

Trần Kỳ Phương tên thật là Trần Phương Kỳ, từng là chuyên viên nghiên cứu tại Bảo tàng Chăm (Bảo tàng Điêu khắc Chăm – Đà Nẵng) từ những năm 1976-1998, tham gia trùng tu tại Mỹ Sơn trong những năm 1980. Anh đã tham gia lớp Master Class của Gs. Jan Fontein về chủ đề “Truyền thống kể chuyện trong nền điêu khắc Ấn Độ và Đông Nam Á” tại Leiden, Hà Lan vào năm 1995, tu nghiệp tại Bảo tàng Hội châu Á, New York vào năm 1996-1997, là nghiên cứu sinh của Viện Nghiên cứu Châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore vào năm 2003-2004.

Anh cũng đã tham dự nhiều hội nghị khoa học tổ chức tại nhiều nước và đã công bố nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật Champa trong các kỷ yếu hội nghị và tạp chí chuyên ngành như “Interactions between uplands and lowlands through the riverine exchange network of central Vietnam – A case study in the Thu Bon river valley” (2010); “The Architecture of the Temple-Towers of Ancient Champa (Central Vietnam)” (2009); “The relationship between architecture and sculpture in Cham sacred art of the seventh to the ninth centuries CE” (2008); “The wedding of Sita: a theme from the Ramayana represented on the Tra Kieu pedestal” (2000).

Hiện nay anh đang điều hành dự án “Khảo cổ học xuyên biên giới Campuchia – Lào – Trung Việt Nam: Nghiên cứu xa lộ hoàng gia kết nối Khmer Angkor và Champa”. Vương quốc Champa Champa (tiếng Hán: 林邑 – Lâm Ấp) là vương quốc cổ đại hình thành vào thế kỷ 2 Công nguyên và cáo chung vào thế kỷ 17 Công nguyên, trải dài từ duyên hải miền Trung tới duyên hải miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 18 ở phía Bắc tới mũi Kê Gà, Bình Thuận (còn gọi là Cape Varella) ở phía Nam.

Được hình thành bởi người Chàm, một dân tộc gốc Mã Lai – Đa đảo theo văn hoá Ấn Độ, Vương quốc Champa cuối cùng đã bị người Việt xâm chiếm lãnh thổ và đến lượt mình, người Việt đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Champa. Vương quốc Champa hình thành vào năm 192 Công nguyên vào lúc triều đại nhà Hán ở Trung Quốc sụp đổ, Khu Liên (Cri Mara), viên quan của nhà Hán, đã lập ra vương quốc của chính mình ở nơi gần kinh đô Huế sau này. Cri Mara (Khu Liên) – về sau sẽ là quốc vương đầu tiên của Champa – đã lãnh đạo nhân dân huyện Tượng Lâm (huyện cực Nam của quận Nhật Nam) nổi dậy chống lại ách thống trị của nhà Đông Hán và đã giành được độc lập cho dân tộc Champa vào năm 192 Công nguyên.

Vương quốc của Khu Liên, theo bia Võ Cạnh, tấm bia cổ nhất của Vương quốc Champa được tìm thấy vào nǎm 1885 ở làng Võ Cạnh, cách thành phố Nha Trang 4 km, ít ra cũng vào đến tận xứ Kauthara (Khánh Hoà ngày nay). Nhà nghiên cứu George Maspero viết: “Cri Mara là vị vua đầu tiên trong lịch sử mà ta biết được tên. Con hay cháu ông tự cho mình là thuộc dòng dõi vua Cri Mara đã để lại một bi ký cho tới nay được coi là cổ nhất Champa và cả của Đông Dương. Bia này không đề niên đại nhưng những lý lẽ về cổ tự học hầu như không thể bác bỏ được đã cho phép ta xếp bia đó vào thế kỷ 3 Công nguyên và có thể vào thế kỷ 2. Vua Cri Mara, mà các vua đều coi là vị tổ, là người sáng lập vương triều, có lẽ đã sống trong hay cuối thế kỷ 2. Chính đó là thời mà người Trung Quốc lập ở phía cực Nam đế chế của họ một vương quốc mới. Sau khi đã chinh phục được Nam Việt, năm thứ 3 trước Công nguyên, vua Vũ Đế nhà Hán chia đất của mình thành 9 quận, quận ở phía cực Nam là quận Nhật Nam gồm những tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị ngày nay và có lẽ vào hồi đầu có tỉnh Thừa Thiên. Đó là biên giới cuối cùng của những xứ trên danh nghĩa thần phục Trung Quốc, một vùng nguy hiểm và không thể vào được mà cư dân, theo như lời của người Trung Quốc, còn rất hoang dã, “chỉ biết câu cá và săn bắt, không biết trồng trọt”. Họ không chịu thần phục và thường xuyên nổi dậy, tràn vào các đô thị có quan lại Trung Quốc, triệt hạ, cướp bóc, tàn sát, khi viện binh tới nơi thì họ rút lui, trốn vào rừng sâu. Huyện cực Nam của quận đó là Tượng Lâm, cư dân ở đây rất ngỗ nghịch. Mùa xuân năm 100 Công nguyên, hơn 2.000 người tràn vào các huyện khác của quận, triệt hạ các làng, giết chết các quan lại Trung Quốc và khi họ được tin quân đội tới đánh thì mới rút lui.

Dù rằng lúc ban đầu cư dân là những bộ tộc phải thường xuyên chiến đấu với cư dân những thuộc địa của Trung Quốc ở miền Bắc Việt Nam, vùng đất này đã dần dần chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ, chia làm 4 tiểu quốc đặt tên theo những vùng của Ấn Độ: Amavarati (Quảng Nam); Vijaya (Bình Định); Kauthara (Nha Trang) và Panduranga (Phan Rang). 4 tiểu quốc này có một đội hải thuyền hùng mạnh được dùng để giao thương và cướp phá trên biển. Vào khoảng năm 400 Công nguyên, 4 tiểu quốc Champa được thống nhất dưới sự lãnh đạo của vua Bhadravarman. Để trừng phạt những cuộc tấn công của Champa trên những bờ biển của mình, Trung Quốc đã xua quân xâm chiếm Champa vào năm 446, một lần nữa biến Champa thành phiên thuộc của mình. Mãi đến thế kỷ 6, dưới một triều đại mới, Champa mới chấm dứt sự lệ thuộc vào Trung Quốc, bước vào một thời kỳ độc lập, thịnh vượng, có nhiều thành tựu nghệ thuật. Trung tâm của Vương quốc Champa bắt đầu chuyển từ Bắc vào Nam và đến giữa thế kỷ 8, sử sách của Trung Quốc không còn nhắc tới cái tên Lâm Ấp nữa, mà gọi vương quốc này là Hoàn Vương (環王國) phiên âm theo tiếng Hán của Panduranga (Phan Rang), tên của vùng cực Nam của vương quốc.

Cuối thế kỷ 8, Champa bị xao lãng bởi những cuộc tấn công của những người đến từ đảo Java, nhưng đến thế kỷ 9, người Chàm lại gây áp lực trở lại trên những tỉnh phía Bắc thuộc về Trung Quốc và vùng đất của Đế chế Khmer ở phía Tây. Dưới thời Indravarman II, vị vua đã thiết lập triều đại Indrapura (triều đại thứ 6 trong lịch sử Champa) vào năm 875, kinh đô của vương quốc chuyển trở về tỉnh Amaravati (Quảng Nam) ở phía Bắc, gần thành phố Huế, nhiều cung điện và đền thờ được xây dựng.

Đại Việt gây áp lực trên Champa, buộc người Chàm phải giao vùng đất của tiểu quốc Amavarati vào năm 1000 và vùng đất của tiểu quốc Vijaya vào năm 1069. Harivarman IV, vị vua đã lập ra triều đại Champa thứ 9, đã chống trả được những cuộc tấn công của Đại Việt và Đế chế Khmer, nhưng vào năm 1145, người Khmer dưới sự lãnh đạo của vua Suryavarman II đã xâm chiếm lãnh thổ Champa. 2 năm sau, một vị vua Champa mới là Jaya Harivarman I đã lãnh đạo nhân dân nổi dậy lật đổ sự thống trị của người Khmer, và người kế vị ông đã xua quân đánh phá kinh đô Angkor của Đế chế Khmer vào năm 1177. Tuy nhiên từ năm 1190 đến năm 1220, người Chàm lại rơi dưới ách thống trị của người Khmer. Đến cuối thế kỷ 13, Champa lại bị các vua nhà Trần của Đại Việt tấn công, rồi lại bị quân Mông Cổ xâm lược vào năm 1284.

Đến cuối thế kỷ 15, những cuộc chiến liên miên đã làm cho Champa mất dần lãnh thổ và cuối cùng mất hết vào thế kỷ 17. (Theo Britannica.com) Tác phẩm “The Cham of Vietnam: History, society and art” (Người Chàm ở Việt Nam: Lịch sử, xã hội và nghệ thuật) do Trần Kỳ Phương và Bruce M. Lockhart chủ biên: https://drive.google.com/file/d/1ptJZQ7tSOlAHl9xAAPMuLnOaivygH54T/view?

Ảnh: Nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương và tác phẩm “The Cham of Vietnam: History, society and art” (Người Chàm ở Việt Nam: Lịch sử, xã hội và nghệ thuật)

HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.