THÁP BÀ, HÒN ĐÁ CHỮ
Xem xong các danh thắng trong thành phố, thì lần lượt đi thăm các nơi ngoài thành phố. Tiện đâu xem đó, không phân ranh giới thắng cảnh và cổ tích.
Trước hết nên đi xem Tháp Bà, một nơi xưa cũng thật là xưa, mà đẹp cũng thật là đẹp, một nơi tiêu biểu nhất cho thắng cảnh cổ tích của miền Cát Trắng Dương Xanh.
A) THÁP BÀ
Tức là tháp thờ Bà Thiên Y A Na, tiếng Pháp gọi là Poh Nagar. Tháp xây trên một ngọn đồi trong vùng núi Cù Lao.
Núi cao chừng vài ba chục thước, hình như một chiếc nón lá úp sấp, cây cối tươi xanh. Phía Nam giáp sông Nha Trang, phía Tây và phía Bắc giáp núi và đồng bằng, trước mặt thì làng Cù Lao (Xóm Bóng) và biển Nha Trang.
Tháp gồm có bốn ngọn. Ba ngọn nhỏ một ngọn lớn. Ngọn lớn ở phía Bắc, cao đến 23 thước. Theo nhà khảo cổ Henri Parmentier thì tháp nầy do vua Chiêm Thành là Harivarmah 1er xây vào đầu thế kỷ thứ IX. Còn các ngọn khác thì vào khoảng thế kỷ thứ VII, thứ VIII.
Trong ngọn tháp lớn nhất thờ nữ thần xứ Kaut Hara (Cù Huân) là Poh Nagar (hay Pò Ino Nogar) mà người Việt gọi là Thiên Y A Na.
Tượng nữ thần bằng đá xanh, cao lớn, ngồi xếp bằng trên một bệ cao rộng, cũng bằng đá xanh nguyên khối. Thần có 10 cánh tay. Hai tay đặt trên đầu gối, lòng bàn tay để ngửa. Còn tám tay khác thì giơ lên hình rẻ quạt và mỗi tay cầm một món binh khí, như đoản đao, dáo, ná, tên, v.v… Y phục khắc theo kiểu chúng ta thường thấy ở các tượng đá của Chiêm Thành. Nghĩa là rất đơn giản : đầu đội mão triều thiên, nhọn như mũ vũ nữ Thái Lan thân chỉ che đôi mảnh xiêm y ở hạ thân và ở ngực. Nét chạm trổ cực kỳ tinh vi vừa sắc sảo vừa dịu dàng, trông như người sống. Nhưng rất tiếc là người Việt Nam lấy sơn sơn mặt tượng, rồi vẽ mày vẽ mặt một cách vụng về, lại choàng vào thân náo cẩm bào đội lên đầu một chiếc ngọc miện, hoa hoè loè loẹt, trông như một tượng gỗ, một tượng đất do thợ tay ngang tạc nên. Về mặt mỹ thuật thì bị giảm sút. Nhưng về tinh thần dân tộc thì gia tăng, vì tượng thần đã hoàn toàn Việt Nam hoá, trông vào không còn chút dấu tích gì về Chiêm Thành.
Thiên Y A Na có một sự tích ly kỳ. Truyền rằng :
Xưa kia tại núi Đại An (tức Đại Điền hiện tại) có hai vợ chồng ông tiều đến cất nhà và vỡ rẫy trồng dưa nơi triền núi. Dưa chín thường hay bị mất. Một hôm ông rình, bắt gặp một thiếu nữ trạc chừng chín mười tuổi hái dưa, dồi giỡn dưới trăng. Thấy cô gái dễ thương, ông đem về nuôi. Hai ông bà vốn không có con cái, nên đối với thiếu nữ thương yêu như con ruột.
Một hôm trời mưa lụt lớn, cảnh vật tiêu điều buồn bã, thiếu nữ lấy đá chất thành ba hòn giả sơn và hái hoa lá cắm vào, rồi đứng ngắm làm vui. Cho rằng hành vi của con không hợp với khuê tắc, ông tiều nặng tiếng rầy la. Không ngờ đó là một tiên nữ giáng trần đương nhớ cảnh Bồng Lai. Đã buồn thêm bực ! Nhân thấy khúc kỳ nam theo nước nguồn trôi đến, tiên nữ bèn biến thân vào khúc kỳ, để mặc cho sóng đưa đẩy. Khúc kỳ trôi ra biển cả rồi tấp vào đất Trung Hoa. Mùi hương bay ngào ngạt. Nhân dân địa phương lấy làm lạ, rủ đến xem. Thấy gỗ tốt xúm nhau khiêng, nhưng người đông bao nhiêu cũng không giở nổi.
Thái Tử Bắc Hải nghe tin đồn, tìm đến xem hư thực. Thấy khúc gỗ không lớn lắm, lẽ gì nặng đến nỗi không giở lên. Thái Tử bèn lấy tay nhắt thử. Chàng hết sức lạ lùng vì nhận thấy khúc gỗ nhẹ như tờ giấy ! Bèn đem về cung, trân trọng như một bảo vật.
Một đêm, dưới bóng trăng mờ, Thái Tử thấy có bóng người thấp thoáng nơi để khúc kỳ nam. Nhưng lại gần xem thì tư bề vắng vẻ, bên mình chỉ phảng phất một mùi hương thanh thanh từ khúc kỳ bay ra. Chàng quyết rình xem suốt mấy đêm liền không hề thấy gì khác lạ. Chàng không nản chí. Rồi một hôm, đêm vừa quá nửa, bốn bề im phăng phắc, một giai nhân tuyệt sắc theo ngọn gió hương ngào ngạt, từ trong khúc kỳ nam bước ra. Thái Tử vụt chạy đến ôm choàng. Không biến kịp, giai nhân đành theo Thái Tử về cùng và cho biết rõ lai lịch. Giai nhân xưng là Thiên Y A Na.
Thái Tử vốn đã trưởng thành, nhưng chưa có lứa đôi vì chưa chọn được người xứng ý. Nay thấy A Na xinh đẹp khác thường, bèn tâu cùng phụ hoàng xin cưới làm vợ. Nhà vua sai bói cát hung. Trúng quẻ « đại cát », liền cử lễ thành hôn. Vợ chồng ăn ở với nhau rất tương đắc và sanh được hai con, một trai một gái, trai tên Trí, gái tên Quý, dung mạo khôi ngôi. Thời gian qua trong êm ấm. Nhưng một hôm, lòng quê thúc giục, Thiên Y bồng hai con nhập vào khúc kỳ nam, trở về làng cũ…
Núi Đại An còn đó nhưng vợ chồng ông tiều đã về cõi âm. Thiên Y bèn xây đắp mồ mả cha mẹ nuôi và sửa sang nhà cửa để phụng tự. Thấy dân địa phương còn dã man, bà đem văn minh Trung Hoa ra giáo hoá : dạy cày cấy, dạy kéo vãi dệt sợi… và đặt ra lễ nghi… Từ ấy ruộng nương mở rộng, đời sống của nhân dân mỗi ngày mỗi thêm phú túc phong lưu. Công khai hoá của bà chẳng những ở trong địa phương, mà các vùng lân cận cũng được nhờ. Rồi một năm vào ngày lành tháng tốt, trời quang mây tạnh, một con chim hạc từ trên mây bay xuống, bà cùng hai con lên lưng hạc bay về tiên. Nhân dân địa phương nhớ ơn đức, xây tháp tạc tượng phụng thờ. Và mỗi năm vào ngày bà thăng thiên, tổ chức lễ múa bóng dâng hoa rất long trọng.
Ở Bắc Hải, Thái Tử trông đợi lâu ngày không thấy vợ con trở về, bèn sai một đạo binh dong thuyền sang Đại An tìm kiếm. Khi thuyền đến nơi thì bà đã về Bồng Đảo. Người Bắc Hải ỷ đông, hà hiếp dân địa phương ngờ rằng dân địa phương nói dối, bèn hành hung. Lại không giữ lễ, xúc phạm thần tượng. Nhân dân bèn thắp hương khấn vái. Liền đó gió nổi đá bay, đánh đắm đoàn thuyền của Thái Tử Bắc Hải.
Sự tích nầy, cụ Phan thanh Giản chép lại thành một bài ký và bố chánh sứ tỉnh Khánh Hoà là Nguyễn Quýnh khắc bia dựng phía sau tháp. Nhưng đó là sự tích của người Việt Nam truyền tụng.
Sự tích của người Chiêm Thành khác hẳn :
Poh Nagar là một nữ thần do ánh mây và bọt nước biển biến sanh. Bà sinh ra với một tấm thân cân đối, một khuôn mặt xinh đẹp tuyệt vời và chói rọi hào quang. Bà sinh ra tận ngoài biển khơi. Nước biển dâng cao đưa Bà vào bến Yjatran. Sấm trời và gió hương nổi dậy báo cho muôn loài biết tin Bà giáng thế. Liền đó những khe suối trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống mừng Bà, và núi hạ mình thấp xuống để đón rước Bà. Bà bước lên bờ. Cây cong cành xuống sát đất để tỏ lòng thần phục. Chim muông kéo nhau đến chầu hai bên đàng cái. Và hoa cỏ vươn lên để điểm hương vào bước chân Bà đi.
Đến Yjatran, Bà dùng phép hoá ra cung điện nguy nga, hoá ra trầm hương kỳ nam, các giống gỗ quí và lúa bắp. Để cúng Trời, Bà tung lên mây một hột lúa. Lúa mọc hai cánh trắng như hai mảnh bạch vân, bay ở giữa không trung. Bà lại đốt một phiến trầm hương, khói thơm toả lên cao vút, dỡ hột lúa có cánh về dâng cúng Trời.
Nơi hậu cung Bà có 97 ông chồng. Nhưng chỉ có ông Pô Yan Amo là có uy quyền và được trọng vọng hơn cả. Ba sanh được 38 nữ thần, người nào cũng xinh đẹp. Song chỉ có 3 người được bà ban cho nhiều quyền phép là là Pô Nogar Dara, Rarai Anaih, nữ thần vùng Phan Rang, và Pô Bia Tikuk, nữ thần vùng Phan Thiết.
Sự tích Poh Nagar và sự tích Thiên Y A Na thật khác hẳn nhau. Sự tích của người Chiêm Thành phản ảnh chế độ mẫu hệ của người Chàm ngày trước. Sự tích của người Việt Nam biểu lộ tinh thần dân tộc rất sâu đậm và cho chúng ta thấy người xưa xem nghĩa đồng bào nặng hơn tình gia đình nhiều lắm :
– Bà Poh Nagar hay Thiên Y A Na thờ ở ngọn tháp chính, ở phía Bắc.
– Ngọn thứ hai, ở chính giữa, thờ thần Cri Cambhu. Tháp xây từ thế kỷ thứ VII và trong tháp có tượng bằng vàng khối. Vào cuối thế kỷ thứ VIII, người Mã Lai xâm nhập xứ Kaut Hara, cướp mất tượng vàng và phá huỷ ngọn tháp. Vua Satyavarman xây tháp lại và tạc tượng đá thay tượng vàng. Tượng nhỏ, hiện còn tốt. Người Việt Nam bảo đó là đền thờ Thái Tử Bắc Hải, chồng bà Thiên Y A Na.
– Ngọn thứ ba, ở phía Nam, đứng ngay hàng cùng hai ngọn trước, thờ tượng Linga, biểu hiệu của thần Sandhaka. Người Việt Nam bảo đó là đền thờ ông Tiều, nghĩa phụ bà Thiên Y.
– Ngọn thứ tư, đứng phía sau tháp thờ bà Thiên Y. Trong tháp không có tượng mà chỉ có đế thờ (có lẽ tượng bị thất lạc lúc người Ma Lai vào cướp phá). Tháp nầy thờ thần Ganeca. Người Việt Nam bảo đó là đền thờ Công Chúa Quý.
– Còn hai tháp nữa cũng ở sau lưng dãy tháp trước, không biết rõ thờ vị thần nào của Chiêm Thành, Người Việt Nam bảo đó là đền thờ bà Tiều, nghĩa mẫu của Bà Thiên Y, và hoàng tử Tri. Tháp đã bị hư nát, chỉ còn nền và một số gạch vụn. Bà Tiều đưa về thờ chung cùng ông Tiều ở tháp thứ ba. Hoàng tử đưa về thờ chung cùng Công chúa ở tháp thứ tư.
Phía trước tháp, dưới chân đồi lại có mấy hàng cột cao lớn bằng gạch. Truyền rằng đó là những cột chống vũ đài. Mỗi khi có lễ, người ta dùng ván gác lên trên cột thành một sân gỗ rộng. Vũ nữ và ca công lên ca múa trên sân gỗ. Thần trong tháp ngồi trông ra, nhân dân đứng dưới trông lên, đôi bên trông đều rõ. Nhưng đó là về thời người Chiêm Thành còn làm chủ đất đai. Từ ngày người Việt Nam thay người Chiêm Thành, thì những cuộc ca vũ tổ chức ngay ở trên sân tháp.
Bốn ngọn tháp Cù Lao, theo tên các vị thần, là đền thờ của người Chiêm theo đạo Bà La Môn. Bà Poh Nagar là một biến thân của thần Civa, một trong ba chúa tể vũ trụ của đạo Bà La Môn. Nhưng từ khi Tháp thuộc quyền sở hữu người Việt Nam các thần Bà La Môn nhường ngôi cho các vị thần Việt tịch và bà Chúa Xứ Poh Nagar hiển linh dưới danh hiệu Thiên Y A Na và nhận ân tứ của vua nước Việt. Vua Gia Long phong tặng « Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần » và cắt dân làng Cù Lao ba người sung làm từ phu. Các đời vua sau, đời nào cũng có phong tặng. Người địa phương, ngoài danh hiệu Thiên Y A Na, thường tôn xưng là « A Na Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi » và gọi tắt là bà « Chúa Ngọc ».
°
Sau khi xứ Kaut Hara sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, người Chàm bỏ đi hết, và tuyệt nhiên không bước chân đến tháp Poh Nagar. Gặp những người Chàm ở Phan Rang ra buôn bán ở Nha Trang, hỏi về tháp, họ đáp một cách cụt lủn « không biết » rồi ngó ngơ. Thái độ ấy chứng tỏ rằng họ không ưa nghe tên ấy. Hoặc giả vì tên tháp gợi cảnh diệt vong của giống nòi, hoặc giả họ không phải là người theo đạo Bà La Môn mà là người theo Hồi Giáo. Tháp Chàm bị người Chàm hờ hững !
Trái lại, phần đông người Khánh Hoà và một số đồng bào ở các tỉnh di cư đến, lại gởi trọn niềm tín ngưỡng nơi tháp, nhất là các bà các cô. Ngày rằm và mồng một, người đến lễ bái chật trong chật ngoài. Thời Tiền Chiến, đến ngày vía Bà (ngày 3 tháng 3 âm lịch) nhân dân địa phương tổ chức lễ cúng tế rất long trọng. Ban đêm có lệ múa bóng ở trước sân tháp.
Điệu múa bóng là điệu múa của Chiêm Thành truyền lại. Người múa toàn là con gái. Áo xiêm rực rỡ : đầu đội, người cỗ hoa tươi, kẻ đèn lồng ngũ sắc. Đèn và hoa chồng cao như ngọn tháp. Vũ nữ múa theo điệu đàn điệu trống, đoanh lộn nhịp nhàng dưới ánh đuốc ánh đèn hừng hẫy. Họ múa rất khéo và rất tài. Chẳng những đôi tay đôi chân luôn luôn cử động, vừa dẻo vừa mềm, mà đầu và thân cũng luôn luôn ngửa nghiêng uốn éo theo bước chân nhịp tay, rộn ràng đều đặn. Thế mà đèn và hoa đội trên đầu, không vịn không đỡ mà vẫn không hề lay không hề dịch, dường như có những bàn tay vô hình đỡ nâng. Cảnh tượng vô cùng ngoạn mục. Tổ chức múa Bóng do người ở xóm trước tháp phụ trách. Những vũ nữ phần nhiều là người trong xóm. Trường dạy múa cũng ở trong xóm. Cho nên xóm mệnh danh là Xóm Bóng thuộc làng Cù Lao. Lệ Múa Bóng ngày vía Bà đã bỏ từ thời Bảo Đại, trước đệ nhị thế chiến. Nhân đó có câu hát :
Ai về Xóm Bóng thăm nhà,
Hỏi xem điệu múa dâng Bà còn chăng ?
Thế thường tre lụn còn măng,
Lẽ đâu tham đó bỏ đăng cho đành.
Lệ Múa Bóng tuy bỏ nhưng ngày vía Bà vẫn tổ chức long trọng. Người đến dâng hương xin xăm chật trong chật ngoài. Nhưng không tưng bừng rộn rịp bằng đêm Giao Thừa. Đêm Giao Thừa ở Tháp Bà có thể gọi là kỳ thú. Khách du quan muốn thưởng thức thú vị cho đầy đủ thì đêm tất niên phải dưỡng sức để lúc đồng hồ điểm 12 giờ thì đi bộ sang Tháp. Phải đi bộ mới tận hưởng được những gì đáng hưởng khi trời đất bước vào xuân. Khí trời đương lạnh tự nhiên thấy ấm, một khí ấm đặc biệt, dìu dịu thưng thưng, trong trong lại mát mát. Lại phảng phất một mùi hương thanh thanh : hương trầm, hương kỳ nam từ rừng sâu đưa đến, hay hương nhang hương hoa từ trong nhà trong chùa bay ra ? Tắm mình trong bầu không khí yên lặng, vừa ấm vừa mát, vừa trong vừa thơm, du khách cảm thấy tâm cũng như thân tự nhiên thanh thảnh nhẹ. Bao nhiêu hận thù, bao nhiêu phiền não đều tan sạch. Cõi lòng từ từ mở rộng để đón phút thiêng liêng mới bắt đầu. Cảnh cũng như người đều dũ sạch những bợn trần của năm cũ. Núi non trông biếc thêm, sông biển trông trong thêm. Và những chòm cây muồng hòe ở hai bên đường, những khóm lau khóm dứa ở nơi bãi vắng, đầy đặc cả đom đóm. Có thể nói rằng đom đóm ngự trị cả nước non. Và cũng có thể bảo rằng bao nhiêu sao trên trời đều sa xuống đọng nơi cây cối. Ánh vàng làm chúa tể thay bóng tối đêm ba mươi. Nhìn trước : ánh vàng. Ngoảnh sau : ánh vàng. Trông sang tả : ánh vàng. Ngó sang hữu : cũng ánh vàng. Từ Cầu Hà Ra qua đến Xóm Bóng, du khách có cảm giác đi ngang qua một rừng sao.
Nhưng rừng sao ở đây không đứng yên mà luôn luôn cử động. Hễ vùng nầy sáng thì vùng kia tắt, vùng nầy tắt thì vùng kia liền sáng. Cứ sáng, tắt, tắt, sáng… luân phiên, liên tục, không mau, không chậm, đều đặn, nhịp nhàng.
Quanh đồi Cù Lao và trên những lùm cây ở mé sông cạnh tháp, cũng đầy cả đom đóm. Ánh vàng cũng rực rỡ, dấp dới lung linh. Và trên tầng ánh sáng khi khuất khi hừng, bốn ngọn tháp nửa quyến cây xanh nổi bật lên nền trời cao, uy nghiêm nhưng hiền hậu.
Những ngọn đèn lồng ngũ sắc dăng trên cành cây, những ngọn huyền đăng treo trước sân tháp, chập chờn trong bóng lá, rọi vào cảnh vật, chỗ tỏ chỗ mờ, nơi thưa nơi nhặt, vui vẻ nhưng rụt rè, như cô gái quê mặc áo mới ra chào khách.
Từ dưới chân đồi lên đến sân tháp, người đông như kiến, chen chúc nhau, nối tiếp nhau. Người tuy đông, nhưng không ồn ào lộn xộn. Phần nhiều các bà các cô, dường như lắng lòng mình lại, để lúc dạo vuờn hái lộc, vào tháp xin xăm, dễ cùng thần linh giao cảm.
Trong tháp chật ních người lễ bái. Hương tỏa mịt mù làm mờ cả hàng trăm cây đèn sáp cháy cao ngọn. Những luồng khói thơm tuôn ra cửa, ra nơi lỗ trống trên đỉnh tháp, ngạt ngào trong gió và lưởng vưởng trên đầu cây cao như những làn sương mỏng. Những tiếng chuông tiếng trống trong tháp bay ra, không rền vang như tiếng trống chùa miễu, tiếng chuông nhà thờ, mà vì vách tháp dày, cửa tháp hẹp, nghe mơ hồ phảng phất như có như không.
Những người vào tháp, phần hơi nóng của đèn hương, phần hơi thở của xương thịt, không thể nào ở lâu được năm mươi phút, nếu không có lòng thành kính hộ trì. Riêng những người râm đi bẻ những cành xanh tươi quanh tháp là vui vẻ thảnh thơi. Đàn ông đàn bà, con trai con gái, ai nấy đều hớn hở tươi cười. Nhưng không một tiếng ồn, không một bước mạnh. Đi qua mặt nhau, êm đềm lặng lẽ như bóng mây qua.
Quang cảnh thật là huyền mơ ! Và bầu không khí thiêng liêng bao trùm cả cảnh vật. Đứng trước cảnh có thể gọi là thần tiên ấy, con người dường như trở nên thuần hậu, khoan hòa. Cho nên từ trước đến nay, chưa hề xảy ra những chuyện không tốt không lành mà những nơi đông người thường hay có. Và vì lòng người đã dẹp bớt được tham sân si để hòa mình với cảnh, nên lá xăm, nắm lộc buổi đầu năm rất linh nghiệm. Do đó lòng tín ngưỡng bà Thiên Y A Na gia tăng. Và việc « đi tháp Bà » đêm giao thừa đã thành một cái lệ. Thời Tiền Chiến đã đông, thời Hậu Chiến còn đông gấp bội.
Riêng tiếc, hiện nay xe ô tô, mô tô quá nhiều, nên trên con đường từ Nha Trang sang Xóm Bóng không được yên tịnh như trước. Thời Tiền Chiến, những người giàu có qua tháp chỉ dùng xe tay hoặc xe đạp. Cho nên lòng người có thể giữ được thanh tịnh ngay trong lúc xuống đường. Và cũng rất tiếc lúc nầy đom đóm không sanh sản được nhiều. Không biết vì thời tiết thay đổi, hay vì bột DTT, thuốc diệt trừ sốt rét… đã làm cho giống vật có thứ lửa không nóng, có tấm lòng cẩm tú kia bị tiêu diệt lần lần ? Tuy vậy tiếng ồn ào của xe cộ chỉ làm rộn một khoảng đường đi, chớ không thể phá nổi cảnh thanh tịnh của đêm khuya, vẻ u huyền chung quanh tháp. Và những ánh đèn nê-ông trong sương mờ, trên mặt sóng sòng sóng biển, lung linh phiếu diếu, cũng tạo nên cảnh sắc đầy mộng đầy thơ.
Cho nên, nay cũng như xưa cảnh giao thừa ở Tháp Bà vẫn đông đúc. Những người không thích hái lộc, không thích xin xăm, cũng vui vẻ đến tháp để thưởng thức cảnh trời đất vừa đổi mới. Sanh ý của kiền khôn dường như phát xuất nơi đây. Dường như chỉ nơi đây mới thấy rõ vẻ trinh nguyên của tạo hóa, mới thấy rõ sắc tướng của giao thừa.
B) HÒN ĐÁ CHỮ
Nhưng cảnh thú của giao thừa nơi tháp Bà chỉ dành riêng cho những người ở gần tháp, và những người ở gần tháp mỗi năm chỉ được hưởng có một lần. Chung cho mọi người, và lúc nào cũng thưởng thức được, là bản thân của tháp và phong cảnh chung quanh.
Cách xây tháp Poh Nagar, không khác các tháp khác ở Bình Định, Phan Rang. Cách bài trí cũng tương tợ. Nơi tháp thờ thần Poh Nagar, ngoài thần tượng trong tháp ra, nơi khung cửa bằng đá xanh nguyên khối ở trước tháp, một bức tượng chạm nổi rất linh động. Đó là tượng thần Civa, thần bốn tay, một chân đạp trên đầu một con thú dị hình, một chân đương nhảy múa giữa hai nhạc công thổi địch. Hình chạm, nhưng nhìn vào, chúng ta có cảm giác là mềm dẻo như người vũ nữ bằng da thịt. Những hình tượng nơi các tháp khác nét đẽo gọt chạm trổ có phần thô phác chớ không được tinh vi bằng hình tượng nơi tháp thờ Poh Nagar.
Nhìn qua cách thức xây tháp, nét chạm khắc các tượng đá, chúng ta có thể đoán biết được trình độ nghệ thuật của Chiêm Thành. Còn phong cảnh quanh tháp, ngoài cảnh đẹp của biển khơi, của sông dài, của những ngọn núi ngọn đồi lúp xúp. Còn những cụm đá ở nơi cửa sông Cù trông cũng rất vui mắt.
Có hai cụm nằm gần nhau. Chu vi chừng 100 thước vuông, và cao từ mặt nước trở lên chừng vài ba thước. Trên một tảng đá to lớn nhất có một ngôi miếu nhỏ đứng cạnh một cây gòn khẳn khiu. Trông như một hòn non bộ ở giữa một bể cạn trong vườn cảnh. Đó là Hòn Đá Chữ gọi tắt là Hòn Chữ. Gọi như thế là vì trên đá có chữ, một lối chữ hình như những con nòng nọc nối đuôi nhau, cổ nhân gọi là Khoa Đẩu tự. Lối chữ nầy giống như lối trùng văn khắc ở các nơi bia, nơi cửa tháp Thiên Y. Có lẽ là một lối chữ cổ Chiêm Thành, người Chàm đọc không được, người Ấn Độ đọc không được, đến những người thông thạo cổ tự thế giới, như các nhà khảo cổ Âu Mỹ đã từng đến Nha Trang, đọc cũng không được. Những chữ ấy chắc là của vua quan Chiêm Thành ngày xưa đã khắc với một mục đích gì đó, chớ không phải của du khách cao hứng chơi ngông. Nhưng vì không đọc được nên không biết ý nghĩa như sao. Dấu chữ bị sóng gió mài mòn. Hiện chỉ còn trông lờ mờ trên một vài tảng.
Nguyên lai của mấy cụm đá có nhiều thuyết : Kẻ thì bảo là « trời sanh ». Các nhà khảo cổ ngờ rằng từ trên tháp Thiên Y A Na lăn xuống. Nhưng người địa phương tin rằng đó là những tảng đá đã đánh đắm những chiếc thuyền của bộ hạ Thái Tử Bắc Hải. Người xưa đã chạm chữ vào để làm bia cho những kẻ ỷ thế cậy mạnh biết mà sửa mình. Cảnh trí trông cũng khả ái lắm.
Đứng trên đá nhìn ra bốn mặt, thì phía Đông nước xanh lẫn mây trắng, hữu hạn nhưng vô cùng ; phía Tây con sông Nha Trang như tấm lụa giợn thủy ba, chạy dài ở giữa hai bờ non xanh bãi lục, với cầu Xóm Bóng « vắc vẻo qua sông » ; phía Bắc núi non bàn khúc, màu xanh điểm màu đỏ màu trắng của những dãy nhà Dòng, của những ngọn tháp Bà, của nhà cửa làng Cù Lao, và cầu Bến Cá với những ghe thuyền đông đúc ; phía Nam thành phố Nha Trang ẩn hiện trong bóng cây xanh. Quang cảnh ấy, tuy đã trông thấy khi đứng trên Tháp Bà nhìn xuống. Nhưng vị trí thay đổi, cảnh sắc cũng thay đổi rất nhiều. Một giai nhân trông ở sau lưng đâu có giống khi trông ở trước mặt hay khi trông ở bên hữu bên tả. Và nếu đứng trên Tháp Bà nhìn xuống, người giàu tưởng tượng có thể tưởng mình đương đứng tại Ba Lăng mà nhìn cảnh Động Đình : Hòn Chữ biến thành cảnh « thần tiên bất khả tiếp » có trăm ngàn cung điện bằng vàng, muôn vàn Ngọc nữ ẩn náu, và khách vãng cảnh khoan khoái để mặc cho « tâm tùy hồ thủy cọng du du ». 12
Thời thái bình, khách văn chương thường tổ chức những cuộc ngâm vịnh nơi Hòn Chữ, và họ cũng thường mượn Hòn Chữ để gởi gắm tâm tình :
I.
Ai về Xóm Bóng, Hà Ra,
Đi ngang Hòn Chữ cho ta nhắn lời :
Nhắn ai nuôi chí vá trời,
Lòng trung tạc đá muôn đời còn bia.
II.
Anh đứng Nha Trang,
Trông sang Xóm Bóng,
Sáng trăng lờ mờ lượn sóng lăn tăn.
Gần nhau chưa kịp nói năng,
Bây giờ sông cách biển ngăn ngại ngùng !
Biển sâu con cá vẫy vùng,
Sông sau khôn dễ mượn lòng đưa thư !
Anh nguyền cùng em :
Bao giờ Hòn Chữ bể tư,
Biển Nha Trang cạn nước,
Anh mới từ duyên em.
QUÁCH TẤN (Trích Xứ Trầm Hương)