Xuyên Mỹ – Phá Vỡ Ý Niệm Về Chính Mình
Biết đến Phan Việt từ cuốn Tiếng người, rồi sau đó là Nước Mỹ, nước Mỹ, nhưng phải đến Một mình ở châu Âu và Xuyên Mỹ thì tôi mới thực sự thấy thích tác giả này. Lý do yêu thích là bởi những câu chuyện của Phan Việt được tạo dựng trên nền tảng của những ý tưởng và được xây dựng theo kiểu kết cấu tâm thái. Đọc Phan Việt không dễ, bởi những điều cô viết đôi khi là những dòng chảy tâm thức – một thứ chỉ có thể cảm nhận mà khó có thể diễn đạt lại chính xác bằng lời. Vì vậy, câu chuyện của Phan Việt nếu phải kể lại, sẽ không biết phải kể thế nào, nó chỉ là câu chuyện về một phụ nữ đang giằng co trong lựa chọn bước ra hay ở lại với cuộc hôn nhân của mình.
Xuyên Mỹ sẽ không lôi cuốn đến mức khiến tôi đọc liền một mạch trong mấy tiếng đồng hồ nếu nó chỉ dừng lại ở câu chuyện về một phụ nữ đang vật lộn với những khó khăn trong đời sống hôn nhân. Những gì Phan Việt tự vấn và lựa chọn trong quyết định bước ra khỏi một mối quan hệ cho thấy cô ấy không chấp nhận một cuộc sống đóng băng xúc cảm, cô ấy muốn có một sự gắn kết nhưng là sự gắn kết của những ý tưởng chứ không phải sự ràng buộc của tờ hôn thú và những đứa con.
Như đã nói ở trên, cuốn sách của Phan Việt là cuốn sách của những ý tưởng, và một trong những ý tưởng đẹp đẽ là ý tưởng về việc lựa chọn một nơi nào đó để có thể sống hết ý chí và xúc cảm của mình một cách có ý nghĩa: “Sự thật là trước khi đến đây, tôi không tưởng tượng được mình có thể chuyển xuống Kentucky. Tôi chỉ đi với tâm lý thử cho biết. Nhưng giờ, tôi có thể tưởng tượng mình ở đây, sẽ làm việc với những sinh viên da đen mà tôi chỉ đứng đến ngực và có thể chẳng hiểu gì về văn hóa của họ – và chính họ sẽ dạy thêm cho tôi về nghèo đói, văn hóa và quan hệ con người trong đời sống thực. Tất cả mọi người đều muốn đi các trường lớn, tới thành phố lớn, nhiều tiền, nhiều quan hệ, nhiều thứ giải trí…, ai sẽ ở lại làm việc với những học sinh thiệt thòi hơn? Con người là con người – ở chỗ nào cũng như nhau“.
Phan Việt không nói nhiều về những giấc mơ, nhưng đâu đó trong những trang viết của cô, người đọc vẫn thấy giấc mơ hiển hiện, thấp thoáng, đặc biệt là giấc mơ đầu đời về một chân trời khác ở bên ngoài cái thị xã bé nhỏ – nơi cô sinh ra và lớn lên: “Tôi nhớ những khi tàu qua, những khuôn mặt ngồi bên cửa sổ tàu nhìn chúng tôi với con mắt xa lạ trở thành một ấn tượng khó quên về những cuộc sống ở đâu đó khác bên ngoài thị xã này. Đoạn quốc lộ 1A mà chúng tôi phải đi qua để đến trường luôn là nơi các chuyến xe khách Hà Nội – Lạng Sơn đỗ lại, đổ những đoàn người từ tứ phương tám hướng xuống các quán giải khát và cơm bình dân. Họ nữa, họ cũng gợi mở về những chân trời khác. Nghe thì sáo mòn nhưng quả thật, tôi bắt đầu cái ham muốn ra ngoài thế giới chính từ chỗ này…“. Đọc đến đoạn này, tôi bất giác nhớ đến cậu bé Toto trong bộ phim “Cinema Paradiso”. Có rất nhiều đứa trẻ được sinh ra và lớn lên ở một thị trấn hay làng quê nghèo khó, nhiều đứa cả đời đã không đi ra khỏi ngôi làng của mình, có những đứa may mắn hơn đã nhận thấy, hoặc được ai đó chỉ cho thấy, bên ngoài ngôi làng của mình còn là một thế giới khác rộng lớn hơn, và cái ước muốn đi ra ngoài thế giới được khơi lên từ chính sự nhận biết non nớt đầu đời đó.
Có thể nói, không gian tư duy của Phan Việt được mở rộng một phần nhờ những cuộc trò chuyện và chia sẻ từ những người bạn của cô như Sam, một người đồng tính, như Kat, một bà mẹ trẻ đơn thân. Nhờ Sam, cô nhận ra rằng, “mình có thể tự có định nghĩa gia đình cho mình… có thể gọi bất cứ tổ hợp nào là gia đình miễn là ở đó có tình yêu”. Nhờ Kat, cô hiểu được rằng, trong mọi mối quan hệ, cô đã không biết cách biểu đạt sự giận dữ chính đáng của mình, mà thường lơ nó đi để tránh xung đột như cái cách mà mẹ cô đã làm trong gia đình của bà: “Quả thật, tôi thường cho những người mà tôi yêu quý quá nhiều quyền với tôi mà không nhận ra rằng cho họ quyền như thế cũng là cho họ cơ hội và thói quen lạm dụng quyền lực họ có với mình. Trên thế giới này, rất ít người có đủ trí tuệ và lòng tốt để không lạm dụng quyền lực mà họ có với người khác khi họ có cơ hội. Với phụ nữ, tự tin mà không đi kèm tự tôn thì vẫn là thảm họa. Trí tuệ mà không đi kèm dũng cảm thì vẫn bất hạnh mà thôi“.
Xuyên Mỹ cho thấy ý thức về nữ quyền của phụ nữ Việt Nam còn rất yếu ớt. Những đoạn đối thoại giữa Phan Việt và Kat cho thấy dù đã sống ở Mỹ hơn 10 năm, nhưng Phan Việt vẫn giữ lối tư duy về vai trò xã hội của phụ nữ không khác mấy so với suy nghĩ của những người phụ nữ vẫn đang sống ở cái thị xã nhỏ bé của cô ngày trước, vẫn chưa vượt thoát ra khỏi sự mặc cảm đổ vỡ hôn nhân, coi “ly dị như thể một dạng tiền án tiền sự mà xã hội cần được cảnh báo”. Thoạt đầu, tôi thấy ái ngại cho Phan Việt khi thấy cô chỉ chìm đắm trong “mớ tình cảm bòng bong làm mờ mắt lý trí và hủy diệt mọi thứ, trước hết là hủy diệt chính mình”, nhưng rồi càng đọc tôi càng nhận ra giữa mớ bòng bong xúc cảm đó là những ý tưởng thanh thoát, cao đẹp; bên cạnh những xúc cảm u sầu, tuyệt vọng là những năng lượng tích cực giúp cô trỗi lên mạnh mẽ vào những lúc tưởng như sắp chìm. Đành rằng cuộc vật lộn mà Phan Việt trải qua đầy đau đớn, tổn thương, trầy xước, nhưng trong những đau đớn, tổn thương đó là cái ý thức “mình đang sống”, đang nỗ lực để sống sót, và quan trọng hơn, để sau đó trở nên một con người khác, mạnh mẽ, tự tin, độ lượng hơn và luôn hy vọng. Đúng như tên của tác phẩm bộ ba (trilogy) này: “Bất hạnh là một tài sản”, Phan Việt đã có được một tài sản đáng giá sau những sợ hãi, hoang mang và rạn vỡ niềm tin (kể cả niềm tin vào bản thân). Tài sản đó gồm cả sự bao dung với chính mình, làm hòa với chính mình. Cô đã tha thứ cho mình: “Thức dậy đi, mở mắt ra đi – tôi nói với trái tim tôi và mong nó sẽ tha thứ”. Cái triết lý đơn giản của sự tha thứ là ở chỗ, khi học được cách tha thứ cho người khác và cho chính mình, người ta mới có thể mong cho mình được hạnh phúc: “Đời người thực sự quá ngắn để tiêu phí trong bất hạnh. Tôi muốn anh hạnh phúc – với ai cũng được, nhưng phải hạnh phúc. Tôi cũng muốn tôi hạnh phúc – một mình cũng được, nhưng phải hạnh phúc”.
Văn chương của Phan Việt có vẻ đẹp của ánh sáng nội tâm – một nội tâm vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối và hoang mang. Những điều cô viết ra chân thực, sâu sắc và có khả năng đánh động tâm thức độc giả, nhất là độc giả nữ, khiến họ phải quay lại đối diện chính mình. Cách đan cài ký ức vào thực tại trong câu chuyện của Phan Việt là cách kể chuyện không có gì mới, đó chỉ là một thủ pháp đơn giản để biểu đạt sự giằng co, cảm giác phi lý, chưa thể chấp nhận cái thực tại đang diễn ra, giống như con người ta thường thấy phi lý và không chấp nhận thực tại khi vừa mất một người thân. Lúc đứng trước tòa trong ngày xử ly hôn, cô lại nhớ về cái khoảnh khắc đứng trong tòa thị chính làm lễ kết hôn, khoảnh khắc đó “chỉ có hạnh phúc và sự tin tưởng tuyệt đối rằng chúng tôi sẽ sống với nhau suốt đời”. Dường như cái ký ức tươi đẹp, đầy niềm tin đó không liên quan gì với cái thực tại rối bời, bất định. Phan Việt đã vùng vẫy, quẫy đạp với một sự kiên cường đáng nể để cứu vãn cuộc hôn nhân, nhưng cô cũng đau đớn nhận ra: “Ngay cả khi bạn cố gắng hết sức, với tất cả thiện chí và tình yêu, không phải với ai bạn cũng có thể làm thành một đội cùng về đích trong cuộc sống thực”.
Trong Xuyên Mỹ, bên cạnh cái tư duy lý tính giúp người phụ nữ lựa chọn điều họ thấy cần phải làm và ý thức rõ ràng về điều mình sẽ làm đó, thì tư duy xúc cảm lại khiến họ ngay cả khi đã quyết định lựa chọn, nước mắt vẫn “ngân ngấn mi” bởi một thứ xúc cảm mơ hồ mà lý trí không cách gì hiểu được. Ừ, khóc thì cứ khóc thôi, nhưng khóc không có nghĩa là bỏ cuộc. Khóc và lại tiếp tục bước đi. Sự can trường là ở chỗ đó, và điều khiến cho câu chuyện của Phan Việt trở nên có ý nghĩa cũng là ở chỗ đó. Những trải nghiệm và biến cố trong cuộc đời giúp chúng ta mạnh lên, chúng thậm chí còn phá vỡ “thành trì ý niệm” của chúng ta về con người, cuộc sống và về chính bản thân mình. Nhưng có sao đâu? Phá vỡ cũng là cách để chúng ta được dỡ tung ra thành từng mảnh nhỏ, rồi sau đó ghép lại thành một thực thể hoàn hảo và chắc chắn hơn. Phá vỡ ý niệm về chính mình chỉ là một cách nói khác của việc trở thành một con người khác!
Tác giả gửi Trí Việt News