Thái Văn Kiểm và “Đất Việt trời Nam”

Huỳnh Duy Lộc

0 784

Thái Văn Kiểm sinh ngày 10 tháng 2 năm 1922 tại Huế vào thời kỳ An Nam (xứ Trung kỳ) là xứ bảo hộ của Pháp, giữ nhiều chức vụ trong chính quyền và ngành ngoại giao từ năm 1940 tới năm 1975. Vào thời kỳ Việt Nam là thuộc địa của Pháp, ông làm nhân viên của Cao uỷ Pháp về Đông Dương và vào thời kỳ Quốc gia Việt Nam của Hoàng đế Bảo Đại, ông làm giám đốc Đài phát thanh Huế, Giám đốc Thông tin Trung Việt từ năm 1949 tới năm 1952. Trong lãnh vực hành chánh, ông làm tỉnh trưởng Khánh Hòa, Ninh Thuận (1953-1954) và cũng là thị trưởng Nha Trang.

Sau khi đất nước bị chia cắt vào tháng 7 năm 1954, ông vào Sài gòn làm Phó giám đốc Văn hóa Bộ Giáo dục, Giám đốc Đài phát thanh Sài gòn (1963).

Trong thập niên sau đó, ông bắt đầu hoạt động ngoại giao, phụ trách lãnh vực báo chí và pháp lý. Với tư cách là tuỳ viên văn hoá, ngoại giao và sự vụ, ông được cử vào phái bộ ngoại giao của Việt Nam ở nhiều nơi như Tunis (Tunisie) từ năm 1966 tới năm 1968, Dakar (Sénégal) từ năm 1968 tới năm 1970 và Kinshasa (Congo) từ năm 1974 tới năm 1975.

Ông đã rời Việt Nam để định cư tại Pháp vào năm 1974 trước khi chính quyền Sài gòn sụp đổ. Từ năm 1976 tới năm 1987, ông làm thủ thư ở Trưởng Cao đẳng Mỹ Thuật Paris và vì đã có nhiều đóng góp vào việc quảng bá văn hoá Việt Nam nên được mời tham gia nhiều tổ chức văn hoá như làm Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp Việt (1980), Phó chủ tịch Hội Nghiên cứu văn hoá Đông Dương, Chủ tịch danh dự của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (1984) và Chủ tịch Hội Các nhà văn viết tiếng Pháp (1989).

Ông có 2 bằng tiến sĩ: tiến sĩ Khảo cứu Viễn Đông (1981) và tiến sĩ Văn chương (1989). Khi còn ở trong nước, ông đã cộng tác với các báo và tạp chí: Văn-hóa, Luận-đàm, Đại-học Huế, Bách-khoa, Sáng dội miền Nam, Đời mới, Liên-lạc Á-châu, France-Asie, Sud-Est Asie, Bulletin de la Société des Études Indochinoises (BSEI), Asian Culture. Trong những năm sống ở Pháp, ông đã cộng tác với các báo và tạp chí: Tự Do, Việt Nam Hải-Ngoại, Làng Văn, Độc Lập, Diễn-Đàn Thanh-Niên, Hành-Trình, Cao Niên, Quê Mẹ, Ái-Hữu, Âu-Du…

Ông từ trần ngày 21 tháng 2 năm 2015 ở tuổi 93 tại Sài gòn.

Tác phẩm của Thái Văn Kiểm:

-Thiên phóng sự Thám Hiểm Ðộng Phong Nha, Giải Nhất (Hà Nội : 1942)
-La Princesse Huyên-Trân et l’influence sinochàme sur la musique classique vietnamienne (Saigon : France-Vietnam)
-Un grand poète vietnamien: Hàn Mạc Tử / Một thi hào Việt Nam Hàn: Mặc Tử (Saigon : France-Vietnam, 1950)
-Étude littéraire, philosophique et scientifique du « Kim-Van-kiêu » (Saigon : France-Viêt-Nam, 1951)
-Viêt-Nam, d’Hier et d’Aujourd’hui (Paris-Tanger-Saïgon: Commercial Transworld Editions, 1956).
-Vietnam: Past and Present (Paris-Tanger-Saïgon: Commercial Transworld Editions, 1957).
-Cố-đô Huế (1960) tái bản nhiều lần (Los Alamitos : Xuân Thu, 1991 ; Đà Nẵng, 1994).
-Đất Việt Trời Nam (Saigon : Nxb Nguồn-Sống, 1960).
-Việt-Nam nhân-vật chí vựng biên (avec Hồ Đắc Hàm ; [Saigon]: Nha Văn-Hóa, 1962).
-Réalités Vietnamiennes (Les réalités permanentes) (avec Nguyễn Ngọc Linh, Saigon: Ministère des Affaires Étrangères du Vietnam, 1966, 2e éd. ; 1969, 3e éd.).
-Chỉ nam về Viện Bảo-Tàng quốc-gia Việt-Nam tại Saigon (viết chung với Trương Bá Phát ; Saigon : Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, 1974)
-Seng et gingseng : le destin dans la médicine sino-viêtnamienne (Bruxelles : Éditions Thanh-Long, 1976, réimpression des articles de France Asie (Saigon), no. 83-86 (1953) et 113 (1955)
-Au pays du nénuphar : contes et légendes du Viêt-Nam et d’ailleurs (Sherbrooke, Québec : Coll. Création, 1977)
-Parémiologie vietnamienne : monographie des proverbes vietnamiens (Thèse d’études asiatiques, Paris 7, 1981)
-Gastronomie vietnamienne : éthique et esthétique (Conférence faite à l’Association des Études Indochinoises à Paris le 02/12/84, 10 p.)
-Lexicographie vietnamienne : l’œuvre lexicographique des missionnaires et vietnamisants français et des lettrés français (Thèse de doctorat, Lettres, Paris, 1989, 2 vol.)
-Những nét đan thanh (Glendale, CA: Đại Nam, 1993, 2e éd.)
-Việt Nam Tinh Hoa (San Francisco, CA: Mõ Làng, 1997)
-Việt Nam Gấm Hoa (Toronto: Làng Văn, 1997)
-Việt Nam Anh Hoa (Toronto: Làng Văn, 2000)
-Việt Nam Thăng Hoa (Toronto: Làng Văn, 2005)

Bản pdf tác phẩm “Đất Việt trời Nam”: https://tusachtiengviet.com/…/yf…/dat-viet-troi-nam.pdf

Trong tác phẩm “Đất Việt trời Nam”, Thái Văn Kiểm đã cho biết xuất xứ của địa danh Đà Nẵng: “Đà Nẵng gốc tiếng Chăm: Đà là sông nước, Nẵng là rộng lớn, như vậy Đà Nẵng có nghĩa là con sông rộng lớn. Đồng bào Thượng đọc là Li-Năng, 2 chữ ấy người Trung Hoa gốc Hải Nam đọc là Tounan và cũng có thể Tounan phát sinh Tourane. Trên bản đồ của Alexandre de Rhodes xuất bản năm 1653, ta thấy ghi Chean hay Turon thay vì Tourane. Thành phố Tourane xây dựng ngay trên cửa sông Hàn (cửa Hàn). Dân địa phương có tên là Kẻ Hàn hoặc Kean ghi theo Alexandre de Rhodes đã đặt chân đến nơi này vào tháng giêng năm 1625. Tuy nhiên từ năm 1618, Tourane đã được linh mục Cristofori Borri gọi là Turon và các vị kế tiếp gọi là Turon hay Turan. Thực ra, tên Tourane bắt nguồn ở làng hiện còn tồn tại là Thạc Gián mà viết nhầm là Tu Gián vì hai chữ Thạc và Tu hơi giống nhau. Vì vậy mà Tu Gián đã phát sinh Tourane…” (tr. 18, 19).

HUỲNH DUY LỘC

Ảnh: Học giả Thái Văn Kiểm và một số tác phẩm

Leave A Reply

Your email address will not be published.