Semeru, núi lửa cao nhất Indonesia phun trào nham thạch
TVN
Ngày 4/12, núi lửa Semeru phun trào, tung đám mây tro nóng cao cả dặm lên bầu trời, khiến các nhà chức trách Indonesia phải nâng tình trạng cảnh báo lên mức cao nhất.
Vụ phun trào núi lửa Semeru, ngọn núi cao nhất trên đảo chính Java của Indonesia, đã khiến cư dân sống trong các ngôi làng ở gần đó phải sơ tán.
Người phát ngôn của Trung tâm giảm thiểu rủi ro địa chất và núi lửa của Indonesia (PVMBG) Hendra Gunawan nói với đài truyền hình Kompas TV, mức độ đe dọa núi lửa phun trào gia tăng, “có nghĩa là mối nguy hiểm đe dọa khu vực sinh sống của người dân và hoạt động của núi lửa đã tăng lên”.
“Cơ quan thời tiết Nhật Bản cảnh báo, sóng thần có thể ập đến các đảo Miyako và Yaeyama ở tỉnh Okinawa, phía Nam nước này”, hãng tin Kyodo đưa tin.
Không có thương vong được báo cáo ngay lập tức sau vụ phun trào. Tuy nhiên, ông Gunawan cảnh báo, người dân sống gần đó không đi lại trong vòng 8 km (5 dặm) xung quanh miệng núi lửa do nguy cơ các dòng dung nham trào xuống, sau khi cảnh báo núi lửa được được nâng lên cấp độ 4.
Núi lửa Semeru từng phun trào mạnh hồi tháng 12.2021, khiến 51 người chết tại các ngôi làng bị vùi trong lớp bùn nóng. Hàng trăm người khác bị thương, bị phỏng và chính quyền phải sơ tán hơn 10.000 người, chuyển 2.970 căn nhà ra khỏi vùng nguy hiểm.
Núi lửa Semeru, còn có tên núi lửa Mahameru, đã hoạt động nhiều lần trong vòng 200 năm qua. Indonesia có 129 núi lửa hoạt động, nhiều núi lửa gần các vùng dân cư đông đúc.
Indonesia có hơn 270 triệu dân, gồm hàng ngàn đảo, nằm trong khu vực xảy ra nhiều động đất, do nằm trong “Vành đai lửa Thái Bình Dương” gồm nhiều núi lửa và vệt đứt gãy quanh vùng chậu Thái Bình Dương.