Cảng thị Nước Mặn, cái nôi của chữ quốc ngữ

Huỳnh Duy Lộc

0 1,060
Nước Mặn, cảng thị của phủ Quy Nhơn bên bờ sông Hà Bạc, một nhánh của sông Côn, là một trong 3 cảng thị sầm uất nhất của Đàng Trong vào thế kỷ 16, 17 (3 cảng thị đó là Thanh Hà ở Huế, Hội An ở Quảng Nam và Nước Mặn ở Bình Định). Nước Mặn được coi là cái nôi của chữ quốc ngữ.
Lâu nay người ta vẫn cho rằng chữ quốc ngữ đã ra đời vào thế kỷ 17 tại một làng quê dân dã là làng Thanh Chiêm của tỉnh Quảng Nam và người có vai trò tiên phong là linh mục Francisco de Pina.
Theo 2 nhà nghiên cứu Đinh Trọng Tuyên và Đinh Bá Truyền, “vào đầu thế kỷ 17, một giáo đoàn gồm hơn 20 giáo sĩ Dòng Tên, các linh mục và thầy giảng người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp được phái đến xứ Đàng Trong thay vì Nhật Bản với mục đích truyền đạo Công giáo. Năm 1615, các giáo sĩ tiên phong trong giáo đoàn đã đến Đà Nẵng để tìm cách thiết lập cơ sở truyền đạo. Đến năm 1623, đã có 2 trú sở truyền đạo chính được mở, một tại Hội An và một tại Nước Mặn thuộc Quy Nhơn, và 2 năm sau (1625) thì lập trú sở truyền đạo thứ ba tại dinh trấn Thanh Chiêm…” (Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam, tr. 72, 73)
Francisco de Pina sinh năm 1585 (hoặc năm 1588) tại thành Guarda của Bồ Đào Nha, gia nhập Dòng Tên vào năm 1605 khi đã 20 tuổi, đến xứ Goa của Ấn Độ sống một thời gian trước khi sang Trung Quốc. Năm 1611, ông theo học 3 năm về khoa học xã hội và khoa học tự nhiên và 4 năm về thần học và tiếng Nhật tại Học viện Thánh Phao lô ở Macau. Năm 1617, ông thụ phong linh mục và được cử đến xứ Đàng Trong, làm việc ở trú sở Hội An. Do gặp khó khăn về ngôn ngữ khi giao tiếp với người Việt, ông đã lao vào học tiếng Việt và nhanh chóng trực tiếp nói chuyện với người bản địa. Một thời gian sau, ông đến Nước Mặn (Bình Định) và khi trở lại Hội An đã đến Thanh Chiêm vì, theo lời ông, “nơi đây tiếng Việt rất thuần”. Ông được sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một người Việt mới 16 tuổi có kiến thức uyên bác về chữ Hán, có tên rửa tội là Phê-rô. Từ đó, người ta cho rằng dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam là nơi ra đời của chữ quốc ngữ.
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, “Francisco de Pina sang Đại Việt năm 1617 gặp lúc người ta săn đuổi các thừa sai, Pina được các giáo dân Nhật ở Hội An bảo vệ. Do vậy, trong thời gian này Pina khó có điều kiện tiếp xúc với người Việt và học tiếng Việt, mà phải đến đầu năm sau (1618), khi Trần Đức Hòa, quan trấn thủ Quy Nhơn, ra Hội An đón ông cùng linh mục Buzomi, linh mục Borri và hai thầy Diaz, Augustino về ở tại Nước Mặn thì ông mới có điều kiện học tiếng Việt. Ông ở đây hai năm, sau đó quay trở lại Hội An, Thanh Chiêm và mất đột ngột năm 1625.
Cristoforo Borri sang Việt Nam chỉ ở Nước Mặn từ năm 1618 đến năm 1621 trở về lại Macau.
Cần chú ý rằng: những bản dịch các bản văn Kitô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618, và các học giả dựa trên những tài liệu lưu trử nhận định: phần thiết yếu do công của Pina bởi vì theo thói quen thực hiện các biên bản hàng năm của các tu sĩ Dòng Tên, “linh mục”, tác giả không minh nhiên được nêu tên, nhưng lại ghi rất chi tiết về sự giúp đỡ của một văn nhân Việt Nam trong việc dịch kinh và chuyển mẫu tự La tinh. 3 tu sĩ Dòng Tên bấy giờ có mặt tại cơ sở truyền giáo Pulucambi (Quy Nhơn), lúc công trình này tiến hành là: linh mục Buzomi, linh mục Pina và linh mục Borri. Chúng ta hiểu rằng các công trình được thực hiện dưới sự giám sát của Buzomi, cựu Bề trên cơ sở truyền giáo Đàng Trong và hiện là Bề trên cơ sở địa phương, nhưng những tác nhân chính yếu thực hiện công trình này là linh mục Pina và chàng thanh niên Việt Nam cộng tác với ông.
Như vậy, Hội An là điểm xuất phát truyền giáo buổi đầu, lập giáo đoàn tại Nước Mặn và Nước Mặn là thí điểm truyền giáo tiên khởi do cha Buzomi, cha Pina và Borri đảm nhiệm. Cha Bề trên Buzomi và hai linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri là những giáo sĩ Dòng Tên đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ quốc ngữ, thời gian đầu đến Việt Nam sống, hoạt động truyền giáo và học tập, nghiên cứu, phiên âm chữ quốc ngữ đều ở Nước Mặn. Do đó, có thể coi Nước Mặn là nơi phôi thai, điểm khởi nguyên chữ quốc ngữ”.
Bải tham luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang tại Hội thảo “Bình Định với chữ quốc ngữ” (ngày 13.1.2016): https://gpquinhon.org/…/nuoc-man-noi-phoi-thai-chu-quoc…
Ảnh: Bản đồ năm 1653 của Alexandre de Rhodes với các địa danh Pulocambi (Quy Nhơn) và Haifo (Hoài Phố, Faifo, tức Hội An), Đài tưởng niệm các linh mục Dòng Tên ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định và lễ hội đô thị Nước Mặn
HUỲNH DUY LỘC

Leave A Reply

Your email address will not be published.