Sử gia K.W.Taylor (Keith Weller Taylor) đã ghi chép về chúa Nguyễn Hoàng: “Phong trào phục hưng triều Lê được khởi xướng bởi Nguyễn Kim, con trai của Nguyễn Hoàng Dụ. Năm 1529, sau khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi của vua Lê, Nguyễn Kim đã dẫn những người trong gia đình và thuộc hạ sang Ai Lao thần phục vua Photisarath (trị vì từ năm 1520 tới năm 1548) mà Vương quốc Lan Xang ở Luang Prabang và Vientiane tại lưu vực sông Cửu Long đang cường thịnh. Vua Photisarath đã nhận Nguyễn Kim làm chư hầu và giao cho ông lãnh địa ở Sam Nua, đầu nguồn của hai con sông Ma và sông Chu chảy xuống vùng Thanh Hoá của Đại Việt trước khi đổ ra biển Đông. Mạc Đăng Dung đã tiêu diệt những kẻ trung thành với vua Lê khởi loạn ở Thanh Hoá vào năm 1530 và năm 1531, nhưng những người còn sống sót đã sang Ai Lao lánh nạn và được Nguyễn Kim cưu mang. Năm 1533, Nguyễn Kim tôn Lê Duy Ninh, người con trai 18 tuổi của Lê Ý, lên làm vua. Vua Photisarath cũng công nhận việc này, giúp Nguyễn Kim về tài chánh và cử sứ bộ sang triều đình nhà Minh tố cáo Mạc Đăng Dung là kẻ tiếm ngôi của vua Lê, yêu cầu hoàng đế nhà Minh giúp khôi phục nhà Lê.
Một trong những người theo Nguyễn Kim trên cao nguyên Ai Lao là Trịnh Kiểm, một người ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, không xa Tây Đô. Nguyễn Kim đã nhận ra ngay Trịnh Kiểm là một nhà chỉ huy quân sự có tài, đã gả con gái của mình là Ngọc Bảo cho viên dũng tướng trẻ tuổi.
Năm 1545, sau khi Nguyễn Kim bị hàng tướng Dương Chấp Nhất của nhà Mạc đầu độc, Trịnh Kiểm trở thành thủ lĩnh của phe tôn phù vua Lê. Trịnh Kiểm đã gây ra cái chết bí ẩn của Nguyễn Uông, con trai lớn của Nguyễn Kim. Nguyễn Hoàng, người con trai kế của Nguyễn Kim, đã nghe theo lời khuyên của Nguyễn Ư Dĩ, anh trai của mẹ ông, giả điên để tránh cặp mắt ngờ vực của Trịnh Kiểm. Vào năm 1546, Trịnh Kiểm đã chiếm được tất cả những tỉnh ở phía Nam Thanh Hoá và tình hình đã diễn biến theo chiều hướng thuận lợi cho ông sau khi con cháu Mạc Đăng Dung lao đầu vào cuộc chiến tranh giành ngôi vua.
Về sau, việc tham khảo ý kiến của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được đưa ra như một lý do để lý giải việc giải quyết một vấn đề triểu đại. Mẹ Nguyễn Hoàng là người ở vùng gần quê hương của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo câu chuyện này, vì lo cho tương lai của con trai, bà sai người đến tham khảo ý kiến của Nguyễn Bỉnh Khiêm và ông đã khuyên con trai bà nên vượt qua Đèo Ngang, đi về phương Nam. Vào năm 1558, chị của Nguyễn Hoàng là Ngọc Bảo thuyết phục chồng bà là Trịnh Kiểm phong Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên sau này. Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa cùng với người cậu và cũng là cố vấn của ông là Nguyễn Ư Dĩ cùng với nhiều người trong gia tộc và thuộc hạ, lập dinh trấn gần tỉnh Quảng Trị ngày nay, khởi sự cơ đồ của dòng họ ông ở phương Nam. Trong thực tế, việc Trịnh Kiểm xin vua Lê phong cho Nguyễn Hoàng làm trấn thủ Thuận Hóa là một giải pháp hiển nhiên cho vấn đề khó xử đối với ông là phải làm gì với người em vợ của mình. Nguyễn Hoàng là người đứng đầu gia tộc họ Nguyễn, có được sự trung thành của nhiều người ở Thanh Hóa. Hơn nữa, dư đảng của nhà Mạc ngày càng quấy phá duyên hải phía Nam và Nguyễn Hoàng có thể giữ được phần lãnh thổ này cho vua Lê. Suốt những thập niên sau đó, cán cân lực lượng lúc thì nghiêng về phía Trịnh Kiểm, lúc thì nghiêng về phía Mạc Kính Diễn…
Khi hay tin Trịnh Kiểm đau yếu, vào năm 1569, Nguyễn Hoàng đã đi từ Thuận Hóa ra Thanh Hóa để bày tỏ lòng trung thành với chúa Trịnh và tái khẳng định sự liên minh chống nhà Mạc. Theo lời tường thuật của những người đương thời, em vợ và anh rể đã vui vẻ khi gặp lại nhau. Trước khi trở về phương Nam vào đầu năm 1570, Nguyễn Hoàng được phong thêm chức trấn thủ Quảng Nam, từ đó có được quyền hạn trên toàn bộ lãnh thổ phía Nam. Trịnh Kiểm từ trần chỉ vài ngày sau khi Nguyễn Hoàng rời Thanh Hóa…
Khi Trịnh Tùng, con trai Trịnh Kiểm, loan báo việc khôi phục nhà Lê ở Đông Kinh (Thăng Long) vào mùa hè năm 1593, Nguyễn Hoàng phải ra Đông Kinh để bày tỏ lòng trung thành với vua Lê, và ông cũng mang theo binh lính để giữ vững sự ổn định ở đồng bằng sông Hồng. Ông dẫn quân lính tham gia các trận chiến, cho các khẩu đại bác phá tan tường thành của quân nhà Mạc và giành nhiều chiến thắng, buộc Mạc Kính Cung phải rời khỏi vùng đồng bằng Bắc bộ để ẩn náu ở vùng rừng núi Lạng Sơn…
Một vấn đề lại đặt ra với Trịnh Tùng là phải làm gì với người cậu của mình và lãnh thổ của ông ở phương Nam. Trịnh Tùng muốn giữ Nguyễn Hoàng ở gần mình để dễ giám sát và kiểm soát lãnh thổ phía Nam. Tuy nhiên Nguyễn Hoàng lại nôn nóng muốn trở về phương Nam mà không làm đổ vỡ quan hệ với cháu ông. Giữa mùa hè năm 1600, 3 vị tướng của Trịnh Tùng ở hạ lưu sông Hồng, phía Nam Đông Kinh đã khởi loạn. Nguyễn Hoàng đã xin vua Lê cho ông đem quân đi đánh dẹp quân khởi loạn và vua Lê đã chấp thuận ngay. Nguyễn Hoàng cho đốt doanh trại của mình, vượt qua hàng ngũ của những kẻ khởi loạn, ra bờ biển, lên thuyền trở về Thuận Hóa. Các nhà viết sử của họ Trịnh tin rằng Nguyễn Hoàng đã xúi giục các tướng của Trịnh Tùng khởi loạn để ông có cớ trở về Thuận Hóa. Không có bằng chứng rõ ràng nào về việc này nhưng chắc chắn là ông đã có liên lạc với những tướng khởi loạn vì họ đóng quân đúng trên con đường ông cần đi qua để rời đồng bằng sông Hồng, trở về Thuận Hóa. Nguyễn Hoàng cũng làm nhiều việc để quan hệ giữa ông và cháu ông không đổ vỡ. Ông để lại Đông Kinh một người con trai và một người cháu nội làm con tin và gả một người con gái cho Trịnh Tráng, con trai của Trịnh Tùng. Cả Trịnh Tùng và Nguyễn Hoàng đều không muốn gây chiến với nhau. Trịnh Tùng còn phải đối phó với quân Mạc, còn Nguyễn Hoàng cần có thời gian để tổ chức lãnh thổ của ông ở phương Nam trước khi từ trần…” (A history of the Vietnamese, tr. 414, 415, 419, 420).
GS Hà Văn Tấn đã nói về việc chúa Nguyễn Hoàng cho xây chùa Thiên Mụ ở Huế: “Ngay từ lúc mới vào trấn thủ đất Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê (nay ở xã Hương Long, Huế) năm 1601. Năm sau, Nguyễn Hoàng đã đến đây lập đàn chay và làm lễ bố thí trong ngày hội Vu Lan. Ông đã cho dựng chùa Sùng Hoa ở xã Chiêm Ân, huyện Phú Vang… “ (Chùa Việt Nam).
TS Trần Đức Anh Sơn kể tường tận về việc lập chùa Thiên Mụ ở Huế: “Vào năm 1601, nhân cuộc tuần du phương Nam, Đoan Quốc Công đã dừng vó ngựa bên dòng Kim Trà (1) xanh biếc của Hóa châu. “Đại Nam nhất thống chí” cho hay Nguyễn Hoàng đã đi về phía Tây “đến xã Hà Khê, nay là xã An Ninh, thấy đồng bằng nổi đất cao như hình con rồng, ngoảnh đầu trông lại, phía trước trông ra sông cái (tức sông Kim Trà), phía sau liền với hồ, phong cảnh đẹp tốt, nhân hỏi người địa phương, họ nói gò này rất thiêng. Tương truyền, ngày trước có người trông thấy một bà già mặc áo đỏ quần xanh, ngồi trên gò nói: “Phải có chân chúa đến dựng chùa ở đây mà thu góp khí thiêng để giữ long mạch”. Nói xong thì biến mất nên gọi là núi Thiên Mụ. Chúa thượng bèn dựng chùa, gọi là chùa Thiên Mụ”. Ấy là năm 1601” (Chùa Thiên Mụ, đại danh lam xứ Huế, Trần Đức Anh Sơn).
GS Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự và Phạm Ngọc Long ghi chép về chùa Thiên Mụ: “Chùa nằm trên đồi Hà Khê, bên tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Đây là ngôi chùa cổ nhất của xứ Huế. Tên Thiên Mụ (có nghĩa “Bà già người Trời”) gắn liền với một truyền thuyết: Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, có một bà già tóc bạc phơ, áo đỏ quần xanh, ngồi trên đỉnh đồi nói rằng: “Sẽ có một vị chân chúa dựng chùa thờ Phật ở đây, để tụ khí thiêng sông núi, làm cho mạch nước lâu bền”. Chúa Nguyễn Hoàng cả mừng, đã dựng chùa ở đây năm 1601, gọi là chùa Thiên Mụ. Nhưng sách “Ô Châu Cận Lục” của Dương Văn An, ở thế kỷ XVI, đã nhắc đến chùa Thiên Mụ. Như vậy, có thể Nguyễn Hoàng đã cho xây dựng lại một ngôi chùa đã có từ trước.
Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần lại trùng tu chùa. Năm 1710, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông có đường kính 1,4m, cao 2,5m. Đây là quả chuông lớn nhất ở Huế, hiện còn tại chùa. Năm 1714, Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng thêm nhiều nhà trong chùa và cho dựng một tấm bia cao 2,6m, rộng 1,2m, đặt trên lưng một con rùa bằng cẩm thạch. Chúa còn cho người sang Trung Quốc mua kinh Đại Tạng về cất giữ tại chùa. Cuối thế kỷ XVIII, chùa bị tàn phá nặng nề. Đến triều Nguyễn, vua Gia Long, năm 1815, và vua Minh Mạng, năm 1831, đã cho sửa sang lại chùa. Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây ngoài cửa Nghi Môn một ngôi tháp bát giác, gọi là tháp Từ Nhân, sau đổi tên thành tháp Phước Duyên. Trước tháp, vua Thiệu Trị cho xây đình Hương Nguyện. Hai bên có hai nhà bia đặt hai tấm bia khắc năm 1846, ghi lại việc dựng tháp Phước Duyên và đình Hương Nguyện, cùng với các bài thơ của Thiệu Trị. Trận bão lớn năm Giáp Thìn (1904) làm chùa bị hư hại, đình Hương Nguyện cũng đổ sập. Năm 1907, vua Thành Thái cho xây dựng lại, nhưng chùa không còn được to như trước. Ngày nay, đến thăm chùa Thiên Mụ, sau khi bước lên nhiều bậc thềm, chúng ta đến sân có ngôi tháp Phước Duyên xây gạch, 7 tầng cao 21,27m, dựng nàm 1844. Đình Hương Nguyện đã đổ, chỉ còn dấu vết bộ móng bằng đá xanh. Hai bên có hai nhà tứ giác, đặt hai tấm bia đời Thiệu Trị. Lùi vào phía trong, là hai nhà lục giác, một nhà để bia, một nhà để quả chuông đúc đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Qua cửa Nghi Môn, chúng ta đến Đại Hùng bửu điện (điện Phật), điện Di Lặc và điện Quan Âm. Trong điện Phật có nhiều tượng đẹp, đáng chú ý là tượng Phật Câu Lưu Tồn. Phía sau là nhà trai, nhà khách, vườn hoa, và cuối cùng là vườn thông đẹp tĩnh mịch”. (Chùa Việt Nam).
—–
(1) Sông Kim Trà vào đầu thế kỷ 17 chính là sông Hương ngày nay. Vì sao sông Kim Trà lại đổi tên thành sông Hương? Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, trong bài viết “Giá trị của sông Hương” đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 11 (54) năm 2006, cho biết: “Xưa nay, người ta thường gọi tên một con sông bằng tên của vùng đất mà nó chảy qua. Vào thời kỳ lịch sử nói trên, khi vùng đất ấy còn mang tên là huyện Kim Trà thì con sông chúng ta đang nói đến được gọi là sông Kim Trà. Sau đó, khi tên huyện đổi thành Hương Trà thì tên sông cũng đổi theo: sông Hương Trà”. Phan Thuận An đã dẫn lời tác giả Nguyễn Hữu Đính trong bài “Sông Hương đã có tên ấy từ bao giờ” trên tạp chí Sông Hương số 1, tháng 6.1983: “Từ sông Hương Trà đến sông Hương chỉ còn một bước vì trong ngôn ngữ, bất cứ ngôn ngữ nước nào, dân gian thường hay rút gọn”.
Sách ”Đại Nam thực lục” cũng chép: “Vào ngày Bính Thân tháng 7 năm Tân Dậu (8.1801), “vua (Gia Long) đi Quảng Bình… Thuyền ngự khởi hành từ sông Hương, tức là sông Hương Trà…”)
HUỲNH DUY LỘC